Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,477,347 lượt

Mừng tuổi

Năm nay, vợ tôi bất ngờ tuyên bố sẽ chỉ cho vào phong bì mừng tuổi hai mươi nghìn thôi. Không phải vì năm nay không có tiền, mà bỗng dưng cô ấy muốn “xét lại” việc mừng tuổi. Cuối cùng thì thủ tục ấy đang có ý nghĩa gì?

  

Tôi cũng bí, không biết trả lời sao, dù thấy rằng việc cho vào phong bì hai mươi nghìn cũng “có vấn đề” gì đó. Trẻ con sẽ thất vọng (so với “chuẩn” chung). Và liệu người lớn có ai đánh giá nhà mình hà tiện không? Nhưng không phản biện được. Tôi đành đồng ý.

 

Tôi tự hỏi, những cái phong bì mừng tuổi liệu có phải đã trở thành một loại quán tính văn hóa - như rất nhiều quán tính khác trong đời sống của chúng ta. Nội dung và định lượng của phong bì mừng tuổi bây giờ hàm chứa rất nhiều sự ái ngại, nhu cầu giữ thể diện, hoặc là các mối quan hệ của người lớn. Rồi ngay cả chính những đứa trẻ cũng bắt đầu làm quen với những con số đầy thực dụng qua phong bì mừng tuổi - chứ không phải thứ gì khác. Nó rời xa và mất dấu với cái ý nghĩa gốc, là một lời chúc sức khỏe và may mắn.

 

Tôi nghĩ về cái “nghi vấn” mừng tuổi của vợ, rồi quyết định thử thay đổi một lần. Năm nay, tôi mừng tuổi cho một vài đứa trẻ bằng sách. Không cho tiền nữa. Chúng là con của hai vợ chồng trẻ sống ở bãi giữa sông Hồng, trên căn nhà phao. Mẹ chúng học được đến cấp hai. Còn ông bố, thì gần như mù chữ. Cậu làm nghề chở hàng thuê bằng xe máy, nhưng không đọc được cả tên biển đường, chỉ có thể hỏi thăm và nhớ. Dù thế, hai vợ chồng dạy con rất cẩn thận - trong sức lực của mình. Hai đứa trẻ đang học tiểu học, rất chăm. Tôi bê xuống dưới bãi một thùng gần một trăm cuốn, toàn những sách có tranh màu, in rất cầu kỳ. Tôi chia sách cho hai đứa. Phần còn lại, tôi bảo chúng đi chia cho các bạn trong xóm. Hai đứa vơ ngay lấy, tấp tểnh chạy đi, sang những nhà phao khác. Bọn trẻ hàng xóm đón tiếp bằng một thái độ lạnh nhạt. “Không, tao ghét sách lắm” - một đứa nói thẳng. Không đứa nào có nhu cầu cầm về dù chỉ để xem tranh.

 

Tôi đứng trên bờ nhẫn nại quan sát cuộc “truyền bá tri thức” ấy. Con bé lớn chạy lên bờ, thở dài: “Cháu không đỡ được rồi bác ạ”. Chẳng ai ở đây thích đọc sách đâu, nó bảo, các bạn ở trên bờ còn chẳng đọc. Rồi cả buổi chiều, hai đứa trẻ bắt người lớn đọc cho mình nghe những quyển sách mới được tặng. Tôi thấy vui. Sự thờ ơ của những đứa trẻ khác là bình thường. Ngay cả trên phố kia nhiều người lớn cũng còn chưa thổi được tình yêu sách vào trẻ con, nữa là ở đây, nơi mà phần lớn chúng được “quy hoạch” trở thành lao động chân tay từ khi còn nhỏ. Nhưng chỉ hai đứa trẻ nhận sách, và cố gắng thuyết phục các bạn cùng đọc với mình, đã đủ cho một niềm vui - hay chính xác hơn là niềm hy vọng.

 

Tất nhiên, chúng - và gia đình - cần tiền mặt trước mắt. Tôi hiểu điều đó. Thỉnh thoảng, những khi nhà ấy có việc, tôi vẫn đến, dúi vào tay mẹ bọn trẻ mấy tờ giấy bạc. Nhưng rồi tiền hết rất nhanh, và chúng không thể thay đổi được tương lai “mặc định” của những đứa trẻ sinh ra nơi này, tắm trong dòng nước đục ngầu của vũng sông này, hay chính xác hơn, không tạo ra được hy vọng.

 

Sách thì khác. Và cái cách lũ trẻ sờ nắn mấy quyển sách có tranh màu, bắt người lớn đọc cho chúng nghe, lại càng khác nữa. Nó tạo ra hy vọng, ít nhất, là cho chính tôi - người đang quan sát gia đình ấy vật lộn giữa lòng phố.

 

Tôi tự hỏi rằng có bao nhiêu thứ trong những ngày Tết đang được thực hiện rập khuôn như một thủ tục như thế. Những món quà Tết? Những buổi gặp tất nhiên? Những lời cảm ơn kèm chút phong bì “tri ân”? Những chuyến viếng thăm nhà cấp trên? Có bao nhiêu thứ thực sự còn đang gắn với gốc rễ văn hóa và bao nhiêu thứ đang nhuốm đủ thứ sắc thái xã hội, từ sự ái ngại kiểu “không làm thì người ta đánh giá” cho đến sự mưu cầu?

 

Tôi tự hỏi rằng liệu có phải chính những quán tính làm người ta mệt mỏi như thế khiến cho nhiều người đang muốn xem xét lại việc đón Tết truyền thống?

 

Và tôi tự hỏi, ngoài ngày Tết, chất lượng sống của chúng ta có bị ảnh hưởng, bị méo mó bởi các tập quán văn hóa tốt đẹp của người Á Đông bỗng nhiên trở nên “lai” với xã hội công nghiệp và trở thành phiền toái, từ một cuộc gặp gỡ, hộp bánh Trung thu cho đến một lời cảm ơn (trong phong bì). Chúng ta đang làm bao nhiêu việc theo thói quen và không đặt chút cảm xúc thật nào vào đó? Và việc này, có làm méo mó các giá trị xã hội ở tầm vĩ mô?

 

Cuộc thử nghiệm “mừng tuổi” của tôi với lũ trẻ bãi, dù rất nhỏ, bỗng nhiên tạo ra rất nhiều cảm xúc - so với việc tôi mừng tuổi cho mỗi đứa một tờ bạc. Nó khiến ít nhất là chính tôi cảm giác rằng mình đã thực sự cầu chúc cho hai đứa trẻ ấy một tương lai tốt đẹp.

 

Những thay đổi lớn đến từ việc chúng ta bắt đầu khởi động các thay đổi nhỏ. Chúng ta có thể tăng chất lượng sống của mình bằng việc từ tốn xét lại những quán tính mà mình vô thức tuân theo. Đôi khi, chỉ bằng cách thực sự đặt cảm xúc vào những việc mình làm. Những thay đổi tích cực trong cuộc sống mỗi người sẽ là thay đổi tích cực của cả cộng đồng.

 

Và hôm nay, ngày mùng Một của một năm nhiều hy vọng, là lúc phù hợp để nói về những thay đổi như thế.

ĐỨC HOÀNG

Top