Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,425,497 lượt

Chữ quốc ngữ xa xôi

Trên cung đường dọc miền núi phía Bắc, lòng tôi nảy sinh một câu hỏi. Có bao giờ bạn tự hỏi, những đứa trẻ mình bắt gặp, trong bộ quần áo thổ cẩm, giữa cao nguyên đá, trên những cánh đồng tam giác mạch, 10 năm sau chúng sẽ đi đâu, làm gì?

 

Nhiều đứa trong số chúng sẽ không bao giờ hoàn thành hết chương trình phổ thông. Khi tôi hỏi Chá Mí Sùng, có nuối tiếc khi đã theo tới lớp 10 rồi còn bỏ, em nói không. “Em biết đi học thì sau này có thể có công việc tốt hơn. Nhưng càng lên cao thì học tiếng Việt càng khó lắm”, Sùng trả lời.

 

Sùng bỏ học và vượt biên sang Trung Quốc làm thuê khi đang là học sinh lớp 10 trường nội trú. Cả bản Hầu Lùng Sán năm ấy, chỉ có hai người được học lên phổ thông trung học, trong đó có Sùng. Với những đứa trẻ vùng cao, học lên đến bậc phổ thông là một nỗ lực rất lớn của cả bản thân lẫn gia đình. Theo một điều tra gần đây, tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp tiểu học là gần 89%, đến cấp THCS giảm còn khoảng 73% và cấp phổ thông giảm cực mạnh, chỉ còn 32%. Nghĩa là, chỉ 1/3 học sinh dân tộc thiểu số theo được lên đến lớp 10.

 

Thằng bé hai năm liền từng là học sinh giỏi, được đánh giá là khá môn Toán - Văn. Sau hai năm nghỉ học, Sùng chỉ còn nhớ mặt chữ, viết được vài câu thi thoảng sai chính tả. Chúng tôi phải nhắc lại câu hỏi vài ba lần, Sùng mới hiểu. Và để trả lời, có khi em cắn bút suy nghĩ hoặc ngập ngừng thật lâu để tìm câu chữ thích hợp.

 

Sùng đã nhận thấy cơ hội đổi đời nhờ học tập. Nhưng em vẫn quyết bỏ. Vì không thể vượt qua được những rào cản trong việc học chữ quốc ngữ. “Càng học lên cao, càng không nhét được chữ vào đầu”, Sùng tổng kết bằng một câu ngắn gọn.

 

Ngay cả những đứa trẻ đã rời cao nguyên đá, xuống Hà Nội đi học thì tiếng Việt vẫn là rào cản trong việc hoà nhập với môi trường mới. Vừ Mí Kỵ - chàng trai đầu tiên của xã Sủng Là (Đồng Văn) vào Học viện An ninh Nhân dân từng trải qua những ngày khủng hoảng, khi “nói đúng hay sai đều bị cười”, thẹn đỏ mặt khi không kịp nghe các bạn miền xuôi nói tiếng phổ thông.

 

“Từng nói không sỏi nên em ít khi dám bắt chuyện trước với bạn bè, thậm chí không dám trả lời thầy cô. Hồi phổ thông, có lần khi Kỵ đứng lên trả lời cô giáo dạy Văn xong, cô đã hỏi cả lớp rằng “Bạn ấy nói gì cô không nghe được”.

 

Một quan chức ngành giáo dục cũng thừa nhận hồi đầu năm học: “Yếu tiếng Việt cũng là một rào cản khiến học sinh miền núi cảm thấy việc học của mình không có kết quả như học sinh người Kinh". Ông nói, chương trình sách giáo khoa hiện hành có một số nội dung chưa phù hợp với trình độ tiếng Việt của học sinh vùng dân tộc thiểu số.

 

Những khó khăn khi học tiếng Việt không phải của riêng học sinh miền núi phía Bắc. Thầy Dậu dạy học ở Tây Nguyên, từng 10 năm vượt rừng, vượt rẫy vận động học trò trở lại trường, kể nhiều em lên lớp 12 vẫn còn viết sai chính tả, đọc văn bản chưa được rõ ràng. Theo thống kê, nhóm dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu xa thì tỷ lệ biết đọc, viết chữ phổ thông thường dưới 50%.

 

Việc dạy chữ quốc ngữ cho những đứa trẻ này giống với việc dạy ngoại ngữ: đó không phải tiếng mẹ đẻ của chúng. Nhưng cho đến giờ, nó không hề được thiết kế như một chương trình dạy ngôn ngữ thứ hai.

 

Dưới bài viết Cuộc vượt biên của những đứa trẻ bỏ trường mới đăng trên VnExpress, rất nhiều độc giả trăn trở về đói nghèo, về việc phổ cập tiếng Việt cho học sinh vùng cao. Cũng có ý kiến cho rằng, đi làm thuê kiếm tiền lo cho cái ăn còn hơn là đi học rồi không có tương lai. Có người ao ước “có một bộ sách riêng cho học sinh vùng cao”.

 

Một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về giáo dục nói với tôi rằng, sẽ không thể có một chương trình hay bộ sách giáo khoa dạy tiếng Việt riêng cho học sinh miền núi. Nguyên nhân là không có kinh phí, và chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng là chương trình chung nên nội dung phải thống nhất trong toàn quốc. Học sinh vùng khó khăn cũng phải đạt được yêu cầu cơ bản của chương trình, học sinh vùng phát triển hơn thì có thể có yêu cầu cao hơn. Cách giải quyết trước mắt là chỉ có thể tăng giờ luyện tiếng Việt cho học sinh khi chương trình cụ thể hoá đến từng địa phương.

 

Lý do “thiếu kinh phí” cho một chương trình khiến tôi nhớ đến những đề án về đào tạo tiến sĩ có kinh phí nghìn tỷ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và sẽ triển khai. Trong vòng 5 năm, Đề án 911 với tổng kinh phí 14.000 tỷ đồng, mục tiêu đào tạo 23.000 tiến sĩ được đánh giá là không đạt mục tiêu. Nếu tiếp tục gia hạn để khắc phục hạn chế vẫn sẽ không đạt mục tiêu.

 

Nay, Bộ tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ nhằm phục vụ đổi mới giáo dục. Dự kiến kinh phí là 12.000 tỷ. Đó chỉ là một trong số một vài chương trình nâng cấp giáo dục trị giá hàng nghìn tỷ đồng của Bộ.

 

Trung ương dành rất nhiều ngân sách cho giáo dục, cũng dành rất nhiều ngân sách để hỗ trợ các vùng khó khăn. Qua mùa lũ, hay mùa giáp hạt, sẽ thấy hàng trăm hàng nghìn tấn gạo cứu trợ được gửi lên nơi này. Xã hội cũng quan tâm: ngược các con đường quốc lộ những mùa Đông này là rất nhiều đoàn xe tình nguyện với quần áo ấm hay sách vở mới. Nhưng tiếng Việt - thứ tưởng là hiển nhiên để người ta sinh tồn trong nền kinh tế Việt Nam - thì hình như vẫn chưa tìm được đường lên nhiều bản làng.

 

10 năm nữa, những đứa trẻ gùi hoa trên đồng tam giác mạch, tết hoa đi bán dưới chợ Sà Phìn… nếu nói sõi tiếng Việt, sẽ chọn xuôi Quốc lộ hay là ngược đường biên?

 

Có bao nhiêu đứa trong số chúng sẽ trở thành tiến sĩ?

HOÀNG PHƯƠNG/VNEXPRESS

Top