Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,360 lượt

Chặn kiệu quan

Trong những bộ phim cổ trang thường chiếu trên truyền hình ngày xưa, thi thoảng lại xuất hiện hình ảnh những người dân thấp cổ bé họng chặn đường quan lớn, mong được minh xét nỗi oan ức của mình.

 

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hoóc Môn, TP HCM vừa qua, thầy giáo trẻ Trần Thái Châu gợi lại cho tôi những thước phim đó, khi anh bày tỏ với Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng về chuyện đi dạy không lương trong gần một năm rưỡi.

 

Như trong phim cổ trang, sự việc sau đó được xử lý rất nhanh. Cách đây sáu tháng, hai nữ sinh thuộc mái ấm Truyền Tin cho trẻ mồ côi ở quận Bình Tân cũng đã được làm thẻ căn cước để dự thi tốt nghiệp phổ thông, sau khi lời cầu cứu của các em được truyền tải đến Thành uỷ.

 

Mái ấm này đã nỗ lực xin làm hộ khẩu tập thể, căn cứ để xác nhận quyền công dân cho các em mồ côi, trong vòng 20 năm nhưng bất lực. Với chỉ đạo của ông bí thư, ba ngày sau hai em đã có trong tay tấm thẻ căn cước.

 

Nhiều người sẽ nhìn nhận những câu chuyện đó như tín hiệu tích cực. Còn tôi tự hỏi rằng đằng sau những vụ “chặn kiệu quan” ấy là gì? Giả dụ anh giáo nghèo không được nêu ý kiến trong buổi tiếp xúc cử tri và bức tâm thư “xin được làm công dân” của hai nữ sinh mồ côi không chọn được "đúng điểm rơi" của người tiếp nhận, thì kết quả sẽ ra sao?

 

Khi đó, trường hợp của họ sẽ nằm trong hàng chục nghìn vụ việc tố tụng liên quan đến quyết định hành chính không được giải quyết, còn tồn đọng trên cả nước trong 5 năm qua. Hoặc thậm chí, họ không biết đường đi kiện và sẽ không ai biết đến nỗi bức xúc của họ.

 

Như chuyện những đứa trẻ lớn lên trong mái ấm sẽ không thể có chứng minh thư khi bước vào đời, vốn là một lỗ hổng của pháp luật hiện hành - những lỗ hổng, bất hợp lý tồn tại ở nhiều nơi, nhiều dạng.

 

Đối với anh Châu, hai nữ sinh mồ côi, hay những người có may mắn được các lãnh đạo trực tiếp quan tâm đến câu chuyện của mình, đó thực sự là câu chuyện cổ tích. Nhưng có lẽ không ai muốn nương nhờ “chuyện cổ tích” để đòi lại công lý. Ở một đất nước với hơn 90 triệu dân, xác suất để lãnh đạo cấp ủy viên TW trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của cá nhân không nhiều. Một lãnh đạo, dù mẫn cán đến đâu, cũng không đủ phép thần thông để giải quyết từng bức xúc của mỗi người dân.

 

Điều này ít ai không hiểu. Nhưng lựa chọn còn lại, khiếu nại hay kiện ra toà các quyết định hành chính, còn bất trắc và khó khăn hơn nhiều. Ngay cả Chính phủ cũng thừa nhận, việc xử lý các vụ án hành chính chưa mang lại kết quả như ý muốn bởi nhiều yếu tố xuất phát từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Theo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Tố tụng hành chính sửa đổi, hàng năm số lượng các vụ khởi kiện quyết định hành chính là trên 5.000 vụ, nhưng tỷ lệ thành công, theo nghĩa sửa đổi hay huỷ các quyết định, chỉ dưới 4%.

 

Đó là việc bất cân xứng về quyền lực giữa một bên là người dân khởi kiện và một bên là cơ quan nhà nước. Một buổi chiều Sài Gòn, tôi đã ngồi nghe một người mẹ già vừa khóc vừa kể hành trình gian nan của mình và con, một người điếc câm, khi xin giấy phép thành lập tổ chức cộng đồng cho những người như mình. Gần 8 năm trời tất tả đi xin với chồng hồ sơ đã dày cả mét, mà đến bây giờ một cộng đồng hơn 250 người khuyết tật, về mặt danh nghĩa, hoạt động ngoài vòng pháp luật chỉ bởi dòng phê ba chữ “chưa cần thiết” từ nhà quản lý.

 

Để những nhóm yếu thế như cộng đồng điếc câm đi kiện cơ quan công quyền là gần như không thể. Bởi họ vừa không có tiền, vừa không có quyền, và với những quyết định liên quan đến nhiều bên khác nhau như vậy, thì việc xác định một đối tượng cụ thể để kiện là khó.

 

Giải pháp tốt nhất cho họ lúc này, chẳng lẽ là lại tìm cách tiếp cận trực tiếp một vị ủy viên trung ương để nói bằng ngôn ngữ người câm?

 

Nếu may mắn nằm trong số 4% những người thành công, cũng chưa chắc bạn đã đòi được sự công bằng, bởi thắng kiện đã khó, việc buộc cơ quan thua kiện thi hành án hành chính cũng không dễ dàng do các cơ quan chây ì việc thực thi.

 

Việc Chính phủ ra Nghị định quy định chế tài xử lý việc chậm trễ thi hành án hành chính vào đầu tháng 7 vừa rồi, nặng nhất là buộc thôi việc và chịu án tù treo, là một bước đi tích cực nhằm giúp cho hệ thống công quyền vận hành có trách nhiệm hơn. Nhưng tôi cho rằng, vấn đề cốt lõi không chỉ là tạo ra các quy định, mà còn là thay đổi tư duy của những người bị điều chỉnh bởi quy định đó.

 

Đến khi nào cán bộ nhà nước vẫn phục vụ người dân theo kiểu xin - cho và ban - phát, thì những bức xúc dồn ứ không được giải quyết trong xã hội sẽ còn nhiều.

 

Để người dân phải lao ra chặn kiệu quan là một tiền lệ không tốt. Một xã hội pháp quyền văn minh phải kiến tạo được hệ thống pháp luật mà cho phép mỗi người dân tự là "Bao công" của chính mình.

NGUYỄN KHẮC GIANG

Top