Ngoại nói hai anh em tôi ngoan thì cha sẽ về. Vậy mà tôi đợi lâu quá trời lâu, cũng không thấy cha đâu.
Tôi giận ngoại, hỏi sao ngoại nói gạt con. Ngoại vỗ vỗ đầu tôi, nói:
- Hồi xưa ngoại đợi ông bây cả đời có sao đâu. Chừng này tuổi mới đợi chút đã than. Ngoại không gạt bây, nhưng cha mày về thì cũng phải đúng ngày đúng giờ, đâu nói về là về được. Ngoan đi, chừng nào có dịp ngoại dẫn hai đứa đi thăm cha bây. Cha bây cũng muốn gặp hai đứa rồi, mà chưa đi được.
Rồi ngoại bấm đốt ngón tay, lẩm nhẩm: Hổng chừng cuối năm nay cha về.
Mỗi lần nghe ngoại nói thế, tôi lại đinh ninh sắp gặp cha. Ngoại cho hai anh em tôi hy vọng đã từ lâu, cứ mỗi lần cái hy vọng ấy sắp tắt thì ngoại lại nhen nhóm niềm tin cho sự chờ đợi của chúng tôi.
Vậy là tôi đợi.
Cái sự đợi của một đứa trẻ cũng vô chừng, nhớ thì mới nhận ra mình đợi, còn thì mải mê chơi té nước tắm sông là đã quên mất.
Tôi cứ hồn nhiên sống, hồn nhiên lớn lên, ký ức mang một ý niệm. Đợi.
Đợi cha. Đợi suốt những mùa mưa nắng.
***
- Tí nhỏ, bữa nay chèo xuồng ra chợ mua cho ngoại mớ rau, ngoại nấu canh chua cho mà ăn. Ngoại đứng bên mép nước quơ quơ nón lá gọi tôi đang loi nhoi giỡn nước.
- Dạ ngoại. Ngoại đi không, con chở ngoại đi cho vui.
- Thôi, ngoại ở nhà nấu cơm, quét cái sân nữa.
- Đây ra chợ một loáng là về mà ngoại. Đi cho vui. Tôi nhảy tót lên bờ nắm tay ngoại chèo kéo, nhõng nhẽo.
- Cái thằng. Đừng kéo ngoại. Đi mau về ngoại nấu canh nè. Chút nữa anh mày về có cái mà ăn.
- Tôi phụng phịu trèo xuống thuyền, lấy mái dầm chèo phăng phăng trên con rạch.
Tôi hát réo rắt trên sông. Khúc sông vắng. người ta họp chợ ở quãng sông phía trên. Chợ chỉ họp một chút rồi tan, ai về nhà nấy. Tôi rẽ con nước ghé vào, đã có mấy cái ghe con con neo vào mấy cái rễ đước chằng chịt. Tôi lượn tới lượn lui ở hàng rau, không biết mua bao nhiêu thì đủ. Chị bán rau đội cái khăn trắng nhìn tôi, hỏi:
- Ăn gì cưng?
- Ăn… rau.
- Thì ăn rau, nhưng rau gì?
- Tui quên hỏi ngoại mất rồi.
- Trời đất. Ngoại định nấu canh gì?
- Canh chua.
- Ờ, chua. Đây chị bán cho. Đảm bảo đủ món.
Tôi cảm ơn chị đội khăn trắng rồi nhảy phóc xuống xuồng. Chợ này có một nhúm, ai tôi cũng quen. Chỉ có chị đội khăn trắng là lạ. Chắc là mới đến xóm này.
Người mới!
Tôi thoáng rùng mình. Ngoại tôi nói, ngoại không mong có người mới xuống nhập cư ở xóm mình. Thêm một người mới ở đây, có nghĩa là ở một nơi nào đó, có một nỗi buồn lớn lắm. Ngoại nói, ai đến đây cũng buồn, cũng cô độc, nên mình phải thương mến, xem họ như là người trong gia đình. Phải làm sao để họ có thể sống thanh thản và yên bình. Tôi quay ngược con thuyền, nhảy lên bờ dáo dát tìm chị đội khăn trắng, định hỏi tên, làm quen, trò chuyện. Nhưng tôi không còn thấy chị đâu. Mảnh khăn trắng còn rớt lại trên bờ, nơi chị vừa ngồi bán cho tôi mớ rau.
Chiếc khăn có màu đỏ. Ngoại nói màu đỏ là màu máu.
***
Tôi cũng có một chiếc khăn đỏ màu máu. Anh tôi cũng vậy. Ngoại giữ từ lúc hai anh em tôi về sống với ngoại. Tôi về trước, anh về sau – cách nhau 11 ngày. Anh về trong tình trạng mình mẩy tím tái. Chiếc khăn máu đã đông khô. Anh không khóc một tiếng nào, chỉ nằm lăn vào lòng ngoại và ngủ triền miên những ngày sau đó. Anh mất sức.
Tôi và anh giống nhau như hai giọt nước, nhưng tôi yếu hơn anh. Ngoại nói anh có thể xa ngoại 11 ngày, còn tôi thì không. Tôi cần ngoại ngay khi vừa mới mở mắt chào đời. Ngoại không giàu nhưng luôn cho anh em tôi no đủ. Ngoại nói hai anh em cứ đợi, sẽ đến ngày cả gia đình đoàn tụ.
Cái gì đợi cũng sẽ đến, chỉ là lâu hay mau thôi.
Tôi sống vô tư, hay chạy nghịch trên khúc sông vắng. Tôi nằm ngửa cổ nhìn trời nhìn đất, hát. Ngoại hay rầy tôi cứ đi hát hò giữa đêm tối là không nên, nhưng tuổi thơ quanh quẩn không có trò gì giải khuây, tôi lại thích thả trôi mình nghe tiếng nước, tiếng gió và cả những tiếng cười nói ý ới xa xa mà có đi mãi, đi mãi tôi cũng không đến gần họ được.
Tôi luôn cảm thấy có một khoảng cách nào đó vô hình ngăn cách tôi và thế giới ngoài kia, ngăn cách tất cả những người sinh sống ở xóm tôi với những nơi khác. Tôi có thể nhìn thấy họ, nhưng họ chẳng thể nào nhìn thấy tôi. Tôi đã từng nhiều lần gọi họ, nhưng chẳng ai nghe thấy tôi. Có đêm tôi ngồi chồm hổm trên cành cây thấy hai cái bóng trắng đang đi dưới đường, tôi gọi: ê, ê. Khoảng cách gần vậy mà không ai nghe. Tôi ném một cành cây khô xuống, gọi “ê, ê” cũng không ăn thua gì. Tôi đu người phóng xuống trước mặt họ. Ê! Vậy mà họ đi-qua-tôi, tiếp tục cười nói râm ran, như thể tôi chỉ là một phần khói sương lãng đãng tản mát trong đêm và không hề hiện hữu.
***
Anh rủ tôi đi thăm cha. Ngoại cho phép đi rồi. Ngoại dúi vào túi hai đứa hai nhúm tro. Đi tới đâu rắc tới đó để còn nhớ đường mà về. Lẽ ra là chúng tôi đi ngược đồng, lên mô đất nhỏ, ở đó từng có một cánh cổng, chỉ cần mở ra là có thể thấy cha. Nhưng hôm lũ về, chỗ đất đó bị san bằng rồi. Cánh cửa cũng bị lấp rồi, giờ mở ra không được nữa. Nên đường đi giờ hóa xa xôi. Ngoại chỉ đường cẩn thận rồi bảo:
- Nhìn thấy cha, hỏi cha sẽ đi cùng không, nếu cha đồng ý, thì đưa cha về cùng. Còn cha bảo chưa thì đừng chạm vào cha nhé. Nghe lời ngoại.
Tôi không cần biết cha sẽ về cùng hay không, chỉ cần nhìn thấy cha là được rồi. Tôi nhớ cha lắm. Cha từng nâng niu ấp tôi trong vòng tay của cha. Tay tôi chạm phải khuôn mặt người ram ráp, cảm nhận được mùi mồ hôi nồng nồng trên áo cha. Cha cứ ấp tôi trên tay, cha ru khe khẽ. Và hình như cha khóc. Cha khóc khi tôi không khóc. Ngoại nói nếu khi đó tôi khóc cha sẽ cười. Như ngày xưa cha khóc ré trên tay ngoại, ngoại đã cười. Tôi không hiểu lắm về những giá trị đánh đổi của nước mắt và nụ cười. Ngoại nói đôi lúc giọt nước mắt không đến từ nỗi đau, cũng như tiếng cười đôi lúc cũng không phải là hạnh phúc.
Nơi tôi sống không có thời gian, chỉ có sự chờ đợi đoàn tụ. Ngoại dạy hai anh em tôi cách chờ đợi, kiên nhẫn và bình an, không được tự ý đi tìm và lôi kéo ai. Khi nào những người trong gia đình tôi cần gặp hai anh em và ngoại, họ sẽ tự đến và ở lại mãi mãi.
Nhà cha nằm giữa cánh đồng. Mái lá. Hai anh em tôi đến vào lúc trời đã chạng vạng tối. Anh dắt tay tôi đi trên lối mòn đầy cỏ lau. Tiếng ếch nhái chiều mưa nghe buồn buồn. Tôi cun cút đi theo anh, im lặng và hồi hộp như lúc bước qua chiếc cầu Hóa thân hoàn vũ. Một sự chuyển đổi không gian, chuyển đổi thế giới mà tôi không thể biết điều gì sẽ xảy ra phía trước.
- Có muốn cha về với mình không? Anh lắc tay tôi hỏi, khi hai anh em đã đứng trước cổng nhà cha.
- Có, có chứ. Mình hỏi cha xem cha đi không nhé. Ngoại nói cha đồng ý thì mới dẫn cha đi được.
- Ừ, để anh hỏi. Anh cũng muốn cha về, nhưng…
Anh bỏ dở câu nói, khi nhìn thấy cha ngồi trầm mặc một mình ngoài hiên vắng giữa chiều âm u gió. Cha ngồi trên xe lăn. Tóc cha bạc. Đầu cha nghoẹo sang một bên và cái miệng thì mếu xệch. Cha tựa cả thân người vào thành xe lăn, mắt cứ nhìn triền miên về phía trời chiều. Tôi nhìn cha giật mình, cha không giống cha của những ngày tôi nhìn thấy. Tôi đưa mắt nhìn anh, anh nắm chặt tay tôi, nói:
- Lâu quá mình mới lại gặp cha mà. Cha bị bệnh, yếu lắm rồi. Em nhớ không, cha có nốt rùi dưới cằm phải, cái nốt rùi vẫn còn kìa.
Tôi nhìn vào bờ cằm phải của cha, đúng là cái nốt rùi quen thuộc từng chạm vào tôi ngày xưa ấy. Tôi vùng khỏi tay anh và chạy về phía cha. Tôi gọi cha, mà cha không nghe. Tôi lay bờ vai cha mà thế ngồi của cha vẫn không hề thay đổi. Tôi nhìn anh tôi mếu máo. Mắt cha cứ nhìn trân trân vào cõi hư vô như thế phía trước cha không hề có tôi. Như thể sự hiện diện của tôi là vô nghĩa. Anh tôi đứng bất động bên cạnh tôi, một nỗi buồn mênh mông về trong đôi mắt anh. Lần đầu tiên đứng trước mặt cha, tôi thấy nỗi đau của tôi khi bản thân mình không được nhìn thấy. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nỗi đau của anh tôi khi không thể nói chuyện với cha.
Nơi này không có thế giới của hai anh em tôi. Nơi này là thế giới của nỗi buồn. Cảm giác gì thăm thẳm về giăng kín trong tim tôi.
Tôi ngồi bệt trên thềm đất, nhìn anh rân rấn nước mắt.
- Cha không thấy anh em mình.
- Ừ, hai anh em mình ngồi đây, nhìn cha. Nhìn một chút đi. Mắt cha buồn quá.
Hai anh em tôi ngồi tựa vào nhau, ngước mắt nhìn cha. Không gian lặng im đặc quánh. Chúng tôi ngồi mải miết như thế. Cha ngồi lặng câm như thế. Cho đến khi có tiếng xe đạp lắc xắc ngoài ngõ. Em gái tôi về. Tôi hốt hoảng định trốn vào bụi cây, nhưng anh níu tay tôi lại:
- Anh em mình ngồi đây, giờ đã không sao rồi. Cha không thể nhìn thấy thì sẽ không ai nhìn thấy mình được đâu em.
Thấy cha ngồi một mình ngoài sân, em vội chạy đến lay cha, bảo cha vào nhà kẻo lạnh. Cha vẫn ngồi im, em gọi cha thảng thốt.
Tôi thấy cha cười. Ánh mắt cha bất chợt đổ xuống, chạm vào ánh nhìn của tôi. Cha cười.
- Anh em thằng Tí về đấy à? Tôi nhảy bật dậy, nhìn cha trân trối. Phải cha nói chuyện với anh em con không? Cha gật. Cha chấp chới hai bàn tay về phía trước:
- Hai đứa lớn bộn rồi. Thằng Tí nhỏ sau mà đen đúa thế này. Tôi vội vàng chạy đến ngồi xuống bên cạnh cha, để cho đôi bàn tay cha chạm vào mái tóc rám nắng. Anh tôi cũng bước đến, anh cười rưng rưng.
Cuối cùng cha đã nhìn thấy hai anh em tôi. Cha nhìn thấy chúng tôi, nhưng không nhìn em gái tôi. Cha nói chuyện với chúng tôi nhưng không thể nghe em đang gọi cha đến khản giọng. Tôi cười mừng rỡ trong khi nước mắt đã ràn rụa trên gương mặt em. Em nắm tay cha, em sờ mặt cha, em áp má vào ngực cha. Tóc em bết cả vào khuôn mặt ước đẫm nước mắt. Tôi nhìn sững em. Niềm vui gặp cha của tôi đổi lấy bằng nỗi đau thất thần của em. Hạnh phúc của người này lại là nỗi bất hạnh của người khác. Tôi nhìn anh, anh cũng đang nhìn em tôi thảng thốt.
Nước mắt cha rơi trên tóc tôi. Giữa khoảnh khắc của chia ly, cha tôi khóc ầng ậc, những tiếng nấc nghẹn quyện vào nhau. Anh em tôi cũng khóc. Tôi đã từng háo hức để ngày đưa cha đi, vậy mà bây giờ tôi lại cảm thấy sự chờ đợi của mình là một lỗi lầm – lỗi lầm với người còn ở lại – em gái tôi. Em đã muốn ngất bên thân thể cha bất động. Rồi em quýnh quáng chạy đi gọi người, đôi chân cuống quýt vấp vào nhau khiến em ngã trên nền gạch. Em lại vụt dậy, chạy đi. Em gọi người đến. Má đi bán hàng ngoài chợ vẫn chưa về. Giờ ba cha con tôi ngồi đây – đoàn tụ - trong khi em tôi cô độc hoảng loạn với chiều. Tôi nghe tim mình như xát muối. Sao tôi có thể vui khi biết cha ra đi, sẽ là một mất mát bất hạnh với cuộc đời em?
Ngoại nói nếu hai anh em tôi không về với ngoại, có thể em sẽ không bao giờ xuất hiện trong nhà tôi. Như vậy là sự ra đi của hai anh em tôi cũng có ý nghĩa, chúng tôi đi để mẹ được cứu sống, để em gái tôi được sinh ra lớn lên, nguyên vẹn hình hài và cảm nhận được trọn vẹn cái gọi là tình cha.
Người làng đã đổ xô đến, người xoa dầu lên thái dương cha, người dấp khăn nóng, rồi người xốc cha lên vai, hối hả đưa cha đi. Chiều hoảng loạn. Tôi níu chặt tay anh. Cha đi đâu? Người ta đưa cha đi đâu? Đi cấp cứu. Cha cần được cứu sống. Cha cần ở lại, em ơi…
Tôi chạy theo gọi cha, nhưng tôi gọi mãi, cha cũng không nghe thấy. Tôi ngồi bệt trên đường cỏ lau. Cha đã không còn nhìn thấy anh em tôi được nữa. Cha đang trở về nơi của cha – ở cõi nhân gian.
- Về thôi em. Anh lắc tay tôi. Mình không còn thời gian ở lại.
Anh lại dắt tay tôi đi cun cút ra con đường mòn đầy cỏ lau – hành trình trở về côi cút như lúc ra đi. Anh em tôi đã đợi cha từ rất lâu - một quãng chờ dài dằng dặc và cuối cùng được phủ lên đó niềm thất vọng vô bờ. Ngoại không hứa ngày chúng tôi gặp mẹ và em, có nghĩa là ngày đó còn xa thăm thẳm.
- Thôi mình về với ngoại. Nếu anh em mình đưa cha đi, em gái sẽ ra sao? Ngoại nói hai anh em mình về với ngoại, để cho em được ra đời. Em đã thay mình mang tiếng cười trở về cho ba mẹ. Em xứng đáng được sống hạnh phúc. Cha vẫn còn tiềm thức sống, hãy để cha mang hạnh phúc trở về cho má và em. Ở thế giới của anh em mình không có nỗi đau, vậy nên mình phải để hạnh phúc ở lại nơi cần hạnh phúc. Đi thôi em, chỉ cần qua cầu Hóa thân hoàn vũ, nỗi buồn này sẽ tan biến.
Tôi biết anh nói đúng. Cha vẫn còn tiềm thức sống. Cha cần cho cuộc đời của má và em. Hai chúng tôi đã thuộc về thế giới khác, từ cái ngày chiếc khăn đỏ màu máu vừa kịp chạm vào hai hình hài sơ sinh…
Hai anh em tôi lầm lũi đi, theo vết tro về hướng cầu Hóa thân Hoàn vũ. Về nơi có ngoại đang chờ anh em tôi trong buổi chiều cuối năm – chiều cần đoàn tụ.
Về - và đợi.
Chờ đợi – khái niệm này cần cho hạnh phúc hy sinh. Cần cho Người, và cả Không-phải-người. Đợi – nhiều khi là ý nghĩa sống suốt đời người.
Bóng chiều đổ dài trên đường chúng tôi đi. Nhưng không phải là màu hoàng hôn mà lại là một màu tím ngát, ở phía chân trời…
TIỂU QUYÊN