Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,473,772 lượt

Học sinh đến với kịch văn học

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM) vừa tổ chức buổi học ngoại khóa môn văn cho 1.400 em học sinh 3 khối lớp 10, 11 và 12. Chương trình ngoại khóa đặc biệt là chuyến đi đến Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, xem vở kịch Rau răm ở lại (đạo diễn: Thái Kim Tùng) - kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học Ơi Cải về đâu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

 

 

Sự tương tác thú vị

 

Dẫu rằng, với không ít học sinh, kịch nói vẫn là một loại hình giải trí quá mới mẻ. Trong cuộc sống còn nhiều em chưa một lần bước chân đến với sân khấu kịch, chưa được xem nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp. Dịp này, các em đã có được những trải nghiệm rất thật về hoạt động tổ chức và biểu diễn của sân khấu kịch nói.

 

Đặc biệt, trước giờ mở màn, NSƯT Thành Hội đại diện Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh bày tỏ sự yêu quý, trân trọng các khán giả trẻ, đồng thời anh cũng giới thiệu và chia sẻ về hoạt động của loại hình sân khấu kịch nói, ý nghĩa và giá trị của từng câu chuyện mà ê kíp thực hiện chương trình mong muốn gửi gắm đến các em. Với vở kịch Rau răm ở lại, đó là câu chuyện nồng ấm về tình người, về sự sẻ chia giúp đỡ giữa người với người trong cuộc sống. Sự giúp đỡ ấy xuất phát từ trái tim, cái tâm nhân hậu của những con người miền Nam chân chất, thật thà, giàu lòng nhân ái, luôn sống trọn nghĩa tình…

 

Không khí trình diễn chất đầy những cung bậc hỷ - nộ - ái - ố, hấp dẫn, lôi cuốn sự dõi theo của những khán giả trẻ. Với lối diễn xuất tài tình của NSƯT Thành Hội, NS - đạo diễn Ái Như cùng sự phối hợp ăn ý, sự nỗ lực làm việc hết mình của các nghệ sĩ trẻ: Đoàn Thanh Tài, Hoàng Vân Anh, Lương Duyên, Kim Phước, Thế Hải, Nguyễn Long, Cao Tiến, Tấn Đạt… đã tạo nên nhiều tiếng cười tưng bừng, vui nhộn cho các em học sinh; lúc lại khiến nhiều khán giả trẻ suy tư, lắng đọng, cảm nhận và khóc với từng số phận nhân vật.

 

Dễ thương và thú vị nhất trong từng suất diễn đó chính là sự tương tác giữa các nghệ sĩ, diễn viên trên sân khấu với khán giả - học sinh. Các em cảm nhận và hòa nhập cảm xúc rất nhanh vào câu chuyện kể, hưởng ứng với tung hứng giao lưu của diễn viên, vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt cho những màn trình diễn đặc sắc, đồng thời cũng thể hiện sự văn minh nơi công cộng, không ăn uống, không quay phim, chụp ảnh, cười nói ồn ào khi sân khấu đang sáng đèn…

 

 

Phát huy cách làm hiệu quả

 

Đây là năm thứ 3 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai liên kết cùng Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh tổ chức phục vụ học sinh nhằm để các em có được những giờ phút giải trí, thưởng thức các tác phẩm văn học chuyển thể thành kịch bản sân khấu Đây cũng là cách để nhà trường giúp học sinh được tiếp cận thật gần với các tác phẩm văn học, cảm nhận tác phẩm văn học một cách thực tiễn với sự rung động của các cung bậc cảm xúc. Năm nay, 4 suất diễn đã được nhà trường và Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh phối hợp tổ chức rất tốt.

 

Thầy Trần Đình Phú, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết: “Buổi học ngoại khóa môn văn dành cho cả 3 khối lớp, tuy không bắt buộc học sinh tham gia nhưng sau khi xem kịch, các em sẽ viết bài thu hoạch, cảm nhận về tác phẩm, vở diễn và nhà trường có cộng thêm điểm để khuyến khích tinh thần học tập của các em. Những năm trước, trường thường tổ chức ngoại khóa cho các em xem phim, dạng phim tư liệu như phim Đừng đốt… Về sau, trường tổ chức cho các em đến Sân khấu kịch Phú Nhuận để xem vở Số đỏ. Đến năm 2014, nhà trường chọn Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh hợp tác, vì đây là sân khấu chính kịch, chuyên trình diễn những vở kịch chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Tạo điều kiện để các em xem kịch, trước là để giải trí, để các em biết có một loại ngôn ngữ sân khấu và mong muốn các em học được những bài học về đạo đức, bài học về cuộc sống từ những câu chuyện kịch văn học. Sau khi đi xem kịch về, các em bày tỏ rất thích loại hình nghệ thuật kịch nói, đồng thời có thái độ học tập tích cực hơn, những tác phẩm văn học đã không còn quá xa lạ với các em”. Năm nay trường có 1.400/2.000 em tham gia buổi ngoại khóa này. Hai năm trước, số lượng các em ít hơn: năm 2014 chỉ có 600 em, năm 2015 tăng lên 1.100 em, các em được xem các vở Tình duyên thuở trước, 29 anh về.

 

Ngoài Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, năm 2014, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng liên kết phục vụ học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Với học sinh, việc được đến sân khấu kịch, thưởng thức các vở kịch được chuyển thể từ tác phẩm văn học, trực tiếp xem nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn trên sân khấu… luôn tạo cho các em sự phấn khích, thú vị. Hoạt động ngoại khóa này có ý nghĩa vô cùng to lớn về mặt tinh thần, tư tưởng, quan điểm, giúp các em có sự chú ý, quan tâm đến nghệ thuật sân khấu kịch nói, hiểu rõ hơn giá trị các tác phẩm văn học. Với loại hình sân khấu kịch nói, một khi tạo được sự cảm tình, ấn tượng với lớp khán giả trẻ - học sinh, thì đây chính là bước khởi đầu của con đường gian nan tìm kiếm khán giả kế thừa của loại hình kịch nói.

THÚY BÌNH

Top