Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,546 lượt

Lũ tại ông... Người

Cuối năm 2012, thủy điện Sông Tranh 2 tỉnh Quảng Nam xuất hiện những vết nứt, nước rò rỉ qua thân đập. Lúc đó mặc dù không trữ nước, lượng nước trong hồ vẫn xấp xỉ 200 triệu khối.

 

Một chuyên gia thủy điện, khi được hỏi điều gì xảy ra nếu đập Sông Tranh 2 bị vỡ, đã khái quát lạnh xương sống: Tất cả hạ du, từ đưới đập cho đến Hội An, sẽ trôi ra biển. “Tất cả hạ du” có 7 huyện, 100.000 dân và Hội An - với số du khách không thể định lượng.

 

Để củng cố thêm sự hoảng sợ mà những vết nứt đập gây ra, lúc ấy, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp xảy ra động đất.

 

Rất nhiều cuộc kiểm tra với những kết quả thậm chí là đối lập nhau. Nhưng suốt hàng tháng trời, nước vẫn rỉ ra từ các kẽ nứt, động đất vẫn rung chuyển cả ngày lẫn đêm, hàng chục nghìn người dân vẫn sống trong tột cùng sợ hãi. Câu chuyện bế tắc đến mức, trong cơn nóng giận, ông Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch huyện Bắc Trà My đã tuyên bố với báo chí: “Các đoàn của Bộ, ngành TW vào huyện sẽ không tiếp nữa. Từ nay, thời gian đó huyện sẽ dành giải quyết công việc của địa phương”.

 

Tôi đã phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, ngay dưới chân thủy điện Sông Tranh 2. Vị phó chủ tịch huyện da đen nhẻm, mắt sáng quắc, nói gần như quát vào micro. Nhưng cuối cùng thì giọng ông chùng xuống, vì cơ bản chấp nhận rằng, đã quá muộn để thay đổi điều gì. Ông chỉ mong muốn có được trong tay bản đánh giá diện tác động khi thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ. Từ đó, chính quyền 7 huyện hạ du mới có thể xây dựng kế hoạch sơ tán dân khi thủy điện xả lũ từng phần, hay tệ hơn - lũ quá to và thủy điện xả tràn.

 

Nói mãi, tiếp các đoàn mãi, cuối cùng người cán bộ ấy cần, chỉ là một sự hợp tác với chính cái thuỷ điện trên địa bàn của mình.

 

Ông Tuấn lo cho dân, tôi tin là thế. Nhưng cho đến tận bây giờ, 4 năm sau, và đã là Chủ tịch huyện Bắc Trà My, tôi biết ông Trần Anh Tuấn vẫn không có được thứ mà ông muốn: Bản đánh giá diện tác động khi thủy điện xả lũ.

 

Bởi vì không có một văn bản pháp luật nào quy định rằng các nhà máy thủy điện phải thực hiện và cung cấp bản đánh giá ấy. Thực tế là thủy điện cũng không thể đơn phương làm được. Nhà máy thủy điện, hay EVN chỉ có thể cung cấp thông số kỹ thuật của đập thủy điện, công suất hồ chứa, tính toán phương án xả lũ theo mức nước tại hồ chứa và lượng nước của mỗi lần xả. Phối hợp với họ, còn phải là sở nông nghiệp địa phương, với khả năng tiêu thoát của các kênh mương thủy lợi, khả năng ngăn nước của hệ thống đê điều; là sở Tài nguyên Môi trường, sở Xây dựng, sở Công thương, với các thông số về hệ thống cống thoát nước ở đô thị, khả năng tiêu thoát, cốt nền đường... Tóm lại, để xây dựng được một phương án phối hợp hiệu quả cho quy trình xả lũ, và sơ tán để đảm bảo tính mạng cũng như tài sản cho người dân, thì các cơ quan chức năng cần ngồi với nhau, để cung cấp thông tin, và bàn bạc phương án phối hợp.

 

Nhưng không. Mỗi mùa mưa lũ, những cuộc họp vẫn sẽ được tổ chức, một lần trước lũ, để phân công trách nhiệm. Và một lần sau lũ, để quy kết trách nhiệm.

 

Ai chịu trách nhiệm khi lũ lụt gây thiệt hại nặng nề? Phía chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ra sức trách cứ thuỷ điện Hố Hô xả lũ bất ngờ khiến người dân “không kịp trở tay”, hàng nghìn nhà dân bị ngập, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đáp lại, người ta thấy thuỷ điện Hố Hô đưa ra một mệnh đề quen thuộc, là họ đã làm “đúng quy trình”.

 

Cho dù là lỗi của ai, thì người ta cũng dễ dàng nhìn thấy sự thiếu chặt chẽ trong phối hợp giữa đôi bên. Chính quyền huyện Hương Khê hôm nay phản biện thủy điện Hố Hô rằng “đáng ra khi đài báo áp thấp nhiệt đới, thuỷ điện phải xả trước vài ngày”. Nghe rất thuyết phục. Nhưng tôi tự hỏi rằng tại sao điều đó không thể là một đề xuất của chính quyền với thuỷ điện từ vài ngày trước, nếu chính quyền đánh giá được xả thế thì “ngập úng là đương nhiên”? Tại sao nó không thể là một cuộc điện thoại khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống thay vì một lời chỉ trích trong cuộc họp giải trình hậu quả?

 

Và tôi lại nhớ lại mong ước về việc thuỷ điện và chính quyền cùng ngồi lại và làm những đánh giá của ông phó chủ tịch huyện Bắc Trà My năm nào.

 

Năm 2012, khi về Bắc Trà My, tôi đã chứng kiến một hình ảnh đầy ám ảnh ở chính những buôn làng tái định cư, được đầu tư xây dựng rất khang trang. Những đồng bào dân tộc Kadong không sống trong nhà gạch, tường xây, mái lợp tôn xanh đỏ. Họ dựng lên những ngôi nhà sàn ngay bên cạnh, và sống trong đó. Kinh nghiệm cho họ biết rằng, nếu lũ về, thì những ngôi nhà sàn sẽ cao hơn mặt nước.

 

Trong lúc các bên chờ đợi một cơ chế phối hợp nào đó, thì người dân chỉ biết tự lo cho số phận của mình.

 

Hố Hô đã gây họa hai lần, 2010 và 2016. Và từ cái thuỷ điện ấy, nhiều người giật mình tự hỏi: còn bao nhiêu cái thuỷ điện đã được cấp phép, mà khi nó gây họa theo đúng quy trình, người ta không biết phải đổ lỗi cho ai ngoài… ông Trời?

GIA HIỀN

Top