Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,474,115 lượt

Giá trị của huy chương

Đêm qua, Hoàng Xuân Vinh lại xuất sắc đoạt huy chương Bạc nội dung súng ngắn bắn chậm 50m tại Olympic. Trước đó, tấm huy chương Vàng lịch sử của anh đã khởi nguồn cho những cảm xúc thăng hoa về nền thể thao nước nhà cũng như những ý kiến trái chiều về sự đầu tư nghèo nàn cho thể thao thành tích cao.

 

Điều này làm tôi tự hỏi: Những tấm huy chương thể thao thành tích cao thật sự có ý nghĩa như thế nào với nước nhà? Tại sao lại phải đầu tư nhiều tỷ đồng cho các vận động viên luyện tập?

 

Tôi đang sống ở Australia, một đất nước chỉ gần 25 triệu dân nhưng luôn nằm trong top 10 bảng tổng sắp huy chương ở các kỳ Thế vận hội. Các vận động viên thực sự là những người truyền cảm hứng chơi thể thao cho toàn dân Australia. Rio 2016 này, những hình ảnh cổ vũ cho đoàn Australia được in ở khắp nơi: trên lọ mứt, trong tủ kính cửa hàng quần áo, trên giá của hiệu thuốc hay bảng điện tử quảng cáo ở nhà ga.

 

Tôi chứng kiến hai bố con đứng xem qua màn hình lễ kéo quốc kỳ khi vận động viên Mark Horton giành huy chương Vàng nội dung bơi tự do 400m. Cậu bé chừng 4 tuổi hỏi bố: “Sau này con có được như anh ấy không?”. Người bố trả lời: “Được chứ, nhưng con phải học bơi trước đã”.

 

 

 

Ở Australia, bơi là một kỹ năng cơ bản như dùng dao dĩa trên bàn ăn vậy. Ở đây có cả những khóa học bơi hay còn gọi là làm quen với nước cho trẻ em 2-3 tuổi. Nghĩ về quê nhà, tôi vẫn luôn thấy đau lòng mỗi khi nghe tin ở Việt Nam có trẻ em bị tai nạn đuối nước.

 

Chơi thể thao, vận động thể chất với người Australia đã trở thành một phần tất yếu của giáo dục nhà trường và sinh hoạt hàng ngày. Tôi từng đứng sau hàng rào một trường tiểu học cả nửa giờ đồng hồ, say mê nhìn học sinh luôn tay luôn chân chơi đủ các môn trong giờ thể dục. Chúng chơi bóng chuyền, nhảy dây, chạy, bóng bầu dục... Mọi thứ, miễn là vận động.

 

Những thói quen tốt hình thành dễ dàng hơn khi bắt đầu lúc còn nhỏ. Chơi thể thao cũng vậy, cha mẹ khuyến khích con chơi không phải để thành vận động viên chuyên nghiệp mà để rèn luyện thể chất. Đứa trẻ nào phù hợp và đam mê môn thể thao nào được tự do lựa chọn môn đó theo ý thích.

 

Ở Việt Nam, học sinh cũng được rèn luyện thể dục thể thao trong những giờ học. Nhưng ngay từ khi còn đi học, tôi đã nhận ra một điều bất hợp lý là các tiết học thể dục thường là tiết thứ tư, thứ năm - sau những giờ học văn hóa mệt nhoài, khi trời có thể đã rất nắng nóng. Sự bố trí thời gian không phù hợp, chương trình cứng nhắc, nặng về điểm số khiến học sinh không hứng thú. Ngoài ra, môn học này cũng chưa tạo điều kiện để học sinh tự chọn môn thể thao yêu thích. Ba năm cuối cấp là độ tuổi tăng trưởng mạnh nhất của cơ thể thì đa phần học sinh phải tập trung học đến mức “không lớn được”.

 

Các số liệu khảo sát cũng cho thấy thanh niên Việt Nam lười vận động, thể lực kém và thể trạng thấp còi. Sức bền của người Việt Nam thuộc mức “rất kém” so với khu vực và chuẩn quốc tế. Sinh viên đại học đa phần không tập thể thao thường xuyên và hay thức khuya dậy muộn. Trường đại học của tôi có bể bơi bốn mùa nhưng rất ít khi tôi gặp một bạn học Việt Nam nói riêng và đến từ châu Á nói chung đi bơi, dù đông hay hè.

 

Thể thao đỉnh cao không chỉ là một cuộc cạnh tranh thương hiệu giữa các quốc gia. Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn, Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh... là những người truyền cảm hứng cho các cá nhân của quốc gia đó.

 

Môn bắn súng không liên quan đến việc chạy bộ nhưng tấm huy chương của anh Vinh, bằng cách nào đó, đã động viên tôi chui ra khỏi chăn, chiến thắng đủ mọi lí lẽ mà bộ não nghĩ ra đòi ở nhà.

 

Một đất nước muốn vươn xa chắc chắn phải nuôi dưỡng được những con người khỏe khoắn, tinh anh từ thể chất đến tinh thần. Chỉ vài người thôi, với những tố chất đặc biệt, mới có thể giành được những tấm huy chương thể thao thành tích cao. Nhưng thành quả mà số ít đó gặt hái được, tôi hy vọng, sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng vận động và vươn lên cho cả cộng đồng.

ĐẶNG THÁI HOÀNG

Top