Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,483,188 lượt

Bài xích cực đoan

Gia đình tôi vừa trở về từ chuyến du lịch Mỹ, vào lúc ở nhà đang nóng lên vì các vấn đề với khách du lịch Trung Quốc.

 

Trong chuyến đến Mỹ vừa rồi, tôi thấy rõ các điểm du lịch tràn ngập khách Trung Quốc. Dù đó là thác Niagara huyền thoại giữa Mỹ và Canada, là khu tưởng niệm vụ khủng bố 11/9 hay tượng Nữ thần Tự do ở New York; dù là cầu Cổng vàng, phố Lombard, bến tàu 39 ở San Francisco hay Universal Studios Hollywood... Ở đâu tôi cũng có cảm giác người Trung Quốc chắc phải chiếm đến một nửa tổng số du khách ở đó.

 

Nước Mỹ lớn như vậy, Mỹ còn chưa nằm trong Top 10 quốc gia đón nhiều khách Trung Quốc nhất mà đã thế, thử hình dung các điểm đến Top 10 của người Trung Quốc thì "mật độ" du khách nước này cao đến mức nào? Đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hong Kong, Thái Lan, Pháp, Italy, Thụy Sĩ, Macau và Đức. Trong năm 2015, có 120 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, chi 104,5 tỷ USD. Số người Trung Quốc ra nước ngoài du lịch cao hơn dân số nước ta, còn chi phí du lịch nước ngoài của họ bằng một nửa GDP nước ta.

 

Mặc dù là nước láng giềng, Việt Nam không hề nằm trong số điểm đến du lịch được ưa thích của người Trung Quốc. Thẳng thắn mà nói, khách du lịch nước này đến Việt Nam chủ yếu từ các địa phương, với mức thu nhập và khả năng chi tiêu thấp hơn so với những người nước này đi du lịch Tây Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Họ đi Việt Nam vì giá cả phải chăng, vừa túi tiền, chứ không hẳn vì Việt Nam có sức hấp dẫn hơn các điểm đến nói trên.

 

Hơn 104,5 tỷ USD mỗi năm là con số hấp dẫn đối với ngành du lịch của nhiều quốc gia. Dù là các nước giàu như Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Italy, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, tôi chưa thấy nước nào "chê" nguồn tiền này cả, mà họ còn cạnh tranh rất mạnh để chiếm phần càng to càng tốt. Pháp, Italy thậm chí cho cảnh sát Trung Quốc sang tham gia tuần tra ở các điểm du lịch để cùng quản lý du khách Trung Quốc. Nếu như dăm ba nhà hàng, cửa hàng chọn chiến lược "chuyên nghiệp hoá", chuyên phục vụ khách Trung Quốc, thì cũng chẳng mấy người địa phương quan tâm (đâu phải vì thế mà người địa phương hết nơi ăn uống, mua sắm?).

 

Khoảng 20 năm trước, Dubai tràn ngập khách Nga. Không ít nhà hàng, cửa hàng ở Dubai treo biển "Chỉ phục vụ người Nga" vì họ tuyển toàn người Nga làm nhân viên bán hàng và chỉ bán những thứ hàng mà khách Nga thích mua; họ không sẵn sàng, không muốn phục vụ và gặp phiền toái với các khách không phải người Nga. Người Dubai không vì thế mà phản ứng với các nhà hàng, cửa hàng "chuyên Nga" đó. Nói cho cùng, chọn ai để phục vụ cho chuyên nghiệp là quyền của mỗi nhà kinh doanh.

 

Trở lại chuyện Việt Nam, tôi còn nhớ cảnh những khách sạn, nhà hàng ở Nha Trang vắng khách; sân bay Cam Ranh ít chuyến bay sau khi mất gần hết du khách Nga. Tôi còn nhớ sự lo âu hiện rõ trên mặt các vị lãnh đạo địa phương, sự chán nản của các nhà đầu tư du lịch (không ít người là bạn bè của tôi), sự thất vọng của những người lao động bị mất việc (trong đó có nhân viên của công ty tôi).

 

Việc các doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không Việt Nam sau đó tìm được nguồn khách Trung Quốc lấp đầy các khách sạn, bãi biển, nhà hàng ở Nha Trang và trả lại sự tấp nập cho sân bay Cam Ranh là một thành công lớn. Ai chẳng muốn có được những nguồn khách cao cấp hơn đến từ Tây Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản... nhưng trong khi chưa thu hút được các nguồn khách cao cấp (và khó tính hơn), chẳng lẽ lại đóng cửa ngồi chờ? Các nhà đầu tư lấy đâu tiền trả nợ ngân hàng, các chủ nhà hàng lấy đâu tiền trả tiền thuê mặt bằng, người lao động kiếm đâu việc làm để sống?

 

Chê khách Trung Quốc ai cũng làm được, nhưng có là người trong cuộc mới hiểu hết được khó khăn của doanh nghiệp du lịch khi mất nguồn khách và sự cơ cực của người lao động khi mất việc, mất thu nhập. Cũng không có cơ sở để lo rằng nơi nào đông du khách Trung Quốc thì khách "Tây" không đến. 120 triệu du khách Trung Quốc đi khắp nơi, nếu tránh các điểm đến có du khách Trung Quốc thì khách "Tây" không còn nơi nào để đi du lịch nữa.

 

Người Trung Quốc vào nước ta dù phần đông không cao cấp, không chi tiêu nhiều như khách Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản, nhưng cũng mang lại cho các doanh nghiệp du lịch, hàng không khoản doanh thu không dưới 500 triệu USD mỗi năm. Đây không phải là số tiền nhỏ để chê. Còn đối với người du lịch Trung Quốc, họ là người dân, không quyết định quan điểm của chính quyền Trung Quốc về các tranh chấp giữa hai quốc gia, không phải là đối tượng thích hợp để tỏ thái độ.

 

Hướng dẫn viên Trung Quốc nào có lời nói, thái độ sai trái, việc làm vi phạm pháp luật Việt Nam thì cần xử lý riêng hướng dẫn viên đó. Khách du lịch Trung Quốc nào có hành động không đẹp thì cần nhắc nhở, chấn chỉnh riêng khách đó và công ty tour của họ.

 

Theo tôi, bài xích khách Trung Quốc nói chung là điều cần tránh vì nó không những làm hại nhiều doanh nghiệp du lịch nước ta, mà còn thể hiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thứ không văn minh và không tốt cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào.

LƯƠNG HOÀI NAM

Top