Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,432,923 lượt

Hoa Níp đã "bay" đến cánh đồng văn học

Ngày 12.7.2016, kỷ niệm 49 ngày mất của nhà thơ trẻ Hoa Níp (1985-2016), hai tác phẩm đầu tiên của anh là tập thơ Bao giờ đến được cánh đồng và tập truyện ngắn Nàng là nước Mỹ đã được NXB Hội Nhà văn ấn hành cùng lúc. Đây cũng là tấm lòng của các bạn văn trẻ dành cho nhà thơ trẻ tài hoa bạc mệnh vừa đi xa. "Lễ ra mắt sách và tưởng niệm nhà thơ Hoa Níp" sẽ diễn ra vào lúc 9g sáng thứ 6 (22/7/2016) tại Lầu 4, Hội Nhà văn TP, 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3 do Ban Nhà văn Trẻ tổ chức.

 

Tôi nói hai tác phẩm đầu tiên bởi Hoa Níp còn bản thảo tiểu thuyết và một số truyện ngắn, bài thơ lẻ khác trong di cảo. Sinh thời, anh đã chuẩn bị công phu hai tác phẩm trên và dự định xuất bản. Sau khi Hoa Níp bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời, gia đình anh ở Vũng Tàu và cả nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ở Hà Nội, một đàn anh thân tình của Hoa Níp, đều mong muốn in ấn hai tác phẩm này. Tuy nhiên, Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM - nơi Hoa Níp luôn gắn bó và có nhiều đóng góp trong gần bảy năm qua, đã “giành quyền” xuất bản cho bạn mình, trong đó nhà văn Trần Nhã Thuỵ đã chăm chút bản thảo, thiết kế và in ấn.

 

 

Nếu như tập truyện ngắn Nàng là nước Mỹ được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi nhà thơ Hoa Níp là hội viên, tài trợ một phần, thì tập thơ Bao giờ đến được cánh đồng lại được Quỹ Tình thơ cùng các bạn văn trẻ ở TP.HCM chung tay góp sức hình thành. NXB Hội Nhà văn cấp phép hoàn toàn miễn phí. Tôi muốn nói rõ điều này nhằm thay lời cảm ơn của gia đình và người thân, đồng thời cũng để thấy rằng cái tình đồng nghiệp văn chương, nhất là trong giới trẻ TP.HCM hiện nay, vẫn rất đáng quý đáng trân trọng, chân thành nâng đỡ nhau cả khi số phận trớ trêu đưa con người bất ngờ trở về cát bụi…

 

 

Hoa Níp luôn gắn bó và có nhiều đóng góp cho hoạt động văn trẻ trong gần bảy năm qua.

Trong  ảnh là đoàn nhà văn trẻ TP đi thực tế sáng tác ở Phước Long, Bình Phước tháng 3.2016.

 

Thơ là sở trường của Hoa Níp, nhưng anh cũng có duyên với truyện ngắn và ấp ủ viết cả tiểu thuyết. Nhà văn Trần Đức Tiến ở Vũng Tàu theo dõi từng bước tiến của Hoa Níp cho hay: “Hoa Níp là cây bút trẻ nhiều khát vọng. Truyện ngắn của anh luôn có sự tìm tòi, đổi mới về nội dung và cách thể hiện. Giống như nhiều người viết trẻ khác, do kinh nghiệm, sự từng trải, độ dày dạn của ngòi bút còn có những hạn chế, Hoa Níp cũng có những truyện non, lép. Nhưng mỗi khi vốn sống đủ chín, và tư tưởng bắt kịp khát vọng làm mới nghệ thuật, Hoa Níp vụt toả sáng trong một vẻ đẹp riêng biệt, rất đáng để người đọc ghi nhớ và dõi theo…

 

Còn nhớ khi vừa đọc xong truyện G.K.2851 của anh gửi dự thi trên một tờ tạp chí, tôi liền gọi chúc mừng anh và nói: “Tớ mà ở trong ban giám khảo thì dứt khoát tớ đưa truyện này vào giải”. Vui thì nói vậy, chứ tôi tin Hoa Níp cũng thừa biết giải giếc này khác đâu có quá ghê gớm với một người cầm bút tự trọng và khắt khe như anh?”. Tác phẩm G.K.2851 mà nhà văn Trần Đức Tiến đề cập là một trong 15 truyện ngắn hình thành nên tập Nàng là nước Mỹ của Hoa Níp. Suy ngẫm về tập truyện này, nhà văn Trần Nhã Thuỵ thổ lộ rằng anh “luôn thấy một kẻ đi tìm bản ngã mình” với nỗi cô độc của chàng trai trẻ trong sạch, tươi ròng, và: “Truyện ngắn Hoa Níp như một thứ nhật ký của kẻ lang thang trong lòng thành phố, nhìn thấy những thứ từ một đôi mắt chong ngóng, lặng lẽ, xót xa. Nhưng khi bước ra khỏi hiện thực, thiết kế những văn bản hư cấu, Hoa Níp cũng cho thấy sự thành công không thua kém. Chiếc nhẫn in hình bảy ngôi sao, Thích khách, G.K.2851,… là những truyện ngắn mà tôi tin bất kỳ một cây bút văn xuôi nào cũng mơ ước luyện thành”.

 

Với truyện ngắn của Hoa Níp là vậy, còn thế giới thi ca của anh thì sao? “Tôi thường nghĩ Hoa Níp là một cái cây trong gió và lúc nào cũng gió. Cái cây vừa tự do, vừa run rẩy, vừa vật vã và vừa réo vang. Tôi ở xa nên có rất ít thời gian sống cùng anh. Nhưng lần nào gặp anh tôi cũng thấy cái cây Hoa Níp trong gió. Hình ảnh này rõ ràng và sống động hơn khi tôi nhìn thấy Hoa Níp sống trong đời sống ở mỗi bài thơ của anh”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cảm nhận con-người-thơ Hoa Níp và cho biết thêm: “Khi đọc xong bản thảo lần thứ nhất tập thơ Bao giờ đến được cánh đồng mà anh gửi cho tôi, tôi thấy mình trở nên già nua. Anh mạnh mẽ hơn tôi, quả cảm hơn tôi, tự do hơn tôi, dấn thân hơn tôi trên con đường sáng tạo và những bài thơ của anh thường làm tôi bất ngờ bởi những khám phá và lối đi riêng biệt của nó. Tôi đã lắng nghe anh và tôi tìm thấy con người thi sĩ ấy trong anh. Đó cũng là lý do khi anh còn sống và ít hơn tôi gần ba mươi tuổi, anh luôn nhận được sự tôn trọng của tôi dành cho anh”. Nguyễn Quang Thiều hay Trần Đức Tiến, Trần Nhã Thuỵ đều là những người có uy tín nghề nghiệp và quý mến tài năng, con người Hoa Níp. Nhận định của các anh về một bạn văn trẻ đã đi xa rất sòng phẳng cả lý lẫn tình.

 

Riêng tôi, tình cảm với Hoa Níp càng sâu nặng hơn, kể từ gần bảy năm trước khi tôi phát hiện được cây bút giàu tiềm năng gốc Hà Tĩnh sinh trưởng ở Vũng Tàu và gắn bó với TP.HCM. Tôi luôn kỳ vọng ở anh nhưng cũng luôn cảnh báo anh về con đường nghiệt ngã của văn chương. Bao giờ đến được cánh đồng là tên do tôi góp ý đặt cho tập thơ đầu tay của anh. Đó cũng là tên một bài thơ lục bát, trong đó có những câu tiên lượng như định mệnh và bây giờ đã được khắc lên mộ Hoa Níp: “Đời còn lắm cuộc nhiễu nhương/ Đành thôi nép lại bên đường cho xong/ Bao giờ đến được cánh đồng/ Quay đầu nhìn lại bóng hồng phôi pha”

 

Với sự ra mắt hai tác phẩm của Hoa Níp, không phải “bao giờ” nữa mà tôi tin bây giờ anh đã chính thức “bay” đến cánh đồng văn học mà anh tâm huyết, say mê và góp được tiếng nói trọng lượng. Cho dù thân xác Hoa Níp đã hoá hư vô nhưng tiếng nói ấy sẽ còn mãi âm vang trong lòng người đọc, như lời nguyện cầu của anh dành cho những con người bị cuốn vào làn sóng tự sát đầy bi kịch ở Nhật Bản năm 2008, mà nửa khuya tôi đọc lại cứ ngỡ đó là dự cảm cho lẽ sinh tử của chính anh: “Cần chuẩn bị cho một cuộc chia ly/ Mong bạn luôn nhớ đến tôi/ Tha thứ về những gì tôi chưa làm được” (Cần chuẩn bị cho một cuộc chia ly).

PHAN HOÀNG

Top