Tên Hùng, nhưng người ta hay gọi cậu ấm. Cậu ấm là con út, trên có tám bà chị, cậu ấm ra đời như viên ngọc quý trên tay cha mẹ, như lời thở phào nhẹ nhõm... Bởi ông nói bà phải ráng cho ra con trai, không thì ông sẽ ra ngoài gieo giống. Dòng họ cần phải nối dài, không thể để đứt đoạn, mai mốt về dưới, ông làm sao ăn nói với tổ tiên.
Nói xa xôi là vậy, mỗi lần đi ăn làng ăn họ về, ông thường cau có bực tức vì bị ngồi chiếu dưới, nơi dành cho những người đẻ rặt một lũ “đái ngồi”. “Ăn miếng cơm mà nhục!” - ông lẩm bẩm thế lúc ngã lăn xuống cái võng đay, mặt phừng phừng vì rượu thì ít, vì sĩ thì nhiều.
Cũng cơm đó, rượu đó, nhưng ngồi mâm các cụ mới oai làm sao, ngồi xếp bằng nói cười hể hả, có quyền hô to gọi nhỏ thằng này con kia, sai đi lấy quả ớt, cái tăm. Ngồi mâm dưới cần gì cứ thui thủi như ăn vụng. Ráng hoài ráng mãi rồi cậu cũng xuất hiện.
Nhà nghèo, mấy chị bỏ học rau ráng ruộng vườn, cậu luôn áo quần lành lặn, ngày ba bữa no, nhà có gì ngon gì mới đều dành cho cậu. Nhà chục miệng ăn, thịt con gà to nhỏ không cần biết, hai cái đùi chắc chắn phần cậu. Ông nói phần cậu ăn no mau lớn còn học hành, mai này làm rạng rỡ dòng tộc. Nhìn cậu ngồm ngoàm gặm đùi gà quấy quá rồi ném xương còn dính bao nhiêu là thịt cho con Mực, các chị nuốt nước bọt cúi đầu quay đi.
Vật vã mãi, cậu cũng hết cấp ba. Hai năm liền cậu không vào được trường nào, đành theo trung cấp. Thanh niên tuổi đó bắt đầu yêu đương, cậu quen mấy cô trên huyện, ông mong có cháu, nhưng không đồng ý cho cậu lấy con gái ăn trắng mặc trơn.
Người ta giới thiệu một đám ở làng bên, ông ưng. Vợ hơn cậu ba tuổi, cưới, năm sau sinh đích tôn, người ta kêu mợ.
Mợ đảm đang khéo vun vén bao nhiêu thì cậu phá tán bấy nhiêu, vợ con chẳng là gì với cậu, cậu vẫn đêm hôm tối sáng. Với cái bằng trung cấp, ông xin cho cậu vào ủy ban, làm thì ít, nhậu nhẹt bài bạc thì nhiều. Lương cậu mợ không biết một xu, toàn phải trả nợ giùm cậu khi người này chặn đường đòi nợ, người kia đến nhà nhắc nhở.
Mấy chị đi lấy chồng xa cũng được cậu “thăm viếng” thường xuyên, xin chị không được, cậu cùn qua xin anh rể. Chị về mách nhỏ thì bị ông mắng: “Làm chị mà không biết thương em, chuyện dòng tộc sau này một tay nó lo chứ mong gì đám con gái bát nước hất về nhà người”. Mấy chị gái thin thít, gương con một thiên hạ đầy rẫy mà ông có thèm lo, lấy được mặt trời xuống cho cậu chắc ông cũng làm.
Ông mất, bà khuyên thế nào cũng không được, thú vui tụ tập đám bạn nhậu với “đan quạt” đã thấm vào máu cậu, cậu ở nhà thì ít, yora thì nhiều, là zô ra chứ không phải yoga, lúc ngủ còn “zô”. Ủy ban cho nghỉ việc, cậu càng tự do, dân ruộng chứ có biết sình màu gì, xuống ruộng thêm ngứa mắt, việc gì cậu cũng làm chừng nửa tháng, cậu không chán thì người ta chán, chẳng ai muốn chứa ông thần mở miệng ra là phán như thánh. Rồi cậu đòi đi làm ăn xa, cỡ cậu ăn thì có chứ làm, đợi đấy. Thế mà cậu đi thật. Ở nhà bà than mợ thở con kêu khóc, cậu nói “tui vì dòng họ sinh thằng đích tôn là xong nhiệm vụ rồi, tui phải sống cho tui chớ!”.
Không biết cậu đi ba năm hay năm năm, lâu lâu cũng tạt qua thăm nhà một lúc, ăn bữa cơm rồi lại đi. Về tay không, đi cũng tay không. Cho đến hồi giữa năm, có người làng đi làm ăn xa nhắn lên rước cậu về. Cậu giờ còn bộ xương với hai mắt trắng dã, mợ ngất lên ngất xuống, thằng con chạy bán sống bán chết, nịnh kiểu gì cũng không nhận ba, tối ở lì nhà hàng xóm không chịu về nhà.
Bà bán thóc trong lu, bán cả lúa non, hoa trái ngoài vườn, thuốc thang chạy chữa cho cậu, mặc người ta nói ra vào, bảo “dành cho người sống thì hơn”. Người cả đời chẳng làm được gì cho ai, chỉ ăn rồi phá tán, đến nước này âu cũng là số.
Ông trời có mắt, “đi” sớm ngày nào mừng ngày đó. Mợ cũng ngần ngại, vợ chồng lấy nhau qua giới thiệu, ăn ở chẳng bao lâu, tình gì cũng nhạt nhẽo. Bà biết nhưng im lặng, bó nắm tóc bạc, tự tay lau người cho cậu.
Những ngày cuối cùng của cậu, bà tỉnh táo sắp đặt người này việc nọ như thể bà đang lo giùm chuyện hàng xóm. Chỉ những khi đêm đến, khi bà con đã ra về, con dâu cũng mệt mỏi lui vào gian sau ấp đứa nhỏ ngủ, bà mới sè sẹ đến cạnh giường cậu, dùng đôi bàn tay gầy gò chai sần của mình nắn bóp chân tay cho cậu và thủ thỉ. Không biết cậu có nghe thấy hay không, bà không quan tâm, bà rủ rỉ như ru, nghe ra không giống lời ru, cũng không thành lời oán trách, bà như đang kể lại câu chuyện đời cậu.
Hình như có lần bà thở dài với người bạn xưa “ờ thì con dại cái mang”...
Im lìm nằm vậy nghe bà hờ bà hát, đêm đó khóe mắt cậu rớt ra hai dòng nước. Vậy là cậu nghe thấy lời bà, cậu đã nhận ra bà, và rạng sáng đó cậu đi.
Bà ráo hoảnh lo chu toàn cho chuyến đi xa mãi mãi của cậu, người ta an ủi: “Khóc đi cho nhẹ lòng”. Bà lắc đầu. Không ai biết, đêm cuối cùng ấy, bà đã khóc, bà khóc và nói mẹ sai rồi, mẹ không biết cách dạy con. Nhưng cái sai đầu tiên và lớn nhất là mẹ đã sinh con ra...
Chỉ có con thằn lằn trong hốc kẹt không ngừng chặc lưỡi tiếc nuối, à, có một đứa trẻ giữa khuya thức giấc vì mắc tiểu, nghe tiếng hát, đứng ôm cột len lén ngó vào...
Tôi ôm bức ảnh đi trước đoàn người rồng rắn, nghe người ta nói khi trẻ cậu đẹp trai lắm, tôi cứ cúi mặt cố nhìn người trong ảnh, so sánh với người nằm trên giường mấy hôm trước. Bà khẽ huých tôi, nói nhỏ: “Khóc đi con! Khóc cho ba mày một tiếng!”.
NGUYỄN THỊ THANH BÌNH