Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,168 lượt

Trách nhiệm với tương lai

Năm 1985, Elizabeth Kemf đến Việt Nam, mang đứa con đầu lòng trong bụng. Elizabeth là một nhà báo về môi trường. Cô đến để ghi chép lại những gì mà chiến tranh đã gây ra với những cánh rừng tại nơi này, cũng như nỗ lực khắc phục của người dân Việt Nam. Elizabeth đang mang bầu hai tháng.

 

Cô quyết tâm đi vì không dễ để một nhà báo Mỹ xin vào Việt Nam thời điểm đó. Nhưng cô không lường trước được điều gì đang chờ đón mình. Những chuyến hành trình dài trên những con đường đầy ổ trâu ổ gà, trên những chiếc xe UAZ cũ kỹ khiến cô bị động thai. Những cơn đau bắt đầu hành hạ Elizabeth ngay khi rời Hà Nội để đi thực địa. Máu bắt đầu chảy khi Elizabeth đang ở trong rừng quốc gia Cúc Phương. Vài ngày sau mới có một chuyến xe gập ghềnh đưa cô trở về Hà Nội. Hạ tầng đường sá và y tế bị tàn phá chưa thể gượng dậy của Việt Nam, đã không cứu nổi đứa con trong bụng người phụ nữ.

 

Trong “Tiết thanh minh” (Month of Pure Light), cuốn sách kể về hành trình của Elizabeth Kemf, được xuất bản vài năm sau đó, tôi nhớ nhất một đoạn. Đó là một ngày lạnh giá, khi Elizabeth đang nằm viện ở Hà Nội, kiệt quệ tinh thần vì mất đứa con và suy sụp về thể chất. Giáo sư Võ Quý và vợ đạp xe đội mưa vào thăm cô. Họ ngồi trong một căn phòng nước mưa nhỏ giọt qua trần, đọng thành vũng. Và lúc đó, Elizabeth đề nghị với giáo sư, rằng họ đừng nói đến những gì đã diễn ra nữa. “Thôi, chúng ta hãy nói chuyện tương lai đi… Khi nào tôi có thể đến thăm để thấy những nỗ lực trồng lại rừng của Việt Nam?” - cô hỏi ông Võ Quý.

 

Elizabeth đã bắt đầu lại hành trình đi khắp các cánh rừng của Việt Nam ngay khi bình phục. Suốt cả cuốn sách mà nữ nhà báo viết sau này, dù vẫn là những khung cảnh bi thương 10 năm sau cuộc chiến tàn khốc, vẫn tràn trề hy vọng, và một thứ “ánh sáng thuần khiết” (pure light/thanh minh) như tên gọi của nó. Năm ấy, cô gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Võ Quý và rất nhiều người Việt Nam nữa. Họ nói về việc tái tạo môi trường. Hừng hực một khí thế phủ xanh lại đất nước bị tàn phá. “Nếu đến năm 2000, chúng tôi không mở rộng được diện bao phủ của rừng lên đến 50% đất đai thì Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng môi trường nghiêm trọng” - giáo sư Võ Quý nói với cô.

 

Ông kể với cô về việc các em học sinh đang thay thế hàng rào điện tử McNamara bằng “hàng triệu cây”. "Năm hai nghìn" có vẻ là một mốc thời gian đầy tính văn học của những con người thời đại ấy. Bây giờ là năm 2017. Giới khoa học nước nhà vừa tiễn giáo sư Võ Quý rời cõi tạm. Và diện tích bao phủ rừng mấy năm nay, vẫn phập phù quanh con số 40%. Bây giờ là năm 2017, Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 đã được thừa nhận là “bộc lộ những hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng”.

 

Luật năm 2004, đã có tới gần 100 văn bản dưới luật, tạo ra một lĩnh vực luật pháp bảo vệ rừng cồng kềnh. Nhưng cuối cùng không hiệu quả. Bây giờ, năm 2017, những trận lũ quét dường như ngày một tàn ác hơn. Mỗi mùa mưa là một mùa của những gương mặt u uất, đã cơ hàn, nay lại mất nhà, mất trâu bò, mất cả con cái vợ chồng khi dòng nước đi qua. “Không có rễ cây thì đất như tro bếp, mưa xuống là sạt thôi” - một già làng người Dao nói với tôi năm ngoái, gọn gàng và bi đát. Bây giờ là năm 2017, Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi sẽ (lại) được đem bàn thảo ở Quốc hội.

 

Hôm nay, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV khai mạc, và tôi nhớ đến rừng, nhớ đến cuốn sách tràn trề hy vọng của Elizabeth Kemf. Năm ấy, sau những mất mát, người phụ nữ Mỹ kia đã quay trở lại, đứng khóc nức nở trước rừng Cúc Phương. Rồi cô kết cuốn sách của mình bằng một lời nguyện cầu: “Tôi cầu cho Việt Nam được phồn vinh và những đau khổ của nhân dân và môi trường sẽ chấm dứt. Tôi cầu cho Việt Nam sẽ xanh tươi trở lại”.

 

Hình ảnh của một người phụ nữ mất đứa con trong sứ mệnh bảo vệ môi trường có vẻ không phải là thứ đủ tầm để đại diện cho vấn đề chúng ta đang đối mặt. Có nhiều mất mát đáng kể hơn thế. Nhưng tôi nhớ cuốn “Tiết thanh minh” của Elizabeth Kemf, vì trong đó, mang theo những hy vọng tràn trề xanh tươi của một đất nước vừa trải qua bom đạn. Những hy vọng mà ngày hôm nay, không biết còn hay mất. Bây giờ, các trang báo quốc tế vẫn rất hay dùng ảnh của Elizabeth Kemf, nhưng là để minh họa cho tình trạng mất rừng ở Việt Nam.

 

Tôi nghĩ về những nguyện cầu mà giờ đã thành chơi vơi của Elizabeth trong cánh rừng Cúc Phương 30 năm về trước, và bỗng mang một cảm giác rất trọng đại về thời gian, về việc những quyết định của chúng ta hôm nay sẽ ảnh hưởng lên vận mệnh của đất nước rất nhiều năm về sau.

 

Luật bảo vệ và phát triển rừng chỉ là một ví dụ dễ hiểu. Mỗi nút bấm, mỗi câu nói, mỗi phản biện và giải trình ở Tòa nhà Quốc hội tuần này, không chỉ chịu trách nhiệm với “lá phiếu cử tri” như cách diễn đạt thông thường. Một quyết định mang tính nền tảng mà họ đưa ra, mang trách nhiệm với lịch sử, hiện tại, tương lai, người sống, người chết và cả người chưa ra đời.

 

Tôi tin mỗi con người trong tòa nhà ấy, đều hiểu điều đó.

ĐỨC HOÀNG

Top