Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,463,588 lượt

Duyên đá

Về già. Cũng như bao người khác, ba tôi chọn thiên nhiên hoa cỏ nhàn nhã vui sống. Mỗi ngày, mặt trời phía xa xa chưa kịp lấp ló, đã thấy ba tôi cần mẫn xách những xô nước mát trong trĩu nặng đôi bờ vai xương xẩu tưới lên những tia sống khỏe, mớm yêu cho từng khóm cây, chậu cảnh vườn nhà.

Ông không quên tỉa tót tỉ mỉ cho những nhánh cong đêm qua thấm sương tua tủa tứ phía. Nâng niu những búp măng mới nhú, hệt cái cách ông chăm sóc cho tôi thuở còn bé. Hình ảnh của ba bao năm xa quê vẫn đậm trong tôi ký ức yên ả ấy. 

Cho đến một ngày. Tôi về thăm nhà. Thú chơi cây cảnh của ba bị xẻ nửa. Tôi bắt đầu thấy ba say sưa bên những hòn đá vô tri vô giác (ấy là tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của đá). Những viên đá đen tuyền, mang những dáng dấp hình thù đến kỳ lạ được ba tôi “hạ sơn” một cách ngoạn mục. Vẫn nồng ấm nơi ánh nhìn của một người cha, ba bảo tôi có cảm nhận gì về “vườn đá tí hon” của ba không (?). Trời ạ! Cảm nhận làm sao nổi khi khối óc tôi toàn chứa những con chữ muôn màu muôn vẻ chỉ dành chờ đến hẹn là mài văn, viết báo, xướng thơ… cho người khác thụ hưởng thi phẩm (dù tôi chưa phải là người nổi tiếng đến độ nhắc tới tên, tức thì ai cũng biết!).

 

 

Một hôm. Tôi thỏ thẻ vào tai ba, ngỏ ý muốn cùng ba đến tham quan Hầm Hô. Xem cái nơi sơn kỳ thủy tú ấy mấy năm qua có chi đổi khác (dù tôi thừa hiểu Hầm Hô không còn nguyên sơ như trước, mà đã thay da đổi thịt bởi có sự tác động kiến tạo của bàn tay con người).

Chỉ với chiếc xẻng và cây xà beng vừa đủ nhỏ và nhẹ (so với sức của ba), trên lưng dắt theo bao tải cùng chiếc xe đạp cũ kỹ sờn màu gốc rạ, ba chở tôi lên đường. Bắt đầu cuộc hành trình săn tìm đá nghệ thuật. Chỉ sau hai canh giờ, tôi theo chân ba đến bãi đá, thác nước dọc theo sông Đồng Hươu. Bãi vắng huơ vắng hoắc, không có lấy một bóng người (vì hôm nay là ngày giữa tuần, nhu cầu nghỉ dưỡng của khách vãng lai còn hạn chế, chứ nếu rơi vào thứ bảy hay chủ nhật, chắc là ba con tôi lạc giữa rừng người thưởng ngoạn, tìm đỏ mắt cũng không lần ra dấu vết). Chim chóc thường ngày rả rích bày tỏ yêu thương cho nhau trên vòm lá giăng mắc lủng lẳng treo vượt đầu cũng im thin thít. Ba chỉ tay về phía trước, cười hiền và thanh minh cho Hầm Hô tuyệt đẹp rằng con suối mùa nóng tuy kiệt nước, khô khốc là vậy, nhưng dễ tìm thấy hàng triệu viên đá lớn nhỏ với đủ loại sắc màu huyền bí. Nơi đây là cả một kho báu đấy con ạ!. Tôi tinh nghịch, đáp trả theo kiểu tiểu thư thị thành rằng đá thô kệch thế mà đẹp làm sao hả ba, cứ để con gái vào Sài Gòn mua tặng ba mấy viên đá kiểng, vừa to vừa chạm trổ bắt mắt hơn nhiều (vì tôi cậy mình có quen thân với nhiều nhà tạc đá, tạc tượng nổi tiếng ở thành phố). Nghe thấy vậy, ba tôi không buồn, chỉ lắc đầu rồi cười (ba hiểu tôi vẫn là cô bé tối ngày chỉ biết học chữ mà không hiểu tí tị nào về những thứ cứ ngỡ là tầm thường, nhưng biết cách chơi thì đúng là nghệ thuật).

Tranh thủ khí hậu dịu mát của tiết trời ban sáng. Ba để mặc tôi thủng thẳng cảm nhận cái trong lành của miền đất hứa mà rất lâu rồi tôi chưa về thăm lại. Ba đặt bao tải nhỏ xuống ghềnh. Mắt đảo đều tứ phía. Lần mò cạy đá. Rồi thoăn thoắt nhặt đá. Rồi nhanh nhảu mang đá ra bờ cát ven sông. Dựng trên bãi cát, ngắm tới ngắm lui vài ba lượt mới chịu gột rửa vết thời gian của nó (gọi là vết thời gian vì đá đã sống ở đó, ngủ yên ở đó, từng chứng kiến nơi đó bao trận bão táp của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng). Nắng bỏng đổ lửa trên đầu. Mặc cho từng hòn sỏi lớn hấp nhiệt nóng tê bàn chân hai ba con sau lớp giày vải mỏng. Những giọt mồ hôi trên lưng ba mỗi lúc rịn ra đẫm áo, ấy thế mà tôi thấy ba vẫn hăng say quyết tìm cho được một viên đá có hồn. Tôi thương ba, cố vắt óc tưởng tượng ra trò gì đó cho ba đỡ mệt. 

Vật lộn đến giữa trưa với con suối kiệt. Cuối cùng ba tôi cũng reo lên “Tìm thấy rồi, Ni ơi, tìm thấy đá rồi!”. Chưa bao giờ tôi thấy ánh mắt ba ngời sáng đến thế. Giống như hình ảnh người đi phu đào được mấy phân vàng li ti tít tận núi thẳm. Tôi chạy tới chỗ ba, chia sẻ niềm vui. Ngắm ba đang mân mê phẩm vật. Ba chỉ vào đá, hồ hởi “Đá ngọc, viên đá ngọc, sướng quá!”. Tôi cứ trân tráo nhìn ba. Trong đầu thoáng qua ý nghĩ viên đá ấy có ma ám hay sao vậy, kỳ khôi ghê, ba nhìn thấy gì ở nó mà sướng đến thế! Tò mò tôi hỏi, ba cười cười ra vẻ bí hiểm “Con cảm thụ được chưa?”. Ba cầm viên đá trên tay. Cọ xát đá vào áo, lau chùi cẩn thận. “Con nhìn thấy gì không? viên đá của ba có hình thù của người đang nguyện cầu đấy! Tuyệt chứ?”. Thật lòng, tôi gật gật mấy cái cho ba vui chứ còn bảo hiểu, bảo cảm viên đá ấy, chắc là tôi phải mất vài tháng ròng rã đi núi với ba may ra mới tiếp thu chút kinh nghiệm.

Mình về nhà đi con, chắc mẹ ở nhà vui lắm khi biết ba con mình đào thấy viên đá quý hiếm thế này đấy!”. Sung sướng lắm chứ! Làm sao mẹ tôi không vui được khi chính bà ngày đêm ủng hộ thú mê đá của ba (vả lại mẹ tôi là người thờ Phật, nên bà tin vào những điều kỳ diệu của thiên nhiên ban tặng lắm). Tôi nhanh tay thu gọn hành trang giản đơn lúc sáng mang theo. Lẽo đẽo đi sau chân ba băng qua nhiều con đường ổ gà, ổ chó lởm chởm đâm buốt chân. Mặt trời vẫn cao chót vót, hừng hực bão lửa. Dường như chực chờ hai ba con tôi bước ra khỏi đám lá phủ kín đỉnh đầu là giáng cho một đòn chí tử. Đốt thiêu như cách thiêu rụi đám mía quanh vùng. Nhưng cả tôi và ba không ai còn nhớ đến mệt nhọc trước đó nữa. Nhất là ba tôi. Sức lực của ông bổng chốc tựa như Trương Phi rắn khỏe.

Bữa trưa đạm bạc với canh chua, cá chiên xù thơm ngon đang được mẹ tôi làm nóng dưới bếp. Chực đợi hai ba con về đến cổng nhà đã xông thẳng vào chiếc mũi kín như bưng của tôi (ấy là cách nói tếu mà người đời thường chỉ vào gương mặt tôi, bảo tôi tốt tướng lắm, sau này có của ăn của để nhờ cái lỗ mũi bé tí tẹo ấy). Trong không khí chuyện trò rôm rả bên mâm cơm ấm áp, tôi chợt hiểu ra quê hương mình còn nhiều điều thú vị mà chưa khám phá hết. Nhất là Hầm Hô, một nơi không chỉ toát lên vẻ đẹp núi rừng nguyên sinh mà còn là kho báu của đá nghệ thuật.

Trở vào Nam, tất bật với công việc viết báo thường nhật, thi thoảng tôi nhớ về kỷ niệm với ba.

Quả là một ngày thật ý nghĩa mà suốt đời tôi, đời ba khắc sâu tâm tưởng.

“Ba thả hồn vào đá vô tri

Đá phải hơi ba, đá dậy thì

Say đá, xuân xanh ba thắm lại

Hai nửa hồi sinh, dìu nhau đi”

(thơ Minh Đan)

Top