Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,474,293 lượt

Lưu danh

Ở ngay bờ hồ Hoàn Kiếm, có một núi đá nhỏ là núi Độc Tôn, trên đó dựng một tháp đá chóp hình ngọn bút lông. Đó là Tháp Bút. Sĩ phu Bắc Hà tự hào với biểu tượng của đạo học này lắm, đi qua Bờ Hồ chỉ nhìn từ xa đã thấy 3 chữ son đỏ chót: “Tả thanh thiên” (nghĩa là viết lên trời xanh).

 

Chỗ ấy, chuyện ấy, hướng dẫn viên du lịch nào cũng nằm lòng để giới thiệu với du khách. Trừ một việc rất xấu hổ, đó là khi khách nước ngoài chiêm ngưỡng Tháp Bút ở khoảng cách gần.

 

Bốn mặt tháp đá, phủ kín những dòng lưu bút; nội dung đa dạng, từ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, cho đến thề non hẹn biển, quyết chí thành công, cầu mong đỗ đạt, hoặc đơn giản là “Tôi đã đến đây!”.

 

Các tác giả đã dụng công viết, thì cũng tìm mọi cách để dòng chữ ấy lưu càng lâu càng tốt. Bút bi có, bút xóa có, bút dạ có, mà dùng vật cứng khắc thẳng lên thân tháp cũng có. Dao sắc không gọt được chuôi - các cụ xưa nói vậy. Với Tháp Bút ở Hà Nội, có người đã cải biên một chút thành “Bút thẳng không giữ được thân”.

 

Đấy chỉ là một ví dụ tiêu biểu. Bất kỳ người Việt Nam nào cũng có thể kể ra dẫn chứng của việc “đánh dấu lãnh thổ” theo những cách kinh khủng mà đồng bào mình thực hiện trên các di tích, các công trình nổi tiếng từ Nam chí Bắc.

 

Và trong thời đại công nghệ, thì việc này được nâng lên một tầm cao mới về mức độ phù phiếm và gây hại.

 

Hôm 15/5, một nhóm “phượt thủ” đã khoe chiến tích check-in bằng ảnh ở cột mốc 428 - cột mốc cuối cùng của cực Bắc Việt Nam. Nhưng sau khi bị chỉ ra những điểm khác biệt không thể chối cãi, họ phải thừa nhận, họ mới lên tới cột 423 và đã dùng son môi để sửa thành số 428 nhằm chụp ảnh khoe… cho oai. Bởi vì để lên đến cột 428 phải leo núi tới 3 giờ đồng hồ.

 

Đến mức như thế, thì thói “sống ảo” có vẻ đã không còn tác hại ảo nữa. Cột mốc lãnh thổ, một thứ thiêng liêng được đánh đổi bằng rất nhiều hy sinh và là ý nghĩa tồn tại của cả một quốc gia - bị đem ra làm trò đùa chỉ để phục vụ nhu cầu “check-in”.

 

“Check-in” - ở những năm của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21 - đây gần như là một khẩu lệnh. Tới bất cứ đâu, thậm chí chưa kịp đặt balo xuống, việc đầu tiên nhiều người làm sẽ là rút smartphone ra và “check-in” - tức là đánh dấu địa danh mình đang có mặt và thông báo cho nhiều người biết qua mạng xã hội. Facebook - mạng xã hội thông dụng nhất thế giới - chính là một trong những tác nhân thúc đẩy trào lưu này. Cái mà họ thu lại từ hàng triệu lần check-in của người dùng là thông tin cá nhân vô cùng quý giá, đầu tiên là cho mục đích quảng cáo, thương mại. Bởi vậy, với những thông tin check-in, Facebook cung cấp giải pháp xác định vị trí tiện lợi, hiệu quả nhất. Thậm chí, người ta có thể ngồi ở một nơi, và check in ở một nơi khác. Giới trẻ gọi đó là “sống ảo”.

 

Nghiện sống ảo, cũng không khác gì nghiện ma túy cả. Những cơn thèm ca tụng ngày càng tăng cả số lượng lẫn cường độ. Check-in, chưa đủ. Chụp ảnh, chưa đủ. Phải check-in và chụp ảnh thật độc, thật khó mới được nhiều người ngưỡng mộ.

 

Năm ngoái, khi cơn sốt trò chơi tương tác thực tại ảo Pokemon Go tràn tới Việt Nam. Rất nhiều game thủ đã… thay đổi vị trí các địa danh, để đỡ phải di chuyển trong quá trình bắt “quái vật ảo”. Điều này đã khiến cộng đồng tình nguyện xây dựng dữ liệu bản đồ cho Google của Việt Nam bị mất uy tín lớn. Và những khu vực lẽ ra có thể sớm hoàn thiện trên bản đồ điện tử của Google đã phải trì hoãn.

 

Tôi còn nhớ hình ảnh, khi đến đấu trường Colosseum ở Rome, Italy. Cả công trình kỳ vĩ hơn 2.000 tuổi, gần như không có một dòng viết bậy nào. Nhưng có lẽ hiểu rằng đó là nhu cầu lớn của du khách, ban quản lý di tích cho đắp hai vòm xi măng trong khuôn viên di tích, cho phép du khách thoải mái ghi lưu bút. Quả nhiên, hai vòm xi măng đó đặc kín chữ, chủ yếu là chữ tượng hình - đến từ đâu đó của Đông Á.

 

Thứ văn hóa lưu danh kiểu đó, rõ ràng không phải là nhu cầu của toàn thể nhân loại. Nó chỉ đang được cổ xúy ở một số nơi, tạo ra một số cảnh bi hài.

 

Trong những bức ảnh check-in rất đẹp, rất phóng khoáng và sinh động, những dòng "lưu bút" trên di tích được chụp lại, hiếm khi nào thấy những túi rác đã được thu dọn gọn gàng, hay một chỗ cắm trại nghỉ đêm được trả lại nguyên trạng sau khi người ta rời đi. Hiếm khi nào thấy “check-in” trở thành một tuyên ngôn ý nghĩa nào khác ngoài việc “tôi đã đến đây”, tôi đang gián tiếp khoe chi phí, khoe công sức, khoe thời gian mình đến được đây, và như thế là tôi đã hơn phần còn lại.

 

Hình ảnh Bút Tháp ở Hà Nội trông như một sự mỉa mai. Các bậc trí giả xưa, dù đã để lại bao nhiêu thành tựu, bao nhiêu văn bia cổ tự, vẫn còn mang tham vọng “Viết lên trời xanh” để tỏ chí lưu danh cùng trời đất.

 

Ngày nay, chỗ đó thành địa điểm để thể hiện một chí lưu danh mới, của một thế hệ được cho là có học hơn.

GIA HIỀN

Top