Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,474,152 lượt

Bán vé kiểu bao cấp

Những hình ảnh khổ sở của hàng chục nghìn người xếp hàng dài trước sân Mỹ Đình để mua vé cho trận đấu với Indonesia hoá ra không chỉ thu hút những cái nhíu mày và thở dài của người Việt Nam.

 

Sau khi được một trang tin ở Italy đăng lên, một người bạn Italy nhắn tin cho tôi: “Mới nhìn qua tưởng các bạn xếp hàng mua iPhone7, nhưng không phải. Tình yêu bóng đá của các bạn thật lớn. Tôi rất ngưỡng mộ”.

 

Ông bạn quả là có tính hài hước. Và cái tính hài hước ấy thực ra lại làm tôi đau lòng. Những người xếp hàng chen nhau xô vào cánh cổng của chỗ bán vé ấy đến mua một thứ sản phẩm có giá trị vật chất ít hơn nhiều chiếc iPhone. Có lẽ họ cũng không quá giàu. Lướt qua những gương mặt chai sạn gợi lên cái nghèo ấy, ta có quyền tự hỏi món quà tinh thần kia có lớn lao đến mức họ sẵn sàng chen lấn để có được nó?

 

Italy cũng từng chứng kiến những cảnh tương tự như thế hàng tuần, trước những trận đấu đỉnh cao. Nhưng đó là từ… 30 năm trước, khi giải vô địch của họ là một World Cup thu nhỏ với biết bao ngôi sao hàng đầu thế giới thi đấu.

 

 

Những năm tháng ấy, các trận đấu bóng đá trên các sân vận động Việt Nam cũng như thế. Đi xem bóng đá giống như một thứ giải trí cao cấp đối với giới bình dân. Thời bao cấp, cái gì cũng thiếu và do đó, cái gì cũng rất quý. Người ta xếp hàng và chen lấn xô đẩy để mua mọi thứ. Tôi đã sống qua những năm tháng ấy. Ký ức còn lại của một tuổi thơ bao cấp chất chứa toàn chuyện xếp hàng và những cô mậu dịch khó tính. Người ta xếp hàng mua gạo, mua dầu, mua vé tàu, xe, mua đủ thứ phân phối. Những năm tháng tưởng đã lùi sâu vào dĩ vãng hơn 30 năm trước, giờ xuất hiện ở Mỹ Đình.

 

Bây giờ, ở đâu đó của thế giới phát triển, người ta đã lên đến Mặt trăng từ lâu, và vé bóng đá ở Italy tất nhiên là phân phối qua mạng. Nếu có xếp hàng thì cũng chỉ nằm trong một chiêu trò kinh doanh nào đó, như bán iPhone đời mới hay Black Friday. Còn ở ta, người dân vẫn phải xếp hàng dài dằng dặc ở Mỹ Đình để mua vé xem bóng đá trong một hình thức phân phối cũ kỹ. Cái hình thức xét cho cùng không làm lợi cho người thực sự muốn vào sân, mà làm giàu cho phe vé và là đất lành màu mỡ cho các hình thức xin-cho theo “vé công văn”.

 

Thời đại Internet và smartphone, kể cả nhiều nước Đông Nam Á trong khu vực như chúng ta, cũng đã phân phối vé hoàn toàn qua mạng. Nhưng thứ văn minh ấy dường như vẫn là một điều quá xa lạ trong bóng đá Việt Nam. Tại sao ở ta, họ không áp dụng điều ấy? Họ kém công nghệ thông tin, hay đơn giản họ vẫn muốn giữ cách phân phối kiểu bao cấp? Sự minh bạch và công bằng không được đảm bảo, vô ý hay cố tình để tiếp tục duy trì đặc quyền đặc lợi cho “vé công văn” - là loại vé không thể đến được tay hàng nghìn người bình dân có khát vọng đến sân xem đội tuyển đá?

 

Bao giờ cái cảnh xếp hàng chen lấn mua vé hoặc xông đến đổ cổng Liên đoàn Bóng đá để đòi mua vé sẽ kết thúc? Khi tư duy phân phối và xin cho vẫn còn tồn tại cùng thói cửa quyền kiểu cơ quan nhà nước vẫn chi phối nhiều hoạt động của cuộc sống, thì quá trình ấy xem ra còn rất dài.

 

Đây không phải lần đầu tiên một cánh cổng bị xô đổ vì xếp hàng. Cánh cổng trường Thực nghiệm Hà Nội cũng từng đổ xuống, vì những người chờ xếp hàng xin học cho con. Nó cũng là một nghịch lý, khi mà những phương thức phân phối tiên tiến không hề được áp dụng. Người quản lý hàng hóa cố tình tạo ra một “đám đông bao cấp”. Phía trong cánh cổng là những người có quyền được phân phát. Và họ từ chối các phương thức có thể ảnh hưởng đến quyền uy ấy của mình.

 

Câu chuyện bán vé bóng đá trực tuyến xem ra là một điều gì đó quá sức đối với những mảnh tư duy kiểu bao cấp còn đang tồn tại và chưa biết đến bao giờ mới mất đi trong xã hội này.

 

Có lúc tôi nghĩ, hay là tại sân Mỹ Đình quá nhỏ, chỉ có 40.000 chỗ ngồi, nên chuyện vé lại thành một cơn bĩ cực lớn lao thế? Nhưng rồi lại nghĩ, kể cả sân lên tới 100.000 chỗ ngồi đi nữa, thì phân phối vé kiểu người ta đã làm bao năm qua cũng chỉ làm cho vấn đề trở nên tệ đi. Vé tàu đã bán qua mạng, đã bớt đi bao nỗi khổ cực xếp hàng của những người về quê ăn Tết. Bao giờ vé bóng đá sẽ được bán như thế, văn minh, minh bạch và công bằng?

 

Hay vấn đề không phải là chuyện cái vé bóng đá, mà là ở việc nhiều người vẫn thích thú với việc được đóng vai cô mậu dịch viên đầy quyền uy?

TRƯƠNG ANH NGỌC

Top