Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,473,731 lượt

Bánh không phải để ăn

Hơn chục ngày nữa là Trung thu. Đã thấy nhộn nhịp các quầy bánh trung thu khắp phố phường từ đôi tuần trước. Quê tôi ở Hải Phòng. Cho đến tận bây giờ, Hải Phòng bằng lý do nào đó vẫn nổi tiếng khắp vùng miền Bắc vì các nhà sản xuất bánh nướng bánh dẻo truyền thống, nhân thập cẩm. Thậm chí là người Hải Phòng tiêu thụ bánh ấy quanh năm.

 

Đám cưới tôi, từ lúc phát trầu cau đến khi ăn hỏi, đều có bánh nướng bánh dẻo. Trong cái bánh ấy, có miếng lá chanh, mẩu hạt dưa, có mứt bí và hạt bí, những thứ gợi về một cảm giác xưa cũ và thân quen.

 

Sống ở Hà Nội, quãng chục năm trở lại đây trong lòng tôi lấn cấn một câu hỏi: tại sao bỗng nhiên mọi người lại chuyển sang sản xuất và tiêu thụ bánh trung thu nhân nhuyễn ồ ạt như thế, thậm chí là biến bánh nướng bánh dẻo nhân thập cẩm trở thành một thứ “của hiếm”.

 

Mạt trà xanh, khoai môn tím, đậu đỏ đậu đen... ở giữa có thêm một quả trứng muối, bánh trung thu bỗng trở nên tối giản lạ kỳ. Cái bánh trông có dáng vẻ “hội nhập” với nhiều nền văn hóa Đông Á khác. Có một mâu thuẫn: đại đa số những người quanh tôi vẫn hâm mộ bánh nhân truyền thống, các nhà truyền thống như ở trên đường Thụy Khuê hay là dưới Hải Phòng vẫn cháy hàng. Nhưng bánh nhân nhuyễn thì thống trị thị trường.

 

Năm nay, tôi lên đường đi tìm câu trả lời cho sự lấn cấn ấy.

 

Những người sản xuất kể với tôi nhiều câu chuyện. Từ việc các làng nghề truyền thống làm mất niềm tin của khách hàng với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ra sao; cho đến việc làm bánh trung thu nhân thập cẩm tốn thời gian đến thế nào. Họ chỉ cho tôi xem trên mặt báo: hàng trăm tấn bánh trung thu, hoặc nhân bánh trung thu được nhập lậu vào một mùa từ Trung Quốc. Đó chỉ là số lượng được phát hiện. Làm bánh, hoặc bán bánh giống Trung Quốc thì dễ hơn. Bạn bỗng nhiên có một nguồn cung khổng lồ về nguyên liệu, cho dù là nhân bánh nhuyễn hay là bánh thành phẩm. Nhiều người có quyền sản xuất và bán bánh trung thu “tay ngang”, chỉ đánh quả một mùa, mà không cần sở hữu công nghệ và dây chuyền sản xuất quanh năm. Thị trường cho phép người ta chỉ cần làm được cái vỏ hộp của mình là bán bánh.

 

Nhưng cốt lõi vấn đề của bánh trung thu lại không nằm ở cái bánh.

 

Tôi gặp một nhà sản xuất. Cái gì của họ cũng chất lượng, từ cái bánh nhân thập cẩm được sản xuất đúng quy trình cho đến vỏ hộp thiết kế tinh tế. Khách hàng không chê gì. Chỉ có một khách, đề nghị: ngoài vỏ hộp, liệu có thể thiết kế cho họ một cái phong bì ton sur ton để đựng thiệp chúc mừng. Cái phong bì này, tốt nhất, là nên có kích thước đủ để đựng 10.000 USD.

 

“Vấn đề là bây giờ nhiều người không ăn bánh trung thu nữa” - họ bảo tôi.

 

Bánh trung thu, cho dù là nhân nhuyễn, hay là nhân thập cẩm, cho dù là được sản xuất bởi đầu bếp trứ danh hay là làng nghề, hay đi từ Trung Quốc sang trong các container, bây giờ đóng vai quà tặng nhiều hơn thực phẩm. Và trong nhiều trường hợp, bản thân cái bánh không hơn gì cái đường diềm trang trí xanh đỏ của chiếc phong bì bưu điện. Bánh không phải để ăn.

 

Tôi nhìn ra xung quanh, bánh được trao biếu tặng thành một dòng chảy, mà trong đó, thỉnh thoảng người ta “forward” các hộp bánh đắt tiền như là chuyển tiếp email. Anh cán bộ được doanh nghiệp cho hộp bánh đẹp, nhưng chẳng lẽ bóc ra ăn thì tiếc, bèn “forward” cho cô chủ nhiệm của con. Bây giờ chúng ta hành xử với bánh như thế.

 

Bản chất của một phong cách ẩm thực đã bị xa rời từ lúc nào. Tôi nghĩ về việc đấy và bỗng nhiên cảm thấy cái hành trình đi tìm nguồn gốc văn hóa bánh trung thu của bản thân bỗng nhiên chán chường. Nhân nhuyễn hay nhân thập cẩm, thật ra không còn quan trọng.

 

Để hiểu được bầu khí quyển bao vây cái bánh nướng bánh dẻo bây giờ, để truy nguyên chuyển động văn hóa, chắc phải bắt đầu bằng việc đọc trang nhất báo. Nhìn các dòng tít để hiểu được toàn bộ nền văn hóa chung của chúng ta được bủa vây bởi loại không khí gì, cách hành xử nào.

 

Hôm nay, hôm qua, đâu đó báo lại đăng một câu chuyện về lợi ích nhóm, về doanh nghiệp thân hữu và những phát biểu về sự tha hóa.

ĐỨC HOÀNG

Top