Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,468,435 lượt

Báo Dân Trí: Thơ Việt vẫn không “lạc lõng” giữa Sài thành

Đó là lời chia sẻ của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó chủ tịch Hội nhà văn TP, cũng là người chỉ huy tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” được tổ chức lần thứ 13 tại đây. Dân trí đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng ông trước khi chương trình diễn ra.

 

 

PV: So với các năm trước thì ông đánh giá thế nào về sức hút của Ngày thơ Việt Nam đối với các đơn vị và cá nhân tham gia?

- Theo tôi thì Ngày thơ Việt Nam năm nay thu hút đông đảo các đơn vị tham gia hơn so với mọi năm. Bên cạnh 24 câu lạc bộ thơ của các quận huyện thì đặc biệt năm nay còn có sự góp mặt của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP, Ban nhà thơ trẻ, và cả các câu lạc bộ thơ đến từ một số trường đại học trên địa bàn thành phố. Tất cả sẽ góp phần tạo nên một ngày hội thơ đa sắc màu.

 

PV: Thực tế cho thấy, công chúng Sài thành đặc biệt là giới trẻ hiện nay, thường dành sự quan tâm cho các loại hình giải trí mang tính bề nổi, sôi động nhiều hơn. Theo ông, thơ có vị trí như thế nào trong đời sống văn hóa tinh thần và phải chăng, thơ đang dần trở nên “lạc lõng”?

- Tôi không nghĩ thơ lạc lõng. Vấn đề là mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng theo sở thích của mình. Thơ không phải là một hình thức nghệ thuật mang tính đại chúng như âm nhạc mà thơ là nơi gặp nhau giữa những tâm hồn cá biệt yêu thơ và cảm thông dành cho nhau. Tất nhiên, thơ sẽ không có những cái “hot” như âm nhạc nhưng thơ vẫn có hơi thở và cuộc sống riêng của nó. Mọi người thường nghĩ thơ không có tiết tấu, nhịp nhàng giống như âm nhạc nhưng thật ra, thơ đều có những yếu tố đó. Ngôn ngữ của thơ, đặc biệt là thơ trẻ vẫn phản ánh đầy đủ nhịp sống của thời đại đấy thôi.

 

PV: Vậy theo ông, làm sao để thơ Việt có thể gần gũi hơn với công chúng, nhất là giới trẻ ngày nay?

- Mặc dù những người quan tâm đến thơ vẫn còn hạn chế so với các loại hình nghệ thuật khác nhưng nhờ những dịp như thế này, tôi hy vọng nhiều người sẽ biết và quan tâm đến thơ hơn. Một tín hiệu đáng mừng là, thông qua các câu lạc bộ thơ, ngày càng xuất hiện các tác giả trẻ ở nhiều nơi. Từ đó, chúng tôi mới có thể phát hiện ra những gương mặt mới tài năng, để rồi phát triển và nâng dần lên thành các “cây bút” chuyên nghiệp, góp phần tăng cường thế hệ nhà thơ đương đại, cho ra đời những tác phẩm gần gũi và thu hút giới trẻ nhiều hơn. Bên cạnh đó, một vấn đề mà tôi trăn trở cũng liên quan đến việc định hướng giới trẻ về các tác phẩm thơ hiện nay là mảng giáo dục. Theo tôi, các tác phẩm đưa vào hệ thống sách giáo khoa hiện nay còn mang nặng tính “khẩu hiệu”, mang nhiều màu sắc cách mạng trong quá khứ và xa rời với đời sống thực tế. Điều đó làm hạn chế khả năng tiếp cận và cảm thụ của các bạn trẻ. Nên chăng, ngành giáo dục cần thoáng hơn trong việc cân bằng và đưa vào nhiều tác phẩm thơ trẻ, mang hơi thở cũng như những suy tư, trăn trở và bứt phá về nhịp sống đương đại. Bởi suy cho cùng, chỉ có những bài thơ lay chuyển và làm rung động được tâm hồn của giới trẻ thì khi đó giới trẻ mới có thể đến với thơ một cách tự nhiên và nhiều hơn.

 

PV: Là một trong những người gắn bó lâu với thơ Việt nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung, ông cảm thấy ấn tượng với những “cây bút” trẻ nào trong những năm trở lại đây?

- Với riêng tôi thì những cái tên ấn tượng có thể kể đến sau năm 1975 như: Ngô Liêm Khoan, Trần Huy Minh Phương, Ngô Thị Hạnh, Minh Đan, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Phong Việt, … Mỗi người đều có cách truyền tải cảm xúc và giọng thơ riêng, nhưng đều góp phần tạo nên một đời sống thơ ca nhiều màu sắc cho văn học nghệ thuật cả nước.

 

PV: Cảm ơn ông và chúc cho Ngày thơ Việt Nam tại Sài thành sẽ thành công tốt đẹp!

TRÍ HÒA 

http://dantri.com.vn/van-hoa/tho-viet-van-khong-lac-long-giua-sai-thanh-1426143430.htm

Top