Hãy giảm giá ngay khi có thể, đưa ra nhiều chính sách tặng kèm cho khách như giữ xe, trà đá miễn phí và đặc biệt phải có thái độ phục vụ tận tâm... là những điều rất đơn giản nhưng lại giúp cho mô hình quán ăn nhỏ của chị Lê Thị Thanh Hằng thành công. (VNE)
Tôi bước chân vào ngành ăn uống cách đây 4 năm, với mô hình kinh doanh quán bò bít tết. Quán đầu tiên tôi mở quy mô nhỏ khoảng 15 bàn, vốn đầu tư dao động 500 triệu đồng. Như các bạn trẻ khác, thời gian đầu tôi cũng khó khăn để duy trì hoạt động, nhưng rồi khoảng 2 năm sau đó thì tôi đã có thể thu hồi được vốn. Và ba năm sau, tôi tiếp tục mở quán thứ 2 với số vốn khoảng 600 triệu đồng, với quy mô lớn hơn (25 bàn), đủ phục vụ 100 khách cùng lúc.
Với hai quán ăn trên, hiện nay tôi đã có khoảng lợi nhuận ổn định (khoảng trên 50 triệu đồng một tháng) và có thể dùng tiền kiếm được để đầu tư thêm vài loại hình kinh doanh khác như đầu tư chứng khoán, đầu tư trồng lan...
Tuy những thành công nhỏ trên chưa phải là điều gì lớn lao nhưng tôi cũng thấy được an ủi là đã có thể nuôi sống bản thân và giúp được một số lao động trong xã hội. Điều tôi trăn trở là có quá nhiều người trẻ như tôi, khó khăn lắm mới dành dụm được một số tiền, cũng cầu tiến, cũng tham vọng, cũng ước mơ… nhưng mô hình kinh doanh vừa ra đời, sau đó không tồn tại được lâu.
Do vậy, tôi muốn chia sẻ vài kinh nghiệm đúc kết được sau 4 năm lăn lộn với nghề, để phần nào giúp các bạn trẻ muốn khởi nghiệp với lĩnh vực kinh doanh này.
Trước hết, tôi cho rằng khi có một số vốn, các bạn cần xác định xem mình thích lĩnh vực kinh doanh gì? Năng lực mình có phù hợp với việc kinh doanh này không? Với định phí hàng tháng chi trả, bạn có thể tồn tại được thời gian bao lâu? Sau đó tính đến sản phẩm kinh doanh có gì cạnh tranh so với thị trường? Bạn làm gì để tạo nên sự khác biệt? Định hướng thương hiệu? Đối tượng khách hàng nào bạn hướng đến? Vị trí đặt cơ sở? Yêu cầu mặt bằng? Ai sẽ là cánh tay trái của bạn?...
Trả lời lần lượt các câu hỏi xong, bạn sẽ cân đối phần tài chính bằng các chỉ số, quyết định giá bán, giá thành, doanh thu hòa vốn để tính ra thời gian thu hồi. Bạn làm tất cả bằng một bản kế hoạch chi tiết, dự trù mình sẽ trụ được trong vòng bao lâu với dữ liệu này.
Bản thân tôi sau 3 năm kinh doanh đã mở thêm cửa hàng thứ 2. Bí quyết của tôi là định hướng kinh doanh sau 4 năm vẫn không thay đổi so với bản kế hoạch ban đầu. Có người bạn ở quê, khi tôi khai trương quán mới đã tranh thủ lên ủng hộ và hỏi một câu: “Sao gần 4 năm mà quán không thay đổi giá?” Tôi liền trả lời: “Vẫn còn trong khoảng chỉ số lợi nhuận an toàn đặt ra”. Điều này có nghĩa rằng, bạn đừng bao giờ tăng giá bán hàng trong khả năng có thể. Bởi đó là một cách giúp quán giữ chân khách.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế hiện nay, rất nhiều người làm kinh doanh thường vội vã lên giá khi sẵn dịp lễ tết, giá xăng và gas tăng, hàng hóa cuối năm tăng… nhưng khi giá giảm, họ thường không giảm cho khách hàng. Đây là nguyên nhân khiến cho không ít mô hình kinh doanh ăn uống "chết non".
Ngoài giá cả, cách thức phục vụ và những chính sách tặng kèm khách cũng rất quan trọng trong việc có tạo được thiện cảm cho khách quay lại quán lần sau hay không. Tôi kể câu chuyện tuần rồi đi ăn ở một quán tại quận 1, mỗi phần gần 200 nghìn đồng. Trong lúc đợi bạn, các nhân viên phục vụ cứ hỏi đi hỏi lại tôi dùng nước gì mặc dù tôi nói đợi bạn đến gọi luôn. Thế nhưng, khi các bạn ấy hỏi lần thứ 3, vì ngại quá tôi đành gọi một ly lipton đá (giá thấp nhất menu).
Đến khi bạn tôi đến, cũng tình trạng tương tự, nhưng bạn ấy nhất quyết không uống vì nguyên tắc là không uống nước bên ngoài. Đến lúc này, mấy nhân viên phục vụ mới đem ra cho bạn ly trà đá (phần tặng của quán).
Qua tình huống này, tôi muốn nhắn nhủ rằng, kinh doanh ai cũng phải tính, nhưng nếu có chính sách tặng nước miễn phí thì đừng đặt khách hàng bị khó xử như tình huống kể trên. Riêng ở quán tôi, trà đá miễn phí, khi khách uống cạn, không châm thêm là nhân viên phục vụ đã vi phạm quy định. Khách tính tiền rồi mà còn ngồi nói chuyện thì cũng phải tiếp nước liên tục cho đến khi nào khách ra về.
Chưa kể, khăn giấy ở các cửa hàng lớn đều để cho khách dùng thoải mái. Bạn hãy tính lợi nhuận từ sản phẩm bạn kinh doanh chứ không phải ở cái khăn, hay ly nước trà. Trong khi đó, đúng ra bạn phải chuẩn bị cho khách khi khách sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, tôi cho rằng cũng cần lưu ý đến vấn đề giữ xe miễn phí cho khách. Tôi nhớ một lần đi chợ, nóng quá ghé vào quán ché ăn một ly cho mát, giá 18.000 đồng. Nhưng sau đó tôi phải trả thêm tiền giữ xe 6.000 đồng, lúc ấy ly chè không còn mát nữa, mà đổi lại là sự "nóng trong người". Và tất nhiên, theo chân các quán ăn lớn, quán ăn của tôi cũng giữ xe miễn phí, hướng dẫn cho nhân viên giữ xe luôn có thái độ phục vụ dễ thương nhất.
Điều cuối cùng, tôi không khuyên các bạn nên bán giá cao hay thấp vì còn tuỳ đối tượng khách hàng phục vụ như thế nào và chiến lược kinh doanh của mỗi người đang hướng đến. Nhưng điều tôi lưu ý những người muốn bước vào lĩnh vực kinh doanh ăn uống nhỏ chính là cái tâm. Bởi cái tâm trong mọi ngành nghề thật sự rất quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực ăn uống.
Tôi rất muốn dân Việt mình ủng hộ dân Việt, để tiền người Việt không chuyển đi ra khỏi đất nước bởi các "ông lớn ngoại nhập". Muốn vậy, các bạn trẻ hãy cố gắng hoàn thiện kỹ năng kinh doanh để có thể cạnh tranh với những ông trùm thế giới.
LÊ THỊ THU HẰNG