Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,487,636 lượt

La cà cùng dông

Giỗ ngoại bao giờ cũng là dịp để tôi la cà lâu trong bếp. Người làm, người nấu, chật nhà, việc đến tay tôi cùng lắm cũng chỉ “xách dì chai mắm”, “lấy chị cái muỗng”. Người ra người vô, đôi lúc còn thấy mình chàng ràng vướng chỗ. Nhưng vẫn cứ thích lê la. Lắm khi còn lót cả dép chóc ngóc ngồi chờ.

Chờ được sai. Phải. Chờ hít ngửi những hương vị tinh nguyên còn trên bếp của món ăn. Cũng phải.

Nhưng hơn hết, chắc là chờ thứ này. Thứ cậu tôi vừa đổ ra trên nền gạch đỏ. Nhộn nhạo, lấm cát, sọc trắng sọc xanh chạy trên mặt da xám nhẵn: Những con dông.

Bạn xứ khác lần đầu ra chơi, nhìn hình dĩa dông nướng trong menu một quán ăn tái mặt: “Xứ bà ghê quá, đi ăn cả tắc kè!” Nhớ lại vừa mắc cười vừa thấy oan không chịu được. Người ta còn ăn được cả bê tông, cốt thép, cả một con đường. Bộ không ghê hơn?

Trong lúc chờ phân định rạch ròi đâu ghê đâu không thì dông vẫn cứ lâu lâu bị nhầm với tắc kè. Kiểu anh em trong nhà giông giống nhau bị người ngoài nhầm lẫn. Thôi thì cũng lẽ thường. Họ nhà dông chắc chẳng phiền hà gì.

Mà chắc cũng không có thời gian để phiền hà.

Nắng cũng như mưa, dông còn bận đào, bận xây đâu đó cho mình trong lòng đất những mê cung, những lối thoát. Để chỉ cần vụt một cái, ai không nhanh mắt còn không kịp thấy cả ngọn chóp đuôi ngoe trên một lỗ cát, sẵn sàng biến mất. Dông bao giờ cũng là một tay chạy vô địch trên mặt cát.

Hình như càng về sau này, độ chạy lẫn độ nhát người của dông ngày càng tăng thêm. Hay là tại con người đang dần đáng sợ hơn?

Dông cát không biết từ bao giờ đã được xếp vào hàng đặc sản của đất Phan. Thời của những đoàn người ruông cát, đào hang đặt bẫy đã qua. Dông theo thời gian chuyển dần vào những chuồng nuôi, không phải thắc thỏm lo kiếm ăn, lo những lúc gặm đuôi trong hang chống đói.

Cậu cũng nuôi dông. Chuồng là vòng tường xi măng bao hết mấy hecta đất rẫy như Vạn Lý tường thành. Dông chuyển từ đời du mục tự do sang du mục...trong vòng tường thì con lớn nhất đó giờ bắt được chính là con đang trước mặt tôi đây. Da đỏ lựng, bụng kềnh, đầu bóng lưỡng. Một con dông đực! (Biết đâu chừng lại là một con đực có chức sắc!).

 

Gỏi Dông Phan Rang

 

“Cỡ này hồi xưa dặt rọ xuống là có. Đâu như giờ…” - Mợ kéo đám dông lại gần mình, tặc lưỡi.

Tôi đoán rằng trong đám lổn ngổn dưới chân đó thế nào cũng có đứa muốn được tặc lưỡi theo. Để tiếc nhớ những ngày du mục thực sự, chẳng hạn, hoặc tiếc cho cuộc sống sắp sửa trôi qua. Hay tiếc mình không có được cả khả năng tiếc nuối?

Dù sao thì, nồi nước sôi trên bếp cũng đang réo. Và đám dông bước vào cuộc hóa thân thực sự.

Dông trụng nước sôi một lần, vớt ra phải nhanh chóng tuột sạch da đất. Lớp da bao bên ngoài này dính rất sát. Tuột không nhanh sẽ phải nhúng đi nhúng lại nước sôi nhiều lần. Mợ tôi kị nhất việc này. “ Vừa mất thời gian, vừa nhão thịt, mất ngon!”. Miệng nói, tay mợ thoăn thoắt trên những mình dông dần sạch bong, trắng nõn.

Dông qua trụng nước, lột da đất, thịt như căng cứng. Chỉ bấm nhẹ tay dưới bụng đã lấy ra được hết bộ lòng. Mợ lấy rất khéo nên không bao giờ để dây bẩn ra thịt, không cần phải rửa lại bằng nước.

Mợ gọi tôi thêm than vào bếp lò, quạt lửa. Lửa đỏ lừ, sắt lại những mình dông vừa đặt lên vỉ nướng. Lửa lấy lại màu rám hồng cho những cái đuôi dài lòng thòng xuống, quết cả lên nền gạch.

Mợ trở một mình dông trên vỉ, ngó vẻ lom lom không chớp của tôi. “Cỡ này ăn được rồi đó!” Mợ bẻ một đoạn đuôi đưa qua, cười.

Chắc mợ nhầm háo hức trên mặt tôi thành háo… đói.

Tôi đang chờ để được nghe tiếng thớt khua. Thật ra nên gọi là tiếng dao. Con dao đen. Mài bằng cục đá bụi phủ bao nhiêu lớp ánh vẫn xanh lên kì lạ. Không hiểu nhờ đá, nhờ mặt thớt gỗ hay nhờ người vẫn ngồi bên thớt là dì Năm tôi, mà âm thanh tiếng dao cứ như một bản nhạc có đủ nốt trầm, nốt bổng.

Đó là một bản nhạc đầy biến ảo. Tôi như nghe được cả tiếng vó ngựa dạo trước vẫn gõ khắp khu chợ đầu mối gần nhà mình. Nghe cả tiếng gió dạo qua những chùm nhãn lòa xòa ngày nhà còn lợp mái tôn, còn có một mảnh vườn. Có những âm thanh ngỡ đã mất nhưng vẫn còn y nguyên đó, sẵn sàng được gọi dậy trong kí ức.

Dì Năm dừng tay dao. Cái đuôi dông tôi bỏ thêm lên thớt cũng đã hòa đâu đó trong những mảng thịt băm đều.

Rổ lá me, lá xoài non, lá xào dông chị tôi vừa hái xuống được hai ba người xúm lại. Lại gọi lên tiếp bản nhạc hòa âm của dao, thớt và bàn tay.

Bản nhạc lần này không rộn. Chỉ chầm chậm, đều đều. Nhưng nghe được cả tiếng nhựa lá ứa ra, quyện vào nhau đặc sít trên mặt thớt.

Đổ lên những đặc sít ấy tô thịt dông băm ngọt lừ, dì Năm hoàn thành phần kết cho bản nhạc đầy hương vị.

Trước tôi, giờ là chiếc thau nhôm với món ăn kỳ công mà cũng rất dân dã: Gỏi dông!

Không đợi được chị tôi trộn xong thau gỏi tôi nhón một ít đưa lên đầu lưỡi. Một vị thơm nồng mà ngọt dịu xộc lên. Tôi không phân biệt được đâu là vị thịt, đâu là lá, đâu là vị những trái chanh tươi chị tôi mới vắt. Tất cả đều như đã hòa lẫn, tan nhập vào nhau, để cảm giác nồng nã ngầy ngật cứ ở mãi trong vòm miệng.

Bỗng ước có bạn bên cạnh. Sẽ mời bạn nếm tí gỏi dông giữa quyện quẩn mùi khói bếp.

“Người xứ bà thấy ghiền quá. Ghiền như thịt dông! “

Biết đâu, bạn sẽ nói vậy. Biết đâu…

NGUYỄN THỊ KIM HÒA

Top