Tôi gặp chị vào một ngày Hà Nội trở gió. Bà chủ 8X vội vã ra Bắc công tác nên không có nhiều thời gian, ngay sáng hôm sau chị đã bay ngược về Sài Gòn. Bao nét lo toan mỏi mệt hiện trên gương mặt chị, bởi lẽ, mọi thứ đối với chị vẫn luôn là sự khởi đầu. Trông thấy tôi, Hà nở nụ cười ngọt lịm, chất giọng con gái miền Nam sao mà dễ thương thế!
Quyết khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên vì... lương làm thêm quá bèo
Hà tự nhận mình là một cô gái rất bướng bỉnh, độc lập và tự cao nữa. Chị luôn tự tin vào bản thân mình, tin là mình có thể làm được tất cả. Chị học chuyên Văn từ nhỏ đến lớn, thi ĐH chọn ngành tiếng Trung mà gần như bạn bè ít ai để ý đến, và đỗ thủ khoa.
"Năm nhất tôi đã đi làm thêm, dịch thoại, và tôi nhớ lúc ấy chỉ được trả khoảng 7000 đồng/ phút, nhưng họ đem bản dịch của tôi đi bán lại cho khách hàng được cả trăm nghìn/ phút. Tôi thấy bất công quá lớn, và bắt đầu nghĩ sự chênh lệch giữa họ và mình là gì? Khi đó còn trẻ nên tôi nghĩ vô cùng ngây ngô đơn giản, chắc là vì... họ xuất hóa đơn được, còn mình thì không có, chứ đâu nghĩ rộng hơn sâu hơn về mối quan hệ, kinh nghiệm trong nghề, và cả sự khôn khéo nữa… Thế là tức quá, tôi tìm cách để mình cũng xuất được hóa đơn, mới năm 2 ĐH, tôi và một người bạn nữa đã thành lập công ty riêng chuyên về dịch thuật.
Lập xong rồi, Ngọc Hà ngồi nhìn cái văn phòng đặt tạm ở ngay dưới tầng 1 nhà mình, và tự hỏi “Bây giờ mình sẽ làm gì đây?”. Chẳng có kinh nghiệm gì cả. Nhưng rồi bình tĩnh ngồi tìm hiểu, thì tôi thấy thị trường dịch thuật có rất nhiều khách hàng, song lại ít người khai thác, và những công ty dịch thuật theo cách truyền thống họ không biết làm SEO, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trên google, hoặc những web tìm kiếm dự án nước ngoài để kéo khách hàng về cho mình… "Tôi bắt trúng được những điểm đó, và lập tức tiến hành công việc theo lối đi của riêng mình. Giá dịch thuật cho nước ngoài cao hơn gấp 7-8 lần so với trong nước, nên bọn tôi quyết định xây dựng trang web chuyên nghiệp của riêng mình, SEO, google… lấy dự án bên nước ngoài về, đưa cho một bên dịch thuật khác trong nước, mình ở giữa lấy lợi nhuận sau khi trừ hết chi phí".
Công ty hoạt động rất ổn, vì lúc đó dường như chỉ có mỗi chỗ Ngọc Hà làm tốt phần nhận diện trên google, các doanh nghiệp nước ngoài khi tìm kiếm luôn thấy công ty chị ở đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ nhìn trên đó thì sẽ không biết công ty của chị và cộng sự lớn hay nhỏ, thế nên mới xảy ra một chuyện vừa buồn cười vừa sợ mà chị vẫn nhớ.
"Đó là hôm tôi gặp gỡ, kí hợp đồng với một công ty quốc tế khá lớn. So với độ hoành tráng, chuyên nghiệp mà bọn tôi xây dựng trên web, thì họ ngạc nhiên khi trông thấy… văn phòng “bèo bọt” tại gia của tôi. Tôi nhớ hợp đồng đó trị giá 18 triệu, kí xong tôi còn không biết đóng dấu giáp lai! Anh khách hàng đã phải hướng dẫn tôi hết, nhìn tôi sinh viên có vẻ tội nghiệp nên cũng bỏ qua, hợp đồng hoàn tất trong lúc tôi vẫn còn run.
Dần dần Ngọc Hà nhận nhiều dự án hơn, học hỏi được nhiều hơn, có lần chị thực hiện dự án lớn, dịch đến mấy triệu từ cho một bản game phát hành tại Việt Nam. Công việc này đem lại thu nhập cũng khá, thừa để lo chi phí cuộc sống với một cô sinh viên, nhưng không khiến chị vẫn thỏa mãn. "Tôi kinh doanh thêm cả shop thời trang, nhà hàng Âu – Á… vì tôi cảm thấy ngồi làm mỗi dịch thuật thì hơi chán, ngoài ra cũng cảm giác thiếu thiếu gì đó khiến mình trưởng thành hơn. Mở cái gì ra thấy thuận lợi một chút tôi lại mở thêm cái khác nữa, nên sai lầm lúc ấy của tôi là hơi tham, và nghĩ rằng cứ thử làm xem sao, đời đẩy mình đến đâu thì tới đó thôi".
"Mọi người nghĩ tôi nhiều tiền lắm, sự thật là tôi phá sản như chơi domino!"
Cùng một lúc, bà chủ trẻ “chạy sô” cả đống thứ do mình mở ra: công ty dịch, shop thời trang, nhà hàng Âu – Á, 1 cái pub ở phố tây Bùi Viện, kinh doanh cơm văn phòng theo kiểu 2tek… Bỗng nhiên Hà nhận ra, đội ngũ vận hành tất cả các dự án đó khá yếu, và bản thân chị chưa đủ giỏi, chưa đủ khả năng, kinh nghiệm, chưa có tư duy tầm nhìn đủ sâu. Nên theo quy luật tất yếu, các dự án đó fail dần.
Doanh thu về không đủ so với chi phí bỏ ra để duy trì, bắt đầu từ tháng 10/ 2014, các dự án lần lượt phá sản. Ngoài ra, cũng có nhiều nguyên nhân khác nữa, như cái pub ở phố Tây gặp vấn đề phức tạp về an ninh – xã hội, đội ngũ bếp nhà hàng Á- Âu không chuyên nghiệp, họ vui thì nấu ngon, họ chán thì nấu dở… và áp lực từ phía khách hàng, không có tiền xoay vòng vốn nữa. Rất rất nhiều thứ trộn vào nhau, thành mớ hỗn độn khiến Hà kiệt sức, chịu không nổi. Tháng nào cũng phải xoay đến mấy trăm triệu từ cái này để đập vào cái khác, bài toán kinh doanh với một cô gái học Văn + ngoại ngữ như chị vào lúc ấy trở nên bế tắc.
"Chẳng hiểu sao tôi vẫn có sức để cố gồng mình lên, nghĩ là đâm lao thì phải theo lao. Các bạn thử tưởng tượng, ở độ tuổi 24 – 25, còn quá trẻ so với cuộc đời rộng lớn ngoài kia, tôi đã làm mọi cách để xoay sở một núi tiền, với cả trăm con người phía sau lưng. May mắn là tôi có bạn bè, và những em nhân viên ngoan ngoãn, luôn thông cảm, thấu hiểu và tin tưởng tôi. Có một kỉ niệm tôi nhớ mãi, gần phá sản rồi mà vẫn ôm bụng cười được. Đó là ngày cuối cùng ở nhà hàng, sau khi các em nhân viên đóng cửa rồi, treo biển viết bên ngoài là “Nhà hàng tạm đóng cửa để sửa chữa vô thời hạn”. Không biết sao có người đứng ngoài ném đá vô, các em ấy sợ quá gọi cho tôi. Ném đá xong người ta chửi rầm lên “nhà hàng lừa đảo, bán deal rồi đóng cửa, lại còn viết chữ xấu quá trời”. Mấy chị em ôm nhau vừa cười vừa khóc.
Khi tôi đóng cửa cả 5 dự án kinh doanh thua lỗ, trên vai tôi là một khoản nợ khổng lồ, khoảng 6-7 tỷ đồng, bao gồm cả nợ ngân hàng, nợ ngắn ngày – dài ngày, nợ bạn bè, thế chấp nhà, vay lãi... Bạn ngạc nhiên quá à? Không sao đâu, trải qua rồi nên giờ tôi thấy bình thản lắm, mà tôi nghĩ cách kiếm tiền trả nợ đàng hoàng mà, đâu có quỵt người ta. Nhưng mất mát lớn nhất là bạn bè, đối tác mất lòng tin, chán nản, không muốn làm chung với tôi nữa. Bản thân tôi cũng rất hoang mang. Tôi phải sang nhượng, thậm chí dỡ bỏ những thứ mình từng tâm huyết xây dựng nên. Có một cửa hàng mà tôi cùng góp vốn đầu tư gần 2 tỷ, nhưng sang nhượng với mức giá… chưa đến 200 triệu, lại còn đến 5 lần 7 lượt mới xong. Tôi xót lắm, nhưng cần phải bán đi để lấy tiền trả lương nhân viên chỗ khác. Đau đầu, mệt mỏi. Thế mà người đặt cọc đến phút cuối báo lại rằng, anh không mua nữa, em thông cảm. Tôi sốc, thức cả đêm. Rồi trời vẫn sáng thôi, và tôi đã hứa hôm ấy sẽ trả nợ lương nhân viên, trễ 15 ngày rồi, nên tôi lao đi vay lãi. Tôi sợ nhất là nợ lương, vì tôi hiểu, bản thân mình đi làm cũng vậy, không có tiền thì sống sao được?".
Cả quá trình đi đến phá sản của Ngọc Hà kéo dài đến mấy tháng. Từng đứa con tinh thần của chị và cộng sự, lần lượt chị phải tự tay giết chúng đi... "Tôi tuyệt vọng và nghĩ, tại sao ông trời lại đối xử với mình như thế? Phá sản 1 lần chưa đủ, chết 1 lần chưa đủ, còn “dí” đi “dí” lại lại đến 3-4 lần! Mọi thứ cứ dồn vào nhau, chồng lên nhau, cảm giác như bị tuyệt hết đường sống. Nhưng có gặp khó mới rõ được lòng người. Tôi may mắn có nhiều bạn bè rất tốt ở bên, sẵn sàng giúp đỡ tài chính, bố mẹ làm chỗ dựa, và một số em nhân viên theo tôi như chị em ruột. Có cô bé làm với tôi đến 4 năm trời. Phá sản, em ấy không bỏ tôi, cũng không chê tôi, vẫn lặng lẽ cùng tôi vượt qua tất cả khó khăn buồn tủi, nên khi tôi được mời về quản lý một nhà hàng, tôi đưa em ấy theo làm trợ lý. Tôi nợ một bé nhân viên làm cùng với em ấy 800k tiền lương, mà mẹ bé kia gọi điện mắng chửi hẳn tiếng rưỡi đồng hồ. Nhìn bé ấy khóc, tôi buồn lắm, thực sự cảm thấy mình phải làm gì đó để không bao giờ có chuyện như vậy xảy ra nữa".
Thất bại là mẹ thành công
Sau khi nhận lời về quản lý nhà hàng của anh bạn thì Hà đã giúp doanh thu ngay tháng đầu tiên tăng gấp đôi. Mọi người vô cùng ngạc nhiên, choáng váng, và coi nó như một kỳ tích vậy. Bản thân cô gái 8X thấy mình cũng không quá đặc biệt, chỉ là có chút kinh nghiệm, cộng thêm việc biết cách truyền thông để đẩy khách về nhà hàng, như các page review địa chỉ ăn uống uy tín mà các bạn trẻ yêu thích trên facebook, tối ưu hóa search google… để quảng cáo hiệu quả thôi. Hà cười kể, lúc chị nhắn mọi người rằng chuẩn bị đi nhé, tối nay khách sẽ đến rất đông, không ai tin chị cả. Đến khi cả nhà hàng chật kín, đồ ăn hết veo, chị thở phào nhẹ nhõm trong ánh nhìn vẫn còn nguyên sự kinh ngạc của mọi người, kiểu “trời, bà Hà ghê quá”, “ôi bà Hà hay vậy, sao bà ấy biết khách sẽ đổ về”… Tuy nhiên, cô gái nhiều khát vọng vẫn muốn sở hữu cái gì đó của riêng mình.
"Tôi bắt tay vào tìm hiểu mặt hàng mới, tái cấu trúc lại hệ thống kinh doanh của mình. Tôi cần tiền để trả nợ, nên tôi nhận thấy bám trụ với ngành F&B – dịch vụ ăn uống là hợp lý nhất, vì dòng vốn sẽ xoay vòng trong ngày. Bán ngày nào thu tiền ngày đó, bạn sẽ có tiền cho các kế hoạch ngắn hạn. Tháng 10/2014 phá sản, thì 11/11/2014 tôi mở cửa hàng gà đầu tiên. Lúc mới khai trương, một ngày bán được vài triệu thôi nhưng có tiền là tốt rồi. Mấu chốt của việc tôi phá sản cả dây chuyền là vì dòng tiền bị gãy, tôi cứ đầu tư ra mà thu về không đủ, thậm chí bị giữ tiền ở chỗ khác, nên thất bại. Đến khi thành lập công ty chuyên về đồ ăn, tôi rút kinh nghiệm sâu sắc, và thấy mình đã đi đúng hướng.
Tôi đặt ra một số tiêu chí, như là bán món gì, chất lượng ra sao, menu thế nào… và cuối cùng nghĩ ra mô hình cửa hàng về gà, cố gắng chọn các món độc đáo không ai bắt chước được, đủ bình dân và đủ quen thuộc để khách hàng tìm đến thưởng thức, không phụ thuộc tay nghề bếp để tránh thất bại như hồi mở nhà hàng Âu – Á. Khách ngày càng đông, đến ăn rồi khen ngon, người này bảo người nọ, uy tín tăng lên, tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó".
Sau khi gà thành công, Hà tiếp tục mở cửa hàng chuyên về bò, 2 chuỗi cửa hàng đồ ăn ra đời và lần này chị đã gặt hái được trái ngọt, doanh thu 1 tháng vừa đủ để không phải chạy đi vay hàng ngày nữa, và đủ tin cậy để các chủ nợ biết chị sẽ trả tiền dần dần được, không cần ráo riết truy lùng!
Hiện tại cửa hàng gà của Ngọc Hà có khoảng 15 chi nhánh tập trung ở Sài Gòn, mới mở thêm 1 cái ở Hà Nội. Còn cửa hàng bò mới triển khai ở Sài Gòn thôi. "Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ cố gắng hết mình để phát triển 2 thương hiệu này, và nhất định sẽ không để xảy ra chuyện phá sản thêm lần nào nữa. Có một sự thật tôi không dám nói với ai, đó là tôi rất vụng nấu ăn, không thích nấu, cảm thấy chẳng có chút tài nữ công gia chánh nào. Nhưng tôi lại chọn theo đuổi ngành ăn uống, có vẻ hơi mâu thuẫn nhỉ? Đó là vì tôi muốn khi đói có thể kiếm được chỗ ăn ngay mà không phải nấu thôi (xin lỗi chồng tương lai).
Thỉnh thoảng facebook cứ báo ngày này năm xưa ý, có những khoảnh khắc cũ, xem lại mà xúc động, và cũng thấy phục chính mình nữa, chông gai như vậy mà tôi có thể vượt qua hết. Đến bây giờ vẫn còn nhiều khó khăn lắm, số nợ kia tôi mới trả được 30-40% thôi, nhưng tôi thấy mình thay đổi rất nhiều từ sau những biến cố ấy, không còn tự cao, nóng nảy, liều lĩnh nữa, thay vào đó tôi điềm đạm hơn, trưởng thành hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn khi đối mặt với những kế hoạch mới, và sở hữu khối tài sản khổng lồ là những bài học quý giá không gì đánh đổi được".
Chị không còn là Ngọc Hà bồng bột nữa, mà là một Ngọc Hà có trách nhiệm với rất nhiều người khác, và trách nhiệm với chính đứa con tinh thần của mình.
BẢO HÒA