Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,432,465 lượt

Nhavantphcm.com.vn: Văn chương hấp dẫn như khi yêu một người đàn ông

NVTPHCM- Nhà thơ Minh Đan sinh năm 1979 tại Bình Định, hiện sống và làm báo tại TP.HCM. Chị đã xuất bản các tập thơ: Tình riêng (2008), Dấu chân Hầm Hô (2011), Ngày không bọt (2012), Phút 89 (2013), Đa mang Anh (2015). Minh Đan là Uỷ viên Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM, có những đóng góp tích cực cho hoạt động Hội, và là thành viên nòng cốt Ban Tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ IV.

 

Giữa lúc tất bật công việc chuẩn bị cho sự kiện quan trọng của đời sống văn học trẻ Sài Gòn và cả Nam bộ, nhà thơ Minh Đan đã có cuộc chuyện trò với NVTPHCM.

 

 

* Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM cũng là dịp nhìn lại đời sống sáng tác của giới trẻ Sài Gòn lẫn cả Nam bộ. Theo chị, đâu là thuận lợi và khó khăn của thế hệ viết văn trẻ ngày nay so với những thế hệ trước?

- Trước hết, tôi muốn nói về cái sự khó khăn trong sáng tác của thế hệ trẻ chúng tôi. Đầu tiên là sự xác định con đường riêng cho mình thì hầu như rất ít cây bút trẻ định hình rõ nét được điều đó. Phần lớn các bạn miên man khai thác đề tài, lối viết theo cảm tính, theo nhu cầu đòi hỏi nhất thời và chạy theo văn học mang yếu tố thị trường. Tôi có cảm giác như các cây bút trẻ đang trải qua một giai đoạn sống gấp sống vội để cố tìm cho mình một chỗ đứng tạm bợ trong lòng bạn đọc. Phải chăng vì lý do này mà văn học thế hệ trẻ chưa thực sự có được một tác phẩm đỉnh cao như những thế hệ trước (?).

- Tôi không phủ nhận sự dấn thân của văn trẻ, sự chịu khó trong tìm tòi sáng tạo, sự nhanh nhạy trong việc tiếp cận công nghệ tiếp thị tác phẩm... Song người viết trẻ cần nuôi dưỡng, quan sát, lắng nghe, thâm nhập để làm giàu vốn sống và đi đến tận cùng những đề tài mình chọn, cần khai thác sâu sắc hơn mảnh đất, con người nơi chúng ta đang trải nghiệm hàng ngày hàng giờ. Tôi cho rằng cái khó khăn lớn nhất của người viết trẻ là còn đứng bên ngoài những chi tiết đời thường, vô tình bỏ qua những giá trị văn học, trong khi đó lại rất chăm chỉ khai thác các giá trị giải trí.

 

* Đó cũng là một góc nhìn khá sâu sắc và đầy tính công dân của chị. Vậy còn mặt thuận lợi của các cây bút trẻ?

- Ngày nay, với công cụ truyền thông cởi mở từ mạng xã hội, việc tiếp thị tác phẩm đến với bạn đọc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Cộng thêm các lợi thế về ngoại ngữ, việc giao lưu văn hóa Đông - Tây cũng được cập nhật nhanh hơn. Nhưng cũng chính vì quá dễ dàng nên một số cây bút trẻ tỏ ra dễ dãi hơn trong lối viết của họ. Về lâu dài, tôi lo ngại những bạn ấy sẽ sớm rời bỏ cuộc chơi vì sự đào thải khắc nghiệt của văn chương đích thực.

- Tuy nhiên, sau tất cả, điều tôi muốn tâm sự với các bạn viết trẻ rằng hãy luôn chứng tỏ được bản lĩnh của tuổi trẻ, đừng sợ hãi bởi lời nhận xét của bất kỳ ai vì văn học tự thân nó có ngôn ngữ, giá trị riêng. Chỉ cần các bạn xác định con đường đi cho mình và kiên trì theo đuổi thì không lo không tới đích.

 

* Chị còn nhớ mình khởi đầu con đường văn chương như thế nào?

- Thật ra tôi bén duyên với Văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm học cấp 2 & 3, tôi đã đạt những giải thưởng về thơ do Trường và địa phương tổ chức. Khi ấy, trong tôi chưa có khái niệm chọn văn chương để đi lâu dài, mà chỉ viết vì đam mê, có lẽ một phần vì tôi là học sinh giỏi văn, nên việc tiếp cận văn chương sớm là điều hiển nhiên chăng (?).

- Tuy nhiên, khác với bạn bè trang lứa luôn tìm kiếm mọi cơ hội để xây dựng các mối quan hệ và gửi thơ cộng tác trên các báo trung ương, báo chuyên ngành thì tôi chọn cách sáng tác lặng lẽ và chỉ dành đề tặng thơ cho gia đình, bạn học của mình lưu giữ những trang thơ đó như những kỷ niệm đẹp tuổi học trò.

- Ngày ấy, tôi hoàn toàn không có ý đồ chọn văn chương là con đường dài để đi. Nhưng có điều lạ là văn chương vẫn cứ tìm tới tôi, thôi thúc tôi trên những trang viết. Bản thảo đầu tiên của tôi được hình thành là năm 15 tuổi. Chỉ tiếc là "đứa con" do mình thai nghén ấy đã bị một người yêu thơ nào đó đánh cắp từ thời điểm tôi gửi người quen đánh máy hộ tập bản thảo để chuẩn bị cho việc xuất bản. Và cú sốc đó cho đến tận bây giờ vẫn còn là nỗi day dứt.

 

* Bằng những trải nghiệm phong phú, chị thấy văn chương có ý nghĩa ra sao cho cuộc sống của mình?

- Thực tại, tôi xem văn chương là duyên lớn của cuộc đời mình. Tôi không ngại khi nói văn chương có sức hấp dẫn mạnh mẽ và mê hoặc như khi yêu một người đàn ông vậy. Tôi hoàn toàn bị chìm đắm vào nó và thăng hoa với trang viết. Văn chương kéo tôi ra khỏi bản tính rụt rè năm xưa, thay vào đó giúp tôi thêm tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Thơ đánh thức trách nhiệm công dân trong tôi. Thơ dạy tôi lòng vị tha và cách đối nhân xử thế, biết cảm thông với những thân phận bất hạnh và trân quý những gì mình đang có.

 

* Thơ chị vừa trữ tình vừa nặng lòng với thế sự. Đây là ý thức trách nhiệm công dân hiếm có đối với một nhà thơ phái đẹp. Chắc chị có nhiều trăn trở khi lựa chọn con đường sáng tác này…

- Vai trò của văn học là đề cao cái tốt để nhân rộng và chỉ ra những mảng tối của cuộc sống để cảnh tỉnh, loại trừ. Vậy nên, những câu chuyện đời thường, về nhân tình thế thái, về con người của thực tại,... luôn tạo những cảm hứng mạnh mẽ trong tôi với khát khao khám phá mọi phức tạp, ngang trái và cả cái cao quý trong hành trình đi tìm sự sống và hạnh phúc của con người. Sẽ thật nhàm chán, buồn tẻ nếu chỉ quanh quẩn ở việc nói quá nhiều viết quá nhiều đến đời sống cá nhân, tôi chọn con đường gian nan hơn cho mình, đó là dấn thân vào đề tài thơ thế sự. Với lối đi chông gai này, tôi thấy tính dân chủ trong thơ được đề cao hơn, và bản thân tôi thể hiện trách nhiệm công dân trước những vấn đề mà xã hội, thời đại đòi hỏi nhiều hơn.

 

* Danh và lợi là điều hiển nhiên tồn tại trong đời sống. Tuy nhiên với chị sự nổi tiếng và sách bán chạy có bao giờ là mục đích để vươn tới?

- Đã dấn thân con đường thơ, tôi đặt ra sứ mệnh của mình là viết để góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt; là viết để tìm về với văn hóa cội nguồn dân tộc; là viết để chiêm nghiệm, nhận thức về bản thân mình; là viết để chia sẻ, đồng cảm với tâm tư nguyện vọng của những phận đời, phận người;... Thế nên, sự nổi tiếng hay sách bán chạy, chưa bao giờ là mục đích sáng tác của tôi cả. Mà chính tiếng nói đồng cảm gửi gắm trong từng tác phẩm đã đưa tôi lại gần độc giả yêu mến mình, ủng hộ mình, cho mình có được niềm tin và động lực sáng tạo mãnh liệt như ngày hôm nay.

 

* Ngoài các tập thơ đã xuất bản, chị có thể cho biết dự định sắp tới của mình…

- Viết là nhu cầu tự thân, là lẽ sống, nên với tôi công việc ấy vẫn tiếp diễn hàng ngày. Hiện, tôi đã hoàn thành các bản thảo "Phút nói thật", "Sài Gòn mưa", "Tình nhân cơn bão vừa ngang", xoay quanh các đề tài về thế sự, về thân phận trẻ mồ côi, về hiện tượng Single Mom trong xã hội đương thời. Tôi cũng đang có ý định xuất bản sách trong năm nay. Sau Hội nghị Những người viết văn Trẻ TP.HCM lần thứ IV này, tôi sẽ bắt tay vào thực hiện kế hoạch của riêng mình. Hi vọng, tiếp tục được bạn đọc, bạn viết ủng hộ.

 

* Chúc chị luôn tràn đầy cảm hứng sáng tác!

KỲ KHANG

http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/minh-dan-van-chuong-hap-dan-nhu-yeu-da%CC%80n-ong.html

Top