Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,472,430 lượt

Báo Giáo dục: Ngày hội nhiều sắc màu của thơ Việt Nam

Ngày 11-2 (tức 15 tháng giêng), Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM lần thứ 15 sẽ tạo ra một không gian trữ tình, ấm cúng, nhiều sắc màu cho những người yêu thi ca.

 

Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc

nhân dịp đầu xuân trên cả nước (ảnh: Ban Nhà văn trẻ TP.HCM). Ảnh: CTV

 

Hòa cùng hội thơ Nguyên tiêu 2017

 

Ngày thơ Việt Nam được tổ chức hằng năm vào rằm tháng giêng đã trở thành một dấu ấn sâu sắc trong hoạt động văn hóa ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM năm nay sẽ diễn ra từ 6-22 giờ ngày 11-2 cùng nhiều hoạt động phong phú với chủ đề “Xuân nghĩa tình”. Theo dự kiến, 25 câu lạc bộ trên địa bàn TP sẽ tham gia ngày thơ.

 

Với sự nhiệt tình và tâm huyết của những người thực hiện, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 sẽ giới thiệu đến người yêu thơ những tác giả, tác phẩm tiêu biểu, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, những sáng tác về lễ hội làng quê, mùa xuân, tình yêu đôi lứa... Ngày thơ càng ý nghĩa hơn khi có sự tham dự của các nhà thơ nhiều thế hệ. Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Trưởng ban tổ chức ngày thơ cho biết: “Ngày thơ Việt Nam ở TP.HCM đã không còn xa lạ với những người yêu thơ. Đây là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật, khởi động phong trào văn hóa của TP năm Đinh Dậu”.

 

Với ý nghĩa sâu sắc đó, những người thực hiện ngày thơ mong muốn sẽ mở ra một hướng đi mới cho các hoạt động trong Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM. Đây là sự nỗ lực để duy trì đều đặn một hoạt động vốn luôn “kén” người chơi lẫn người thưởng thức trong suốt nhiều năm liền. Nét khác biệt của ngày thơ năm nay là đa phần các tiết mục được thể hiện dưới hình thức phối hợp nhóm chứ không đơn lẻ như mọi năm. Sự đổi mới trình diễn thơ dưới dạng liên khúc góp phần tránh sự đơn điệu, nhàm chán cho người thưởng thức. Khi việc phổ biến thơ của nhiều tác giả đến với công chúng còn gặp nhiều khó khăn thì Ngày thơ Việt Nam đang nỗ lực để đưa thơ đến gần hơn với khán giả là một việc làm đáng được khích lệ.

 

Sân thơ trẻ với nhiều điểm nhấn

 

Như thường lệ, kịch thơ vẫn là tiết mục “đinh” của sân thơ trẻ tại ngày thơ. Hoạt cảnh Vòng tay mùa xuân do nhà thơ Minh Đan biên soạn và dàn dựng, hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem những cảm xúc thú vị. Đây chính là kịch bản kết nối từ những tác phẩm thơ hay về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu nhân loại do ba gương mặt thơ trẻ Minh Đan, Tiểu Quyên và Nguyễn Đăng Thanh trình diễn.

 

 

Trong ngày thơ lần thứ 15, sân thơ trẻ sẽ giới thiệu những cây bút nhiều triển vọng cho văn học TP như Hồ Huy Sơn, Ngô Thúy Nga, Trần Võ Thành Văn, Nguyễn Đăng Thanh, Du Nguyên, Lê Hòa, Kiều Maily, Sâm Cầm, Nguyễn Kiên Giang… để giao lưu với các bạn đọc trẻ. Qua đó, chương trình tạo đà phấn khởi đầu xuân cho những người trẻ nguồn cảm hứng sáng tạo để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm giá trị. Trong ngày thơ lần thứ 15, sân thơ trẻ sẽ giới thiệu những cây bút nhiều triển vọng cho văn học TP như Hồ Huy Sơn, Ngô Thúy Nga, Trần Võ Thành Văn, Nguyễn Đăng Thanh, Du Nguyên, Lê Hòa, Kiều Maily, Sâm Cầm, Nguyễn Kiên Giang… để giao lưu với các bạn đọc trẻ. Qua đó, chương trình tạo đà phấn khởi đầu xuân cho những người trẻ nguồn cảm hứng sáng tạo để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm giá trị.

 

Đặc biệt, sân thơ trẻ năm nay còn có sự tham gia của các họa sĩ Trần Đạt, Nhím... với chương trình hí họa chân dung nhà thơ và bạn đọc, góp phần tạo nên không khí sôi động cho ngày thơ. Là thành viên của Ban tổ chức, đồng thời là người phụ trách chính sân thơ trẻ, nhà thơ Minh Đan chia sẻ: “Tôi hy vọng hội thơ Nguyên tiêu lần thứ 15 tại TP.HCM sẽ thu hút không chỉ các thi nhân, khách thơ trong TP mà còn thu hút bạn thơ ở các tỉnh, thành lân cận”.

 

Hòa chung không khí của Ngày thơ Việt Nam, nhiều hoạt động sôi nổi cũng diễn ra tại các tỉnh, thành trên cả nước. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cũng sẽ diễn ra đúng vào ngày rằm tháng giêng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) với sự tham dự của đông đảo các nhà thơ Việt Nam sinh sống ở trong, ngoài nước. Hoạt động của ngày thơ tập trung vào chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước” với các hoạt động thi thơ, diễn thơ, đố thơ, tặng thơ, tặng chữ, thơ câu đối... ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần sáng tạo, đoàn kết, hòa hợp dân tộc, chung tay xây dựng đất nước giàu đẹp. Tham dự Ngày thơ Việt Nam năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giới thiệu nghệ thuật làm gốm, các sản phẩm gốm Hương Canh; tỉnh Hòa Bình quảng bá nét đặc sắc của văn hóa Mo Mường cùng với dàn cồng chiêng của người Mường. Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh còn tổ chức cho tất cả các văn nghệ sĩ về Hà Nội tham dự, hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam.

 

Tại các địa phương, Ngày thơ Việt Nam diễn ra ở các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục. Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, ngày thơ sẽ được tổ chức trang trọng tại An toàn khu Định Hóa - nơi 70 năm trước đây Bác Hồ viết bài thơ Nguyên tiêu. Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, Ngày thơ Việt Nam tỉnh Đắk Nông sẽ được tổ chức vào tối 10-2 (14-1 âm lịch) tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa). Với chủ đề “Tình thơ Nâm Nung”, ngày thơ có 2 hoạt động chính là Cuộc thi thơ và Đêm thơ Nguyên tiêu.

YÊN HÀ

http://www.giaoduc.edu.vn/ngay-hoi-nhieu-sac-mau-cua-tho-viet-nam.htm

Top