Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,468,238 lượt

Bi kịch của "Mùa hè xanh"

"Những ngày này ở Hà Nội như nóng hơn bao giờ hết. Bởi cái nắng chói chang len lỏi qua từng cánh hoa phượng cháy đỏ rực, hay vì mỗi người đang thấy trong lòng rạo rực một ngọn lửa vô hình giục giã bước chân?". Đó là những lời chia sẻ cuối cùng của Hải, một trong ba em sinh viên vừa tử nạn khi tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” ở Bình Liêu, Quảng Ninh.

 

Đọc những dòng này, có lẽ những ai từng tham gia “Mùa hè xanh” đều ít nhiều nhớ về thời thanh niên sôi nổi, ước mơ được đi và giúp đỡ những nơi còn nhiều khó khăn của đất nước. Hoạt động tình nguyện hè quả thực mang lại nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu, và là dịp để sinh viên tập lao động chân tay sau những năm tháng chỉ biết đến giấy bút. “Mùa hè xanh”, đặc biệt là các chương trình như “Tiếp sức mùa thi”, đã tạo ra những giá trị không thể phủ nhận. Nó thổi một bầu không khí tự nguyện tươi trẻ vào xã hội ngày càng bon chen, giúp đỡ cho nhiều người, và mang giá trị cao đẹp “sống là cho không chỉ nhận riêng mình” tới thanh niên.

 

Gần 10 năm trước đây, tôi cũng như các em, cũng mang nhiệt huyết ấy đi tình nguyện tại một vùng đất nghèo của tỉnh Hà Giang. Thực tế trái ngược với tưởng tượng bay bổng của những cái đầu trẻ, thừa nhiệt tình nhưng thiếu sức khoẻ và kỹ năng cần thiết. Đội tình nguyện của tôi lúc đó nhận nhiệm vụ cào bằng một mô đất lớn để làm sân bóng chuyền. Gần hai tuần làm việc của chúng tôi hầu như không mang lại kết quả gì. Sinh viên chân yếu tay mềm, đi bê mấy viên đá là thở hổn hển, nói gì đến việc làm chuyên nghiệp như thợ xây. Do tiến độ trì trệ quá, cuối cùng Đoàn xã phải nhờ các cán bộ công an huyện đến giúp. Chỉ trong một buổi là hoàn thành.

 

Không ít chiến dịch “Mùa hè xanh” đã kết thúc với sự "thành công" như vậy. Việc bố trí công việc không phù hợp với khả năng của các em khiến hoạt động tình nguyện trở nên nặng tính hình thức, phong trào, ít giá trị thực tiễn.

 

Việc đưa các em đến những nơi nguy hiểm, làm những công việc khó nhọc, đòi hỏi kỹ năng, mà không được đào tạo hay chuẩn bị cần thiết, là sự thiếu trách nhiệm với các em và với chính hoạt động tình nguyện. Không có việc gì là không hàm chứa rủi ro, nhưng sự cẩn trọng sẽ tránh được những tai nạn thương tâm như sự việc trên.

 

Mặt khác, phần lớn kinh phí hiện nay của “Mùa hè xanh” được lấy từ ngân sách nhà nước cho hoạt động của Đoàn Thanh niên. Sự "phân bổ" ngân sách này kéo theo những ràng buộc nhất định, tạo ra cách tổ chức từ trên xuống và áp đặt chỉ tiêu. Hoạt động tình nguyện, gắn liền với các quyền lợi như xếp hạng sinh viên, cũng khiến “Mùa hè xanh” mất đi nhiều ý nghĩa tự nguyện ban đầu.

 

Vì vậy, theo tôi, các hoạt động tình nguyện lấy sinh viên làm lực lượng nòng cốt cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp với những quy tắc tổ chức chặt chẽ, kỷ luật hơn.

 

Cái chết của ba em sinh viên Ngoại thương là một tai nạn. Khi ra đi, có lẽ các em mang trong mình tinh thần của chàng Pavel trong “Thép đã tôi thế đấy”, muốn cống hiến những ngày tháng tươi đẹp nhất của tuổi trẻ cho cuộc đời. Thế nhưng các em đánh mất đi thứ quý giá nhất là sự sống, để lại những khoảng trống không thể bù đắp cho người thân và bạn bè.

 

Với những người ở lại, ngoài việc xem xét trách nhiệm của các bên liên quan, điều cần làm là phải đánh giá lại cách thức tổ chức các hoạt động tình nguyện để không tái diễn những bi kịch tương tự.

NGUYỄN KHẮC GIANG

Top