Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,482,957 lượt

Bạn trẻ khởi nghiệp: Hào hứng, thất bại và lại đứng lên

Những người “khởi nghiệp” được xem là những người hiếm hoi trong xã hội kiểu như “sinh vật nằm trong sách đỏ” khi họ áp dụng công nghệ say mê kinh doanh đến bỏ quên những nỗi lo thường nhật. Hào hứng, ngã, đổ, thất bại và lại đứng lên. Họ sẽ là điểm nhấn của tương lai...

 

Những câu chuyện thử sức làm ăn của các bạn trẻ, những chia sẻ của các doanh nghiệp nỗ lực khẳng định mình ở trong cũng như ngoài nước... mang đến cho chúng ta những trải nghiệm thú vị về câu chuyện khởi nghiệp.

 

Bán nhà, nuôi con và khởi nghiệp

 

Sau khi bán căn nhà nơi vợ chồng và hai đứa con (trong đó có một bé vừa ra đời) đang sinh sống để dồn tiền cho dự án mong ước, ấp ủ, chắt chiu bấy lâu, Lâm Thị Thúy Hà, đồng chủ dự án Triip.me, cùng chồng và các con về nhà bố mẹ ruột trú ngụ.

 

Ms. Lâm Thị Thúy Hà

 

Vợ chồng cô thuê một căn nhà ở trong một con hẻm gần công viên Lê Văn Tám (Q.3, TP.HCM) để làm nơi làm việc của 15 nhân viên công ty, cũng là chỗ trú ngụ của 4-5 nhân viên ở tỉnh xa không có điều kiện thuê nhà. Ngôi nhà thuê - công ty cũng là nơi tất cả nhân viên cùng nhau ăn trưa, ăn tối và tập yoga ba buổi/tuần.

 

Từng là hướng dẫn viên du lịch, Hà hiểu có một lượng du khách không thích mua các tour thiết kế sẵn. Năm 2013, Hà và Hải (là bạn đời) làm start-up với ý tưởng: kết nối du khách nước ngoài và người bản xứ thông qua các tour riêng.

 

Tour này do chính người dân bản địa cung cấp để không chỉ khách du lịch có cơ hội trải nghiệm mà người bản xứ cũng có cơ hội thêm thu nhập. Nhưng hơn một năm, Triip.me không có nhiều doanh thu. Hà và các đồng sáng lập vẫn đi làm ở công ty rồi tranh thủ làm Triip.me nên điều gì đến cũng phải đến: rã đám.

 

Ms. Thúy Hà điệu con đến "xứ sở hạnh phúc" Bhutan

 

Năm 2014 khi Hà có bầu bé thứ hai, ông xã Hà đề nghị nên quên Triip.me để lo chuyện con cái. Sáu tháng nghỉ sinh nuôi con, Hà vừa chăm hai con vừa lẳng lặng xem lại vì sao “đứa con Triip.me” không thành công. Và Hà may mắn khi vẫn nhận được sự ủng hộ của bạn đời cho lần tái khởi nghiệp.

 

Tháng 9-2014, Hà cùng chồng bán nhà, tuyển dụng lại nhân viên, đưa con cái về nhà mẹ ruột, xây dựng lại Triip.me. Một ông khách người Singapore đến VN đặt tour học viết thư pháp VN và ông thích ý tưởng này. Ông đồng ý rót vốn đầu tư cho Triip.me bằng một số tiền nhỏ.

 

Rồi vị khách khác là chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương sau khi thử trải nghiệm cũng đồng ý trở thành nhà đầu tư thứ hai. Tháng 12-2014, số tiền này cộng với tiền bán nhà, bán xe giúp vợ chồng Hà nuôi Triip.me đến cuối năm 2015 thì cạn.

 

Trong hơn 4 tháng đầu năm 2016, Hà và Triip.me đã tồn tại bằng tiền vay của cha mẹ và bạn bè. Và cuối cùng, quỹ đầu tư mạo hiểm Gobi Partners rót 500.000 USD, Hà tin mình sẽ thành công.

 

Năm lần ngã, chỉ một thành công

 

Nguyễn Hữu Bình từng đoạt giải nhất giải thưởng “Sáng tạo giải pháp công nghệ Việt 2007”, giải ba cuộc thi “Nhân tài đất Việt 2008”. Bình cũng được nhiều người trong giới biết đến do bén duyên khá sớm với ứng dụng di động tại Việt Nam. Bình cũng được biết đến với các vai trò lãnh đạo ở Vega Corp, VC Corp và hình thành dự án FPT Play.

 

Tính đến năm 2016, suốt 14 năm liên tục khởi nghiệp rồi đi làm thuê rồi lại khởi nghiệp, Nguyễn Hữu Bình (sáng lập dự án tìm kiếm nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin: applancer.net) hay được gọi là Bình Applancer đã có ít nhất 5 lần thất bại. Tính trung bình cứ làm được 1-2 năm Bình lại khởi nghiệp một lần. Cứ “sập”, Bình lại xóa bàn làm từ đầu.

 

Cú ngã khởi nghiệp theo Bình là đau ở năm 2010, là về mở công ty thiết kế, lập trình và làm phần cứng camera quan sát. Bố mẹ từng nghĩ đến chuyện bán nhà hỗ trợ Bình.

 

Camera của Bình thiết kế, sản xuất có thể phát hiện chuyển động bất thường rồi nhắn tin đến chủ mà không có báo động ảo… Sau khi thiết kế, Bình gửi sang Philippines gia công vì thời điểm đó ở VN không thể làm những thứ quá tinh xảo.

 

 

Theo Bình, đó là bài học quý báu nhất về việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ. “Thời gian nghiên cứu sản phẩm hoàn hảo mất ít nhất gấp đôi kèm theo chi phí, cơ hội qua đi. Trong khi khách hàng, người bỏ tiền mua chỉ cần những thứ cơ bản” - Bình chua chát nhớ lại.

 

Bình kể lúc làm ra sản phẩm giá tương đương 100 USD thì ở chợ Nhật Tảo (Q.10) giá camera lắp ráp có sẵn chỉ khoảng 50 USD/cái. Không thể cạnh tranh với camera Trung Quốc!

 

Bình lại quay sang làm game mobile. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn như Nguyễn Hà Đông chỉ với mỗi game Flappy Bird đã thành triệu phú USD. Bình làm đến gần 50 game nhưng vẫn không có game nào lên nổi, có lẽ do Bình không thích chơi game. Phải mở phòng máy tính, lấy ngắn nuôi dài.

 

Trong lúc làm phòng máy tính, Bình phát hiện nhu cầu rất lớn của phụ huynh và các công ty muốn ngăn chặn hình ảnh, thông tin đồi trụy cho con cái, bức tường lửa của Bình mang tên kill porn đoạt giải thưởng lớn của Nhân tài đất Việt. Và anh thoát nợ bằng chính sản phẩm này.

 

Và lại một ý tưởng mới. Bình nhận ra rằng nhu cầu các doanh nghiệp rất lớn trong đáp ứng nhu cầu khách hàng nhưng họ lại không có nhân lực chuyên IT. Applancer được Bình khai sinh để đáp ứng nhu cầu này.

 

Bình muốn kết nối, tạo niềm tin giữa người bán - người mua thông qua việc kiểm tra trình độ lập trình viên, cung ứng cho doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp sẽ trả tiền cho các lập trình viên thông qua hình thức thu tiền theo từng giai đoạn.

 

Và Applancer thu phí trên thành công của các dự án. Bình rao bán nhà để làm. Nhưng may mắn là ý tưởng mới đã kịp thời mang lại tiền cho công ty.

 

Tiền đang được chuyển vào tài khoản của Bình. Applancer giờ có một khối lượng khách hàng nhất định và tiềm năng là to lớn cùng niềm tin của Bình và các cộng sự.

 

Khởi nghiệp không chỉ cần tinh thần

 

Mà còn cần cả ý chí sắt đá. Cả Bình và Hà cũng như các start-up khác đều thừa nhận con đường đưa ý tưởng của mình đến vị trí như hôm nay đều hoàn toàn không êm ái, mà gập ghềnh, chứ rất ít trường hợp lên ào ào như Facebook hay Flappy Bird.

 

Tôi hỏi Bình “sao ngã, lỗ hoài mà vẫn cứ làm?”. Bình cười trả lời: “Anh nghĩ đi, mỗi sáng thức dậy anh sẽ làm việc mình thích, áp dụng được ý tưởng của mình và thấy được kết quả đó qua công việc thì đó không chỉ là công việc mà là cuộc chơi, nên năng lượng lúc nào cũng tràn trề”.

 

Dự án Triip.me của Hà giờ cũng đã có hơn 6.000 thành viên tham gia giới thiệu các sản phẩm tour mà họ có thể cung cấp cho du khách từ 98 nước, 655 thành phố trên thế giới. Nhưng nhiêu đó cũng chỉ thể hiện được 10% tầm nhìn mà dự án cô đang ấp ủ.

 

Khởi nghiệp rõ là việc khó, nhưng cái khó hơn chính là nuôi được tinh thần khởi nghiệp với niềm tin sắt đá.

 

Mỗi cá nhân và mỗi doanh nghiệp, nỗ lực làm cho mình và cống hiến cho xã hội, với kiến thức và sự nhiệt tâm, sẽ góp phần đưa đất nước thành một quốc gia khởi nghiệp.

LÊ NAM

Top