Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,964,792 lượt

Tình Sài Gòn cưu mang tôi, nay tôi gửi lại Sài Gòn

72 ngày trao đi hơn 300 tấn gạo, 50.000 gói nghĩa tình, 242.000 đồ hộp các loại và hàng chục nghìn nhu yếu phẩm khác… Đó không chỉ là những con số len lỏi âm thầm vào 312 phường xã, các bệnh viện dã chiến ở TP.HCM dưới sự hỗ trợ, đồng hành của Cục chính trị Quân khu 7… Hơn hết, đó là mệnh lệnh từ trái tim nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, từ đôi mắt trông ngóng của đồng bào trong cơn nguy khó đã được bà ân cần “gửi nghĩa”.

Ngày 9-7-2021, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Từ CHLB Đức, bà Đỗ Thị Kim Liên chuyển khoản 100 triệu đồng về ủng hộ chương trình “1.000 suất ăn miễn phí/ ngày hỗ trợ cho nhóm truy vết Covid” do ông Đặng Hồng Anh–Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khởi xướng. Nhưng lòng bà lại cồn cào bởi một cơn sóng ngầm chạy dọc huyết mạch. Bà bứt rứt: “Bấy nhiêu đó làm sao đủ?”.

 

 

Không có thời gian chần chừ

Bà trằn trọc suốt một đêm 17-7-2021. Nhưng đêm không đủ dài để bà hồi đáp, trấn an nỗi lo của bà con trong từng dòng tin nhắn thắt ruột, đau nhói tâm can tại quê nhà.

Khi lướt facebook và nhìn thấy tấm hình một cụ già vô gia cư nằm co ro dưới gầm cầu Điện Biên Phủ, bà bật khóc: “Biết đâu trong lúc khó khăn, họ đang chờ bàn tay ai đó thương tình nắm lấy giống hệt như tôi của ngày xưa?”. Những câu hỏi không ngừng chất vấn, xoắn lấy tim bà.

Trong giấc mơ chập chờn, bỗng hiện lên tiếng nói thẳm sâu trong một “Liên” nào đó: “Hãy làm gì gửi nghĩa quê hương, gửi nghĩa đồng bào, gửi nghĩa Sài Gòn!”.

Và tựa như mạch nước tách đất cuộn trào, ngày 18-7-2021, bà tạo một nhóm zalo. Đặt tên “Chương trình cứu trợ đồng bào” khi mặt trời chưa ló dạng. Tôi là một trong những người đầu tiên được giao nhiệm vụ trực chiến đường dây nóng. Số điện thoại cá nhân của tôi cũng trở thành cầu nối để bà con gửi gắm niềm tin.

Nhiều người dân đang đói khổ, chúng ta không có thời gian chần chừ”, bà ra lệnh cho Ban tổ chức.

Trong một buổi sáng, chúng tôi cùng bắt tay vào việc. Người liên hệ đàm phán giá cả hàng hóa với các nhà cung ứng nguồn thực phẩm. Người liên hệ với các cấp chính quyền địa phương để nắm rõ tình hình dịch bệnh. Người tập trung đội ngũ thực hiện, chia thành nhiều nhóm nhỏ, một nhóm lo sắp xếp hậu cần, điều xe, gói quà; một nhóm ra trận đến các điểm có người dân cần giúp đỡ; một nhóm phụ trách cập nhật trên tất cả nền tảng thông tin để lan tỏa chương trình và nối dài những cánh tay nhân ái; một nhóm kiểm tra chất lượng hàng cứu trợ, báo cáo tiến độ…

Chúng tôi chọn địa bàn phường 19, quận Bình Thạnh để khởi hành chuyến cứu trợ đầu tiên vào buổi chiều cùng ngày. Nơi đây tập trung nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang tá túc trong các xóm trọ nghèo. Đặc biệt khu ổ chuột bên cạnh con kênh Nhiêu Lộc từng cưu mang bà trong những tháng ngày tay trắng rời Bắc vào Nam lập nghiệp. Bà tâm sự: “Đến bây giờ, khi ăn một bát cháo đắt tiền trong nhà hàng sang trọng, tôi vẫn nhớ bát cháo trắng tía tô đặt trên cái ghế đẩu được hai vợ chồng bác chủ trọ bưng qua ngày tôi liệt giường vì bệnh. Lắm lúc tôi nghĩ, nếu ngày ấy không có bát cháo đó, không có từng viên thuốc hai bác đút cho, liệu tôi có còn sống để hôm nay gây dựng nên sự nghiệp?”. TP.HCM trở thành tình yêu khắc cốt ghi tâm của bà từ ngày đó. Và hai bác không họ hàng thân thích, không tình nghĩa đồng hương là ân nhân đầu tiên mà bà hằng tưởng nhớ.

Để chương trình được lan tỏa rộng khắp, bà quyết định gắn tên mình như một lời “cam kết nghĩa tình” với hàng triệu bà con. “Gói tình Shark Liên – Gửi nghĩa đồng bào” chính thức được công bố.

Với Ban tổ chức chúng tôi, bà căn dặn: “Của cho không bằng cách cho. Người nghèo họ tự trọng và rất dễ tổn thương. Vì vậy, gạo mua về phải nấu lên ăn thử, đồ hộp xin mẫu về nếm thử, sữa pha uống thử… Mình thử thấy ngon, thấy tốt mới hợp tác với nhà cung cấp để mua cho bà con dùng”. Bà tiếp lời: “Mùa dịch, không chỉ người nghèo mà người giàu cũng khóc. Mình giúp doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra cũng chính là giữ cho doanh nghiệp sống. Các nhà máy phải sáng đèn thì sau dịch mới có thể tiếp tục tạo công ăn việc làm cho người lao động”. Để tri ân nhà cung cấp đã bán giá rẻ, đồng nghĩa họ cũng là nhà hảo tâm, bà dặn nhóm chụp hình rõ nhãn hiệu từng mặt hàng, để về sau bà con biết đến, giúp doanh nghiệp sớm hồi phục.

Những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của bà cả trong và ngoài nước đều được truyền lửa mạnh mẽ. Trên các diễn đàn, rất nhiều người dù chỉ mới biết đến bà cũng chung tay “thắp lửa yêu thương”. Các con của bà đang sinh sống và học tập tại CHLB Đức cũng đồng hành ủng hộ chuyến hàng lên đến 20.000 Euro gửi về Việt Nam hỗ trợ kịp thời cho các bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM có thêm sức khỏe để bảo vệ đồng bào mình.

Mọi tâm lực, trí lực, sức lực bà đều dồn hết vào “chiến dịch” này.

 

 

Phải lo hậu sự cho người đã khuất

Giữa tâm bão dịch bệnh, mọi người dân được khuyến khích ở yên trong nhà. Nhưng với những mảnh đời tứ cố vô thân, mái hiên là nhà, vỉa hè là giường thì họ biết đi về đâu? Nguy cơ nhiễm bệnh rồi không may qua đời, ai sẽ lo cho họ phần hậu sự?

Nghĩ đến cảnh người đi trong sương lạnh, không vòng hoa, không kèn trống, đơn chiếc một hành trình, bà cương quyết: “Ban tổ chức thay mặt tôi trích từ ngân sách cá nhân tôi, trao 10.000 tấm thẻ hỗ trợ phòng biến cố tử vong với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp. Đại diện là Mặt trận Tổ quốc để hỗ trợ bà con tại địa phương. Đồng thời trao trực tiếp cho các trường hợp cá nhân/ những gia đình lưu lạc tha phương không có tên trong bất kỳ danh sách thường trú, tạm trú nào gọi về đường dây nóng xin hỗ trợ”.

Dịch bệnh tàn phá kinh hoàng, dù không muốn ai phải chết trong cuộc chiến này, nhưng làm sao tôi có thể ngăn những cánh chò nâu ngoài quảng trường Nhà thờ Đức Bà rụng xuống? Tôi chỉ có thể đỡ lấy điêu tàn bằng tất cả lòng thành và sự kính cẩn của một trái tim đàn bà trót mang nợ Sài Gòn”, giọng bà khàn đặc sau nhiều đêm trắng dõi theo từng bước chân tình nguyện viên đi về những hẻm sâu hun hút nơi có người vừa qua đời vì covid-19.

Và dù cho có đau đớn tột cùng, thì phía sau những cánh cửa nấc lên thành tiếng, luôn có sự động viên tinh thần và hỗ trợ sẻ chia từ bà.

Gia đình chị H. quê Sóc Trăng, tạm trú tại TP.Thủ Đức là một trong những hoàn cảnh ngặt nghèo không may mất cả cha lẫn mẹ chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi, đã phần nào được bù đắp bởi sự quan tâm, thăm hỏi từ bà.

Rất nhiều số phận bi thương như gia cảnh chị Huyền. Nhưng, cũng có trường hợp một cháu bé 13 tuổi, ngụ quận 4 sau một đêm mồ côi mẹ đã xin nhường lại suất hỗ trợ mai táng để giúp đỡ những người khổ hơn. Trong thư gửi tới Ban tổ chức, cháu bé viết: “Con không có ba, giờ con mất mẹ, nhưng vẫn còn bà ngoại nấu cho con bữa cơm, chiên cho con quả trứng. Còn có những em nhỏ xíu cũng chịu cảnh mồ côi, bơ vơ trong bệnh viện dã chiến. Con không là người bất hạnh duy nhất, cũng không phải người khổ nhất trong đại dịch này, nên con xin nhường lại số tiền 10 triệu đồng mà cô Liên đã cho con. Con nghĩ mẹ sẽ vui nếu ở trên trời mẹ biết con nhường suất hỗ trợ này cho người khác”.

Giữa tâm dịch, mọi người đều khó khăn, vậy mà đứa trẻ mang trên mình thương đau lại không ích kỷ lo cho phần riêng. Điều ấy khiến bà không giấu được niềm xúc động: “Một đứa trẻ đã sớm ý thức và có nghĩa cử cao đẹp, là một đứa trẻ trưởng thành. Cảm ơn cháu và tôi sẽ luôn đứng đằng sau hỗ trợ khi cần!”.

Vừa lo cho người mất tại TP.HCM, trái tim bà lại quặn đau khi nghe đâu đó cận thành phố có tiếng khóc xé trời. Trường hợp mẹ bầu 6 tháng tên T. (Thuận An, Bình Dương) khi nhắc lại còn bàng hoàng xót xa. Ngày 30-8-2021, cả gia đình T. bị F0 và điều trị gần 2 tuần, đến 13-9-2021 test lại cho kết quả âm tính và được về nhà. Sau đó T. thấy khó thở phải nhập viện lại và qua đời trưa 15-9-2021, để lại hai đứa con thơ ngơ ngác khóc đòi mẹ.

Ngày mai Ban tổ chức đến chia buồn với gia đình, trao ngay hỗ trợ của tôi, thắp hộ tôi nén nhang. Hai mạng người đó mấy em ơi!”, bà nghẹn ngào.

Bầy chim sẻ say sưa mổ thóc như chưa từng sợ hãi. Chúng nào hay biết virus Corona đã đẩy cả ngàn em nhỏ vào bi kịch mồ côi khốc liệt.

“Alo, đường dây nóng xin nghe…”, điện thoại cầm tay của tôi nóng ran theo từng hồi chuông kêu cứu. Có những cuộc gọi vừa hôm qua xin lương thực thì nay đã không còn liên hệ được nữa. Nó ám ảnh chúng tôi, cả trong giấc ngủ.

 

 

Nơi nghĩa tình đọng lại

Ở đoạn cuối hành trình, khi gửi đến Ban tổ chức chúng tôi lời xin lỗi, bà nói: “Tôi biết lẽ ra các bạn đã có sự lựa chọn khác, để được bình an cho bản thân và gia đình, nhưng không, các bạn đã sát cánh cùng tôi chấp nhận những giấc ngủ không trọn vẹn, những bữa ăn dang dở vội vàng, những nỗi niềm xa con nhớ mẹ, những hiểm nguy rình rập… Cảm ơn 30 cộng sự đã dầm dãi nắng mưa, sớm hôm lao mình đi qua 72 ngày lịch sử, thay mặt tôi trao trọn vẹn “gói nghĩa tình” đến đồng bào".

Chúng ta đều là chứng nhân. Chúng ta phải có trách nhiệm kể lại cho hậu thế về những tháng ngày khốc liệt và nghĩa tình; rằng Sài Gòn đã có hơn 14.000 đồng bào về nhà trong hình hài cát bụi; hàng chục ngàn chiến sĩ tuyến đầu đã đeo khẩu trang, mặc bảo hộ bước ra khỏi nhà cùng trái tim rực lửa; rằng bản đồ Sài Gòn đã có 160 ngày bị rạch nát bởi chằng chịt dây giăng, nhưng cũng đã có 160 ngày các chuyến xe lăn bánh đưa phần cứu trợ đến từng hẻm cụt đường cùng… Hãy dành những hồi ức tốt đẹp cho các chiến sĩ, tình nguyện viên đã tiến về trước bằng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đồng thời hãy mặc niệm cúi đầu trước những mất mát của đồng bào mình”, bà nhắn nhủ với chúng tôi ngay khi thành phố gỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Những ngày này, kính cẩn đốt nén nhang trầm tưởng nhớ người quen đã khuất, chầm chậm lần giở từng bức ảnh, thước phim về hành trình đã trải nghiệm, tôi thực sự biết ơn bà. Biết ơn vì những hy sinh thầm lặng bà đã tận lực “gửi nghĩa đồng bào” và chung sức cùng thành phố vượt lên nghịch cảnh.

Tôi khắc nhớ mãi lời bà nói: “Tình Sài Gòn cưu mang tôi, nay tôi gửi lại Sài Gòn”, như nói thay cho hàng triệu người con tha hương, trong đó có tôi, đang sống và gắn bó trên mảnh đất giàu nghĩa tình này.

 

******

Không dừng lại ở chương trình “Gói tình Shark Liên-Gửi nghĩa đồng bào”, hơn 30 năm qua, bà luôn cố gắng xây dựng những cây cầu dân sinh giúp giảm bớt khó khăn đi lại của người dân vùng sâu vùng xa; đem ánh sáng giáo dục đến với trẻ em vùng cao bằng việc xây dựng những ngôi trường khang trang tạo điều kiện cho các em học tập; hỗ trợ trùng tu nghĩa trang, xây đài tưởng niệm tri ơn các anh hùng liệt sĩ; xây tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách thông qua Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM; chăm sóc các cụ già neo đơn đến cuối đời… Đặc biệt, mỗi năm bà tham gia tài trợ trồng ít nhất 1 hecta rừng tương đương 5.000 cây xanh bản địa Việt Nam nhằm gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên khu vực đầu nguồn các con sông.

Chia sẻ về lựa chọn sống thiện và hành thiện, bà trải lòng: “Tôi muốn được nhớ đến là một người đàn bà tốt bụng. Chỉ cần còn một hơi thở, tôi vẫn đem yêu thương trao gửi hết cho người, cho đời. Với tôi,“Nghĩa đồng bào” là sợi dây duy nhất để chúng ta không bị xé rách trong giông gió. Tôi trân trọng những gì mình đang có và hàm ơn!

SG-2021

Top