Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,425,457 lượt

Bài học của Jack Ma

“Không ai biết trước được tương lai. Bạn chỉ có thể tạo ra tương lai”. Jack Ma đã nói câu đó khi nhìn lại vụ bán 40% cổ phần Alibaba cho Yahoo của Jerry Yang vào năm 2005. Thời đó, Alipay và Taobao của Jack đều đang lỗ, còn Yahoo của Jerry thì chỉ có tài sản khoảng 3 tỷ USD, và ít người nghĩ ông sẽ ném tới 1 tỷ vào Alibaba. Nhưng họ đã bắt tay, để quyết tâm đánh bại gã khổng lồ eBay trên thị trường Trung Quốc.

 

Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những câu chuyện như thế về các doanh nhân thành công, những người đã đưa ra các quyết định long trời lở đất vào lúc không ai nghĩ đến, để rồi trở thành huyền thoại.

 

Có một nghịch lý ở các nhân vật như Jack Ma hay Jerry Yang. Đó là người đời rất hay trông vào các lời khuyên của họ, rất hay đúc rút các bài học từ sự nghiệp của họ (thậm chí đưa nó vào các giáo trình kinh tế trong nhà trường), in đời họ thành sách gối đầu giường. Trong khi, chính bản thân họ luôn là những người đưa ra các quyết định phi quy luật. Họ thành công vì chối bỏ chủ nghĩa kinh nghiệm, vì không tin vào các giá trị cũ, và luôn tìm cách tạo ra cái mới. Nói như câu châm ngôn kinh điển của Steve Jobs: “Hãy đói khát, hãy khờ dại”.

 

Sáng nay, tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017 ở Hà Nội, Jack Ma sẽ góp mặt. Tại đó, bạn sẽ nghe rất nhiều triển vọng của nền thanh toán di động từ các chuyên gia hàng đầu. Tiền mặt, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đều có thể trở nên lỗi thời, tương lai của thương mại sẽ gói gọn trong một chiếc di động. Bạn sử dụng nó như chiếc ví của mình, và có thể rút ví từ khoảng cách hàng nghìn cây số. Đó là viễn cảnh rất gần, rất dễ tưởng tượng với mọi người dùng Internet hôm nay.

 

Việc nói thêm về thanh toán di động trong buổi sáng hôm nay, sẽ trở nên vô duyên. Nhưng bởi sự có mặt của Jack Ma trong sự kiện, nên tôi muốn đặt ra câu hỏi: Chúng ta sẽ tạo ra tương lai theo cách nào?

 

Thị trường Việt Nam trong thời hội nhập liên tiếp trải qua những cú giật mình. Sau mỗi cú giật mình, chúng ta nhận ra rằng nền sản xuất hàng hóa của mình đang tụt hậu. Từ chuỗi giá trị nông sản, con ốc vít trong chuỗi giá trị công nghiệp, cho đến một cái khăn lụa cũng đặt ra dấu hỏi về nền sản xuất hàng hóa Việt Nam.

 

Chúng ta không thiếu những người khởi nghiệp với hàng hóa. Họ đang ở đâu đó rất gần, bán sữa đậu nành, nem cuốn, đồ thời trang handmade, làm chổi đót… Nhưng bạn đã biết, hoặc đã gặp một doanh nhân gặp khó khăn khi khởi nghiệp với hàng hóa: anh ta đầu tư rất nhiều cho việc tạo ra một sản phẩm, nhưng rồi mướt mải với những cuộc tự đi giao hàng thu tiền, gặp đủ thứ rắc rối thậm chí lừa đảo với sự trung chuyển tiền mặt qua các shipper, đối mặt với vấn đề niềm tin của khách hàng (như chính Jack Ma nhìn nhận khi khởi phát Alipay), khủng hoảng với sổ sách; việc chăm sóc khách hàng thành những cuộc đối thoại dài và mệt mỏi, hậu mãi chỉ là một giấc mơ. Bạn biết những doanh nghiệp nhỏ đã thất bại vì phương thức thanh toán.

 

Rất nhiều thứ có thể được giải quyết nếu cuộc giao dịch được thực hiện bằng một cú vuốt vân tay của khách trên điện thoại. Tương lai của lĩnh vực thương mại, và qua đó, lĩnh vực sản xuất, có thể bước sang một trang mới với thanh toán di động.

 

Nhưng ghi gì vào trang mới đó, là câu chuyện của người Việt Nam.

 

Có nhiều gợi ý cho thấy Alibaba và Alipay của Jack Ma đã tác động ngược trở lại nền sản xuất hàng hóa Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp nhỏ rộng đường phát triển hơn, hàng hóa “sạch” và chất lượng hơn. Điều đó có thể diễn ra trong tương lai tại Việt Nam với các nền tảng thương mại điện tử và phương thức thanh toán mới. Sự có mặt của một người khổng lồ từ Trung Quốc tại Hà Nội sáng nay, không phải chỉ để trầm trồ ngưỡng mộ.

 

Gương mặt ấy, đặt ra câu hỏi rằng chúng ta sẽ nắm bắt các cơ hội của thời đại như thế nào. Ngày mai, nếu thanh toán di động trở nên phổ biến, thì chúng ta sẽ sản xuất cái gì, bán cái gì để tận dụng tối đa các cú vuốt vân tay của người tiêu dùng.

 

Nền sản xuất và thương mại của Việt Nam có những vấn đề rất lớn đang cần giải quyết. Công nghệ đang tiếp tục mở ra những vận hội mới. Và để giải quyết vấn đề, ta cần nhiều trí tưởng tượng và quyết tâm. Sự quyết tâm hoang đường của những người đi sau, theo kiểu Jack Ma.

 

Thần tượng của Jack Ma là Forrest Gump, một nhân vật khờ dại do Tom Hanks thủ vai. Có lần, một nhà báo Mỹ phải nghi ngờ hỏi lại rằng, ông biết đó là nhân vật hư cấu chứ? Bài viết này không thể đề ra các kịch bản tốt đẹp. Sẽ cần có ai đó tin vào kịch bản hư cấu do bản thân họ vẽ lên, để tạo ra tương lai cho thị trường Việt Nam.

 

Nhưng kịch bản xấu nhất thì dễ đoán: công nghệ thanh toán di động mở ra một trang mới cho thị trường hàng hóa Việt Nam, nhưng trên trang đó lại không viết chữ “Made in Vietnam”.

ĐỨC HOÀNG

Top