Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,482,223 lượt

Bánh mì và nghìn tỷ

Hồi còn ngồi ở giảng đường trường Luật, đám sinh viên ngành đào tạo cán bộ Toà án chúng tôi thường lấy các vụ án trên báo ra tranh cãi. Gần đây, cái không khí tranh luận ấy lại bất đồ được hâm nóng. Chỉ trong mấy ngày, không chỉ giới luật mà dư luận xã hội có thêm một thành ngữ mới: nhân thân tốt.

 

Đó là việc liên ngành tố tụng quyết định không xử lý trách nhiệm hình sự 5 cán bộ trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà vì họ là những người có “nhân thân tốt” và có nhiều đóng góp cho xã hội. 5 cán bộ này không phải được miễn trách nhiệm hình sự, mà họ không bị khởi tố điều tra làm rõ. Vụ này càng gây hoài nghi hơn khi đặt cạnh sự nghiêm khắc của các cơ quan tố tụng trong việc ngay sau đó phạt tù hai thanh niên cướp giật bánh mỳ. Việc không xem xét trách nhiệm hình sự vì lý do nhân thân tốt sẽ tạo nên một tiền lệ rất xấu. Luật quy định chỉ hai lý do để không khởi tố bị can hoặc vụ án, đó là (i) Không có dấu hiệu cấu thành tội phạm và (ii) Có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng thiệt hại không đáng kể.

 

Trong vụ án "Vỡ ống nước Sông Đà", dấu hiệu cấu thành tội phạm đã có, thiệt hại vô cùng lớn về vật chất lẫn tác động tiêu cực lên đời sống xã hội, thế nhưng vẫn không bị xem xét trách nhiệm hình sự là vô lý và sai luật. Không hề có căn cứ pháp luật nào đối với lập luận không xử lý hình sự vì nhân thân tốt.

 

Gần 20 năm làm báo, theo sát hàng trăm vụ án lớn nhỏ, tôi nhận ra, tất cả chủ thể của tội phạm về chức vụ (trừ một số trường hợp đồng phạm) đều có nhân thân tốt. Và quan chức càng cao thì nhân thân càng tốt, tốt cho đến khi bị phát hiện sai phạm và đứng trước vành móng ngựa.

 

Tôi cho rằng, một nền tư pháp coi nhân thân tốt là điều kiện để miễn tố, thì cơ quan tiến hành tố tụng đã vô hiệu hoá quy định của pháp luật đối với các tội phạm về chức vụ. Còn ngược lại, những vụ án kiểu “bánh mì” - hành vi trộm, cướp liên quan đến tài sản giá trị thấp - lại thường được gây ra bởi những người có xuất thân lao động, gia cảnh phức tạp. Tỷ lệ “nhân thân tốt” của họ chắc chắn là thấp hơn tội phạm có chức vụ.

 

Nhân thân tốt và những đóng góp cho xã hội là điều kiện xem xét khi lượng hình, chứ không phải là dấu hiệu định tội và càng không thể trở thành chỗ dựa để lọt lưới pháp luật. Một khi có dấu hiệu tội phạm, khi hành vi của một người xâm hại đến khách thể mà luật hình sự tuyên bố bảo vệ, thì phải khởi tố điều tra.

 

Lý do “nhân thân tốt” tạo ra một sự phân biệt đối xử mênh mông giữa các vụ án “bánh mỳ” và “nghìn tỷ”. Mấy hôm nay người ta hỏi nhau ngơ ngác: Sao hai đứa giật bánh mỳ trị giá tài sản chiếm đoạt 45 nghìn đồng thì bị tù giam, còn 5 ông quan có trách nhiệm trong vụ đường ống nước nghìn tỷ cấp cho thủ đô bị vỡ gần 20 lần, kéo theo hàng chục nghìn hộ dân lâm cảnh mất nước triền miên lại không bị xử lý hình sự?

 

Sự phản ứng của dư luận, tôi thấy, đến từ hai luồng: Giới luật gia quan tâm đến "lý" là các căn cứ pháp lý; người dân nói chung quan tâm đến "lẽ", họ không am hiểu sâu pháp luật nhưng thấy việc không khởi tố những ông quan kia là bất thường, là vô lý, là không hợp lẽ đời.

 

Cuộc tranh luận về “bánh mỳ” và “nghìn tỷ” khiến cho đám bạn học luật của tôi lần đầu tiên chụm đầu lại tranh luận sau 20 năm. Bất phân thắng bại. Đám học luật như tôi, cũng không chịu thuyết phục bởi cái “lẽ” của những người dân bình thường. Nhưng người dân nói chung không hiểu luật một cách hàn lâm, tường tận, thì hiểu theo một tập quán: cái gì vô lý, gây hại cho người khác thì trái luật.

 

Tôi nghĩ toà có những căn cứ trong việc xét xử hai bị cáo vị thành niên giật bánh mỳ. Nhưng nếu trong mắt nhân dân, cơ quan tố tụng hành xử khác nhau giữa một vụ án bánh mỳ và vụ án nghìn tỷ thì những gì chúng ta nghe rao giảng về một nhà nước "thượng tôn pháp luật" vẫn sẽ chỉ là giấc mộng xa xăm.

ĐỨC HIỂN

Top