Nhi lại về trễ. Đây là lần thứ tư trong tuần Nhi đi quá nửa khuya mới về. Lần nào Nhi cũng rón rén mở cổng, rón rén tránh những vật dụng xung quanh để lên căn gác nhỏ. Sau đó lại khẽ khàng đẩy cửa vào phòng, lục đục một hồi rồi cũng yên vị bên con bạn đang ngon giấc, chờ đợi giấc ngủ muộn màng. Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi những tiếng léo nhéo và âm thanh va vào nhau của những thanh sắt nằm ngang dọc lối đi.
Tối hôm qua vì thức khuya để hoàn thành bài nộp cho nhóm trưởng nên giờ đây đầu tôi nhức như búa bổ. Tôi bật dậy tìm đồng hồ. Thôi rồi, tôi đã lỡ mất một tiết của “Bác học gây mê” (đó là cái tên mà bọn tôi ngấm ngầm dành tặng cho thầy dạy môn Mỹ học đại cương yêu quý). Đấu tranh tâm lý thêm một lát, tôi quyết định tuần sau sẽ đi học đầy đủ, sinh viên mà. Nhưng dù có quyết định ở nhà thì tôi không tày nào có thể ngủ trong những âm thanh hỗn độn kèm những lời chói lói khó nghe phía bên dưới.
-“Con gái con đứa đi chơi khuya lơ khuya lắc, đã vậy rồi còn không thèm khóa cửa lại, cũng may là ăn trộm chỉ mới tới phòng một thôi thì bị phát hiện. Nó mà sang tới phòng tôi đi rồi sẽ không sống yên với tôi đâu”. Vừa mới mở cửa ra, tôi nhận ra đó là giọng nói của người đàn bà ở phòng hai, phía dưới phòng tôi.
-“Nhìn cái gì? Cô kêu cô bạn quý hóa của cô xuống đây nói phải quấy nè. Người ta mất đồ mất của là tại mấy người đó, đừng tưởng có bồ đi xe hơi là khinh rẻ những người nghèo. Thứ cái đồ...”
– Giọng bà ta bỗng dưng bị ngưng giữa chừng, hình như có ai đó ngăn lại, những âm thanh cuối cùng như bị nén lại và vọng qua vọng lại trên vách đá.
“Hừm, bà ta có tốt lành hơn gì ai đâu mà bày đặt...” – Chị Tho lên tiếng, giọng đanh đá một cách trẻ con. Nói xong thì chị khệ nệ thau đồ ra vòi nước chung của dãy nhà trọ. Chị Tho ở bên cạnh phòng chúng tôi, và cũng là người duy nhất trong dãy nhà trọ chịu tâm sự với tôi. Thi thoảng chị mang sang cho hai đứa vài cái bánh hay sang ngủ chung với tôi cho đỡ nhớ nhà (là chị nói vậy).
Tôi nhìn vào trong, Nhi vẫn còn say ngủ. Có lẽ đêm qua, Nhi về rất trễ. Tôi quyết định đi xuống phòng một để thay Nhi xin lỗi, dù sao bọn tôi cũng cùng học chung một lớp, cùng một quê. Tôi không quen những người bên dưới lẫn những người phòng bên cạnh (trừ chị Tho). Ai cũng như nhau, cũng giữ vẻ lầm lũi trên mặt và vẻ mệt mỏi trên những đôi vai rũ xuống. Đối diện với những đôi mắt trũng sâu ấy, tôi thấy sợ. Không như người đàn bà đanh đá kia, đón tôi là đôi mắt dịu dàng và thấu hiểu:
- “Thôi em ạ, dù sao nó cũng cũ lắm rồi, được dịp anh đổi xe mới vậy. Em đừng buồn” – anh cười hiền, quả là một hình ảnh trái ngược với thái độ chua ngoa của người đàn bà đang ở ngoài cửa sưng sỉa nhìn vô.
Tôi thấy áy náy. Tôi xuống xin lỗi anh cơ mà, và nếu anh không chấp nhận tôi sẽ bàn với Nhi đền anh chiếc xe khác, thế mà thành ra anh an ủi tôi. Nhưng không hiểu sao khi nhìn vào đôi mắt nâu ấy, tôi không thể nào thốt nên lời, dù là đính chính người về khuya tối hôm qua không phải tôi.
Khi tôi trở lên phòng, Nhi đã dậy. Đôi mắt trũng sâu, không giấu được vẻ mệt mỏi, tiều tụy trên từng đường nét vốn xinh đẹp của nó. Tôi và Nhi là bạn thân từ nhỏ, cùng sinh ra trong xóm nghèo nhứt của cái tỉnh nghèo nhứt. Những đứa trẻ lớn lên bằng những lần ăn khoai độn cơm và bắt cá ngoài đìa là trò vui vẻ nhứt, khi đó chúng gần hơn với những giấc mơ về bữa ăn có đủ đạm.
Tuy nhà Nhi cách nhà tôi một con sông nhưng chúng tôi vẫn rất thân. Tôi cũng nhận ra tình bạn của chúng tôi ngày càng khập khiễng. Nhi lớn lên càng phổng phao và đẹp mặn mà. Cái đẹp mà ai nhìn vào cũng ngẩn ngơ. Trời phú cho nó hai cái lúm đồng tiền, lại hào phóng tặng thêm cho chiếc răng khểnh. 17 tuổi, nó có cả tá cái đuôi và hàng trăm bức thư tình ướt át (nó chuyên bảo tôi đốt đi khi không thèm liếc lấy một cái).
Trong khi đó tôi vẫn không khác cái thời dắt tay nó qua cánh đồng rộng cùng bọn con trai thả diều và... đánh nhau, nghĩa là đen như củ ấu và không có cái đuôi nào. Hai chúng tôi như hai bên bờ của con sông, bên Nhi là bên bồi còn bên tôi là bên lở. Bên bồi cứ bồi còn bên lở vẫn cứ lở...
“Mày thay đồ đi, ra ngoài ăn sáng với tao” – tôi nhận ra Nhi đã chỉnh tề quần áo và chuẩn bị ra ngoài, nó vẫn đẹp như chưa từng có những đêm thâu đêm suốt sáng và khi về thì nồng nặc mùi rượu mạnh. Tôi định từ chối nhưng không hiểu sao lại ngoan ngoãn đi thay đồ. Nhi cùng tôi đi đến quán bún ngay phía dưới khu nhà trọ của chúng tôi, đây là quán quen thuộc của hai đứa. Không phải vì nó ngon nhất mà là vì nó rẻ nhất (những cọng bún đầy hóa chất và nước thì chỉ toàn bột ngọt rẻ tiền), phù hợp với túi tiền luôn rỗng của hai đứa sinh viên nghèo. Nhưng dạo gần đây tôi ít khi lui tới, Nhi bận bịu với nhiều thứ lấp lánh hấp dẫn hơn nên ăn một mình cũng buồn.
Chủ quán là bà chủ phốp pháp hay cau có và gắt gỏng với bất cứ ai, kể cả khách hàng. Bà có con mèo thường hay trèo lên phòng tôi vào những đêm muộn, Nhi rất ghét nó nên tôi cũng thôi không mở cửa sổ nữa.
Đêm nào tôi cũng trằn trọc nghe những tiếng rên tha thiết, không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng, chúng đang gọi tôi. Những khi như vậy, Nhi cười mỉa tôi “đồ khùng”. Nhi vẫn hay thốt lên như vậy mỗi khi bắt gặp tôi đang ngơ ngẩn thả hồn theo mây theo gió. Nó ghét cái kiểu “nghệ sĩ” của tôi (như nó nói). Và nó cũng phán một câu xanh rờn: “Sống kiểu của mày chắc có ngày cạp đất mà ăn quá”.
Tôi không giận Nhi bao giờ, bởi tôi biết Nhi không bao giờ ác ý với tôi. Ít ra thì chúng tôi đã lớn lên cùng nhau mà... Nơi tôi ngồi đây, buổi tối là một quán nhậu bình dân, phục vụ cho những người công nhân trong xóm trọ. Lâu lâu có những anh chị sinh viên ra ngồi “1... 2... 3... Dzô” như những kẻ sầu đời thứ thiệt. Ờ, đôi khi cũng sầu lắm chớ. Tôi nhớ cũng có lần ba chị em cũng kéo nhau ra đây, cũng “1... 2... 3... Dzô” cho biết với người ta.
Đó là ngày chị Tho chính thức bị đá ra khỏi trường đại học và tham gia vào đoàn quân “cử nhân thất nghiệp” của thành phố. Tôi không thể nào nuốt nổi cái thứ rượu trong vắt như nước mưa và bốc mùi cồn nồng nặc. Nhi cũng không uống nhiều, dạo này Nhi ít khi ăn ở nhà hay la cà những quán vỉa hè như trước, bao tử của nó bắt đầu biết chọn lọc những thứ đắt tiền và không đắt tiền. Chỉ có chị Tho là nốc tì tì những ly rượu, tôi nghĩ rằng chị không đang uống giải sầu mà đang cố tự chuốc cho mình say.
“Mày vẫn ngơ ngẩn như vậy hoài sao sống được ở cái đất này chứ” – Nhi ngước mắt, câu nói của nó lôi tôi trở về với hiện tại
– “Mơ mộng hoài hà! Sống ở đây hai năm rồi mày vẫn cứ quê quê vậy thì bị người ta gạt bán sang Trung Quốc mất thôi”. Tôi phì cười.
Nhi nói những điều giống hệt mẹ tôi dặn dò mỗi đêm trước khi tôi đi đâu đó xa nhà. Mẹ cũng thường hay thở dài lo lắng rồi nhìn tôi bằng ánh mắt y như Nhi bây giờ. Thấy tôi không để tâm đến những lời cảnh cáo nó cũng thôi không nói nữa. Tôi nhận ra Nhi dạo này thường hay đánh ánh mắt đi xa, nó cũng thường thở dài một mình. Tôi rất muốn hỏi nó, hỏi về những đêm nó không về, hỏi về những vết hằn trên má, những vết thâm trên cánh tay thường xuyên xuất hiện. Nhưng tôi lại không thốt thành lời. Nhi lại thở dài, bỏ ngang tô bún mới ăn được một nửa, tôi cũng không muốn ăn, lục tục theo Nhi về phòng. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ về một dự cảm không lành.
Chiều hôm đó, tôi được nghỉ đột xuất. Lộc cộc đạp xe về trong nỗi tức anh ách. Lại tặc lưỡi, thôi kệ, sinh viên mà, sẽ cố học sau vậy. Về đến phòng, tôi không thấy Nhi đâu, chị Tho sang phòng tôi và đang say ngủ. Nhìn chị ngủ tôi thấy thương, sao mà đến dáng ngủ cũng nhọc nhằn.
Tôi nhớ đến những khi rảnh rỗi, chị thường hay kể cho tôi nghe về những cánh đồng lúa, về những ước mơ hay những điều thú vị trong lúc làm gia sư cho những đứa trẻ có cha mẹ lắm tiền và thiếu thốn thời gian. Chị thường nhìn tôi cười cười: “Ráng tận hưởng đi cưng! Sau khi ra trường cưng cũng sẽ như chị thôi, bây giờ việc làm hiếm như nước trên sa mạc vậy. Lại thêm cá lớn nuốt cá bé nữa, Bill Gates nói “Cuộc sống không công bằng” mà”. Tôi nghe sao có nhiều vị chua lẫn chát.
Chị đã thề là không về quê, cố gắng bám trụ ở thành phố. Nhưng muốn tìm một công việc ổn định ở đây không phải là chuyện dễ, cho nên giờ chị vẫn phải chạy qua chạy lại với những nơi dạy gia sư để có tiền trang trải cho bản thân và gửi về nhà. Chị Tho trở mình, như nhận ra tôi ngồi đó, chị ngồi dậy quơ lại mái tóc bù xù, nói nhưng không nhìn tôi: “Về rồi à? Đói không? Chị có mang cho cưng ít khô đó, ráng mà ăn, đừng thức khuya nữa. Mày xanh quá!”. Tôi phì cười. Chị Tho chẳng khi nào chê tôi gầy. Đôi khi chị cũng trách “sao mày ú nu mà lúc nào cũng xanh như tàu lá chuối vậy nè?”. Chị bao giờ cũng có vẻ quan tâm đặc biệt tới tôi. Chị cũng bảo tôi giống con nhỏ em kế của chị ở dưới quê.
Mấy năm rồi chưa được gặp lại con nhỏ nên thương tôi cho đỡ nhớ. Tôi không có chị em gì nên đôi khi cũng thèm được bảo bọc, chở che. Tôi mặc nhiên hưởng thụ sự quan tâm của chị và, tất nhiên, cũng thương chị như chị ruột. “Chắc tháng sau chị về quê thôi. Thành phố là nơi không dành cho chị”. Đón lấy ánh mắt ngỡ ngàng của tôi bằng một nụ cười buồn.
“Chị có việc rồi, trong Ủy ban của xã. Ông bà già cũng “chạy” hết một bầy heo, còn hơn là lông bông”. Tôi bỗng thấy tim mình lặng đi một nhịp. Với tấm bằng cử nhân kinh tế, chị làm gì trong cái Ủy ban bé nhỏ ấy đây? Nhi về, tôi nhìn thấy chiếc xe hơi màu trắng bạc dừng lại ở đầu ngõ. Nhìn Nhi bước ra xe, tôi ngạc nhiên thấy con bạn thân bấy lâu bỗng khác, khác quá. Không phải kiểu lột xác từ Lọ Lem trở thành nàng công chúa xinh đẹp mà là từ nàng Lọ Lem nó đã biến thành một bà hoàng. “Lại ông ta. Chị không thể nào ưa nổi cái đầu hói và cái bụng phệ của ổng” - Chị Tho vừa nói vừa trề môi – “Thôi chị đi làm tiếp đây, thằng nhỏ sắp thi rồi”.
***
Nhi dọn đi khỏi căn gác nhỏ của hai đứa để đến căn biệt thự ba tầng nằm trong khu dân cư đắt đỏ nhất thành phố. Nhi không mang theo gì. Nó để lại toàn bộ cho tôi, nếu không dùng thì quăng vào thùng rác như lời nó nói. Nhìn Nhi từ biệt tôi rồi đi, nhẹ như không. Chắc nó áy náy vì bỏ tôi lại một mình nên để lại mọi thứ cho tôi khỏi buồn?
Nhìn dáng Nhi mất hút trong cánh cửa chiếc xe hơi màu bạc, tôi bỗng muốn hét lên, muốn đập phá thứ gì đó cho hả giận. Không! Tất nhiên tôi không việc gì phải giận Nhi. Tôi giận chính mình. Ngay lúc này đây, tôi muốn nói với Nhi rằng đừng chạy theo những phù phiếm nữa. Tất cả mọi thứ mua được bằng tiền đều đi kèm với hạn sử dụng. Rằng càng chạy theo vật chất thì Nhi càng khổ sở thôi.
Nhi sẽ làm sao khi những lúc đêm về, vùi vào cơ thể trinh nguyên là cái bụng bia và cái đầu hói họi? Nó sẽ làm gì khi ông ta chết vì bia rượu, vì thuốc lá và vì gái? Trời ơi, tại sao tôi không thể thốt nên lời!!! Tôi gục xuống bàn, để mặc những giọt nước mắt từ từ rỉ ra.
Ngày đám cưới Nhi, họ hàng của Nhi xôn xao khi nhìn thấy căn nhà và chàng rể. Nhi không tổ chức đám ở quê. Nó bảo phiền, ở nhà hàng cho tiện, bà con ai muốn đi nó cho xe về rước. Tôi thấy Nhi đã thật sự rũ bỏ cái vị phèn trong từng centimet cơ thể. Ba má Nhi ngượng ngùng kêu anh chàng đầu bóng hớn và tuổi lớn hơn mình là con.
Hôm đó Nhi rất đẹp, vẻ đẹp được trát bằng vàng và kim cương, bằng hộ khẩu ở phố và anh chồng sắp xuống lỗ. Tôi có gặp đứa con riêng của chồng Nhi, lớn hơn Nhi 3 tuổi, tôi cũng bắt gặp ánh mắt hau háu của anh ta nhìn về phía phần ngực hở và cái eo thon trong chiếc xoa-rê trắng.
Tôi nghe thấy má Nhi thở dài trong chiếc áo dài gấm thêu hoa, dưới làn áo là bàn tay chai sạm đi vì nắng, vì gió, vì nghèo. Không hiểu sao tôi thấy thương bà, những thứ trong nhà hàng xa xỉ này quá xa lạ với bà. Cái vẻ lóng ngóng đó làm người ta mủi lòng. Rất lâu về sau tôi vẫn còn tự hỏi rằng: “Nhi có hạnh phúc không?”. Câu hỏi đó trở đi trở lại trong đầu tôi nhiều đến nổi thành ám ảnh. Nó xuất hiện lâu lắm rồi nhưng đến bây giờ mới trở nên nhức nhối.
Tôi tự hỏi mình khi đi dự đám cưới của Nhi, khi nhìn thấy ánh mắt đỏ ngầu của anh chàng mà Nhi phải gọi là con, khi những ngón tay đầy những mỡ của “anh chồng” vuốt ve phần eo thon và cái mông đầy gợi cảm của nó. Tôi cũng tự hỏi khi nhìn thấy những lúc Nhi bước ra từ cánh cửa chiếc xe hơi màu bạc, khi Nhi về nhà với một bên má sưng đỏ và đôi mắt đầy nước. Tôi cũng hỏi khi nhìn vào đôi mắt trũng sâu và đôi vai gầy guộc, khi cả nhìn thấy cái cách nó đối xử phũ phàng khi từ chối mối tình với anh chàng chung lớp để chạy theo mối tình được bọc trong bạc vàng... Tôi tự trách mình là kẻ đa đoan.
Tất nhiên tôi rất mong Nhi hạnh phúc, cái hạnh phúc do chính nó lựa chọn. Có lần, tôi hỏi Nhi có yêu chồng không. Nó cười khẩy. Nét cười bất cần nhưng cũng đẹp ngỡ ngàng không thể nào rời mắt. “Tình yêu là gì hả mày? Thời bây giờ không còn một túp liều tranh hai quả tim vàng nữa đâu. Tao không muốn về quê, chui vô một cơ quan nào đó nhàn rỗi ngồi ngáp cho qua thời gian. Tao sẽ già héo đi, mặt chảy xệ và tóc thì rụng dần vì những đứa con lần lượt ra đời. Tao sẽ nhìn nó lớn lên, bủng beo vì suy dinh dưỡng và khóc ngần ngật vì không đủ tiền mua thuốc. Hai vợ chồng tao sẽ suốt ngày cãi nhau vì tiền nong, vì nhà dột và vì đói. Tình yêu chết từ lúc mặc vào chiếc áo cưới rồi”. Tôi ngỡ ngàng nhìn vào đôi mắt Nhi, trong ấy có lửa. Lần đầu tiên, tôi thấy Nhi quyết tâm làm điều gì đó, làm cái điều mà quê hương nghèo khó khô cằn của chúng tôi không cho nó được.
Tôi cũng thường hay mơ về Nhi và những đứa con của Nhi, chúng trắng trẻo và mập mạp như Nhi mong muốn. Nhưng ngay lúc đó, khi nhìn sâu vào đôi mắt Nhi, tôi thấy chúng cũng có nước. Để có những điều vật chất ấy, Nhi phải đánh đổi bằng những cái tát trên má (mỗi khi ông ta không vừa lòng) và những nhát dao cứa vào tim. Không lâu sau khi Nhi đi, tôi cũng tiễn chị Tho về quê, nhận công việc (theo như Nhi nói) nhàn nhạt. “Miễn là được ở quê, gần ba má. Ổng bả cả đời khó nhọc, chị cũng muốn ở bên phụ chút ít. Nếu bám mãi ở đây thấy sao ích kỷ quá. Với lại thành phố không hợp với chị”.
Tiễn chị ra xe, khi nhìn hình ảnh chị bên trong cửa sổ xe và chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi biết chia tay lần này là tiễn biệt. Về sau, nếu có gặp lại thì chẳng còn như xưa, cái thời sinh viên buồn tẻ và nghèo khó. Tôi cũng không thể tưởng tượng được việc ngày gặp lại sẽ như thế nào. Tôi không hay mơ về chị Tho và những đứa con của chị như mơ về Nhi. Có lẽ tôi nhận thấy được ánh mắt của anh Quân dành cho chị trong ngày đón chị về quê.
Chuyện về chị chắc sẽ là một câu chuyện khác, ít buồn hơn và chắc là sẽ đẹp hơn. Tôi mong là vậy!
Tôi ngước lên nhìn trời. Trời xanh, những mảng bông trắng xóa trôi nhè nhẹ. Tôi thấy mình bềnh bồng trôi.
TRẦN THỊ KIM NHIÊN