Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,638 lượt

Phát đạn của Xuân Vinh

Năm 2008, tôi có mặt ở Bắc Kinh đồng hành cùng đoàn thể thao Việt Nam tranh tài tại Olympic. Năm đó, đoàn Việt Nam có tin vui, vì chiếc huy chương bạc thứ hai trong lịch sử dự Olympic của vận động viên cử tạ Hoàng Anh Tuấn.

 

Nhưng ngay cả trong ánh hào quang của tấm huy chương mà Tuấn đã mang về, tôi vẫn nhận ra sự cô độc của những vận động viên đã gắn mình với thể thao thành tích cao.

 

Năm đó, người đồng hành với Tuấn trong hành trình đến vinh quang là Nguyễn Thị Thiết. Cô là vận động viên cử tạ đầu tiên của Việt Nam đến với đấu trường Olympic, tham dự Athens 2004.

 

Tại Bắc Kinh 2008, cô vẫn xuất sắc giành vé tham dự cùng Hoàng Anh Tuấn. Nhưng ít ai biết rằng, Thiết chính là người đã hỗ trợ Tuấn trong suốt thời gian tập luyện và thi đấu tại Bắc Kinh. Không có trợ lý, Thiết tự mình lắp từng bánh tạ cho Tuấn tập. Hàng trăm kilogam mỗi ngày. Bất chấp việc đó sẽ ảnh hưởng tới chính thể lực của Thiết. Đó là lựa chọn của Nguyễn Thị Thiết, khi cô biết rằng cơ hội để có thành tích của bản thân là rất nhỏ, còn của Hoàng Anh Tuấn thì rõ ràng hơn.

 

Khi Tuấn giành huy chương bạc, trong phát biểu với báo chí, anh có lời cảm ơn dành cho Nguyễn Thị Thiết. Nhưng không mấy ai bận tâm về lời cảm ơn ấy. Nếu không phải là thành viên của môn thể thao vua, được hàng triệu người tung hô chờ đợi, những vận động viên của chúng ta phần lớn cô độc trên hành trình vươn tới đỉnh cao. 

 

 

Ngày hôm nay, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang về cho thể thao Việt Nam chiếc huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử Olympic. Gương mặt anh được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình và các báo đồng loạt đưa lên trang nhất. Tên của anh được nhắc tới trên môi hàng chục triệu người Việt Nam, những ngày này, và sẽ còn rất lâu nữa, ít nhất là mỗi kỳ Olympic khởi tranh.

 

Nhưng nếu anh bắn trượt viên đạn cuối cùng (điều từng xảy ra với Vinh, hai lần), thì mọi thứ sẽ là con số 0 tròn trĩnh. Không có một lời tung hô khen ngợi nào đã đành. Không có luôn cả một lời chia sẻ, động viên. Vinh sẽ ngồi lại đó, thất thần, có thể là khóc. Một mình. Bởi vì, công chúng, và cả những người có trách nhiệm của ngành thể thao Việt Nam, không mấy ai quan tâm tới “con đường”. Hầu hết, chỉ quan tâm tới “đích đến”.

 

Hoàng Xuân Vinh từng ngồi khóc trong cô độc giữa nhà thi đấu sau khi bắn trượt phát đạn cuối tại Asian Games 2010, khi cả đoàn đã ra về. Khán giả không biết đến anh để động viên khi ấy. Hoàng Xuân Vinh cũng đã phải tự đi gõ cửa cầu may để… mượn súng trước thềm Cúp Thế giới tại Đức, và tự dốc tiền túi ra để mua đạn.

 

Đến hôm nay khi bắn súng lên đỉnh thế giới, nhiều người mới biết được sự khổ cực của những vận động viên bắn súng Việt Nam. Đạn đắt, mỗi buổi tập chỉ có ít đạn, họ tập khan, tức là chỉ giơ súng lên cho thuần thục động tác. Rồi cả báng súng, không có loại vừa tay, các vận động viên Việt Nam cũng trở thành thợ tiện chuyên nghiệp, tự đẽo báng súng cho mình.

 

Còn rất nhiều người như thế, kể cả những người tưởng sống trên đỉnh vinh quang. Tiến Minh vẫn một mình lặn lội xách vợt đi thi đấu khắp Á sang Âu, tự mình giành lấy vị trí trên bảng xếp hạng, mà không có tài trợ từ ngành Thể dục Thể thao. Vươn lên đẳng cấp thế giới từ một tay vợt phong trào đã là một nỗ lực phi thường, nhưng nếu không có vàng, anh vẫn hay được gắn mác “tâm lý yếu”.

 

Không tiền tài, có thể không có chút danh vọng, có thể là một sự lãng quên tuyệt đối, nhưng nhiều người trong số họ đã sống và cống hiến hết mình. Nếu có điều gì có thể lý giải được cho sự chung thủy ấy, chỉ có thể là tình yêu với cái nghiệp họ đã chọn.

 

Nếu như mọi thứ chỉ được quy đổi bằng quy luật cung - cầu, bằng lý trí, bằng tiền và sự thừa nhận, thì sẽ không có tấm huy chương bạc của Tuấn ở Bắc Kinh năm 2008; cũng sẽ không có niềm tự hào của ngày hôm nay, khi Quốc ca Việt Nam vang lên tại Rio de Janeiro, giây phút mà nhiều người Việt đã bật khóc. Lịch sử không được tạo ra bởi những quy luật. Lịch sử được tạo ra bởi ý chí con người.

 

Phát đạn quyết định của Hoàng Xuân Vinh, tấm huy chương trên cổ anh, đã trở thành niềm động viên cho tất cả vận động viên đang ngày đêm tập luyện cho dù không được nhắc tên một lần. Và hơn thế, là lời nhắc nhở chúng ta rằng ở đâu đó, vẫn có rất nhiều Hoàng Xuân Vinh khác đang đơn độc trong hành trình mang vinh quang cho Tổ quốc.

GIA HIỀN

Top