Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,493,459 lượt

Người đọc cũng cần thần tượng

Trong bữa chiều mưa trắng trời tháng 6, ngay tại đường sách Nguyễn Văn Bình vẫn có rất đông người đọc và đáng ngạc nhiên phần lớn là người trẻ đến giao lưu và chia sẻ trong buổi ra mắt sách của tác giả trẻ Khải Đơn. Cuốn sách có tên “Chúng ta có bi quan không?”. Một cuốn sách chạm mặt với các vấn đề ý thức và con đường của những người trẻ trong xã hội hôm nay. Một cuốn sách không dễ đọc mấy nếu nhìn theo hướng đọc là một hành vi hướng đến giải trí.

 

 

Cách đây 50 năm, ngay tại Sài Gòn, trung tâm của sách vở, tri thức miền Nam Việt Nam, trong một thời kỳ mà sách còn là phương tiện chứa tri thức, giải trí khá lớn và đọc là phương thức tiếp nhận chiếm tỷ trọng khá lớn, nhà văn Võ Phiến đã lên tiếng rằng “sách in 2.000 bản, bán 2-3 năm chưa hết” và ông đã lo ngại rằng liều có còn người đọc nữa không trong vài mươi năm nữa kể từ lúc ấy.

 

Thật may mắn, vẫn còn người đọc, những cuốn sách vẫn được in, được mua ngay cả khi các phương tiện nghe nhìn đang tràn ngập, các phương thức giải trí hấp dẫn và thời thượng hơn đang len từng ngóc ngách. Sách trong lúc ấy, dù hiện ra dưới dạng thơm mùi giấy mới hay các bản điện tử để đọc trên điện thoại, máy tính bảng, máy đọc sách… đều đòi hỏi sự kỳ công trong thưởng thức, sự hoạt động của các nơ ron thần kinh để theo đuổi các diễn biến hay hiểu điều sách muốn truyền đạt. Tức khác hoàn toàn với việc xem một bộ phim, hay hoạt động tay cho cho diễn biến 1 trò chơi game.

 

Thế mà ngạc nhiên không, những cuốn thơ của Nguyễn Phong Việt đã bán đến hàng chục ngàn bản, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và lối nghĩ của nhiều bạn trẻ như cách họ bày tỏ trên Mạng xã hội. Những tác giả trẻ như Anh Khang đã có dòng người hâm mộ xếp hàng dài dằng dặc đến tận 2 giờ sáng để có thể xin một chữ ký và nghe anh nói. Những cuốn sách của nhà văn Phương Huyền đã được tái bản liên tục. Hay như nhà văn Võ Thu Hương có thể tạo ra sinh kế hoàn toàn bằng chính ngòi bút viết sách của mình. Còn nhiều nữa các tác giả trẻ khác mà sách của họ được hưởng ứng nồng nhiệt, được săn đón, được chờ đợi… chứ không chịu cảnh đìu hiu như Võ Phiến lo ngại.

 

Những người trẻ ấy, đã xác lập 1 vị thế khác cho người viết sách, đó không phải là những nhà văn tư lự nấp đàng sau các con chữ, những người biến đời mình thành bản nháp cho tác phẩm trở thành bản thật như cách hình dung cũ. Họ là những ngôi sao từ sách. Bản thân từ ngôi sao cũng đã hàm chứa sự đổi thay, những chớp lóe định bởi thời gian, nhưng có sao đâu, ở thời đại không ai nổi tiếng quá 15 phút này, trở thành ngôi sao, mà còn ngôi sao nhờ việc viết lách là điều khó đến muôn một và nỗ lực cần ghi nhận. Họ đã làm việc chuyên nghiệp để có được vị trí của mình, như anh Nguyễn Phong Việt anh đã tương tác tốt trên trang Facebook cá nhân, anh lắng nghe ý kiến và chia sẻ của người đọc anh để hình thành nên các bài thơ đáp ứng tối đa nỗi mong muốn chia sẻ có phần lãng mạn của các bạn trẻ đô thị. Hay như Anh Khang, anh ý thức rõ mình là nhân vật của công chúng để mỗi nơi anh xuất hiện đều giữ được hình ảnh bản thân, anh bày tỏ sự quan tâm đến người hâm mộ và viết những điều các bạn trẻ-độc giả của anh quan tâm và muốn đọc. Tôi chưa bàn đến giá trị của những gì những người viết trẻ ấy viết, điều ấy cần sự sàng lọc của thời gian, phải còn nhiều độ lùi nữa để nhìn nhận, đến các ngôi sao sân khấu hay điện ảnh còn phần lớn sẽ mờ tăm tích chỉ chục năm sau khi rực rỡ trong mắt công chúng mà. Nhưng dù có bao nhiêu tác phẩm của những người trẻ hôm nay còn lại sau cuộc sàng lọc khắc nghiệt ấy, thì họ vẫn là những người dũng cảm, đã chọn con đường khó nhất để nổi tiếng-viết lách, và quan trọng hơn, giữ nhịp đọc cho người đọc hôm nay.

 

 

Nói họ giữ nhịp đọc là vì nhờ họ, nhiều người trẻ vẫn còn giữ thói quen đọc hay cầm trên tay quyển sách. Chỉ từ đó đã, nỗi bình yên và thói quen đọc sẽ dẫn những độc giả đi tiếp trên con đường đọc của mình, tìm đến những điều mới mẻ hơn sau trang sách, mở rộng trường quan tâm của mình với sách vở. Để có lớp người đọc bền bỉ và văn hóa, phải khởi đầu từ những người trẻ dám cầm sách lên chứ không phải ngán ngẩm với những dòng chữ đen mà bỏ đi xem tivi.

 

Có lẽ không ít các bạn ở đây, như tôi, khởi sự việc đọc từ những cuốn truyện thiếu nhi đầy tính luận đề, các truyện tranh với rất ít chữ để đến với những dòng chữ nuôi dưỡng và nâng cánh tri thức lẫn sự tưởng tượng. Chỉ thế thôi, tôi xin kết thúc tham luận của mình, với sự tắt ngang, ngắn, trực tiếp mà các cây bút trẻ hay dùng, đừng lo sợ, hãy mong và hi vọng có nhiều hơn nữa những thần tượng, ngôi sao văn học trẻ, họ là những người đang bắt nhịp nhanh với thời đại. Và nhờ họ, có lẽ, tôi tin rằng cho đến 20 năm nữa chúng ta vẫn còn những người đọc sách. Những người đọc nhiều điều khác hơn các tác phẩm của họ hôm nay. Những người đọc cũng cần thần tượng, và tôi tin, các thần tượng ấy là một sự khởi đầu của việc đọc.

THỤC LINH

Top