Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,493,216 lượt

"Mắt thơ" hiện đại nhìn về quá khứ

Nhiều thế kỷ nay, phê bình văn học luôn có một số phận hẩm hiu, bị coi thường, đánh giá thấp, bị coi như những kẻ “ăn theo nói leo”. Từ độc giả cho tới những nghệ sĩ sáng tác đa số đều gán cho Phê bình văn học những ngôn từ mỉa mai nhất có thể, nào thì “con rận trong ổ khóa văn chương”, “kẻ phủi bụi trên áo nhà quý tộc”, “các thái giám trong cung cấm: họ biết phải làm gì, họ nhìn thấy người khác làm, nhưng chính bản thân họ lại không thể làm được”…

 

Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy 

 

Ngay cả nhà thơ Xuân Diệu, nổi tiếng với nhiều tác phẩm phê bình xuất sắc cũng chỉ coi đó là công việc của một tên lính hầu cầm lọng che cho ông quan sáng tác, hưởng lây cái oai thừa, quan nhỏ thì oai nhỏ, quan lớn thì oai lớn. Tuy nhiên, khi các chủ nghĩa, tư tưởng phát triển nhanh chóng và đa dạng, văn chương cũng bị cuốn theo và dẫn đến một hậu quả ngoài mong muốn đó là khiến độc giả hoang mang.

 

Và lúc này, những nhà phê bình văn học chân chính – những độc giả cao cấp – xuất hiện như những người chỉ đường dẫn lối, không phải chỉ cho công chúng mà thậm chí còn cho cả các nghệ sĩ sáng tác, vốn đang tưởng rằng mình nắm quyền uy tối thượng. Phê bình văn học, với tư cách là một bộ môn khoa học nghiên cứu về văn học, đã chứng minh được những giá trị đặc biệt tác động lớn đến đời sống văn học của chính mình. Không còn là thứ phê bình cảm tính như “Thi nhân Việt Nam”, phê bình văn học hiện đại ở Việt Nam đã đạt tới tư cách khoa học với các tên tuổi như Trần Đình Hượu, Trương Đăng Dung… và mới đây là Đỗ Lai Thúy, một trong các nhà tiên phong cho việc ứng dụng phương pháp Phân tâm học vào nghiên cứu Văn hóa – Nghệ thuật tại Việt Nam.

 

Một trong tác phẩm lớn của ông, phải kể đến Mắt thơ – cái nhìn hiện đại về Phong trào Thơ Mới 1930-45. Mắt thơ trong vị trí giới phê bình văn học Việt Nam Trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, phong trào Thơ Mới đóng một dấu ấn sâu đậm không thể phủ nhận cho dù ở trong những thời kỳ mà xã hội có quan điểm, tư tưởng trái chiều.

 

 Tập phê bình văn học "Mắt Thơ" của Đỗ Lai Thúy

 

Có nhiều nhà phê bình văn học đã dày công nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá về các thi nhân của thời kỳ này. Trong đó, tác phẩm được đông đảo quần chúng biết đến nhất chính là Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hòai Chân. Xưa nay, công chúng, thậm chí là giới học thuật vẫn xem Thi nhân Việt Namnhư một thứ “Phong Thần bảng” của thi ca 1930-1945.

 

Tuy nhiên, cho đến nay, với sự phát triển của phê bình văn học, Thi nhân Vịet Nam thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong việc đánh giá và phân loại, hay nói một cách khác, Hòai Thanh đã để cho cảm tính lấn át, khiến cho tác phẩm phê bình của ông đầy tính chủ quan, phiến diện và thiếu khoa học. Mắt thơ không liệt kê rườm rà các tác giả, tác phẩm; mà chỉ giới thiệu những nhà thơ tiêu biểu cho các trào lưu nghệ thuật tồn tại và phát triển trong thời kỳ 1930-45 như lãng mạn, tượng trưng, siêu thực… Cuốn sách ấy đi tìm “người thơ” bằng “con mắt thơ” của nhà phê bình.

 

Tập phê bình văn học Thơ Mới này được chia ra làm 2 phần: “Người Thơ trong mắt thơ” và “Người Thơ trong mắt nhau”. Trong đó, phần 2 “Người Thơ trong mắt nhau” có thể coi là phần phụ lục bao gồm tiểu sử và các đoạn hồi ký của các nhà thơ viết về nhau. Còn phần 1 – “Người Thơ trong mắt thơ” là phần chính, phần phê bình.

 

“Người Thơ trong mắt thơ” gồm có 11 chương, chương đầu và chương cuối mang tính chất tổng hợp và tổng kết về một thời đại thơ ca đặc biệt, như trong câu mở đầu, ông Đỗ Lai Thúy đã nhận định: “Thơ Mới lâu nay thường được coi như một chiếc nấm lạ trên cây gia hệ vanư học dân tộc. Cái nhìn chặt khúc đã biến nó trở thành một hiện tượng không đầu không cuối”.

 

Và các nhà thơ được lựa chọn tiêu biểu cho Thơ Mới cũng được sắp xếp theo quá trình phát triển. Mở đầu là Thế Lữ, nhà thơ đi đầu trong phong trào Thơ Mới với những bài thơ tự do dúng nghĩa là tự do, không một chút ràng buộc của niêm luật. Thơ Thế Lữ cũng như các nhà thơ đương thời của ông, họ hồ hởi khi bắt gặp “cái tôi” và say sưa chuyện trò, tâm sự mà quên mất sự cân nhắc câu chữ tinh tế, quên mất các trò chơi trí uẩn của ngôn từ. Sau đó là đến Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính – bắt đầu từ đây, thơ lãng mạn đã rõ nét.

 

Một điều đặc biệt, các nhà thơ xuất hiện sau của chủ nghĩa lãng mạn lại đậm nét phương Đông hơn là những nhà thơ đi trước. Đi từ Xuân Diệu đến Huy Cận rồi Nguyễn Bính, chất lãng mạn phương Tây dường như đã thực hiện một quá trình “đột biến” để từ một “ông Tây An Nam” trở thành “cái tôi An Nam” của một nhà thơ. Thơ tượng trưng lại đi một chặng đường ngược lại. Từ Vũ Hoàng Chương, đến Đinh Hùng, Bích Khê – thơ tượng trưng đã đi một chặng từ chỗ đậm chất phương Đông huyền ảo đến thế giới tượng trưng huyền bí. Hàn Mặc Tử là đại diện cho thơ có yếu tố siêu thực.

 

Và một chương cho Xuân Thu Nhã tập – những người tiếp nối cho Thơ Mới, Ông Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Như vậy chỉ trong vòng 13 năm… Thơ Mới đã đi trọn một đường bằng cả thế kỷ thơ Pháp.” Chương cuối là chương tổng kết cho cả tập phê bình và cho cả hành trình thơ.

 

Mắt thơ – Phương pháp táo bạo, tư duy tự do Trong Mắt thơ, Đỗ Lai Thúy đã thành công trong việc đi tìm chân dung của các nhà thơ. Qua cách ông đặt tên mỗi chuơng, người đọc có thể thấy rõ phong cách, tư tưởng thơ của mỗi thi sĩ: Thế Lữ – người bộ hành phiêu lãng Xuân Diệu – nỗi ám ảnh thời gian Huy Cận – sự khắc khỏai không gian Nguyễn Bính- đường về chân quê Vũ Hoàng Chương – đào nguyên lạc lối Đinh Hùng – người kiến trúc chiêm bao Bích Khê- sự nhận thức ngôn từ Hàn Mặc Tử – một tư duy thơ độc đáo Xuân Thu nhã tập – khúc hát thiên nga Đi từ số phận và con người của mỗi nhà thơ để tiếp cận tác phẩm, nhưng Đỗ Lai Thúy không dừng ở phương pháp xã hội học hay tiểu sử học, chỉ động chạm tới cái áo bên ngoài, ông bộc bạch: “Mỗi nhà Thơ Mới đều có cái nhìn nghệ thuật giống nhau, chung cho cả dòng thơ. Nhưng mỗi người lại là những cá nhân, có một chương trình sinh học riêng, những ám ảnh thơ ấu và khuyết tật thân thể riêng, hoàn cảnh kinh tế xã hội cũng riêng, nên họ còn có một cái nhìn nghệ thuật riêng.” “Mấy vần thơ” của Thế Lữ là một quan niệm nghệ thuật về con người – con người đô thị – con người nghệ sĩ. Xuân Diệu, Đinh Hùng, Nguyễn Bính… lại có những cảm nhận sâu sắc về thời gian. Thơ họ nhìn thế giới bằng con mắt thời gian. Trong khi đó, Huy Cận là ngọn “lửa thiêng” của nỗi tiếc khôn nguôi cái không gian toàn khối và vĩnh cửu.

 

Người ta còn có thể thấy hình thành cái nhìn nghệ thuật riêng biệt qua mọi xung đột giữa văn hóa Đông Tây ở Vũ Hoàng Chương. Khi Thơ Mới chuyển từ Lãng mạn sang Tượng trưng, nó đã đạt được bước phát triển mới về nghệ thuât, “Đau thương” của Hàn Mặc Tử là khối kết tinh của tính trữ tình + tư duy tôn giáo + yếu tố cá nhân hiện đại, là một hiện tượng độc đáo của tư duy thơ Việt Nam. “Tinh huyết” và “Tinh hoa” của Bích Khê là một cuộc cách mạng ngôn từ. “Ngôn ngữ từ địa vị đây tớ phục vụ ý tưởng đã trở thành chủ thể sản sinh ra tư tưởng. Thơ, nhờ thế không còn phải làm nhiệm vụ của cỗ xe, con thuyền làm nhiệm vụ chở đạo nữa mà bản thân nó cũng trở thành một thứ đạo.”

 

Nếu nhìn chung cả phong trào Thơ Mới như một “chuẩn”, một phong cách chung cho cả một thời đại thi ca thì từng cái nhìn riêng của mỗi thi nhân là một lệch chuẩn: Và chính sự lệch chuẩn này tạo nên phong cách thơ.

 

Như Xuân Diệu đã từng khẳng định một cách ngông cuồng: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”. Thi nhân của Thời đại Mới có quyền xây dựng cho mình một thế giới mới tương ứng hoặc đối lập với thế giới thực nột mô hình thẩm mĩ để đối thoại với nó: Với Thế Lữ là chốn Thiên Thai hay chốn “sơn lâm bóng cả cây già”; với Huy Cận là chốn vườn địa đàng, với Vũ Hoàng Chương là lạc đến Đào Nguyên, Đinh Hùng trở về thời hồng hoang… Đó không còn chỉ là một mô phỏng, phản ánh mà chủ yếu là một biểu hiện tức là xây dựng một thế giới theo cái nhìn nghệ thuật riêng của mỗi nhà thơ.

 

Đỗ Lai Thúy trong tác phẩm phê bình của mình, như đã nói ở trên, không vẽ nên những khuôn mặt với những bộ quân áo mà còn đi sâu vào bên trong thế giới nội tâm hay còn gọi là miền vô thức của mỗi tác giả bằng phương pháp Phân tâm học. Lacan nổi tiếng với định đề: “vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”. Nhà phê bình phân tâm học không cần biết đến tác giả mà vãn phân tích được tác phẩm. Bởi vaỵa, phương pháp phân tâm học là một trong trên con đường tiếp cận tác phẩm từ tác giả sang tiếp cận tác phẩm từ tác phẩm. Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy gọi việc tiếp cận tác phẩm từ tác phẩm bằng một cái tên rất hay: “hành trình thám mã”. Mã số thơ chỉ có thể cất giấu trong và bằng ngôn ngữ. Có khi nó nằm ở những từ chìa khóa (nhãn tự).

 

Và Đỗ Lai Thúy đã tìm ra trong thơ Nguyễn Bính là “vườn xưa”, “vườn ai”, “vườn dâu”…; trong thơ Hàn Mặc Tử là “máu”, “trăng”, “hồn”; trong thơ Vũ Hoàng Chương là “hư ảnh”; trong thơ Đinh Hùng là “man rợ”, man dại”… còn với Bích Khê là những tông màu sắc như ”vàng”, /trắng”… Cũng có khi mật số đó được ông tìm thấy ngay ở nhan đề tác phẩm. “Say” và “Mây” của Vũ Hoàng Chương, “Tinh huyết” của Bích Khê, “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu… tự nó đã nói lên nhiều điều.

 

Đỗ Lai Thúy một lần nữa lại chỉ cho người đọc thấy chiếc chìa khóa vào thế giới thơ Huy Cận ngay ở bài thơ vào tập, nói như ông là “Thi nhân đã treo chiếc chìa khóa mở vào “Lửa thiêng” – một tòa Cổ Tự – ở ngay phòng thừng trực – bài “Trình bày”. Tòan bộ “Lửa thiêng” là tâm sự của một kẻ đã từng được sống ở thiên đàng – cõi hài hòa tuyệt đối – nay bị đẩy xuống trần gian để sống trong nuối tiếc. Ở đây, Thiên Đường được biểu trưng bằng một không gian toàn khối và vĩnh cửu.

 

Tuy nhiên, ở phần lớn các tác phẩm, mã số không dễ dàng gì phát hiện như vậy, nó không nằm ở một nơi nhất định mà được đan cài vào mọi cấp độ của tác phẩm như ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, bố cục. Để thực hiện hành trình thám mã này, Đỗ Lai Thúy đã sử dụng đến Thi pháp học hiện đại kết hợp với “trực giác nghệ thuật”.

 

Đó là cách tiếp cận và giải mã những tín hiệu của Đỗ Lai Thúy. Ngoài ra, ông còn kết hợp Thi pháp học với Phân tâm học để khám phá thế giới thơ. Tìm hiểu về tiểu sử của nhà thơ giúp ông có những hiểu biết nhất định về thời đại, môi trường sống, gia đình, các thói quen, sở thích – những yếu tố để phác họa nên chân dung một con người – nhào trộn những kiến thức này với các ký hiệu cần được giải mã trong tác phẩm hoặc hệ thống tác phẩm.

 

Đỗ Lai Thúy có thể coi là một trong những nhà phê bình văn học đầu tiên ở Việt Nam thành công trong việc tiếp cận tác phẩm từ chính văn bản tác phẩm. Chắc rằng, ông đã học được khả năng này từ những người thầy lớn trên thế giới như Roland Barthes, Micheal Foucault, Jaqques Derrida… Nhưng rõ ràng, chỉ tiếp cận tác phẩm từ chính tác phẩm thì dường như không đủ. Để hoàn thiện, một phương pháp tiếp cận mới đã ra đời dựa trên sự phát triển của các phương pháp cũ. Đó là chủ nghĩa hậu cấu trúc luận và giải cơ cấu, kết hợp với minh giải học và mỹ học tiếp nhận. Từ đây xuất hiện hướng tiếp cận thứ ba, một đối tượng vốn dĩ xưa nay chỉ đóng vai trò bị động tiếp nhận sự sang tạo, giờ cũng được xếp vào như một đồng sang tạo hay liên chủ thể: độc giả.

 

Tập phê bình văn học Mắt thơ có ý nghĩa rất to lớn đối với sự thay đổi ý thức tiếp nhận của công chúng. Trước tiên, Mắt thơ giúp công chúng có cái nhìn tổng quan hơn về Phong Trào Thơ Mới. Nếu trước đây, với Thi nhân Việt Nam, độc giả chỉ biết đến trào lưu lãng mạn thì giờ đây họ đã biết đến chủ nghĩa tượng trưng, đến chủ nghĩa siêu thực. Thi nhân Việt Nam lựa chọn các nhà thơ một cách cảm tính, một chiều thì giờ đây Mắt thơ đã giúp công chúng hình dung ra tiến trình phát triển Thơ Mới thong qua chân dung, bút pháp, tư tưởng của các nhà thơ tiêu biểu. Đỗ Lai Thúy không đưa ra sự đánh giá ai cao, ai thấp. Ông chỉ khai thác một cách khách quan con người của tác giả, giải mã cặn kẽ các ký hiệu nghệ thuật trong tác phẩm, và một cách dân chủ, ông để cho độc giả tự cảm nhận.

 

Bên cạnh đó, thông qua những thao tác nghiên cứu của chính bản thân mình, Đỗ Lai Thúy đã giới thiệu với độc giả Việt Nam biết tới những phương pháp nghiên cứu khoa học không phải chỉ mới mẻ mà thậm chí còn xa lạ với số đông công chúng. Trước đó, độc giả Việt Nam chỉ quen cảm nhận, mổ xẻ các tác phẩm hay hệ thống tác phẩm của một tác giả nào đó bằng phương pháp xã hội học hay tiểu sử. Phương pháp luận này dễ dẫn đến sự suy diễn phiến diện mà không đi sâu vào thế giới tâm hồn, phần sâu vô thức của tác giả. Nhưng với thi pháp học, phân tâm học, hậu cấu trúc luận, minh giải học… Đỗ Lai Thúy thật sự đã mở ra một lối đi mới dẫn người đọc xâm nhập vào sâu bên trong khám phá cõi tinh thần của các nhà thơ.

 

Mắt thơ là tập phê bình văn học xuất sắc của Đỗ Lai Thúy. Với phương pháp luận hiện đại: sự kết hợp thuyết cấu trúc, thi pháp học… trên nền tảng của phân tâm học, Đỗ Lai Thúy đã trở thành một trong số những người tiên phong khai đường mở lối cho nên phê bình văn học Việt Nam nói riêng và nghiên cứu văn học nói chung. Bằng phương pháp luận này, ông đã đóng góp một phần công sức không nhỏ cho việc giải mã các hiện tượng văn hóa, văn học đặc sắc của Việt Nam trong các tác phẩm: Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Bút pháp của sự ham muốn và mới đây sẽ là Mắt thơ 2 – cái nhìn hiện đại về các nhà thơ hiện đại…

THÁI SƠN

Top