Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,468,116 lượt

Báo Việt Văn Mới: Đa Mang Anh – Vẻ đẹp của nữ tính

Không chị em, không họ hàng, tuổi tầm tầm trang lứa, chung một thế hệ. Tuy họ có 5 quê quán khác nhau, nhưng trời cho cùng cái nghiệp phụ nữ… làm thơ. Hai người hiện trú ở Sài Gòn là Trần Mai Hường và Minh Đan, hai người ở Hà Nội là Thuỷ Hướng Dương và Võ Thi Nhung, một người ở Hải Phòng là Thy Nguyên.

 

 

 

Mặc dù ở những vùng miền khác nhau, nhưng niềm đam mê thi ca là cầu nối kéo họ lại gần. Một thế giới phẳng vừa thật, vừa ảo mà mỗi lần họ chạm tay vào cho họ kênh liên lạc tức thì và thường xuyên. Tất nhiên, đôi lúc họ cũng offline để làm nên những cuộc hội ngộ đâu đó ở Đà Nẵng (quê của Võ Thi Nhung), Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng...

 

Người ta bảo phụ nữ "vướng" vào nghiệp thơ văn thường đa đoan và đa mang. Tôi có may mắn ít nhiều đều quen biết cả 5 tác giả nữ này. Mỗi người cho tôi một ấn tượng, thơ của họ cũng vậy. Nên "Đa mang anh" có thể nói là tập thơ... ngũ cung. Năm cung bậc do năm người hợp tấu chắc hẳn sẽ mang lại cho người đọc những sắc thái khác nhau của cảm xúc và cách thể hiện, tạo ra sự thú vị khi cùng các tác giả trải lòng qua từng trang viết.

 

Dù là sản phẩm của 5 tác giả, "Đa mang anh" vẫn có độ dày rất dễ chịu, chừng 80 trang và hình như có một quy ước là mỗi tác giả chỉ góp mặt 9 bài. Không biết là vô tình hay có sự "tính toán" mang tính tâm linh như thường thấy: "Nam thất, nữ cửu" (nam 7, nữ 9) để cầu mong điều tốt lành cho mỗi tác giả và chung cho cả 5 người. Khác với những gì… vốn lê thê vẫn thường gặp đâu đó, sự ngắn gọn đến hiện đại của các tác giả góp phần gợi lên sự tò mò để người cầm sách trải lòng từ hình bìa đến trang cuối. Xin được theo thứ tự các bài in trong sách để cùng chia sẻ.

 

1. Thủy Hướng Dương

 

Ngoài thơ, Thuỷ Hướng Dương còn viết tiểu thuyết và bút ký và truyện ngắn. Tác giả nữ đa năng này đã có đến 7 tập sách riêng, gồm 3 tập thơ (Hãy yêu đi khi ta còn có thể, Sợ buồn khẽ rụng, Em hãy là tình nhân của anh), 4 tập văn xuôi (Chúng tôi và Mic 17, Truyện của lính Tây Nam, Ai là ai, Cát bụi nơi thành phố).

 

Người ta thường ngại đề cập đến những gì thuộc về bản năng, Thủy Hướng Dương "đối mặt" theo cách riêng của mình. Nhiều người cho đây là sự "nổi loạn" của các tác giả nữ thời hiện đại: "Giấu cơn thèm tình trong túi/ Chẳng dám tiêu tốn lần nào/ Ôi/ chết/ tiệt/ Tính đàn bàn giãy quá!/ Túm chặt rồi mà cảm xúc cứ nhào ra…" (Giấu). Khác với sự rụt rè, vòng vo của các thi Tổ ngày xưa, kiểu như: "Xin đừng mân mó nhựa ra tay." (Hồ Xuân Hương), người phụ nữ hiện đại thực tế sao nói vậy, trực diện tới vấn đề. Xét cho cùng đó là sự khát khao chính đáng của niềm hạnh phúc con người.

 

Song, nói vậy mà không phải vậy! Bản tính của người phụ nữ vốn rụt rè, yếu đuối. Càng nếm trải lại càng thầm lặng, lắng sâu hơn trong suy tư và nỗi niềm: "Không còn trẻ để ngây thơ/ Bây giờ mà nói dại khờ ai tin/ Thế mà một ánh mắt nhìn/ Cũng làm em sợ… nhỡ mình lại yêu." (Sợ)

 

2. Minh Đan

 

Minh Đan là nhà báo, nhưng đã có đến 4 tập thơ riêng (Tình riêng, Dấu chân Hầm Hô, Ngày không bọt, Phút 89).

 

Tôi đã từng viết về Minh Đan: "Giữa một đô thành hoa lệ, trong cơn lốc xoáy của thơ tân tình thức, thơ… sex, tác giả nữ thế hệ 7x Minh Đan lặng lẽ đi trên một lối riêng, không ồn ào, không khoa trương, không thét gào. Hình như Minh Đan không làm thơ, mà chỉ mượn thơ để giải bày tâm sự đời mình, hay nói đúng hơn là một phần đời nồng nàn yêu thương, nhưng tận cùng đau khổ.". Điều đó một lần nữa vận vào những câu thơ: "Đã quên - quên tụt huyết say/ Đã say - say tụt những cay đắng vờ/ Đã ngoan - ngoan tưởng như mơ/ Đã mơ- mơ chín từng giờ ái ân" (Phơi). Trạng từ "đã" được lặp lại ở vị trí đầu của mỗi câu chừng như mang "ném" tất cả vào trong ngăn tối của dĩ vãng, để một lần nữa lòng người phụ nữ lại thổn thức khát khao: "Về đi anh/ Đánh thức que diêm đỏ lửa trong em/ Đỏng đảnh nằm ngoài mép cửa/ về đi anh/ Nụ xuân tràn nhựa/ Én rợp trời nam khâu múi nhớ..." (Về đi anh). Nào ai biết được anh ở nơi đâu mà bảo anh về! Cái tình của người phụ nữ cứ thế mà bao đêm thức thao trằn trọc, đêm trắng hao gầy.

 

3. Trần Mai Hường

 

Tác giả nữ này đã có đến 4 tập thơ riêng (Sóng khát, Đó là em, Những ngọn sóng toả hương, Ngược đêm). Từ lâu, thơ Trần Mai Hường tạo được dấu ấn riêng trong lòng bạn văn và bạn đọc gần xa.

 

Khác với bản tính linh hoạt đến lanh lợi, hay nói hay cười, thậm chí chưa thấy người đã nghe tiếng, thơ Trần Mai Hường có một cõi riêng tĩnh lặng. Chính ở nơi đó, người phụ nữ trong thơ chưng cất niềm vui và nỗi buồn của cuộc đời. Thơ buồn mới hay, nhiều người khẳng định thế, nhưng tôi nghĩ thơ buồn mới là cái tạng đích thực của một Trần Mai Hường.

 

Nói về một cuộc tình đã qua là nói về niềm cô đơn sót lại: "Từ người - ân ái sang trang/ Em - bao kiêu hãnh bỗng bàng hoàng. Rơi…" (Từ phút ấy). Cặp đôi với sự lỡ làng, với thân phận cô đơn là bóng đêm và những giấc mơ dài. Tên gọi của các bài thơ đã khái quá tâm trạng của người đàn bà trong thơ:: "Người đàn bà đội đêm", "Đối diện đêm", "Nỗi nhớ mang tên đêm", "Giấc mơ em".

 

Vì sao tràn ngập bóng đêm và những giấc mơ trong cuộc đời của một thiếu phụ? Phải chăng là vì một chữ " đa mang". Đa mang anh: "Có một bài thơ bất chợt ghé trong đêm/ Đêm rộng lắm/ Thơ khép lòng bối rối/ Em xô lệch giữa điệp trùng dấu hỏi/ Đa mang này tên anh…" (Đa mang này tên anh).

 

4. Võ Thi Nhung

 

Mùa hoa bách hợp (Nxb Hội Nhà Văn - 2014) là tập thơ đầu tay và duy nhất của Võ Thi Nhung cho đến thời điểm này. Hiện sống ở Hà Nội, nhưng người con gái gốc sông Hàn này luôn gắn bó mật thiết với nguồn cội. Nhờ vậy, tác phẩm đầu tay của Võ Thi Nhung đã từng được ra mắt với bạn văn và bạn đọc Đà Nẵng.

 

Bối cảnh theo chồng, xa quê, để lại cha mẹ già sau lưng… là chất liệu, là nguồn cảm hứng, là tứ thơ cho những sáng tác của Võ Thi Nhung. Có một lúc nào đó, bên dòng sông vắng lặng, thiếu phụ tê tái, chạnh lòng: "Nắng phai bợt bạt môi chiều/ Ngày hun hút gió vẹo xiêu cuộc người/ Sang sông bến lở hay bồi?/ Mệt nhòa giữa khóc với cười ngổn ngang" (Bến chiều). Bến chiều là bến mê của cuộc đời mà ở đó có bước chân gập ghềnh của người phụ nữ mang phận thuyền quyên, trong nhờ đục chịu.

 

Riêng với Võ Thi Nhung, thơ như người, luôn đằm thắm, dịu dàng: "Lỡ mang về sợi nắng/ Bên ngõ nhỏ, tình cờ/ Em cất dành đan áo/ Sưởi ấm ngày rơi mưa" (Ngày nắng đổ). Xuất giá tòng phu, người phụ nữ theo chồng sống cuộc đời người vợ luôn khát khao sự bền chặt thủy chung. Biết giữ gìn hạnh phúc, nhưng cũng không đánh mất mình như là điểm sáng trong bài thơ "Sen cuối mùa": "Hãy để em làm thơ/ Cho lòng mình bến đỗ/ Đã biết rằng duyên nợ/ Em mãi cùng bên anh.".

 

5. Thy Nguyên

 

Đã có 3 tập thơ riêng (Sân người, Cầm mưa, Phố đông người).

 

Sự trớ trêu trong cuộc đời của con người gần như ai cũng có. Nhiều khi là thử thách mà qua đó người ta sẽ trưởng thành. Bạn thân lấy chồng thì vui, nhưng một khi bạn thân lấy đúng ngay người mình yêu thuở trước thì đó không chỉ là sự trớ trêu mà còn là nghịch cảnh đắng lòng: "Người yêu mình nhắn mình đừng tới/ Dặn bạn mình đừng mời cô ấy đến đây…" Khác với những câu chuyện ghen tương ồn ào trên báo chí dẫn đến kết cục đáng buồn bên song sắt. Hình ảnh cô gái bị tình phụ rơi vào một khoảng trống chơi vơi. Chút nắng mùa đông không đủ để sưởi ấm trái tim đang rơi vào vùng giá lạnh, sự ghen tương là đủ để thấy mình… thừa: "Nắng mùa đông cứ dày trên mắt/ Cứ khâu đan cứ xé toạc ngày xưa/ Có bấy nhiêu xa mà mình đi như chạy/ Chạy đi đâu không ai biết mình thừa." (Bạn thân lấy chồng).

 

Năm tháng luôn nghiệt ngã cho mọi người và cho riêng thiếu nữ. Mùa thu của cuộc đời đã mang về những vế chân chim trên khuôn mặt. Mùa thu của đất trời thì đẹp, nhưng mùa thu của cuộc đời thiếu phụ có khi là những nỗi đau tê, ngay cả ở những người tưởng chừng hạnh phúc nhất: "Chiều tiễn thêm một thôi đường về phía mong manh/ Mới biết mắt em đầy gió/ Mới biết sân.

 

Dù thể hiện ở góc độ nào, nổi loạn ồn ào hay dịu dàng đằm thắm, một chút bâng khuâng hay một nỗi đau tê… tập thơ "Đa mang anh" vẫn mang đầy nữ tính, hướng thiện, ngập tràn sự thương yêu, là nỗi mong chờ, là niềm khát khao hạnh phúc. Năm tác giả nữ, mỗi người một vẻ, góp thành một "Đa Mang anh" để khi khép sách lại ta thấy vẻ đẹp của nữ tính trong cảm xúc như hãy còn vương đọng ở đâu đó.

Đà Nẵng, 11/2015

MAI HỮU PHƯỚC 

http://newvietart.com/index10208.html

Top