Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,493,506 lượt

Mấy suy nghĩ về thơ trẻ

Thơ trẻ, truyền thống và cách tân qua vài bình diện khai thác đã đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong sự tìm tòi và sáng tạo nghệ thuật…

 

Thế nào là thơ trẻ?

 

Thơ trẻ được xem xét dưới góc độ nào cho đúng nghĩa. Thử đi tìm hướng giải thích cho cụm từ Thơ trẻ. Thơ của người viết trẻ (theo tiêu chuẩn quy định của Hội Nhà văn Việt Nam là những người viết dưới 35 tuổi) hay thơ trẻ theo cách hiểu vừa mới bắt đầu viết thơ của một tác giả nào đấy đã từng có đam mê với con chữ. Với nhiều người, vẫn không khỏi thắc mắc về cụm từ thơ trẻ. Vì sao phải phân biệt thơ trẻ và thơ không trẻ. Cá nhân tác giả bài viết này chỉ nghĩ về một hướng tích cực của thơ trẻ. Đó là dấu hiệu nhận biết cho một thế hệ kế thừa mới, một lực lượng mới trong dòng chảy văn chương. Đồng thời cũng là cách nhìn khái quát về bước nhảy vọt mới trong bình diện tiếp cận mới đối với thơ ca. Vậy thơ trẻ không hẳn là thơ của giới trẻ, chỉ những người non về tuổi đời, hay non về tuổi nghề. Điều này sẽ làm đi cái tính dấu hiệu và nhận biết của giá trị thơ ca nói riêng nói riêng và văn chương nói chung trong từng giai đoạn phát triển.

 

Thứ nhất, thơ của người viết trẻ là thơ xuất phát điểm từ tư duy trẻ trung, mới mẻ, có dấu ấn hoặc sự chấm phá nào đấy rất thú vị và hấp dẫn. Điều này là một việc khá nhạy cảm khi có khen chê đối với một người trẻ tuổi, tính cách và tri thức. Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ sáng tác thơ tuy nhiên chúng ta phải có sự phân luồng theo yếu tố chủ đạo trong tác phẩm thơ. Dưới hình thức phân loại này chúng ta sẽ thấy có hai hướng mà thơ tách biệt, một là thơ thiên về tình cảm, hai là thơ thiên về lý trí.

 

Thơ thiên về tình cảm đều là hướng đi hầu như chiếm đại đa số đặc biệt là thơ nữ (chuộng những thể hiện nhẹ nhàng, đằm thắm, tha thiết đôi khi bị chi phối toàn văn bản là chất lãng mạn sâu nặng). Thực sự dạng thơ này đã bị lạm phát đến mức cao nhất tính tới thời điểm hiện nay. Vì lý do cứ để cho cảm xúc dâng trào và viết theo cảm xúc, khuynh hướng chối từ ảnh hưởng cuộc sống vào trong thơ ca trở nên đa dạng và phong phú về cách thể hiện hơn. Những tập thơ mang hơi hướng này xuất bản với tần suất cao là yếu tố dẫn đến văn học nghiêng thị trường (văn học kinh doanh). Tác giả được độc giả trẻ đồng cảm nhất thời mà thiếu độ suy ngẫm.

 

Thơ thiên về lý trí chiếm ít hơn (dễ bắt gặp ở một số tác giả bị quy định bởi sự tác động nặng nề của triết học trong sáng tạo tác phẩm). Một số cây bút khai thác dạng thơ này cũng dễ rơi vào dạy dỗ người đọc tạo nên áp lực. Đôi lúc quên chìa khóa để khơi mở vào ý nghĩa thông điệp. Tình trạng này dễ dẫn đến khó chịu khi tiếp xúc và cảm nhận. Hướng nào cũng đáng được nâng niu, trân quý nhưng tốt hơn vẫn là sự dung hòa của hai luồng ấy sẽ góp phần làm cho tác phẩm hay hơn, tốt hơn, đậm chất nhân văn mà gần gũi với đời sống hơn.

 

Tính chất trẻ trung không đồng nhất với ngây ngô, hời hợt và dễ dãi. Làm trẻ cho thơ thực sự là một điều dễ dàng gì, để biết cách làm trẻ thơ thì đòi hỏi người làm thơ luôn phải đặt mình trong tâm thế tìm tòi, sáng tạo những chiều hướng mới. Việc này cũng không phải nằm ở chỗ lạ hóa chữ nghĩa mà cần sự nghiêm túc trong cách vận dụng ngôn từ thể hiện, hạn chế những khuôn sáo, những lối mòn, những hình ảnh những chi tiết của văn học trước kia không còn thích hợp để xử lý cho thơ hiện đại.

 

Sự mới mẻ của thơ ca có thể được xem là tương đồng với sự phát hiện, vận dụng trong một hệ thi pháp mới. Có nghĩa trong thơ luôn cần có chất gây tò mò, gây bất ngờ tạo cảm giác vừa thân thuộc lại vừa xa lạ. Mới trong cách diễn đạt hình ảnh, chi tiết, câu từ để làm cho câu thơ trở nên sinh động, linh hoạt. Mới không có nghĩa là phản bác, bài trừ những thể hiện độc đáo của hiệu quả vận dụng ngôn từ thời trước ở hệ thi pháp tương ứng.

 

Có một nhà thơ đã từng nói: "nếu bỏ tên tác giả ra trong một trăm bài thơ hiện nay thì khó lòng mà phân biệt được thơ của ai". Thực trạng này đúng trong thời buổi nhà nhà làm thơ, người người làm thơ. Số lượng người viết thơ hôm nay rất đông nhưng cái còn đọng lại trong độc giả là trơn tru, là ngang ngang, đệ đều một cách dễ dãi đến nhàm chán. Để thấy được dấu ấn tác giả là một yếu tố hình thành cá tính thơ.

 

Làm thơ không khó lắm nhưng làm cho độc giả nhận diện thơ của mình trước đám đông là điều không hề dễ. Vậy trong mỗi tác phẩm thơ cần đặt nét riêng của mình vào trong ấy, và nét riêng phải là sự tích hợp từ giọng điệu và cách sử dụng ngôn từ trong khi sáng tạo. Làm một cách nghiêm túc để dần dần tìm ra chìa khóa mà mở ra cá tính riêng của bản thân trước mọi người. Nét riêng này sẽ góp phần tạo ra phong cách cho thơ khi đứng giữa đám đông. Có vậy thì trong một trăm bài thơ tạm xóa tên tác giả sẽ có những phương thức, dấu hiệu để nhận diện ra.

 

Thơ cần có những chấm phá tinh tế để gợi ra những giá trị đặc sắc từ nội dung biểu đạt đến ý nghĩa thông tin gửi gắm. Trong thơ nếu không có sự chấm phá này sẽ làm cho thơ giảm đi sức gợi, sức bộc phá từ lối vận dụng ngôn từ. Vì vậy, ít nhất sự chấm phá cũng đóng góp làm nên nét riêng của tác giả sáng tạo.

 

Với những khía cạnh đề cập trên, thơ của người viết trẻ cần đảm bảo những yếu tố để đứng vững trước những thành công của các vị văn nhân tiền bối.

 

Thứ hai, thơ trẻ của những tác giả đã từng đam mê với văn chương. Đối với trường hợp này sẽ dễ tiệm cận nếu người viết thoáng hơn trong tư duy sáng tạo. Nghĩa là tạm quên đi những mô phạm từng quy định chặt chẽ sát sao khi thể hiện mà trước kia tác giả đã từng làm. Thơ trẻ với những thế hệ này sẽ không chú trọng lắm về nét riêng cá tính vì trong họ đã có sự già dặn trong phong cách thể hiện. Tuy nhiên, điều này cũng không hoàn toàn đúng cho nên ở góc nhìn đối tượng nào của thơ trẻ cũng cần có những yếu tố làm cơ sở cho thơ khi sáng tạo.

 

 

Truyền thống và cách tân

 

Ở đây chúng ta phải xem xét ở hai phương diện: nội dung tư tưởng và hình thức thi pháp. Vậy truyền thống và cách tân của thơ trẻ qua hai phương diện trên được biểu hiện như thế nào.

 

Một, xét về phương diện nội dung tư tưởng. Truyền thống trong nội dung tư tưởng là giữ lại sự khuôn mẫu, tri thức thuộc về văn hóa (bao gồm tư duy về thẩm mỹ của cảm xúc) những hiểu biết mà theo suốt quá trình hình thành nhân cách. Góc độ này, yếu tố truyền thống bị chi phối nặng nề từ địa lý của quốc gia, dân tộc. Nội dung của thơ mang đến tư tưởng đã mặc định sẵn trong thuyết triết lý của lịch sử văn hóa dân tộc. Ngại va chạm và tiếp xúc những nội dung bên ngoài hoặc tiếp thu một rụt rè và rất hạn chế.

 

Hai, truyền thống trong hình thức thi pháp là tiếp tục vận dụng và phát huy những phương pháp sáng tác cũng như thủ pháp nghệ thuật thể hiện. Hình thức vẫn là thể loại thơ như năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát, song thất lục bát... Tuy nhiên ở thơ trẻ có kiểu thể hiện không quá gò ép về khuôn mẫu, niêm luật trong lòng câu chữ. Dù vậy, kiểu thể hiện này vẫn đặt nặng vấn đề vần điệu, độ mượt mà của câu chữ. Cũng chính điều này là cho thơ trẻ na ná nhau trở nên phổ biến.

 

Cách tân trong thơ trẻ cũng được khảo sát từ hai phương diện ấy. Đây là yếu tố làm nên tính cách riêng của thơ trẻ.

 

Một, nội dung tư tưởng có sự cách tân đến bất ngờ. Có nghĩa là tác giả đề cập đến những vấn đề ngại, khó va chạm và tiếp xúc, dám mạnh dạn chuyển tải những thông điệp trái với truyền thống hay xa với truyền thống, buông bỏ hết những phiền phức tập tục của hệ thống thẩm mỹ cảm xúc từ trước đến nay đặc biệt là sự chế ngự của văn hóa. Cách tân là bước nhảy vụt qua và đạp đổ những ràng buộc của quy phạm sẵn định nhằm thiết lập sự suy nghĩ khác thậm chí trái chiều trong thông điệp gửi gắm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thể hiện tính mới mẻ trong tư tưởng. Điều này vẫn được ứng dụng trong hình thức thi pháp cũ tức là thể loại mang tính truyền thống nhưng nội hàm đã có sự giải thoát và tiến bộ.

 

Hai, cách tân trong hình thức thi pháp ở thơ trẻ là sự phá phách, khuấy tung hình thức thể hiện câu chữ. Sử dụng lối vắt dòng tự nhiên, kiểu trình bày theo ý đồ của tác giả đôi khi xuất hiện những ký hiệu phi ngôn ngữ chẳng hạn. Thay đổi vần điệu, thậm chí tiến tới không vần điệu. Cách tân hình thức thi pháp là vận dụng tối đa hiệu quả từ nhịp điệu của thơ chứ không chú trọng vần điệu nữa. Đặc biệt, nếu lạm dụng cách tân sẽ khiến cho thơ thiên về văn xuôi và đơn điệu. Vì thế, hình thức cách tân làm cho câu thơ có hình thù ngắn dài khác nhau, không tuân thủ vào lượng chữ dễ dàng tiệm cận với lối viết tự nhiên, phóng khoáng và thả hết cảm xúc mà thể hiện vào tác phẩm.

 

Thơ trẻ, truyền thống và cách tân qua vài bình diện khai thác đã đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong sự tìm tòi và sáng tạo nghệ thuật. Dù truyền thống hay cách tân đều có những ưu khuyết điểm nhất định. Chúng ta cần có những tiêu chí để có sự đối chiếu trong việc quan sát và phát hiện về thơ trẻ trong dòng chảy văn học hiện nay.

PHAN DUY

Top