Không biết ở đó có một cây cầu, nếu như không rời khỏi con đường quen. Không thấy những kẻ đi câu đêm, nếu như đêm không có mặt ở đó.
Tôi đã tới chỗ cây cầu đó vào khoảng gần nửa đêm, và thật sự ngạc nhiên khi thấy vây quanh cây cầu thấp đó có hơn chục gã đàn ông đang ngồi câu. Những chiếc phao sáng hình thoi ba màu xanh đỏ hồng nổi sáng trên mặt nước đen thẫm. Trên bờ sông, đốm lửa củi đang cháy leo lắt. Chốc chốc một chiếc phao sáng kéo phượt trên mặt nước. Tôi nhìn theo dây câu thu lại và thấy một gương mặt im lìm. Dần dà, tôi nhìn thấy từng khuôn mặt, do phao sáng rọi lên, nhưng chủ yếu là nhờ đốm sáng của bật lửa mồi thuốc lá. Không thấy cá dính câu. Tôi ngồi nhìn những chiếc phao sáng phân bố đều trên mặt nước đen kịt, chốc chốc một chiếc phao phượt nhẹ như không.
Gần sáng tôi trở về nhà với cảm giác trống trơn của người đi câu không thu hoạch nổi một con cá nhép. Tôi biết mình sẽ thức cho đến sáng. Tôi thức với một cơn giận, nhưng cũng không hẳn là vậy, có một cái gì đó gần như là cay đắng.
G. đã bỏ căn nhà này ra đi đã gần một tháng rồi mà không quay về, cũng không liên lạc điện thoại. Chắc chắn G. đã đổi số điện thoại khác, cũng như lâu nay, G. chưa từng sử dụng một số điện thoại nào cố định, mà toàn xài số của sim khuyến mại. Hoàn toàn mất liên lạc với G. nên tôi không biết làm gì hơn là mỗi sớm dậy ngồi tiệm cà phê cóc gần nhà với tâm trạng chờ đợi. Trong khi ngồi rã rời trong mỗi buổi sáng như vậy, tôi nghĩ về những điều không mong đợi, tôi diễn dịch cái ý nghĩa của thực tế và sự thật. Thực tế là sau khi G. đi, tôi vẫn còn ở một mình trong căn nhà đó, còn sự thật thì sao? Đó không gì khác hơn là cảm giác cay đắng mà tôi đang gặm nhấm. Nhưng có một sự thật lớn hơn hết, đó là những điều mà tôi không thật sự biết về G. Tôi chỉ biết rằng, G. là một cô gái có nghề buôn bán trái cây, và chúng tôi đã sống như vợ chồng gần nửa năm nay. Tất nhiên là G. cũng không biết nhiều về tôi, thậm chí là hầu như không biết gì, bằng chứng là G. đã bỏ đi vì một sự không biết như thế.
Tôi có thói quen đọc sách trước khi ngủ, và chỉ ngủ được khi dằn một cuốn sách trên bụng. Ngay cả sau khi làm tình, tôi không ôm cô ấy ngủ luôn mà phải tìm cách thoát ra để cầm lên một cuốn sách, sau đó đặt nó lên bụng rồi mới ngủ. Chuyện ấy khiến có lần G. giận đến tái mặt đi và không giấu vẻ khinh bỉ. G. khinh bỉ tôi vì nghĩ tôi làm như thế là để khinh bỉ cô ấy, vì G. chả bao giờ cầm lên một cuốn sách, cô đơn giản chỉ là một đứa con gái khoẻ mạnh, bản năng, giỏi việc mua bán nội trợ. G. bán trái cây ở một cái chợ nhỏ mà mỗi ngày tôi đều đi qua. Tôi đã thấy một cô gái có bộ ngực nở nang, săn chắc, dáng lanh lẹ, nhưng chưa bao giờ dừng lại. Cho đến một chiều, khi ngang qua đó, thấy một rổ quýt vàng ươm rất đẹp khiến tôi phải dừng lại ghé vào mua. Chiều đó, tôi có uống rượu, và trong khi chọn mấy trái quýt đẹp, tôi đã buông lời ghẹo người bán quýt cũng rất đẹp, sẵn tiện tôi tặng cho cô một cuốn tạp chí giấy láng. Trong vài năm nay, tôi kiếm sống bằng công việc viết bài giới thiệu triển lãm cho các tạp chí. Công việc chính của tôi là dự khai mạc các phòng tranh rồi viết bài cho các tạp chí. Tôi không ăn lương ở một tạp chí nào, những bài viết của tôi được gởi đến cho Ng., một người được coi là “cai thầu” mảng hình ảnh mỹ thuật của hầu hết các tạp chí trong thành phố. Ng. là một người đồng tính, hình như anh ta thích tôi, nhưng tôi phớt lờ chuyện đó đi. Tôi chỉ thực sự thân mật với Ng. khi chúng tôi cùng có mặt ở một phòng triển lãm, còn lại tôi luôn giữ khoảng cách. Bằng một sự vờ vĩnh vô hại, trong những buổi triển lãm tôi luôn làm ra vẻ thích thú với những xiên thịt nướng của tiệc babikiu, và một ly rượu vang đỏ lúc nào cũng thường trực trên tay. Ng. luôn uống nước suối, người lúc nào cũng rịn mồ hôi, mặc dù hình như ngay trước khi đến phòng tranh anh ta đã tắm gội thật sạch sẽ. Chúng tôi đi cạnh nhau, Ng. nói gì tôi cũng gật gù, sự thật là tôi không mấy khi nghe Ng. nói gì. Tôi quan sát các bức tranh và ghi chú bằng một cây bút chì vào một cuốn sổ nhỏ. Sau đó, tôi nhanh chân chuồn đi. Sự vội vã kết thúc bằng một ly vang tràn đầy.
Hầu hết các bài viết của tôi, Ng. điều phối sử dụng nhanh chóng, nếu bài nào chưa ổn, Ng. yêu cầu tôi viết lại, hoặc đề nghị tôi viết theo một hướng khác, bơm vá một nhân vật khác. Tiền thù lao, Ng. chuyển vào tài khoản của tôi. Ng. ít khi gọi cho tôi mà chủ yếu liên hệ qua e-mail, tôi thích điều đó. Tôi có một cái laptop cũ xì, đi đâu cũng kè kè theo bên người. Trong thời gian này, trong laptop có rất nhiều hình tôi chụp G. Thật ngạc nhiên là G. rất ăn ảnh, dù chụp ở đâu, ánh sáng nào trông cô cũng rất đẹp. Tôi muốn chụp G. khoả thân, nhưng cô ấy không chịu. Tính cách của G. cũng hơi đặc biệt. Khi mới quen nhau, G. ở chung nhà với một cô bạn cùng buôn bán trái cây. Một hôm G. gặp tôi cười cười bảo, em đã cho nhỏ bạn đi rồi, anh về ở với em đi, chứ tụi mình ra khách sạn hoài phí tiền. Tôi trả phòng trọ rồi qua ở với G. Ban ngày, G. ra chợ, tôi đi lang thang, tối về chúng tôi ngủ với nhau. Trong thời gian này tôi không làm tình với ai khác ngoài G., dù G. không nói, nhưng tôi biết trước tôi G. chỉ có một người con trai đầu tiên, khi gặp tôi G. có đầy đủ cơ hội thể hiện bản năng đàn bà của mình. G. rất thích những ngày tôi không đi đâu mà ra chợ cùng cô ấy bán trái cây.
Trông chúng tôi như một cặp vợ chồng trẻ chí thú làm ăn. Vậy mà G. đã bỏ đi. Đêm đó, đang ngủ, đột nhiên G thức dậy cầm cuốn sách trên bụng tôi ném ầm vào vách tường. Tôi giật mình thức giấc. G nói rất to, “Anh làm cái trò gì vậy?”. Tôi hỏi, “Em mơ ngủ hả?”. G bảo, “Anh không bỏ được cuốn sách trên bụng hay sao?”. Tôi hơi giận, “Anh đã nói đây là thói quen của anh mà, em làm sao vậy”. G. như khóc, “Em không sao hết, nhưng em không chịu được”. Tôi bảo, “Có gì mà không chịu được. Chỉ là một cuốn sách trên bụng thôi mà. Nếu như một cô gái khác trên bụng anh thì em bực mình còn có lý, đằng này..”. Tôi nói vậy, tưởng G. sẽ phì cười cho qua, nhưng thật không ngờ, câu nói đùa càng làm cho G. giận. Cô quát to lên, “Em không cấm một cô gái khác trên bụng anh. Nhưng em không chịu được cảnh đêm nào anh cũng nằm ngay bên em, nhưng trên bụng lại ôm một cuốn sách”.
Chúng tôi cãi nhau tới đó thì ngưng bặt, không nói gì nữa. Sáng ra G. đi chợ, tôi đi lang thang, đến chiều tôi ghé qua chợ thì không thấy G. đâu, khi về nhà mới biết là G. đã dọn đồ của mình đi.
***
Tôi ngồi thoải mái trên cỏ, khuất trong một khúc tối, quan sát những kẻ câu đêm.
Râu là một gã đàn ông tuổi ngoài năm mươi dáng cao to lực lưỡng như một vận động viên bóng bầu dục. Tôi gọi Râu cho dễ nhớ bởi gã có một bộ râu quặp khá đẹp. Râu thường có thói quen nói oang oang vào khoảng tối trước mặt, thông thường là những câu bông đùa lượm lặt: ‘Mấy bố biết không, con người chúng ta thường dành khoảng 2 năm, tức 730 ngày, tức 17.520 giờ trong cuộc đời vào việc quan hệ tình dục’. Những câu nói bất thình lình của Râu khiến mọi người bật cười. Nhưng cũng có khi câu nói của gã rơi vào im lìm: ‘Cá trích là loài cá được ăn rộng rãi nhất trên thế giới’.
Ở chỗ cây cầu này không có cá trích, cũng không có cá trắm cỏ hay rô phi. Tôi thấy thỉnh thoảng có người câu được một con cá tra hay cá bông lau, thứ cá bán đầy ngoài chợ. Nhưng đi câu hẳn là có cái thú của nó. Sau những câu bông đùa của Râu thì thường là im lặng. Trọc là một gã khoảng ngoài ba mươi có cái đầu cá trê nhẵn thín, gã thường bỏ cần câu lăng xăng vào chỗ mấy bụi chuối vì tật đau bụng vặt, gã cũng thường ngồi tách xa chỗ mọi người một quãng. Còn Chân ngắn là một gã rất khó đoán tuổi, y có cái lưng rất dài, cái cổ rất dài, mắt miệng mũi đều dài nhưng hai cái chân lại rất ngắn. Chân ngắn thường đi đi lại lại liên tục, và có thói quen dậm dậm chân như bị muỗi cắn. Tôi có cảm giác, mỗi khi dậm dậm chân y lại ngắn thêm một khúc.
Trong những kẻ câu đêm, tôi tương đối có cảm tình với Tay trái, đó là gã trạc tuổi tôi, tức trên dưới ba mươi. Gã thuận tay trái và làm tất cả mọi việc bằng tay trái, đến mức tay phải dường như không tồn tại. Chính Tay trái là người mang tới cho tôi một cần câu, bảo tôi câu cho vui. Nhưng vào lúc này, tôi không thích thú gì cái trò này, tôi chỉ đến ngồi xem cho qua những quãng thời gian chờ đợi. Mà sự thật thì tôi cũng không biết mình đang chờ đợi điều gì. G. có thể trở lại, có thể không. Tôi đã từng mong G. trở lại, nhưng tôi có chờ đợi G. không, khi có G. rồi đời tôi có vui vẻ bình yên không, tôi cũng không biết. Trong những đêm ngồi trong khúc tối, chỗ cây cầu ấy, đã có lúc tôi ngủ thiếp đi trong giây lát, và tôi mơ màng nghe những âm thanh nhịp nhàng giữa cơ thể tôi và G. tách chạm vào nhau không ngừng, tiếng rên như mèo kêu của G. vang lên không ngừng. Có khi một giỏ trái cây đổ ụp xuống chúng tôi khiến G. khựng lại, nhưng sau đó lại khoái cảm bất ngờ. Tôi vẫn còn nhớ những vỏ trái cam chạm vào da thịt cho cảm giác mát lạnh thật khó quên trong một căn phòng nóng hầm hập.
Râu là sếp một công ty xây dựng gì đó tôi cũng không rõ lắm. Gã có một biệt thư khá lớn, tường xây cao kín mít. Nghe nói vợ gã rất đẹp, có hai cô con gái sinh đôi đang cho luyện làm ca sĩ. Trọc là một diễn giả, gã rất nổi tiếng trên tivi với chương trình dạy ứng xử văn hoá cho các doanh nhân. Khi ngồi nói chuyện với nhau mới biết, hoá ra cái tật đau bụng vặt của Trọc là một liệu chứng về tâm lý hơn là y lý. Trọc thường cảm thấy nôn nao, bồn chồn khi chờ đợi một niềm thích thú hay sợ hãi nào đó, như đứa trẻ trước khi vào phòng thi, hay chàng trai mới lớn trước khi lên giường đàn bà. Và, lúc đó có một rối loạn nho nhỏ khiến gã phải nhảy vào ngồi toilet. Thường là ngồi vậy thôi cứ không có diễn biến hay kết quả gì. Trọc bảo, ở nhà gã có cả thảy năm cái toilet, và cái nào cũng to bằng một cái phòng ngủ bốn mét vuông. Những ý tưởng diễn giả hay ho nhất hầu như đến với Trọc trong khi gã bồn chồn trên một trong năm cái toilet đó. Chân ngắn là một giảng viên đại học ngành xã hội học có bằng thạc sĩ, ngoài giờ giảng, mỗi tuần ba buổi tối y đến tham gia một lớp nhập môn triết học. Những vấn đề mà học trò truy vấn thầy, y thường đặt lên bàn của của giáo sư triết học. Và y cảm thấy thật thoả đáng khi phải trả hai trăm ngàn cho một buổi học triết như thế. So với những tay câu đêm mà tôi được biết loáng thoáng kia thì Tay trái có một vị trí thấp nhất, gã làm chủ một đại lý nước đá tinh khiết, chuyên bỏ mối cho các quán bia, quán cà phê trong khu biệt thự này. Cũng giống như tôi, Tay trái chưa bị bó buộc bởi cuộc sống vợ chồng. Có lần Tay trái nửa đùa nửa thật rằng, ước ao lớn nhất của đời gã là được nằm trên giường cùng lúc với hai cô nàng sinh đôi con của lão Râu. Đương nhiên là lão Râu không nghe được cái câu bố láo ấy, nhưng nhiều lần lão Râu công khai bảo nước đá tinh khiết của Tay trái chỉ là trò lừa đảo.
Chẳng thấy cá mắm gì, nhưng những kẻ câu đêm vẫn kiên trì ngồi từ khoảng chín giờ tối cho tới nửa đêm. Một đêm, Trọc giật câu thì dính một con rắn bông súng khá bự. Lửa được đốt lên. Còn tôi có nhiệm vụ đi kiếm một chai Vokda. Tay trái đưa tiền cho tôi. Mùi thịt rắn nướng thơm nức trong đêm. Mùi Vokda thơm lựng. Rắn nướng trui bẻ từng khúc chấm muối ớt, rượu hớp từng ngụm. Tôi nghĩ về một chút hoang dã tiêu khiển ở đây và sự ấm êm sang trọng trong những ngôi biệt thự kia. Chân ngắn nói, ‘Thật ngạc nhiên là đi câu cá mà lại giật lên một con rắn. Triết học cũng bắt đầu từ chỗ ngạc nhiên. Platon đã nói như thế’. Mọi người phì cười. Trọc phun ra một đốt xương, ‘Tôi vẫn thường nói với các học viên của mình rằng, quý vị chịu khó suy tư một chút đi, tôi chỉ dẫn những lối vào, các vị phải chịu khó tìm kiếm. Nhưng phải nói thật với mấy ông rằng, đi câu không phải là tìm kiếm, không thể nào tìm kiếm con cá mà ta muốn, vì ta có rất ít sự am hiểu về lưỡi câu, mồi câu, phao câu. Chúng ta cũng không am hiểu về dòng nước, các loài cá nào sống được ở đây. Chúng ta chỉ là những kẻ giết thời gian. Chúng ta đang trong cơn chán ngán cuộc sống trong ngôi nhà yên ấm của mình. Nói thật, khi giật lên một con rắn tôi không hề ngạc nhiên. Tôi cũng xin cam đoan là hoàn toàn không tý ngạc nhiên nếu giật lên một con cá sấu hay thuồng luồng’. Râu bảo, ‘Nếu tôi kể cho mấy mẹ con nó nghe câu chuyện về một con rắn bông súng nướng trui và một đám đàn ông xúm lại với những triết lý cuộc sống thì chắc chắn họ sẽ cười ngất. Nhưng tôi thích cái không khí này. Đêm nay chắc tôi sẽ ngủ rất ngon đây’. Tay trái không nói gì, gã chỉ chậc lưỡi, ‘Nếu có thêm một con bông súng nữa thì hay quá’.
Khi ngồi với những kẻ câu đêm tôi nói mình làm nghề tự do, ‘Nhưng trước đây tôi thường thuê rẫy để trồng mì, hay trồng điều’. Thuê rẫy để trồng mì, trồng điều là câu chuyện mà tôi nghe G. nói về người chú họ của mình, chứ tôi chẳng bao giờ làm công việc ấy. Khi nói vậy tôi lại mường tượng cảnh G. đang đi giữa một rẫy mì xanh ngút, hay cảnh chúng tôi ôm nhau trong một cái chòi xung quanh rụng đầy trái điều chín đang bốc lên mùi hăng chát. Không biết G. có nhớ đến tôi không. Tôi bắt đầu tập ngủ mà không dằn sách trên bụng. Lúc đó tôi mới nhìn nhận ra sự ngu dốt của mình, chẳng hạn tôi có thể dằn trên bụng một cái gối, hay một quyển album. Một đêm, tôi ôm album có nhiều hình của G. mà ngủ ngon lành.
Ng. gọi cho tôi bảo là có chuyện rồi. Tôi gặp Ng. ở một căn hộ chung cư cao cấp. Anh ta trông như mới ốm dậy, người xanh xao, nhưng tắm rửa rất sạch sẽ. Ng. lấy lon bia trong tủ lạnh đưa cho tôi còn anh ta vẫn uống nước lọc như thường lệ. Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi ở của Ng., một căn phòng khá tiện nghi và sạch sẽ. Ng. bảo có một người, có thể là một nhóm đang tấn công tôi, hay nói khác hơn là tấn công những bài viết về mỹ thuật của tôi. Vừa nói, Ng. vừa mở máy tính lên gõ vào địa chỉ một blog. Tôi ngồi cạnh Ng. để xem, tôi nghe từ cơ thể anh ta toả mùi nước hoa gì đó rất đặc biệt.
Bài viết trên blog của một kẻ ẩn danh, với nick là Mắm Linh bảo rằng những bài viết của tôi là quá chừng ngu xuẩn. ‘Tranh phong cảnh của hoạ sĩ X. không hẳn là sự sao chép từ thiên nhiên mà là vẽ lại từ một tâm trạng. Cái nhìn không cố định mà dịch chuyển từ ánh sáng thật sang đường nét của ánh sáng nội tâm..’. Đó là những câu hoa lá trong bài viết của tôi. Mắm Linh (có thể là mắm cá linh) cho rằng tôi đã chôm những câu này từ trường hợp Paul Cézanne (*) Và, hoạ sĩ X. thì chỉ xứng đáng với đôi mắt cận thị bất định chứ chẳng có gì phải tụng ca bài ca con cá ngựa như thế cả. Sau bài viết của Mắm Linh có khoảng hơn bốn mươi cái comment trên tinh thần hùa theo và kẻ nào cũng phô diễn kiến thức rất cao siêu của họ. Cũng có vài tên chửi nhau, tranh luận bất phân không biết nên xếp Paul Cézanne vào trường phái hậu ấn tượng hay hậu hiện đại. Nhưng chưa hết. Trên một blog khác, thêm một loạt bài nêu đích danh tác giả V. (tức là bút danh của tôi) là một kẻ điếm đàng chơi với bọn đồng tính, thích ai thì tâng bốc tận mây, ghét ai thì dìm hàng chết bỏ.
Ng. hỏi tôi nghĩ sao? Tôi bảo tôi thật không biết nói sao. Tôi có thể là kẻ ngu dốt, nhưng tôi không phải kẻ điếm đàng. Mắt Ng. long lanh như muốn khóc, hình như anh ta muốn ôm tôi, nhưng đã kìm lại được. Tôi bảo Ng., ‘Anh kiếm người khác viết bài mỹ thuật đi. Tôi nghĩ mình nên vắng mặt một thời gian’. Ng. lắc đầu, ‘Không cần phải như vậy đâu. Mình thấy không ai biết bài hợp với các tạp chí bằng V.; có lẽ có một đám nào đó họ không thích mình nên tấn công vào V. vậy thôi’.
Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Tôi không biết gì về thế giới của Ng., nhưng có một điều mà tôi biết rất rõ là tôi đã không chuẩn bị đủ để là một cái gì, để làm ngon lành một chuyện gì. Thậm chí tôi còn không biết cách để giữ một người con gái mà tôi yêu thích. Tôi cũng biết sẽ còn diễn ra nhiều chuyện không hay ho nữa. Từ khi tôi sinh ra đã là như thế. Tôi tự lấy thêm một lon bia trong tủ lạnh, uống hết rồi ra về. Khi ra cửa, Ng. bắt tay tôi thật chặt, cái bắt tay như một người đàn ông thật sự.
***
Ở chỗ câu đêm, đương nhiên là còn nhiều người mà tôi chưa biết. Tôi chỉ tình cờ biết chừng ấy người. Nhưng tôi cũng chợt hiểu ra rằng mình vẫn chưa biết gì về họ. Những khuôn mặt trong bóng đêm khi hiện diện dưới ánh sáng mặt trời sẽ khác, thay đi bộ quần áo sẽ khác, khi ngồi ở nơi của họ thì họ cũng sẽ khác. Tôi cũng chợt hiểu rằng, nếu tôi biết được tất cả những kẻ câu đêm ở đó thì sẽ nhìn ra một cái xã hội thu nhỏ. Nhưng tôi đã không trở lại đó sau lần gặp Ng.
Một tuần sau, trong khi tôi định dọn đi thì G. quay trở về. G. bảo cô có một đứa em trai bị chết đuối nên phải về mà không kịp nói với tôi. Sau đám tang, G. ra đồng gặt lúa, cô cũng ra chợ quê bán buôn mấy thứ lặt vặt. Nhưng ở đâu G. cũng nhớ tôi. G. nghĩ là tôi đã chuyển đi chỗ khác, cô cũng nghĩ có thể tôi đã đưa một cô gái khác về ở chung. Tôi nói với G. rằng cả tháng nay tôi không ăn nằm với ai, tôi kể chỗ cây cầu và những những kẻ câu đêm. G. kêu tôi dẫn cô ra đó xem. Nhưng khi chúng tôi đến nơi thì không thấy ai cả, không thấy một chiếc phao sáng nào. Đi dọc một đoạn bờ sông thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng cá quẫy mơ hồ trên mặt nước đen thẫm. Sau này tôi mới biết là những kẻ câu đêm đã chuyển sang một khu vực khác, ở đó có cá nhiều hơn. Còn đêm đó, tôi và G. nằm quấn nhau trên cỏ. Thật ngạc nhiên là cỏ ở đó rất thơm và êm ái, da thịt chúng tôi không chạm phải một mẩu xương cá nào. Chúng tôi bắt đầu từ sự ngạc nhiên, sau đó tái diễn nhiều lần.
Triết học bắt đầu từ chỗ ngạc nhiên.
Hình như Platon đã nói như thế.
Tay câu đêm Chân ngắn nói rõ ràng như thế.
TRẦN NHÃ THỤY