Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,473,916 lượt

Rác sau Tết

Tết Nguyên Đán năm nay, miền Bắc nắng ấm kéo dài, miền Nam triều cường ngập lụt, nên các loại hoa cây cảnh chơi Tết như đào, mai, quất, cúc… đều kém sắc so với mọi năm.

 

Thế là ở Hà Nội, người dân chơi đào từ rất sớm, mới qua rằm tháng Chạp nhiều nhà đã mua đào về chưng. Hoa lúc ấy nở sớm, giá lại rẻ, chưng đến cận Tết thì đem vứt bỏ, thay cành mới. Người chơi hoa thì hỉ hả, người trồng hoa thì buồn rười rượi, còn người dọn hoa thì toát mồ hôi. Bởi “mùa Tết” của những công nhân vệ sinh môi trường, sẽ kéo dài đến cả tháng, thay vì chỉ khoảng hai tuần.

 

Đêm 30 tháng Chạp, tôi chạy qua chợ hoa Quảng Bá, lúc chỉ còn chừng 15 phút nữa là đến giao thừa. Các hàng hoa đã dọn về từ lâu, để lại một núi rác khổng lồ. Để gom chỗ rác ấy, công ty vệ sinh môi trường điều đến một cái xe ủi. Cái xe lầm lũi dồn những cành đào, cuống hoa, lá rụng, rồi cả các cây quất còn nguyên bầu đất, lù lù hàng đống. Những công nhân vệ sinh xúc núi rác ấy lên xe, còng lưng đẩy ngược con dốc tới điểm có xe tập kết rác. Tôi nghĩ chắc chắn công việc không thể hoàn thành trước 3h sáng. Họ có thể sẽ đón giao thừa bên núi rác.

 

Bạn vác một cành đào to, một chậu quất lớn về nhà, chi phí vận chuyển rẻ ra cũng trăm nghìn. Sau đó cả nhà xúm lại, cho vào chậu, rồi quét hoa lá rụng, cũng phải mất nửa ngày mới có thể xoa tay pha ấm trà ngồi ngắm. Đến lúc hoa tàn, quất rụng, đem vứt đi thì cũng lại ngần ấy công sức. Chỉ có điều, điểm đến cuối cùng sẽ giản tiện hơn: chỉ việc quẳng ra bãi rác. Phần còn lại mặc nhiên có công ty môi trường đô thị đảm nhiệm nốt.

 

Mà nào có phải chúng ta chỉ quẳng ra bãi rác những cành hoa?

 

Những ngày này, khắp nơi mọc lên các điểm tập kết rác tự phát. Người ta rất khôn ngoan và tế nhị, sẽ vứt rác Tết vào lúc tối muộn, và vứt ra đúng đầu đường. Bởi vì ai cũng hiểu rằng, chúng sẽ phải được dọn sạch trong đêm hoặc sáng sớm. Nếu không, giao thông có thể tắc nghẽn vì rác. Quả là như vậy, riêng trong thời gian cao điểm trước và sau Tết, công ty môi trường đô thị phải yêu cầu công nhân viên làm việc nối ca liên tục, để đảm bảo rác thải luôn được dọn sạch sẽ. Tết Đinh Dậu này, chỉ riêng 4 quận nội thành Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 5.500 tấn rác phát sinh. Tại TP. CM, con số ấy là 13.000 - 14.000 tấn. Làm một con số chia đơn giản, TP HCM có 7.000 công nhân vệ sinh, nghĩa là bình quân mỗi người xử lý 2 tấn rác.

 

Đằng sau những đống rác là sự cầu kỳ trong ăn chơi của những thị dân đang giàu lên. Đào, mai, phải vác từ rừng về, là giống cây rất cứng và có cành tỏa rộng, tháo dây buộc ra choán hết cả một nửa căn buồng. Những chậu quất 5 tầng 9 tán, kèm theo bầu đất rộng đến cả mét, nặng trĩu. Rồi những vò rượu cần, những gói bọc tầng tầng lớp lớp nylon, ngay đến một hộp bánh quy bây giờ cũng phải mở đến 3 lớp vỏ mới cắn được miếng bánh.

 

Đằng sau những đống rác chỉ có sự giàu có tiền bạc, chứ chưa thấy sự giàu có trong ứng xử. Những cây đào cây quất khổng lồ được đưa nguyên ra vỉa hè, lòng đường chờ “một ai đó” đi qua dọn dẹp. Một ai đó là một công nhân, phần nhiều trong số đó là phụ nữ, thu nhập không tăng lên vì tải thêm những cái tán cây khô khổng lồ ấy sau những ngày Tết.

 

Đằng sau những đống rác là một cuộc chiến tận lực và không cân sức của những người trực tiếp cầm cây chổi.

 

Đằng sau những đống rác không chỉ là chi phí về nhân công. Nó có những “chi phí ngầm” mà chúng ta ít khi nghĩ đến. Mùa Tết năm nay, khách du lịch từ nhiều nước châu Á đổ về Việt Nam. Và họ sẽ được đón tiếp bằng một “bộ nhận diện thương hiệu quốc gia” thật là kỳ quặc: những tán đào, mai, quất khô cong nằm nghễu nghện trên những đống vỏ hộp bánh kẹo rượu mứt của ngày Tết, ngay mùng 3, mùng 4, nhiều nơi trên những tuyến đường trung tâm. Cái giá của hình ảnh ấy không dễ gì đo được.

 

Đằng sau những đống rác (không nhỏ) là một câu chuyện lớn hơn về cách chúng ta xử lý sự dư thừa khi mình đang giàu lên.

 

Năm ngoái nhà tôi chơi hai cành đào to. Gần đến rằm tháng Giêng hoa mới tàn hết, phải đem vứt. Mẹ tôi cầm chiếc kéo cắt gà, cắt gọn hết cành nhỏ, buộc thành một bó. Cành to lại bẻ đôi, rồi cũng buộc lại. Rất gọn gàng, cũng không mất bao nhiêu công sức. Tôi cầm 2 bó củi đào gọn gàng ấy mang ra xe rác vứt khi nghe tiếng kẻng, hoàn toàn không thấy áy náy hay phải dấm dúi vì ái ngại gì.

 

Chúng ta có thể tặng quà cho một cái thùng rác - đó là những món quà dành cho những công nhân vệ sinh. Và món quà ấy đôi khi, chỉ là sự ái ngại.

GIA HIỀN

Top