Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,481,792 lượt

Singapore thu nhỏ

Chúng ta có thể tạo ra được những “Singapore thu nhỏ” hay không? Có nhiều đáp án cho câu hỏi này. Singapore ngày hôm nay được tạo ra trên cơ sở quy hoạch đồng bộ từ đầu.

 

Nên nếu đề bài là tạo ra “Singapore thu nhỏ” từ một đô thị được quy hoạch từ thập niên 1960, quản lý lỏng trong nhiều năm, giờ phải đi “thiết lập lại trật tự”, thì câu trả lời phải chờ… sự quyết tâm của UBND Quận 1.

 

Tôi muốn nói đến một đề bài khác. Nếu đề bài là một khu đất trống, một khu đô thị mới tinh, được xây lên từ những bản vẽ của thế kỷ 21 - như chúng ta đang xây dựng khắp ngoại vi các thành phố lớn. Có xây được Singapore thu nhỏ không? Câu trả lời: Có và Không.

 

Trên một tờ giấy trắng, chúng ta có thể vẽ ra bất kỳ một tuyệt tác nào. Đó có thể là Singapore, đô thị sạch sẽ nhất thế giới, là Barcelona, một siêu phẩm quy hoạch giao thông, là Tokyo với hạ tầng giao thông công cộng thần kỳ. Và tất nhiên, chúng ta có thể vẽ lại chính… Hà Nội và TP HCM trong quá khứ.

 

Hãy tạm rời xa câu chuyện của vỉa hè Quận 1 hay Quận Hoàn Kiếm để nói về những khu đô thị mới. Hãy thử nghĩ về những “tờ giấy trắng” nơi chúng ta có thể vẽ lên Singapore mà không cần phải dùng tới các biện pháp cưỡng chế. Chúng ta làm gì với các cơ hội ấy?

 

Rất nhiều khu đô thị mới đang trên đường tiến hóa trở thành một khu tập thể xập xệ được xây trước thập niên 1980. Ở hai đầu đất nước, bạn có thể dễ dàng bắt gặp một khu đô thị mới đã bị “chợ hóa” chỉ sau vài năm. Khu Trung Hòa - Nhân Chính ở Hà Nội, hơn chục năm trước từng là kiểu mẫu cho một không gian sống mới, bây giờ hàng quán, gà qué và tôm cá dưới lòng đường còn nhiều hơn cả các khu tập thể cũ. Nhiều khối nhà bên Quận 2 vốn mới tinh giờ cũng đang hóa thân thành… Chợ Lớn. Các khu “chung cư cao cấp” mà chủ đầu tư ra sức quảng bá về không gian sống mới, cũng hiếm khi giữ được mình. Chỗ này sẽ có quán trà đá, chỗ kia mở ra quán phở, rồi hàng tạp hóa với tủ thuốc lá, dựng lên giữa các khối nhà có giá trên dưới 30 triệu đồng mỗi mét vuông.

 

Có một thực tế phải thừa nhận: Trong không gian vỉa hè bị lấn chiếm hiện nay, có một phần là phương thức thương mại có thể thay thế: các hàng rau, thịt, thuốc lá, tạp hóa - có thể chuyển vào siêu thị. Một phần không nhỏ khác, bao gồm ẩm thực đường phố, là văn hóa.

 

Đi mua rau trong siêu thị thì tôi nghĩ nhiều người vui lòng. Nhưng chúng ta cần phở. Không phải loại phở bán trong phòng máy lạnh, mà là thứ phở khi bước vào phải đi qua bếp than hồng nghi ngút, ông bán phở đang luyến láy với những miếng thịt mỏng tang tạo ra thanh âm nhịp nhàng từ cái thớt. Chúng ta cần ngô xào, bắp nướng, ốc luộc… và thậm chí là cần ngửi cả mùi sườn nướng ăn với cơm tấm bì chả bay trên phố.

 

Các đô thị châu Á đều đối mặt với vấn đề mang tính cội rễ này. Nếu bạn đọc các nghiên cứu của Singapore trong thập niên 70-80, bạn sẽ thấy: Khi người Singapore quyết tâm tạo ra… “Singapore xịn”, họ phải nghĩ đến không gian cho những người bán hàng rong trong cái đô thị mà họ sắp xây. Những người “chạy chợ” này đều sẽ được quy hoạch và quản lý.

 

Đặc khu Hong Kong, ở tận cùng giàu có và đã sống với người Anh 100 năm, thì tới tận năm kia vẫn còn đối mặt với xung đột văn hóa. Cảnh sát Hong Kong đi dẹp hàng ăn vỉa hè trong dịp Tết Nguyên đán. Kết quả: xung đột nổ ra, tiểu thương cậy cả gạch vỉa hè ném cảnh sát. Hàng chục người bị bắt và bị thương. Khu Mong Kok của Hong Kong, sau cuộc xung đột đổ máu, vẫn mang dáng dấp một ngôi đền của “cơm đường cháo chợ”.

 

Ở châu Á, chúng ta đối mặt với những vấn đề rất riêng của văn hóa. Nếu muốn có một Singapore thu nhỏ, nhất thiết phải hành xử theo những bài học mà họ đã rút ra. Tức là khi xây lên những đô thị mới, ngay từ đầu, người ta nên tính tới các yếu tố văn hóa Á Đông vẫn còn bám rễ. Chúng cũng cần được quy hoạch. Nếu như cương quyết lờ đi không gian cho phở hay cơm tấm sườn bì, thì chúng vẫn sẽ tự trồi lên từ tâm thức cư dân, và chiếm dụng những không gian không dành cho mình. Phở, trà đá và cơm tấm cũng cần phải được quản lý, có li-xăng và thậm chí trả tiền thuê vỉa hè.

 

Hầu hết các quốc gia phát triển đều có khung pháp lý để quản lý hàng rong hợp pháp một cách hiệu quả. Đó chỉ là ví dụ cơ bản nhất. Nếu có thời gian, bạn hãy tìm đọc những nghiên cứu của Singapore về văn hóa hàng rong vỉa hè của chính họ trong các thập kỷ trước. Chúng rất kỹ và rất dài. Họ không chỉ xây lên Singapore bằng việc áp những khối nhà mới lên một mảnh đất trống và đưa dân vào đó sống.

 

Vỉa hè quận 1 chỉ là một câu chuyện nhỏ trong lộ trình phát triển tương lai của các đô thị. Chúng ta còn hàng nghìn cây số vỉa hè nữa sẽ được xây, hàng nghìn cộng đồng dân cư mới được hình thành. Và ta sẽ để các đô thị mới ấy phát triển “hồn nhiên” sau đó chờ đợi một vị lãnh đạo đi xe ủi đến hốt? Hay sẽ tính toán để chúng thực sự là những không gian sống lý tưởng ngay từ đầu?

ĐỨC HOÀNG

Top