Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,483,502 lượt

Văn thơ Việt: Ngày không bọt của Minh Đan & Dư luận

Tập thơ Ngày không bọt của nhà báo Minh Đan ấn hành tháng 3/2012 đến nay gần 2 tháng nhưng đã nhận được khá nhiều dư luận của anh chị, bạn bè văn nghệ trong cả nước. Trân trọng giới thiệu những cảm nhận về tập thơ "Ngày không bọt" của Minh Đan!

 

 

* Bóng tình mong manh trong "Ngày không bọt” của Minh Đan (VƯƠNG TÂM)

 

Khi đọc tập thơ mới của Minh Đan, tôi thật sự thấy thú vị trước những cảm xúc bức bối và đầy nghi hoặc về tình yêu của tác giả; với cách thể hiện bộc trực cùng sự phản biện bất ngờ.

 

"Ngày không bọt” là một tập thơ tình được chọn lọc qua 42 bài thơ của tác giả. Mỗi bài là một trạng huống thể hiện cảm xúc cô đọng với những hình ảnh và ngôn ngữ có sự tìm tòi nhất định, tạo nên một chân dung thơ riêng biệt.

 

Ở đây, ngoài sự dịu dàng, kín đáo vốn có của một người con gái, Minh Đan còn bộc lộ sự hết mình với một tình cảm mãnh liệt, khi: "Cho em dòng anh thác đổ/ chảy tràn em đáy lũng sâu” (Cho)

 

Hay có khi tình yêu được ví von một cách ngộ nghĩnh: "Ngày trơ mắt bão môi xinh/ sóng ánh mắt cứ lình kình nhú gai” (Nhảy kim). Hoặc có khi lại bộc trực đến quyết liệt: "Lắng/ gọt giũa ngày đông/ dệt đôi chiếu ấm/ bóng non cao đổ/ đêm ghì/ đợi hình hài mới/ vén thì” (Vén thì). Đó là sự dấn thân của tình yêu chăng? Tác giả tỏ rõ thái độ, tưởng như mơ hồ nhưng trong mạch sóng tình ấy là một điều gì đó có tính quyết đoán: "Ngậm gió/ thở hơi em/ nhú trắng/ sương… thác bọt/ ngày không bọt/ cao nguyên áo bay/ cạn chén!” (Ngày không bọt) Và rồi tình yêu trong tâm hồn nữ sĩ lại lung linh hình ảnh cụ thể nguyên sơ với một người con gái: "Thèm/ có anh đánh thức/ mắt chạm cành hồng bên gối/ tin nhắn vỗ về Love you forever” (Hỏi giữa mùa trăng).

 

Chân thật, ngộ nghĩnh, thông minh và mạnh mẽ trong tình yêu, tác giả còn bộc lộ một khát vọng đến tận cùng của mình, nhưng đây đó vẫn phảng phất nỗi hoài nghi với chính tình yêu khi gặp sóng gió. Điều ngộ ra ở đây, thật rõ rệt, khi tác giả viết: "Tình yêu cấy/ rủi may” (Khát). Hay với nỗi buồn khi tình đổ vỡ: "Biển ngậm gừng rên rỉ/ mặt trời thôi mọc/ sự thật ngỡ ngàng” (Tiếng khóc).

 

Ngay cả trong mơ tình yêu cũng buồn thảm: "Cộng trừ đong đếm đắm say/ cửa lòng ban phát chuỗi ngày phù du” Và nỗi đau được khắc họa đến lạ lùng: "Ngờ đâu tình lỡ đa mang/ lời sám hối rượt lang thang ngọn buồn”. Rồi nữa: "Rưng rưng lá rụng đọa đày. giấc mơ lõm tìm biếc ngày hư vô”. Và cuối cùng là: "Đêm qua sương rớt trong tay. mồ hôi lã chã thân đầy những gai” (Đêm lạ). Qua những nỗi đau và ngỡ ngàng với tình yêu, tác giả ví mình như một cánh mỏng của đóa tường vi yếu ớt sau cơn mưa gió bão bùng: "Niềm tin quá đỗi. Ngù ngờ .giọt tan giọt đọng. ngẩn ngơ chỉ mình” Và từ cái muốn "xé toạc rủi may” cùng với sự "không thỏa hiệp với mùa đông” ấy, tác giả vẫn còn khắc khoải trong tình yêu: "Tri ân ngọn cỏ lông chông/ giũ sạch bụi trần/ cuộn tròn đau thương theo gió/ tiếng cười nở trên môi/ Anh trôi về em”. Cho dù đó là một tình yêu đã đi xa: "Yêu mòn mỏi. nhớ quắt quay. lẽ nào như gió trăng ngày cuối năm” (Tường vi cánh mỏng).

 

Vậy đó, đọc "Ngày không bọt”, tôi yêu sao những con chữ của Minh Đan. Nó gợi và lạ. Minh Đan còn có sức hóa cảm con chữ khi đến với người đọc. Chữ của Minh Đan làm nên hàm súc trong mỗi câu thơ được viết ra từ tấm lòng chân thật.

 

Đọc "Ngày trơ mắt bão môi xinh - sóng ánh mắt - cứ lình kình nhú gai” mà thấy lạ và giật mình bởi những cái gai trong ánh mắt ấy đã tạo ấn tượng nóng bỏng của tâm trạng, hay những con chữ như: "mù luống”, "vén thì”, "ngậm gió”, "lơi bơi”, "nhũ màu”… chúng tạo ra những câu thơ mới, mang một nét riêng ẩn chứa sự biểu cảm trong tâm hồn nữ sĩ. Chính vì thế, tôi lại càng yêu tứ thơ do những chữ lạ của Minh Đan dựng nên, qua nỗi niềm khắc khoải của con tim. Đó là "Gió kêu rêu - gió êm đềm - hong thơ dại - nắng chín lên cuối ngày”.

 

Thật khó có thể quên hình ảnh mưa phố trong câu thơ "se lạnh qua váy áo đào - thì ra…- ngóc ngách - cồn cào - bóng mưa”. Và trong cái "Ngày hoang” là nỗi đau mùa chua đắng chất đầy "mắt nhớ - tím mệt nhoài ước mong”. Để rồi đâu đó tiếng thở dài: "thu buông tiếc - níu thật thà - ngày hoang”. Còn nữa, hoa dại ngày đông "mơ say - tiếng khóc - Ô thước bên này…” đọc mà thấy xót lòng.

 

Chả thế mà Minh Đan đã viết thay lời tựa cho tập thơ, rằng: "Trời ban em sương khói/ phận đàn bà khắc khoải/ trái nhu nhú đòi rụng”. Minh Đan ưa ngắn, chịu tìm tòi phong cách thể hiện nên câu thơ có nội lực, truyền cảm. Đó là thành công bước đầu của Minh Đan, tạo được một giọng điệu thơ trẻ trung, hiện đại qua tập thơ "Ngày không bọt”.

 

* Thơ trẻ kín đáo & bản lĩnh! (SONG NGỌC)

 

Khác với số đông cây bút thơ trẻ nhiều diễn ngôn hiện nay, Minh Đan có lối tiếp cận kín đáo và trầm lắng nhưng không kém phần bản lĩnh. Ở Ngày không bọt, Minh Đan trỗi dậy trong từng con chữ, tình yêu mang nhiều cung bậc sắc màu hơn, những cảm xúc chín muồi đôi khi làm người đọc phải ngẫm ngợi, chiêm nghiệm và có lúc giật mình.

 

Cũng như bao cô gái ở thế hệ cuối 7X, Minh Đan đến với tình yêu đôi lứa thật nồng nàn. Ngay ở bài mở đầu tập thơ, cô đã khẳng định chắc nịch: "Mặc/ đêm đông lăm le/ kệ/ nắng và gió/ em chim khách nhỏ tìm ngụ/ anh/ đủ/ quẳng đi cả những que diêm cuối cùng trong cổ tích” (Lọ Lem). Tôi không lạ gì cá tính của cô bạn nhỏ này, khi yêu là yêu sống yêu chết, chỉ biết có anh, tuyệt đối không lả lơi với chàng trai nào khác. Nhưng nếu trái tim có rung rinh trong phút giây bất chợt nào đó thì cô nàng cũng biết cách chối từ khéo léo: Xin giữ lòng nhau như đã/ từng gieo da diết bên trời / nỗi nhớ mượt mà cánh lá/ mọc trong bóng gió vừa rơi/ ơ kìa! tháng ngày lật đật/ neo vào hi vọng rồi tan/ hai đầu nắng mưa được mất/ tình nhân cơn bão vừa ngang (Xin).

 

Thủy chung, son sắt là vậy, nhưng số phận đâu phải lúc nào cũng chiều lòng người. Khi phát hiện ra "một nửa” yêu thương của mình lâm trọng bệnh, khó qua khỏi cơn nguy kịch ngày đêm rình rập, Minh Đan đã thảng thốt: Em cây non nhú lộc/ anh rễ rễ tầng sâu/ cây chưa kịp lớn/ rễ vội cằn/ tình yêu cấy/ rủi may/ chờ nước vĩnh hằng/ bầu xanh và mặt đất/ đất trời khô/ khát từng cơn/ từng cơn… (Khát).

 

Thế nhưng đấng tối cao nào có nghe thấy tiếng lòng nức nở của Minh Đan đâu, Ngài vẫn mang chàng trai trẻ ấy ra đi khi đang nằm điều trị tại bệnh viện Tokyo (Nhật Bản), để con tim tan nát của cô bật lên tiếng khóc thảm thiết khi viết bài Tiễn, cũng là điếu văn cho cuộc tình dở dang: Nụ cười anh/ lều bều sông/ đau loang lở/ chảy một dòng thương yêu /trăm năm đá ngủ xanh rêu/ em ngàn năm đợi một chiều bên anh/ gần nhau giấc mị còn hương/ anh mây lạc/ bước lên đường ủ ê/ nửa hồn nửa cảnh mê mê/ hỏi ngọn gió mây trôi về nơi nao/ hiên trăng/ bóng sầu nghêu ngao/ môi em lạnh/ áo lao xao nhịp cầu/ thề xưa hẹn buổi mưa ngâu/ song ong óng/ kinh nguyện cầu giữa đêm/ mỏi mê em/ đời lênh đênh/ tiễn anh về lại mông mênh lưng trời/ dây đàn chùng/ âm rụng rời/ phách sai nhịp lỗi/ bời bời cõi riêng/ tiễn anh/ cỏ ngậm sương miền/ đồi khe ngóng/ bờ nghiêng nghiêng gió nhiều… (Tiễn).

 

Trong sự tuyệt vọng, Minh Đan viết thư trách Tokyo, mà đúng hơn là cô viết thư trách móc định mệnh: Tokyo/ trả lại ta hơi thở/ chàng trai bị mi cám dỗ/ trả mắt và môi cháy lửa những triền sông… Tokyo/ trả lại ta chàng thanh trai và đóa điệp vàng/ rụng khờ dại trong chiều Chúa nhật/ anh đi mi vẫn cứ lưng trời cao ngất/ chỉ ta quỳ gối âm ba vỡ. Tokyo chiều nay/ mi có thấy chim én về biển Nam/ mẹ rứt ruột sanh con/ ta gọi người nứt hoang tưởng những thân cây… (Gửi Tokyo). Dù muốn dù không thì người tình trong mộng cũng đã về với cát bụi, kiếp làm người của anh không còn căn cước gì nơi trần gian này nữa, nhưng bởi quá yêu chàng, Minh Đan dường như chưa tin sự thật phũ phàng đó, giữa đêm trăng đẹp của mùa thu, cô thẩn thờ hỏi ông Nguyệt se tơ, chị Hằng nhân hậu mong tìm chút niềm an ủi cuối cùng, để rồi ngậm ngùi nhận ra: Những ghế đá vắng hơi người/ mùa thu nhợt nhạt/ hàng cây trơ/ trang sách mùa đông… (Hỏi giữa mùa trăng). Nỗi buồn vừa cụ thể vừa mơ hồ, thê lương đến mức úa đi, mất hết hồn hình người. Cái hay là gọi được tính từ của sự vật nhuốm màu chết chóc (Trích cảm nhận của Nhà văn Sương Nguyệt Minh).

 

Ở đời, càng cố tìm quên nỗi buồn, càng chứng tỏ mình mạnh mẽ bao nhiêu thì con người càng yếu đuối bấy nhiêu, nhất là khi trở lại những kỷ niệm xưa. Minh Đan cũng vậy. Về với biển Nha Trang đẹp như thiên đường mà lòng cô trống rỗng, vô cảm: Tan bờ rồi/ sóng không buồn vỗ/ muối không buồn mặn/ em buồn gói tên anh vào ngọn trắng/ dưới lòng sâu nụ hôn… (Biển mặn). Nhưng chẳng lẽ cứ ủ dột hoài mãi sao, Minh Đan quyết định: Đẩy mình ngã vào tranh/ nhào trộn màu loang lỗ/ những ẩm ướt dâng trào/ tách buồn khỏi chiêm bao (Tách). Thật tệ hại, buồn vẫn buồn, buồn chẳng thể nào tách được, bởi: Mây đương mùa khát gió/ cánh nhọc nhằn bay ngược lòng chiều (Chơi vơi).

 

Trở về đất liền, bắt đầu những tháng ngày va đập với cuộc mưu sinh khốc liệt nơi thị thành, Minh Đan đã rất khổ sở khi phải làm một chuyện mà cô không hề muốn, đó là: Đốt hết đi… cháy hết đi… cho lụi ngày tháng ù lì trong nhau/ nhớ nhung bởi tại vì đâu/ cỏ xanh nhuốm lệ mi sầu kìa anh/ (Ngày hoang). Phải rồi, hành động hủy diệt tất cả những ký ức buồn của cô cho thấy những mặt tích cực, nó có thể giúp cô nguôi ngoai phần nào nỗi đau đã vượt quá giới hạn.

 

Và khi sóng gió tình đời đã qua, vết thương lòng đã lành lặn, Minh Đan với bản tính tự tin tiếp tục sải bước tìm kiếm cho mình một tình yêu mới: Ra đi tìm/ nửa cuộc đời/ quẩn quanh bát nháo/ lơi bơi chợ tình/ ngày trơ mắt/ bão môi xinh/ sóng ánh mắt/ cứ lình kình nhú gai… nhân duyên giả định buồn rây/ ba mươi/ tủi/ nhảy kim bày cuộc chơi (Nhảy kim). Quả là không dễ tìm thấy một người như anh, dù Minh Đan đã mở lòng. Những gã săn đón cô, tặng bông hồng cho cô, trao thơ tình tán tỉnh cô,… hết thảy họ chỉ yêu cái vẻ ngoài chớp nhoáng chứ chẳng thể nào hiểu được tâm hồn mong manh của cô.

 

Tôi hỏi Minh Đan đã bao giờ nuối tiếc vì sự thờ ơ của mình với các chàng trai tự nguyện làm cây tùng cây bách cho cô chưa? Minh Đan cười nhạt và nói nhân duyên là do trời định, cái gì thuộc về mình sớm muộn cũng là của mình. Với niềm tin lạc quan trỗi dậy, Minh Đan dường như đã tái sinh thành một cô gái năng động, bản lĩnh hơn khi: Xé toạc ngày rủi may/ hoa mở lối/ sương sương non ngủ quên giấc mơ/ xuân/ những lá cuộn vào nhau/ không thỏa hiệp với mùa đông/ đường đường cong/ em – con gái/ thắp mặt trời/ không hư ảo/ không chông chênh (Thắp mặt trời xuân).

 

Bây giờ ở tuổi ngoài ba mươi, chín chắn và biết kềm chế những cảm xúc để nén đến sự cô đọng thì tôi tin những gì Minh Đan viết trong bài Vén thì đã cho chúng ta thấy được cô thực sự trở lại với cuộc sống và sẵn sàng đón nhận tình yêu mới với người đàn ông trong tương lai mà cô sẽ gặp: Lắng/ gọt giũa ngày đông/ dệt đôi chiếu ấm/ bóng non cao đổ/ đêm ghì/ đợi hình hài mới/ vén thì… (Vén thì). Và tận hưởng những hạnh phúc ngọt ngào của tình vợ chồng như cô khao khát: Nụ hôn/ chiều sâu húc hiểm/ chiếc cúc áo rơi/ màu trời ửng nắng (Hạnh phúc).

 

Minh Đan viết nhiều nhưng ẩn danh, chọn nghiệp viết trong thầm lặng và tham gia các hoạt động từ thiện xã hội là con đường mà Minh Đan đã, đang dấn thân.

 

* Hai đoạn thơ tôi thích nhất trong "Ngày không bọt" của Minh Đan (HÀN QUỐC VŨ)

 

I. Nghịch mùa ơi! Nát tan này/ Đành chôn giấu/ Nén cho đầy mắt nhung (Tường Vi Cánh Mỏng)

II. Đường đường cong/ Em - con gái/ Thắp mặt trời/ Không hư ảo/ Không chông chênh (Thắp Mặt Trời Xuân)

 

Có hai vì sáng làm nên ban ngày và ban đêm, đó chính là mặt trời và mặt trăng. Còn Minh Đan, nữ thi sĩ trẻ này đã để lại được gì?

 

Có thể phương pháp so sánh này sẽ làm sáng lên phong cách cực kì thơ của Đan khi mà "Nghịch mùa ơi! / nát tan này/ đành chôn giấu/ nén cho đầy mắt nhung" như là một vầng trăng, và "Đường đường cong/ Em - con gái/ không hư ảo/ không chông chênh" là một vầng thái dương chói lóa. Tôi từng thương Kiều, thương Nguyễn Du - đại thi hào và danh nhân văn hóa của nhân loại, nên ở đoạn thơ tôi đặt "một La Mã" đã gào rú lên tận cùng tột đỉnh, bắn tóe láng lai ra cái "đại khổ" cho số phận mình.

 

Giá trị nhân văn không dừng lại ở tựa bài "Tường vi cánh mỏng" mà còn dợn sóng hoài trong mỗi kiếp đời các thiếu nữ tài sắc đáng thương. "Như một mùa trăng/ Một mùa trăng/ Ta biết đếm trái vơi đầy ân ái/ Bỗng đột nhiên quyền sống bị cắt rồi/ Em đã rụng khoảnh đời giông bão" (Hàn Quốc Vũ) để vỗ tay tán đồng cho Đan - một tài nữ nghịch mùa. Chỉ sáu chữ thôi: "Nghịch mùa ơi! / nát tan này" nói hết cánh hoa (cánh bèo cuộc đời) phải nếm vị thất tình mà bốn chữ: "nộ, ái, ố, ai" lớn hơn "hỉ, dục, lạc" gấp nghìn muôn tỉ lần!

 

Ai đó đã từng ta thán định mệnh - nó - chính nó truất đi cái con người mưu cầu: được yêu, được hưởng niềm hạnh phúc. Vậy thì cái chết không có nghĩa là chết bằng thể xác mà là chết bằng tinh thần, rơi tõm xuống vực thẳm, vướng nỗi đau cực độ. Như một cái "phẩm" trong nhân phẩm của nàng, tự nó biết không thể nào giương chân kiến chống lại mệnh trời, Đan thảng thốt: "Đành chôn giấu/ nén cho đầy mắt nhung". Hay quá! Nghệ thuật câu chữ đúc nên được quả tim đầy các tố chất: yêu thương, đau khổ, khát vọng, cái mĩ và sự cam chịu vô cùng tuyệt vời.

 

Tôi từng viết: "Nhà thơ sinh ra thần thơ phải bị dìm trong cõi cô độc. Ngoài yếu tố đó, chúng ta chỉ có gạch quí mà thôi." Thế thì nữ thi sĩ của chúng ta đang nỗ lực hết mình cho nàng thơ; và đúng như vậy, thơ Đan đã đạt hơn nửa vầng trăng thắp đầy cho những người hâm mộ.

 

Nếu "một La Mã" làm nàng đau thương thì "hai La Mã" nàng hãnh diện trưng ra "con gái - mĩ nữ" của nàng: "Đường đường cong/ Em - con gái/ thắp mặt trời/ không hư ảo/ không chông chênh" mô tả thiên đường - nơi quí đàn ông thực sự mê đắm, và chính hai báu vật nam - nữ này đẻ ra nhân loại, bảo tồn vũ trụ chúng ta.

 

Tôi rõ nàng: cần hạnh phúc lứa đôi thật, không cần lời tán tỉnh hay cái đuôi dài vô thưởng vô phạt, đôi lúc gây phiền! Sự thông minh từ người cầm bút như Đan khắc họa cho bao đàn ông biết cách, biết về một nhân phẩm đàn bà; chịu yêu thật lòng, chứ không chịu bị lường gạt như bài "Hứa chi mây gió vụt bay", "Gã khờ", và "Buổi chợ tình" viết là "Nắng lung linh/ không ai gọi/ Buổi chợ tình/ buồn em". Kiểu dùng từ trong đoạn này mới, lạ, hấp dẫn và có tính cấp số nhân từ hai trở lên thì mặt trời xuân mới đẹp!

 

Chao ôi! Phút sung sướng ở một người khi người ấy biết uống, đích thực đây là rượu quí!

http://vanthoviet.com/news/n/504/5315/ngay-khong-bot-tap-tho-cua-minh-dan.html?l=vn

Top