Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,487,221 lượt

Ai mua danh tôi bán... thơ cho!

Dân gian kháo nhau rằng khi Hàn Mặc Tử viết “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” nghĩa là trăng đã thuộc quyền “sở hữu” của thi sĩ tài năng mệnh bạc này. Trăng với thơ có mối liên quan mật thiết với nhau. Trăng là nguồn cảm hứng cho thơ. Nhưng trăng là ảo ảnh, còn thơ là một thực thể. Hàn thi sĩ rao bán trăng nhưng làm sao bán được. Còn thơ bây giờ bị người ta lợi dụng buôn bán khắp nơi để “trang điểm” cho căn bệnh hư danh như một trò xiếc khỉ. Vì vậy, xin mượn thơ Hàn mà rằng: Ai mua danh tôi bán… thơ cho!

 

Nhưng thơ buôn bán thế nào? Ai chịu mua thơ? Cả nước làm thơ, ngay cả các doanh nhân lắm bạc nhiều tiền, những người vốn chức trọng lương cao về hưu ăn ít tiêu tiền ít, cũng đua nhau làm thơ, xuất bản thơ, tặng thơ không hết, thì bán thơ cho ai?

 

Có lẽ trước khi bàn chuyện kinh doanh thơ thì thử lý giải, thơ hữu ích như thế nào, vì sao bây giờ người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, từ thành phố đến nông thôn, từ vùng cao biên giới đến hải đảo xa xôi đều thích làm thơ. Xin nhớ là làm thơ, tức sáng tác thơ, chứ không phải “làm thuê” phát âm theo phương ngữ của dân xứ Nẫu đâu nhé!

 

Việc đông đảo người yêu thơ, lao vào làm thơ chứng tỏ thơ vẫn tồn tại và có giá trị riêng của nó, chứ không phải như một vài kẻ dè bỉu thơ là một thứ vô bổ vô thưởng vô phạt. Nghiêm chỉnh mà nói, cho dù một số chiêm tinh gia dự đoán trái đất có thể sẽ bị tận thế, thì đến giây phút cuối cùng thơ vẫn đồng hành cùng nhân loại, đặc biệt là đối với người Việt Nam yêu thơ.

 

Mỗi bình minh thức dậy, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của mặt trời hồng ló dạng với những tia nắng ấm áp soi rọi khắp nơi sau một đêm ngủ vùi trong bức màn nhung ảo ảnh. Đó là lúc thơ đang đến.

 

Bước ra sân vườn, chúng ta ngơ ngẩn trước sự quyến rũ của những bông hoa vừa nở còn đọng lại vài giọt sương rung rinh nhè nhẹ trong gió, phản chiếu ánh nắng sớm tinh khôi. Đó là lúc thơ đang đến.

 

Trên đường đến cơ quan làm việc, ghé lại cái quán quen thuộc ăn sáng và uống cà phê, bất chợt ta gặp một ánh mắt long lanh đen tuyền, đôi môi gợi cảm, với nụ cười tươi luôn nở trên gương mặt trái xoan của một người đẹp bàn bên và lòng ca cảm thấy xao xuyến. Đó là lúc thơ đang đến.

 

Buổi chiều đi làm về, chúng ta xúc động trước hình ảnh người mẹ già ngồi tựa cửa đợi con hoặc bước chân rộn ràng của bé thơ chạy ra đón và nhảy phóc lên vòng tay ôm chặt vai cha mẹ. Đó là lúc thơ đang đến.

 

Ở thời kinh tế thị trường, sau một ngày vắt óc căng thẳng, buổi tối các doanh nhân một mình ngồi trên tầng thượng bên ấm nước trà ngắm trăng lên, nghe hương hoa dịu nhẹ lan toả, thi thoảng đâu đó vang lên tiếng dế kêu như từ ký ức tuổi thơ xa thẳm, cảm thấy tâm hồn thư thái dễ chịu. Đó cũng là lúc thơ đang đến.

 

Thơ chính là vẻ đẹp, niềm cảm hứng kỳ diệu lúc thầm lặng lúc bung nở ở quanh ta hoặc ngay trong mỗi chúng ta, giúp cho cuộc sống thêm thăng hoa. Nhưng không phải ai cũng có thể biến những khoảnh khắc diệu kỳ ấy thành thơ được. Vì vậy, tạo hoá mới sinh ra “loài thi sĩ” (chữ của Hàn Mặc Tử) có sứ mệnh văn bản hoá những khoảnh khắc ấy thành thơ để phụng sự cho nhân loại. Mà “loài thi sĩ” thực tài thực thụ thì cực hiếm. Còn “loài” ngoài lề hoặc cận thi sĩ thì rất nhiều rất đông, nên mới có chuyện người người làm thơ, nhà nhà làm thơ!

 

Trên đời này, cái gì hiếm đều quý giá. Vì thấy giá trị của “loài thi sĩ”, tức giá trị của thơ đích thực nên có những người chộp cơ hội để… kinh doanh thơ. Tất nhiên họ không thể kinh doanh “loài thi sĩ” thứ thiệt được. Họ chỉ lợi dụng cái danh của “loài thi sĩ” để dụ dỗ, buôn bán với những người kém tài hám danh muốn đứng trong hàng ngũ quý hiếm ấy.

 

Từ đó nảy sinh một dạng con buôn làm “cò thơ”, “cò hội”. “Cò thơ” là làm thơ giúp, bao thầu in ấn, xuất bản. Tiếp đến “cò hội” là chạy vạy đưa những kẻ háo danh vào hội nghề nghiệp từ địa phương đến trung ương, lấy cho bằng được tấm thẻ hội viên để chứng minh cho thiên hạ biết mình là “nhà thơ chính danh”, “nhà thơ chính chủ”! Đó là chưa kể những kẻ còn thành lập các câu lạc bộ “hoành tráng” ghép cả tên nước vào đó để lừa đảo, móc túi vô tội vạ người yêu thơ bằng cách kết nạp họ làm hội viên với những phương thức tổ chức linh đình, tự phong chức tước cao tận mây xanh, cấp giấy khen tặng nhiều như chuồn chuồn gọi mưa với những câu chữ rổn rảng. Người đóng tiền càng nhiều thì chức càng cao và càng được nhiều giấy khen…

 

Ở đây chỉ xin nói về việc làm thơ giúp, xuất bản giúp để chạy vào những hội nghề nghiệp chính danh do nhà nước thành lập. Những người làm “cò” là những người có chút ít năng lực làm thơ, thậm chí cũng gầy dựng được chút tiếng tăm, nhưng ngoài thơ ra họ chẳng biết làm gì để mưu sinh, hoặc vì tham tiền mà muốn có thêm thu nhập. Họ lang thang quán này quán nọ, tìm tới các câu lạc bộ người yêu thơ, thấy ai muốn làm thơ nhưng chưa làm được thì họ nhiệt tình chỉ bảo dẫn dắt. Đối tượng thường là những người về hưu hoặc giới kinh doanh có của ăn của để, về già muốn có cái gì đó “chính danh” để khoe với bạn bè, con cháu, mà cái không gì dễ bằng cái danh “nhà thơ”!

 

Sau khi bị “cắn câu”, những người yêu thơ hì hục viết đêm viết ngày thành cả tập “thơ con cóc” mang đến nhờ “cò” xem thử. Dĩ nhiên là “cò” khen hay, tuyệt vời, nhưng… mới chỉ là ý tưởng, cần sửa chữa, cắt xén, bổ sung câu chữ cho hoàn chỉnh để xuất bản. Nghe nhà thơ vui lòng giúp mình, người yêu thơ vô cùng phấn khởi. Đây cũng là lúc giá cả được đưa ra. Đối với các đại gia nhiều tiền hám danh thì chuyện tiền nong dăm ba chục triệu chẳng là cái đinh gì, bởi thơ và nhà thơ chính danh chính chủ là… vô giá, cả đời nằm mơ cũng khó đạt được.

 

In thơ xong, muốn vào hội này hội nọ thì nhất định tiếp tục nhờ “cò” giúp. Đụng đến “cò” phải chi tiền. Có giá hẳn hoi. Hội địa phương giá thấp hơn trung ương. Nếu thân thiết, “cò hội” đưa người muốn vào hội đến gặp các thành viên hội đồng chuyên môn và ban chấp hành, còn chủ yếu liên lạc qua điện thoại. Không gặp trực tiếp được thì chuyển quà cáp qua bưu điện, tiền bạc qua chuyển khoản. Năm này không trót lọt thì “cò” an ủi chờ năm sau, năm sau nữa. Càng chờ “cò” càng có dịp vòi vĩnh.

 

Dù không phạm tội hình sự nhưng đường dây “cò thơ”, “cò hội” đã gây nhũng nhiễu, tạo nên những dư luận không hay trong đời sống văn học. Hành vi thiếu lành mạnh ấy như trò khỉ lặp đi lặp trước bàn dân thiên hạ. Không chỉ những người chẳng biết thơ là mô tê gì bỗng chốc được vinh danh oang oang là “nhà thơ”, in thơ ào ào góp phần đẩy giá giấy tăng vọt, mà còn gây “đại hạ giá” cho thơ, “loài thi sĩ” thứ thiệt lắc đầu vô cùng ngán ngẩm. Ở dưới suối vàng, nhóm Bàn Thành tứ hữu trứ danh gặp nhau “trà dư tửu hậu”, một người thông minh hóm hỉnh như Chế Lan Viên chắc thế nào cũng trêu đùa Hàn Mặc Tử khi nói về hậu duệ trần gian: Ai mua danh tôi bán… thơ cho!

PHAN PHAN

Top