Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,483,412 lượt

Bước chậm ở Sài Gòn

Nhiều người hẳn đã nhíu mày khi nghe tin một khách du lịch ngoại quốc được đền 1.000 USD bởi một công ty ở TP.HCM. Cô đã vấp phải một móc sắt hình chữ U - một phần của hệ thống chiếu sáng ban đêm - gắn trên vỉa hè Quận 1.

 

Những bức ảnh nạn nhân đang cầm máu trên mặt nhanh chóng lưu truyền trên mạng. Nhiều người Việt bình luận: những tai nạn kiểu này xảy ra như cơm bữa, với đủ thứ móc và những hiểm nguy lề đường khác. Sự khác biệt chỉ là khi việc này xảy ra với công dân Việt Nam, nó sẽ không trở thành tin tức, và tất nhiên sẽ không tạo ra một khoản bồi thường cả nghìn đô la.

 

Giống như mọi du khách có ý thức đến Việt Nam, khả năng rất cao là người phụ nữ đó có bảo hiểm du lịch. Cô sẽ được bồi hoàn chi phí y tế, và có thể là bồi thường cho việc lịch trình chuyến đi bị ảnh hưởng.

 

Có vẻ như là khoản bồi thường nghìn đô này - rất nhanh chóng và chưa từng có tiền lệ - bởi một công ty địa phương, hơi quá mức. Vị khách đã có bảo hiểm du lịch, và công ty đã viết thư xin lỗi. Thế chính xác mục đích của tiền bồi thường là để làm gì?

 

Và người ta hỏi nhau, liệu điều tương tự có diễn ra nếu trong những bức ảnh đó là một phụ nữ Việt Nam? Có thể. Nhưng cũng có thể là không.

 

Có lẽ người dân Việt Nam không có thói quen quy trách nhiệm khi tai nạn xảy ra. Nhưng khi đất nước ngày càng phát triển và xô bồ hơn, thì sức khỏe và an toàn, với tư cách một bản năng thường ngày, là thứ cần được cải thiện. Chỉ mới tuần trước thôi, khi cửa thang máy của khu căn hộ tôi sống mở ra, có một thùng nước lù lù ngay dưới chân. Người lao công đã để nó ngay cửa thang. Nếu tôi đang bế con trai mình trên tay, như vẫn thường làm, thì tôi đã không thể nhìn thấy cái thùng và chắc chắn là cả hai cha con tôi đã ngã. Đây không phải lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Và cho dù là xô nước hay là cái móc sắt, thì tâm lý người Việt Nam thường có xu hướng xử lý tai nạn khi nó đã xảy ra, chứ không phải là có tầm nhìn xa để tránh chúng từ đầu. Tất nhiên là tôi hay các hàng xóm cùng tầng có thể nhìn thấy cái xô và tránh nó. Nhưng với một ai đó không thể thấy, thì hậu quả có thể là thảm họa.

 

Thiệt hại về thể chất đã đành, nhưng nếu xét đến việc người ta sẽ mất một vài ngày làm việc, các bệnh viện có thêm bệnh nhân, các khoản bồi thường, bảo hiểm hay là cả kiện tụng mà họ có thể dính vào, thì những cú vấp ngã như thế này đáng xem là một vấn đề kinh tế với cả quốc gia.

 

Rõ ràng là thu hút khách du lịch nước ngoài là một mục tiêu ưu tiên cho các nhà ban hành chính sách ở Việt Nam, nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc phải quan tâm đến sự an toàn và thoải mái của họ hơn hẳn dân số địa phương?

 

Có bao nhiêu tai nạn như thế này xảy ra mỗi ngày do hậu quả của việc bảo trì đường sá và hạ tầng nghèo nàn, và có bao nhiêu thương tích tệ hơn chảy máu mũi (như nạn nhân ngoại quốc kia)? Trừ khi có một người nước ngoài có máy ảnh dính vào, còn bằng không, chúng ta sẽ không bao giờ biết.

 

Công ty chịu trách nhiệm về cái móc sắt đã được yêu cầu tháo dỡ tất cả vào cuối tuần. Chỉ riêng công ty đó. Nhưng khi chính quyền thành phố tiếp tục chương trình dọn dẹp vỉa hè, tạo sự thoải mái và an toàn cho người đi bộ, người ta không thể không thấy những thứ như thế này. Nhiều bồn cây, bậc thang, nhiều mái che ở tít trên cao đã bị dẹp, nhưng có những trở ngại thật sự, nguy hiểm hơn, chưa được ngó ngàng tới.

 

Đó có thể là một mảng vỉa hè bị vỡ, một cái vít nhô ra, vật liệu xây dựng bị bỏ quên, một cái xe máy hay là một cái vòng sắt móc vừa đúng chân người... Nếu thành phố muốn trở thành nơi thực sự thuận tiện cho người đi bộ, thực sự hiện đại và cởi mở, thì đó là những thứ cần biến mất ngay trong một đêm. Chứ không phải chuyện của một công ty.

 

Nếu cú bước hụt của người vị khách tội nghiệp kia có thể giúp những nhà chức trách nhận ra những điều trên, thì đó, thật ra lại là một bước chân đúng hướng.

SIMON STANLEY

Top