Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,682,108 lượt

Ngày hội Tri ân người trồng cà phê

Vừa qua, tại Lâm Đồng, đã diễn ra chương trình “Ngày hội Tri ân người trồng cà phê” do Công ty JDE phối hợp cùng với tổ chức IDH, Công ty CP Intimex Mỹ Phước, Công ty TMT Consulting và UBND Huyện Di Linh thực hiện.

Ngày hội Tri ân người trồng cà phê là hoạt động lớn nằm trong khuôn khổ Dự án "Tiếp cận cảnh quan trong sản xuất cà phê" hướng tới sự bền vững và giảm phát thải khí carbon do các đơn vị trên thực hiện trên địa bàn 4 xã Hoà Bắc, Hoà Nam, Hoà Trung và Hoà Ninh và các xã lân cận thuộc huyện Di Linh.

Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh sản xuất cà phê là ngành mũi nhọn của nông nghiệp Di Linh hiện nay. Ngày hội nhằm tạo sự gắn kết cũng như lan toả giá trị của dự án đến bà con trồng cà phê tại 4 xã mục tiêu và các vùng lân cận với hơn 7.000 nông dân được hưởng lợi.

 

Tiết mục văn nghệ trong chương trình “Tri ân người trồng cà phê”

 

Hiện nay, diện tích trồng cà phê của huyện Di Linh khoảng 44.807 ha, là vùng trồng cà phê lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng và của Việt Nam. Nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và Cà phê Di Linh đang dần trở thành thủ phủ cà phê Lâm Đồng và có giá trị kinh tế cao.

Trong xu thế hội nhập, việc xây dựng thương hiệu, uy tín, chất lượng, nâng tầm nông sản, mở rộng thị trường là vấn đề sống còn của huyện Di Linh nhằm đưa nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” ngày càng tiến xa trên thị trường quốc tế, không chỉ là vấn đề lợi nhuận kinh tế mà còn là niềm tự hào của người dân huyện Di Linh.

 

 Ông Đỗ Ngọc Sỹ, Giám đốc bền vững Châu Á - Thái Bình Dương của JDE phát biểu tại chương trình

 

Ngoài cơ chế chính sách, quản lý, phát triển, kiểm soát chất lượng, đẩy mạnh quảng bá nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, tổ chức đánh giá và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cà phê của Chính quyền địa phương; người dân Di Linh nhất là người trồng, chế biến cà phê cũng góp phần không nhỏ vào việc khẳng định thương hiệu, đảm bảo uy tín sản phẩm, đưa nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” xứng tầm tiềm năng, thế mạnh vốn có.

 

 Đại diện Công ty TMT Consulting tư vấn giải pháp phát triển cây cà phê tạo năng suất cao cho người nông dân

Đại diện Công ty JDE thăm mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM tại Di Linh, Lâm Đồng

 

Việc phát triển, tập trung thâm canh cây cà phê theo chiều sâu, không phát triển thêm diện tích, trồng thay thế diện tích cà phê già cỗi, quan tâm chọn giống, cải tạo giống cho năng suất, chất lượng cà phê thơm ngon, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, chế biến… Bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến các yếu tố về môi trường, an sinh xã hội và sản xuất cà phê không gây mất rừng.

Nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn đối với đất nước. Người trồng cà phê đã luôn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Chương trình “Ngày hội Tri ân người trồng cà phê” là một sự thể hiện lòng biết ơn đối với bà con nông dân, những người không ngừng mang đến hạt cà phê chất lượng, được trồng với tâm huyết và sự công phu”, ông Đỗ Ngọc Sỹ, Giám đốc bền vững Châu Á - Thái Bình Dương của JDE, chia sẻ.

 

Ông Đỗ Ngọc Sỹ, Giám đốc bền vững Châu Á - Thái Bình Dương của JDE trao quà, học bổng cho học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Di Linh.

 

Trong khuôn khổ Ngày hội, người trồng cà phê trên địa bàn đã tham gia nhiều hoạt động sôi nổi khác như: Thi nhà nông đua tài, thi nét đẹp nông dân, vinh danh nông dân sản xuất cà phê giỏi...

Dịp này, BTC đã gửi những phần quà ý nghĩa tri ân bà con nông dân các Xã, đồng thời trao học bổng cho con em học giỏi vượt khó tại Di Linh, với mong muốn sẽ đồng hành trên con đường học tập và rèn luyện của con em Tây Nguyên, cũng như đẩy mạnh phát triển nông nghiệp cùng huyện Di Linh trên hành trình mang đến những sản phẩm cà phê đặc sản ra thế giới.

 

Trao giải cuộc thi “Nhà nông đua tài”

 

Từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đến Lâm Đồng đã mang theo cây cà phê. Di Linh là vùng đất bazan màu mỡ được chọn làm thủ phủ của tỉnh Đồng Nai Thượng xưa với khí hậu, thổ nhưỡng, độ cao phù hợp với cây cà phê, người Pháp đã lập nên những đồn điền cà phê trên vùng đất này. Trong suốt những thập kỷ qua, cà phê là một trong những ngành hàng có đóng góp quan trọng nhất cho doanh thu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và cho toàn bộ GDP quốc gia nói chung. Ngành công nghiệp cà phê đã tạo ra hơn nửa triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời là sinh kế chính của hàng ngàn hộ gia đình trong các khu vực sản xuất nông nghiệp.

TÂM ĐAN

Top