Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TP.HCM) phối hợp với Khoa văn học và ngôn ngữ trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm chủ đề Văn học trẻ TP. HCM – Một cái nhìn… vào hôm qua 12.11.2016. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ, giảng viên chuyên ngành ngôn ngữ văn học, các nhà văn trẻ cùng các bạn sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Với thời lượng kéo dài hơn 4 giờ, chủ đề về văn học trẻ được đem ra “mổ xẻ” ở nhiều góc độ khác nhau đề tìm cách “giải mã” về những hiện tượng văn học trẻ trong những năm gần đây ở TP.HCM. TP. Hồ Chí Minh là thành phố năng động bậc nhất cả nước. Đây cũng là nơi quy tụ nhiều nhà văn trẻ sinh sống, làm việc và sáng tác.
Lãnh đạo Hội Nhà văn trao hoa chức mừng Ban Nhà văn trẻ
Cuộc sống sôi động ở một thành phố lớn trong thời buổi mở cửa tiếp nhận nhiều luồng văn hóa khác nhau trên thế giới đã tác động không nhỏ đến tác phẩm của những nhà văn trẻ. Cũng từ thành phố này, những năm gần đây hình thành lên một trào lưu sáng tác mới trong đội ngũ nhà văn trẻ. Có thể kể đến những tên tuổi nổi bật như Anh Khang, Nguyễn Phong Việt, Hamlet Trương… Tác phẩm của họ được xếp vào hàng best seller với sự đón nhận nồng nhiệt của những độc giả trẻ tuổi. Đặc biệt, nhiều cây bút trẻ đang chọn internet như là sân ga để khởi hành cho các tác phẩm của mình với công chúng. Tuy nhiên trào lưu này không hẳn đã nhận được sự đồng tình hoàn toàn của giới phê bình văn học Việt Nam.
Nhà thơ Phan Hoàng gợi mở đề tài về Văn học trẻ khai mạc buổi Tọa đàm
Tại buổi tọa đàm Văn học trẻ TP.HCM - Một cái nhìn…, nhà văn Phan Hoàng, Phó chủ tịch HNV TP.HCM nhận định chung “Văn học trẻ TP.HCM trong những năm qua đã có những khởi sắc mới. Theo xu thế của thời đại, các nhà văn trẻ đã và đang mang đến cho văn học nước nhà những luồng sinh khí mới với âm hưởng lạ và hiện đại. Văn học trẻ TP.HCM cũng nằm trong dòng chảy mạnh mẽ ấy... Tuy nhiên tác phẩm của các nhà văn trẻ chỉ đạt về mặt số lượng, còn chất lượng nội dung vẫn chưa đảm bảo về tính nghệ thuật, tính văn học trong sáng tác. Đa số các nhà văn trẻ chạy theo nền văn học thị trường, họ sáng tác chỉ để phục vụ cho một nhóm đối tượng độc giả nhất định. Tính thông điệp của tác phẩm không cao, sứ mệnh của nhà văn trẻ với cuộc sống không được định hình rõ ràng”.
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Hoài Anh
Phản biện lại ý kiến của nhà văn Phan Hoàng là nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Hoài Anh, ông cho rằng định nghĩa về “Văn học trẻ” là thiếu căn cứ khoa học. Theo nhà phê bình Trần Hoài Anh, không có cái gọi là “Văn học trẻ” chỉ có thể gọi là những người viết văn trẻ, bản thân của tác phẩm văn học không phân biệt già trẻ. Có thể những người viết văn ở độ tuổi còn trẻ nhưng ý tưởng sáng cũng như tư tưởng và những dòng viết của họ không trẻ. Ông đưa ra ví dụ, nhà thơ Chế Lan Viên khi viết cuốn thơ Điêu tàn năm mới 17 tuổi, nhưng những nhìn nhận về thế giới quan, nhân sinh quan của Chế Lan Viên rất già, bởi vậy mới có những câu thơ, những bài thơ rất “già”.
Nhận định về văn học trẻ nhà phê bình Trần Hoài Anh cho rằng không nên áp đặt cách nhìn của người lớn với các tác giả trẻ. Hãy để cho những nhà văn trẻ tự do sáng tác theo cách của họ. Đó cũng chính là một phần của nền văn học hiện đại".
GV Nguyễn Thị Phương Thúy
Lý giải về những hiện tượng văn học trẻ vì sao có sức hút với độc giả, cô Nguyễn Thị Phương Thúy, giảng viên Khoa Ngôn ngữ Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn giải thích: “Cuộc sống hiện đại là tốc độ, và tốc độ đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc sáng tác và thưởng thức văn học của những người trẻ. Các tác giả trẻ đã nắm bắt được những điều này, vì thế tác phẩm của họ đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận độc giả trẻ. Mặt khác, cách tiếp cận độc giả của các nhà văn trẻ cũng đã khác hơn nhiều so với thế hệ trước. Họ dựa vào công nghệ thông tin như internet, mạng xã hội. Những công nghệ liên quan đã tạo ra một bộ phận văn học mới mà đến nay đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt, đó là văn học mạng.
Những đặc điểm cơ bản của văn học mạng là xuất bản siêu tốc, môi trường sáng tác và tiếp nhận mở, tương tác giữa người viết và người đọc cao. Một số nhà văn trẻ nổi danh nhờ sáng tác trên mạng như Keng, Gào, Hamlet Trương, Nguyễn Phong Việt, Thảo Dương… Điểm chung của các tác phẩm bán chạy là chỉ nói về chủ đề tình yêu và đời sống cá nhân thường nhật trong cuộc sống đô thị, mà chất liệu cảm xúc chủ yếu là từ chính cuộc đời tác giả và những quan sát đời sống của tác giả ở bề nổi.
Tác giả không cố gắng giải quyết những gì mình nêu ra, không phân tích, không cách điệu hóa, không cho nghệ thuật khoảng cách với đời sống mà tả lại nguyên xi đời sống. Những câu chuyện họ kể thường ít chi tiết, nhiều vận động, thế giới dù có bao la thì những mối quan hệ của nhân vật cũng rất nhỏ hẹp và lượng nhân vật rất tối giản, chỉ có “em” và “anh”, “anh ấy” và “cô ấy”… Nhưng nó vẫn gây xúc động ở mức độ nào đó. Có thể gấp sách lại, người đọc sẽ không nhớ gì nhiều, nhưng ít nhất nó cũng làm người đọc rung động mà ngẫm về mình".
Mặc dù tên gọi của buổi tọa đàm là Văn học trẻ TP.HCM – Một cái nhìn… nhưng những nội dung thảo luận tại đây dường như vẫn chưa đưa ra một cái nhìn cụ thể rõ nét về văn học trẻ TP.HCM trong thời gian qua. Đa số những ý kiến đóng góp của người tham gia đều mang tính “ngẫu hứng” theo nhận định của từng cá nhân cụ thể.
Nhà văn Trần Nhã Thụy
Cuộc tọa đàm vẫn chưa nhận được những thảo luận chuyên sâu để đánh giá một cách nghiêm túc và chính xác hơn về một bộ phận văn học rất sôi động ở TP.HCM. Bên cạnh đó trong buổi tọa đàm, ngoài ý kiến mang tính “giao lưu giới thiệu” của tác giả trẻ Anh Khang, người tham dự cũng không nghe được ý kiến phản hồi của chính người viết trẻ để hiểu rõ hơn những tâm tư nguyện vọng của họ.
Đánh về cuộc tọa đàm, nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Nhà văn Trẻ TP.HCM cho biết: “Buổi tọa đàm Văn học trẻ TP.HCM- Một cái nhìn…" kết thúc trong vui vẻ, và gặt hái được một số thành công nho nhỏ. Những vấn đề về văn học trẻ hôm nay, rất được nhiều người quan tâm, đặc biệt là chính những người trẻ. Với chủ đề mở và kết thúc mở, hi vọng những buổi tọa đàm chuyên sâu lần sau sẽ sôi nổi và bổ ích hơn.”
TIỂU VŨ
Ý KIẾN PHẢN BIỆN
PGS Bùi Thanh Truyền
Phát biểu tại sự kiện, PGS Bùi Thanh Truyền, Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng khi đọc tác phẩm của các cây viết trẻ không tìm thấy sự đồng cảm. Theo ông, thế giới mà các bạn viết trong sách không mang hơi thở của cuộc sống mà như ở trong phim ảnh. Chưa có nhiều dấu ấn nhưng nhiều cây viết trẻ lại sở hữu lượng độc giả trung thành, có những cuốn sách best-seller.
Lý giải điều này Th.S Phương Thúy, Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết qua khảo sát của cô đa số học sinh trung học, phổ thông thích sách của tác giả trẻ.
Chia sẻ quan điểm của mình về văn học trẻ, PGS. TS Trần Lê Hoa Tranh cũng bày tỏ: “Văn học trẻ hiện nay cần một sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía các nhà nghiên cứu hàn lâm. Cần xem đây là một bộ phận quan trọng của văn học một quốc gia, dù họ là đại chúng hay tinh hoa thì cũng cần phải nghiên cứu, cần trở thành những đề tài nghiên cứu ở nhiều mức độ, ngắn thì là bài báo, dài thì là công trình, sách,… vì những tác phẩm này phản ánh thời đại mà người trẻ đang sống”.
Nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn
Ở một “cái nhìn khác”, nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, nhận định: “Văn học trẻ Sài Gòn có một đặc tính dễ nhận diện, đó là chấp nhận mọi sự khác biệt trong sáng tạo. Cả người viết lẫn người đọc đều không kỳ thị lối viết phá cách của người này hoặc lối viết giản dị của người kia. Ngay trên các diễn đàn, người tôn sùng trào lưu hậu hiện đại không chê bai người kiên trì kiểu chân quê Nguyễn Bính. Do đó, khi đã nhập cuộc vào dòng chảy văn học trẻ Sài Gòn, các cây bút trẻ không vì xao động trước một thứ mốt thời thượng nào mà khước từ sở trường của bản thân. Chính điều này tạo nên một đội ngũ tác giả đô thị có cá tính đa dạng!”
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng thừa nhận áp lực của người viết khi đã thành danh, bởi khi viết tới cuốn thứ 3, thứ 4, độc giả sẽ có sự so sánh với những tác phẩm đầu. Nhà thơ khẳng định: “Khi viết xong một tác phẩm, tác giả phải thấy hay trước đã thì nhà phát hành mới thấy hay. Tôi tin rằng những người trẻ như tôi đều trân trọng cảm xúc, và qua thời gian, có thể tôi sẽ viết những đề tài khác mang tính triết lý, chứ không phải viết về tình yêu... Tất cả đều cần thời gian, càng lớn chúng ta càng bình tĩnh, càng bồi đắp nhân cách theo thời gian”.
Nhà thơ Minh Đan
Ở góc nhìn trực diện, nhà thơ Minh Đan đặt vấn đề: Xin hỏi các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, rằng mấy vị đã đọc tác phẩm của Ngô Liêm Khoan, Trần Lê Sơn Ý, Minh Đan, Hoa Níp, Trần Huy Minh Phương, Phùng Hiệu, Trần Võ Thành Văn, Văn Thành Lê,... một cách nghiêm túc chưa mà vội kết luận Văn học trẻ TP hiện nay chỉ có bề nổi mà thiếu chiều sâu? Đành rằng, thị trường sách đang sôi động dòng "văn học thời trang", nhưng không thể xem đó là đại diện cho văn học trẻ được. Trên "bàn tiệc" văn chương có nhiều món, nhiều gia vị để thưởng thức, ai hợp khẩu vị nào thì chọn loại đó. Có điều, chúng ta đang nói quá nhiều về trào lưu văn học mạng, văn học giải trí mà bỏ ngỏ những trang viết chính luận. Tôi ước các nhà nghiên cứu, phê bình có đủ dũng cảm để bình giải, phân tích thấu đáo những vấn đề thời sự nóng bỏng của dòng văn học hiện thực phê phán, vốn kén chọn độc giả. Chúng ta chưa đọc nhiều tác phẩm mà vội phán xét văn học trẻ bây giờ mờ nhạt, hời hợt, liệu có xác đáng? Cần lắm một cái nhìn lớn, một cái nhìn trực diện hơn, đời hơn từ các nhà nghiên cứu, phê bình. Bởi nếu chúng ta chỉ quanh quẩn bên các tác phẩm ngôn tình, những trang viết ủy mị,... thì cái nhìn đó sẽ không bao giờ phản ánh đúng bản chất của văn học trẻ thời đại này.
P.V TỔNG HỢP