Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,487,899 lượt

Chuyến về nhà của Huyền

Một chiều cuối tháng 7. Mưa bay lất phất. Tôi nhận cuộc gọi từ Trưởng Ban tổ chức chương trình “Gói tình Shark Liên – Gửi nghĩa đồng bào”, nhờ tìm hiểu về trường hợp của Huyền thông qua người kết nối tên là Bảo. Nhận nhiệm vụ. Tôi gọi ngay cho Bảo. Anh không phải chồng. Người thân cũng không phải. Anh chỉ là hàng xóm. Thấy gia cảnh Huyền đáng thương nên giúp đỡ.

 

Huyền và hai con nhận hỗ trợ từ thiện

 

Huyền sinh năm 1980. Cô là con gái duy nhất của ông Chanh và bà Tư. Quê ở Sóc Trăng. Thời trẻ, Huyền có mối tình đẹp với một người đàn ông. Cô lần lượt sinh hai đứa con kháu khỉnh. Những tưởng lời thề non hẹn biển sẽ đưa con thuyền tình cập bến bờ, ngờ đâu, hạnh phúc chưa được bao lâu thì họ chia tay. Huyền trở thành mẹ đơn thân, nuôi hai con thơ dại.

Ba năm trước, cả gia đình năm người dắt díu nhau lên Sài Gòn thuê trọ ở hẻm 104, quốc lộ 13 cũ. Ông Chanh làm thợ hồ, sau bị tai biến, phải ở nhà. Bà Tư phụ trách cơm nước nội trợ, chăm sóc chồng và hai cháu ngoại. Riêng Huyền tìm được công việc ổn định trong ngành in lụa. Một mình bươn chải lo cho cả gia đình. Cuộc sống lam lũ, thiếu thốn đã sớm lấy đi nhan sắc của Huyền. Mới hơn 40 xuân xanh mà cô nom như người đàn bà trung niên đang bước vào tuổi xế chiều.

Khi thành phố bước vào đợt sóng thứ tư. Dịch bệnh tàn khốc như chiến tranh. Mọi nơi đều là chiến trường với dây giăng, rào chắn. Ba tháng giãn cách, Huyền không có việc làm. Những nếp nhăn lớn nhỏ đuổi nhau xuất hiện. Chút tiền tằn tiện cuối cùng cũng kiệt. Năm miệng ăn chỉ còn biết trông chờ vào lòng tốt của mạnh thường quân.

Những ngày Thủ Đức trở thành “điểm nóng” với số ca nhiễm tăng cao. Hẻm 104 cũng bị đánh úp. Nhiều phòng trọ san sát nhau lần lượt mắc covid-19. Gia đình của Huyền không may nằm trong số đó. Huyền và hai con được y tế phường đưa đi cách ly, điều trị tại Khu Bình Minh, phường Linh Trung. Hai ông bà tuổi cao sức yếu, lại có bệnh nền, dù được y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng không qua khỏi sau vài ngày ho sốt. Bà Tư mất ngay tại nhà. Ông Chanh trút hơi thở cuối cùng sau vợ một ngày, khi đang điều trị tại bệnh viện.

Thảng thốt với mất mát quá lớn bất ngờ giáng xuống, Huyền ôm hai con khóc không thành tiếng. Làm sao cô có thể ngờ được ngày chia ly cha mẹ già lại chóng vánh đến thế! Đối với các nạn nhân qua đời vì Covid, họ hầu hết ra đi trong đơn độc, không người thân, không lời trăn trối. Huyền chỉ kịp biết tin mà không thể có mặt để tiễn đưa. Mọi thủ tục hỏa táng cho cha mẹ đều do chính quyền địa phương lo liệu. Đối với Huyền, đây là nỗi ám ảnh day dứt khôn nguôi. Cô luôn tự trách mình chưa làm tròn đạo hiếu.

Hiểu và thương. Ngay khi ba mẹ con từ khu cách ly về nhà, tôi vội nhờ anh Tuấn – một người thân quen tìm thuê bằng được chiếc xe ba gác chở đủ gạo, rau quả hơn 50 phần đến khu trọ. Ba phần cho Huyền, còn lại giúp đỡ bà con khó khăn trong các dãy nhà đang có người bị cách ly. Tôi cũng trình bày hoàn cảnh của Huyền với Ban tổ chức. Lên kế hoạch cho Đoàn tới thăm nhà cô. Huyền cúng thất rước hai hũ tro cốt của cha mẹ ở chùa về nhà trọ.

 

Con trai Huyền thắp hương cho ông bà trên bàn thờ được lập tạm, chỉ có 4 chén cơm trắng cùng bát nhang đơn sơ. 

 

Huyền cúng thất rước hai hũ tro cốt của cha mẹ ở chùa về nhà trọ

 

Căn trọ 12m² ọp ẹp, ẩm thấp nằm sâu bên trong xóm lao động nghèo bóp nghẹt trái tim chúng tôi. Trên bàn thờ được lập tạm không có nổi di ảnh để Huyền và các cháu hương khói. Chỉ có bốn chén cơm trắng cùng bát nhang đơn sơ. Hỏi ra mới biết tro cốt các cụ đang gửi tạm ở ngôi chùa gần nhà. Hình thờ ông bà, Huyền cũng không có tiền để rửa.

Suốt cả buổi thăm viếng, Huyền chẳng nói được gì nhiều. Cô chỉ khóc và khóc. Cầm số tiền của Đoàn trao, cô nghẹn ngào: “Có được 10 triệu đồng này, em sẽ rửa hình thờ, mua chút thịt cúng thất, thu xếp đưa cha mẹ về quê”.

Một thời gian sau, chia sẻ với tôi, Huyền nhắc đi nhắc lại chuyện về quê. Cô nói dẫu sao về nhà mình vẫn hơn là trọ lại Sài Gòn khi chẳng còn gì.

Sau ngày 1/10, Sài Gòn nới lỏng giãn cách, thành phố như được hít thở bầu không khí tươi mới. Tiếng chuông đồng hồ nằm ở cửa Đông chợ Bến Thành bỗng chìm lẫn giữa ồn ào còi xe phố xá. Huyền khắc khoải, rời xa nơi này rồi không biết đến bao giờ cô và hai con mới có thể quay lại. 

Ánh mắt Huyền nhìn xa xăm…

Dòng người đổ về các tỉnh miền Tây chật kín những cung đường. Chiếc xe cà tàng bị chết máy liên tục. Huyền đèo hai con, vừa đi vừa nghỉ mệt. Hành trang không có gì ngoài tờ kết quả xét nghiệm âm tính, bài vị và hai hũ tro cốt, cùng một ít quần áo. Dọc đường, ba mẹ con được người dân ven quốc lộ phát cơm, nước, sữa, đổ xăng miễn phí. Chính quyền tạo điều kiện cho về quê.

Sau một ngày dài, cả ba đã về tới mảnh đất hương hỏa.

Căn nhà cấp bốn dột nát đã lâu không được cải tạo tu sửa. Mạng nhện giăng đầy. Trong nhà mà như ngoài sân. Nắng điểm danh từng viên gạch vỡ. Rêu xanh phủ kín góc chân tường. Nước mưa chảy tứ phía… Huyền xót xa, tự nhủ: “Bây giờ không còn cha nữa, không ai leo lên nóc nhà vá lại miếng tôn rách, chống đỡ cây cột nghiêng”.

Hàng ngày ba mẹ con quanh quẩn cùng nhau. Sáng ra sau vườn mót rau dại. Trưa ra con kênh trước nhà bắt ốc mò cua. Chiều lót dạ với khoai lang khoai mì. Sống lay lắt qua bữa. Những hôm cánh chuồn sà xuống thấp, tụi nhỏ rộn vui. Sau trận mưa đêm, cá rô đua nhau nhảy lên bờ. Ba mẹ con lại được bữa cơm có cá.

Nhìn con, trái tim Huyền được xoa dịu bởi những điều bé nhỏ, bình yên. Thầm mong khoảnh vườn, ruộng lúa, bờ hoa… che chở, sưởi ấm ba mẹ con vượt qua những ngày khốn khó.

(Cho Huyền – Sài Gòn, 24.10.2021)

Top