Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,905,178 lượt

Chia tiền vào nhiều 'giỏ', tôi vẫn bình yên khi khởi nghiệp khó khăn

Lỗ 400 triệu khi làm studio ảnh cưới thất bại, anh Cường đã sớm gây dựng lại sự nghiệp do biết chia nhỏ thu nhập cho nhiều mục tiêu.

 

Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Kiên Cường, 36 tuổi, chủ một studio ảnh tại TP HCM.

 

 Anh Nguyễn Kiên Cường

 

Tôi là một chàng trai 8x, thế hệ được sinh ra trong thời bình với nhiều hoài bão pha trộn một ít ngông cuồng và nông nổi. Tôi học Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, sau đó vừa đi làm vừa theo cao học tài chính tại cơ sở Việt Nam của trường Đại học Leed Metropolitan (Vương quốc Anh). Tốt nghiệp thạc sĩ đầu năm 2012, tôi làm việc cho một công ty tài chính lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh công việc là một chuyên gia tài chính, tôi còn là thành viên hội đồng quản trị và thành viên ban kiểm soát tại hai công ty cổ phần khác nữa. Ngoài ra, tôi đi dạy ở trường đại học. Lúc đó, với thu nhập tương đối khá, tôi không lo nghĩ nhiều về tiền bạc. Vì thực ra thời gian làm việc của tôi khá kín, không có nhiều thời gian để đi chơi, ít có điều kiện để tiêu tiền. Tính tôi không thích ăn nhậu, không thích bù khú bạn bè, lúc rảnh, tôi thích nghiên cứu về nhiếp ảnh, đọc sách hay café một mình.

 

Tôi mê chụp ảnh từ thời còn là sinh viên sư phạm kỹ thuật. Từ năm 2011, tôi đã mua máy ảnh để thỏa niềm yêu thích chụp ảnh, nhưng chưa nghĩ đến chuyện nghỉ việc để theo đuổi đam mê này. Tuy nhiên, nhờ có cơ hội gặp gỡ nhiều doanh nhân, nhà đầu tư, tôi học hỏi được ở họ tư duy kinh doanh và tư duy làm chủ. Tôi nhận ra mình không thể cứ đi làm công 8 tiếng/ngày, vì đó không phải là cuộc sống mà tôi muốn cho đến hết đời.

 

Khi có kế hoạch khởi nghiệp, tôi đã chuẩn bị phương án tài chính khá kỹ bằng cách chi thu nhập của mình làm 3 quỹ khác nhau: mua nhà, khởi nghiệp và chi tiêu. Một nguyên tắc cổ điển nhưng không bao giờ lỗi thời trong quản lý tài chính là “không bao giờ để tất cả trứng vào một giỏ”.

 

Tôi cam kết không bao giờ đụng vào quỹ mua nhà bằng mọi giá. Tôi dồn tiền dư vào một chỗ, mua một miếng đất để dành nhằm buộc mình không có cơ hội đụng vào số tiền này. Đồng thời tôi vẫn tiếp tục để một khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng để lo cho việc khởi nghiệp và chi tiêu sau này - khi tôi nghỉ việc và không còn được tiền lương đổ vào tài khoản ATM hàng tháng.

 

Tháng 4/2015, khi quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê của mình, tôi cũng bán đất đi để mua một căn hộ chung cư 93m2 ở Thủ Đức. Tôi cần có chỗ ở ổn định để không phải lo lắng chuyện nhà cửa, để có thể hoàn toàn tập trung vào khởi nghiệp. Căn hộ có 3 phòng ngủ, một phòng đang được tôi biến thành phòng làm việc. Đây luôn là nơi tôi nhớ nhất mỗi khi xa Sài Gòn.

 

Góc làm việc ở nhà của anh Cường 

 

Còn số tiền tích luỹ trong ngân hàng có sẵn, tôi tách ra 600 triệu để khởi nghiệp, phần còn lại dùng để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày.

 

Tài chính đã được hoạch định khá rõ ràng, nên việc khởi nghiệp không ảnh hưởng gì nhiều đến chi tiêu cá nhân của tôi. Khó khăn trong năm đầu tiên khởi nghiệp chính là vấn đề tâm lý, khi phải chứng kiến số tiền dành dụm của mình cứ vơi dần. Tiền cứ ra đi hàng tháng, trong khi khách hàng thì không có. Tôi và ekip của mình thậm chí thường chụp ảnh miễn phí cho người quen, có khi cả người lạ. Tôi mở một studio ảnh cưới nhưng đã phải đóng cửa sau một năm làm việc cật lực không lương với khoản lỗ 400 triệu đồng. May là khi đó, tôi đã học được cách kinh doanh và vẫn còn tiền để bắt đầu lại với một studio ảnh dành cho gia đình.

 

Nửa cuối năm 2016 và 2017, sáng nào tôi cũng ăn mì gói. Có người tưởng tôi buộc phải tiết kiệm vì khởi nghiệp đã lấy đi của tôi rất nhiều tiền. Thực ra, tôi ăn mì gói cơ bản để tiết kiệm thời gian. Tôi đã phải làm việc 14-16h/ngày, không có ngày nghỉ, ngày lễ. Nhiều lúc tôi cũng ngán mì đến tận cổ, nhưng thực sự là tốn quá nhiều thời gian nếu như phải mặc quần áo, lấy xe, chạy đi ăn, rồi chạy về nhà, thay đồ, rồi mới được làm việc.

 

Sau 2 năm rưỡi khởi nghiệp thì hiện nay công việc kinh doanh của tôi đã khá ổn định. Giờ đây, tôi vẫn tiếp tục chia thu nhập hàng tháng làm 3 phần: 30% cho quỹ dự trữ rủi ro, 40% cho đầu tư phát triển, 30% còn lại là chi phí sinh hoạt hàng tháng. Phần quỹ đầu tư phát triển là lớn nhất, vì tôi đang trong giai đoạn mới khởi nghiệp nên còn thiếu rất nhiều thứ, phải đầu tư bổ sung dần đần.

 

Đối với tôi, tiền không phải là yếu tố quyết định cho mọi vấn đề, tiền cũng không mua được hạnh phúc. Nhưng tiền rất quan trọng trong cuộc sống nếu mình biết cách sử dụng chúng. Có tiền, tôi có thể mua được nhà, góp phần giúp tôi xây dựng được mái ấm của mình. Tiền mang lại cho tôi cơ hội khởi nghiệp, cho tôi điều kiện để theo đuổi ước mơ và thực hiện hoài bão của mình. Tiền cho tôi điều kiện để đi đến nơi mình muốn đến, sống cuộc sống mình muốn sống. Có tiền, tôi có thể giúp đỡ được người thân khi họ gặp hoạn nạn, giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng có tiền cũng là con dao hai lưỡi, nó rất dễ lôi kéo chúng ta vào những hành động tiêu tiền, thay vì phải tập trung vào kiếm tiền.

 

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi rút ra được rằng tiết kiệm tiền là việc rất quan trọng, cần phải làm. Nhìn ra thế giới, có thể nói tất cả những tỷ phú, triệu phú tự thân đều là những người thực hành tiết kiệm rất chặt. Nhờ tiết kiệm mà họ mới xây dựng được cơ đồ, mới trở lên giàu có. Mình kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng, quan trọng là mình giữ được bao nhiêu.

KIM ANH (ghi)

Top