Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,473,759 lượt

Thêm một lần dịu dàng thắng thế

Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh vừa công bố giải thưởng văn chương năm 2017. Nằm trong danh sách 6 tác phẩm được tặng thưởng có “Đêm nay con có mơ không?”, tập tản văn mới ra mắt hồi tháng 8 vừa qua của nữ tác giả sinh năm 1975 Trương Gia Hoà.

 

 

Phải khẳng định đây không phải là giải động viên, an ủi cho một người vừa thoát bệnh ung thư. Bản thân tác giả Trương Gia Hòa cũng không muốn nhắc nhiều đến câu chuyện này, bởi: “Tôi mắc ung thư dạng nhẹ nhất. Đây là một điều may mắn chứ không phải kỳ công gì của tôi”.

 

Chị cho biết, “Đêm nay con có mơ không” là tập tản văn đầu tiên của chị. Song về thời điểm sáng tác thì cuốn tản văn thứ hai “Sài Gòn thềm xưa nắng rụng” và cuốn thứ nhất “Đêm nay con có mơ không” là như nhau, “chẳng qua tôi chia nó ra thành hai cuốn theo đề tài”. Đây là tập hợp những bài viết đã từng in rải rác trên báo của chị.

 

Trước khi in hai tập tản văn, Trương Gia Hòa từng ra cuốn thơ “Sóng sánh mẹ và anh” cũng dạt dào nữ tính: “Sóng sánh thơ/ Sóng sánh đời/ Em thả mình vào muôn ngàn sao/ Con thuyền đầy ắp tiếng khóc...”.

 

Đề tài “ăn khách”: Gia đình

 

Nói đến sự nhẹ nhàng, dịu dàng có thể nhắc đến tản văn Xuân Diệu về loài hoa được ông đặt tên “hoa học trò”: “Vừa buồn, mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm bông phượng. Hoa phượng là hoa học trò. Mùa xuân, phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e ấp, dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng cậu học trò phơi phới làm sao!”. Tản văn Trương Gia Hòa không hấp dẫn ở mặt câu chữ như tản văn Xuân Diệu nhưng về sự dịu dàng lại không kém. Chị không đi vào đề tài mơ màng như Xuân Diệu mà đi vào một đề tài đang vô cùng “ăn khách” trên nhiều lĩnh vực văn nghệ: Đề tài gia đình. Trương Gia Hòa viết về những người sống quanh ta và ít nhiều kèm theo sự định hướng, khuyên bảo. Mặc dù thế người đọc vẫn dễ dàng chấp nhận, bởi lời khuyên từ tâm khác với mệnh lệnh. Thí dụ chị nói với con trai: “Khi không biết được ngày mai ta sẽ thế nào thì hôm nay, đừng giận hờn ai con nhé. Hãy sống thật vui vẻ. Con cứ cười khi thấy vui và hãy cười cả khi lòng tan nát (…). Thành phố đang bắn pháo hoa. Mẹ con mình hãy cùng lưu giữ những khoảnh khắc rực rỡ của bầu trời đêm hôm nay cho 364 ngày sau nữa. Để làm gì con biết không? Để ít ra, khi mặt đất vẫn lắm chông gai thì chúng ta vẫn còn một bầu trời lấp lánh”.

 

Tản văn “Đêm nay con có mơ không?” thu hút độc giả ngay từ khi mới phát hành. Có lẽ người ta thèm những điều dung dị, ấm áp tìm thấy trong sách. Hầu như tất cả các thành viên trong gia đình ở nhiều thế hệ đều được tác giả “chăm sóc” ngọt ngào: “Nội mãi mãi không ngồi đó nhìn mình mặc cái quần jeans ôm sát hai ống chân rồi tưởng tượng, rủi mà có con kiến nó chui vô thì cách gì mà bắt nó ra… Nội mãi mãi không ngồi đó để chỉ mình cách làm món bột gạo lá mít, cách làm bánh đúc có xương… những món mình đã ăn mòn răng mà cứ lần lữa không chịu học cách làm, vì ỷ lại. Từ nay có thèm bất tử thì cứ ngồi đấy mà chép miệng bùi ngùi”. Hay “những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ. Và, thơm dịu dàng cho cả những ngày mai”.

 

 

“Đêm nay con có mơ không?” đích thị là một tập tản văn do đàn bà viết, dành trước hết cho đàn bà. Chỉ có phụ nữ mới hay nói tới chuyện dọn nhà, từ chuyện dọn nhà lại nghĩ sang những câu chuyện khác: “Bạn dọn nhà và bạn gặp lại một quãng đời rất sến của mình rồi thổn thức bồi hồi. Chuyện lặp lại năm này qua năm khác rồi có khi bạn tự hỏi, cuộc đời mình nếu không có những khoảnh khắc thế này thì có khi nào sẽ vui hơn không. Chứ quá khứ, nhìn lại mỉm cười nhưng lắm khi chùng lòng quá đỗi”. Chừng 40 tản văn trong 200 trang sách cứ dịu dàng, thủ thỉ như thế, ngay đợt đầu đơn vị phát hành “Đêm nay con có mơ không” đã mạnh dạn tung ra 3 ngàn cuốn. Với thể loại tản văn, với một tác giả chưa quen tên như Trương Gia Hòa, đây cũng có thể coi như một sự “liều nhẹ”.

 

Sẽ trở lại bình yên hơn

 

Trương Gia Hòa vốn là sinh viên văn khoa, Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Chị từng là biên tập viên nhà xuất bản, sau đó trở thành nhà báo chuyên mảng tiêu dùng của một tờ báo ở Sài Gòn. Khi tờ báo này đóng cửa, chị lại “dạt” sang một tờ báo có tiếng khác. Những trang tản văn phần đa được sinh nở trước khi chị trở thành nhà báo. Ở thời kỳ dồn tâm huyết cho báo chí không may chị gặp trọng bệnh. Suốt hai năm rưỡi Gia Hòa ra, vào viện liên tục để lo chữa trị, chị xin nghỉ hẳn việc. Nhưng trong lúc dưỡng bệnh chị lại bày ra may vá, may ga gối, may thú nhồi bông… bạn bè đồng nghiệp ủng hộ, ai cũng khen chị may tỉ mẩn, khéo léo. Trương Gia Hòa tâm sự: “Vì rảnh nên chăm chút cho từng sản phẩm may. Bấy giờ mình không đi làm, không có thu nhập, nên nếu mình kiếm được 1/10 thu nhập bằng công việc may vá thì cũng gắng kiếm, để thấy mình không vô dụng”.

 

Gia Hòa sinh ra trong một gia đình không ai theo nghiệp văn chương: “Ba mẹ khi xưa là giáo viên, hạnh phúc chuẩn mực, đại gia đình rất tình cảm, thương yêu nhau. Đó là một gia tài”. Cuộc sống riêng có những biến cố và tuổi thơ êm đềm, có lẽ là một trong những lí do khiến “Đêm nay con có mơ không?” mang màu sắc trong sáng, hướng thiện.

 

Sau đây Trương Gia Hòa sẽ tạm ngưng viết văn. Với chị, “văn chương cứu rỗi tâm hồn nhưng cơm áo gạo tiền và cuộc sống hiện thực rất khắc nghiệt nên tôi giữ văn chương như một nẻo riêng tư của mình”. Lý do chị tạm ngưng viết, bởi lo “nếu viết ngay sẽ giống như hai cuốn tản văn đã ra mắt”.

 

Chị hứa hẹn “cuốn sách trở lại của tôi sẽ là tinh thần khác, năng lượng khác nhưng chắc chắn bình yên hơn, sâu sắc hơn”. Giống như cuộc sống bây giờ của chị “tôi lao động hàng ngày để đủ tiền đi chợ thôi. Nhưng qua bao sóng gió tôi thấy mình thanh thản”. Và Trương Gia Hòa cũng không định đóng đinh với tản văn, trong tương lai chị chọn thể loại văn học nào còn tùy thuộc nhu cầu chuyển tải điều chị muốn nói tại thời điểm ấy.

ĐÀO NGUYÊN (TIỀN PHONG)

Top