Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,482,016 lượt

Nỗi buồn trắng của một hồn thơ con gái hiền ngoan

Cô gái hiền ngoan ấy thể hiện cảm xúc thơ của mình một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, như lời thầm thì nhỏ nhẹ. Tôi thích những bài thơ ngắn của cô, thường là lục bát, có cái chơi vơi, mông lung của những tình cảm, tâm trạng khó diễn tả thành lời, hơn một vài bài có sự kể lể, giãi bày…

 

Tôi không biết Huyền Thư trước tập thơ này. Và sau tập thơ này tôi cũng chưa biết Huyền Thư. Tôi chỉ đọc thơ cô để cảm nhận về cô.

 

 

Cái trắng ấy đến từ hoa loa kèn của Hà Nội nhưng từ trong nỗi nhớ đã thành một sinh thể “trút nốt nghẹn ngào mà trắng buốt mùa sang”. Hai chữ “trút nốt” nghe sao nặng nhọc và nhẫn nhịn. Từ sinh thể cây sang sinh thể người, cái trắng của hoa đã thành “nỗi buồn trắng trong nằm ngay lòng bàn tay con gái”. Tôi không thích chữ kép “trắng trong” ở đây dù có thể nó có ý chứ không phải quen tay viết, nó mòn, lẽ ra “nỗi buồn trắng” là đủ sâu và ngấm. Và tôi đọc thấy trong tập thơ này “nỗi buồn trắng” của tác giả.

 

Huyền Thư là ai?

 

Huyền Thư “con mười lăm bé nhỏ rời làng/ quán trọ trần gian dựa nơi nào cũng mỏi” (sao lại có một câu thơ như của một người đã sống hết cả đời thế này!), đến khi trưởng thành ước được “ngồi ngay trên mảnh đất nhà mình để chắc rằng đã từng thuộc về đâu”. Bởi cô nhận ra “trưởng thành là sự thỏa hiệp xa rời những cánh đồng đất nâu”. Và bởi “trưởng thành không giống như âm điệu mẹ từng hát đôi câu”. Tuổi trưởng thành như thế, với Huyền Thư trong thơ, là sự cắt lìa và trở về. Cả phần 4 tập thơ Huyền Thư dành cho “Đôi mắt trẻ thơ, mẹ và làng’ với những hồi ức và hoài niệm mang theo cả đời người từ tuổi nhỏ ra đi.

 

Mình vẽ tuổi mình mà vô tình vẽ lên tuổi mẹ vài vết đồi mồi và nhăn nhúm chân chim

Lớn tồng ngồng lên mới nhớ ra mảnh đời già còn lấm lem bùn đất

Đời đãi bôi nên trong ta chỉ bóng làng là thật

Tuổi người chân đất ôm gánh rạ đầy mà nuôi lớn tuổi ta

 

Khổ thơ này trong bài thơ có cái tên rất âm vọng và gợi “Chắt nắng đông ra hong lại tuổi đời”. Huyền Thư mới ngoài hai mươi, nhưng “tuổi hai mươi không phải hai mươi tuổi” (Huy Cận). Cô bé tuổi mới lớn rời nhà cha mẹ, rời làng quê ra nước ngoài hồi nào giờ đã thành một thiếu nữ vẫn nuôi lớn trong mình cảm thức tiếng Việt và cảm xúc đồng quê để viết nên những bài thơ nặng trĩu nhớ thương, hoài cảm. Nặng đến nỗi người thơ như muốn chất chứa, nói cho bằng hết trong thơ những gì mình ghi nhớ được ở tuổi ra đi. Và bàng bạc, lan tỏa là nỗi buồn.

 

Con đã đi những tháng ngày mê mải

Tóc mẹ đan thêm bao sợi khói chiều

Cha thường ngồi phía đầu hè đăm chiêu

Sao con không để tóc dài như vạt khói?

 

Huyền Thư đã bước đi trong đời, và trong thơ, từ đó, với hành trang là lời mẹ dặn: “Lẽ trần gian là họa ai gây thì người ấy trả / Nên đừng thấy lạ / cứ hiền và cứ ngoan”. Một lời dặn đơn sơ mà gan ruột của người mẹ cho con gái bước ra thế giới một mình. Tập thơ vì thế đọc thấy cả sự làm nũng của một người con với cha mẹ, của một cô gái với đất và người ở những nơi cô đã đến, đã sống. Ngay cả khi cô thốt lên Hà Nội của anh già quá, và bắt đầu quãng đời hai mươi của mình bằng “đội khăn tang lên đầu” cho những tháng ngày đã qua. Ờ, lắm khi người trẻ thử già nua để được hồn nhiên. Hay hồn nhiên một cách già dặn.

 

Cô gái hiền ngoan ấy thể hiện cảm xúc thơ của mình một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, như lời thầm thì nhỏ nhẹ. Tôi thích những bài thơ ngắn của cô, thường là lục bát, có cái chơi vơi, mông lung của những tình cảm, tâm trạng khó diễn tả thành lời, hơn một vài bài có sự kể lể, giãi bày. Hai phần thơ “Nếu anh về Hà Nội” (2) và “Chờ dịu dàng ở Châu Đại Dương” (3) như đối xứng nhau, giăng mắc nhau, lan tỏa một “nỗi buồn trắng”. Trắng đến thành không màu, trắng xóa, tạo nên bầu khí hậu thơ Huyền Thư. Đến “Loa kèn bạc lòng ra trắng” thì nỗi buồn đã thành nỗi đau.

 

Vậy “nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” có thể là một câu hỏi cho người, nhưng phần nhiều là câu tự vấn mình. Tôi đọc được ở đây một khát khao tâm tình và sẻ chia, cả một day dứt, phân vân nữa. Nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều? Đảo ngược nhan đề tập thơ có lẽ lại đưa đến một cách đọc thơ khác. Tự nhiên tôi nhớ hai câu thơ vừa cụ thể hình ảnh vừa bâng quơ tình cảm của Xuân Diệu: “Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ / Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya” muốn tặng tác giả ở vùng nhớ thôn quê của cô.

 

Thơ Huyền Thư trước khi ra tập đã được đăng tải trên Facebook của cô và có được một cộng đồng đọc của mình. Tôi muốn Huyền Thư sẽ tiếp tục viết thơ, có sự giản dị hơn, sâu đằm hơn.

Hà Nội 19.10.2017

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Top