Một lần đi công tác miền Tây Nam Bộ. Tôi được gia đình người quen thết đãi một món ăn mà thoạt nhìn vào nồi nước lèo thì nhầm tưởng là bún riêu cua. Nhưng càng nhâm nhi thưởng thức vị cay cay chua chua ngọt thanh hòa lẫn của me ngào, cà chua thái miếng, cùng các loại rau đồng nội được hái lên từ những con kênh rạch chĩu chịt... mới cảm giác là không phải. Bởi món ăn “lạ miệng” ấy có sức lôi cuốn mạnh mẽ từ màu nước vàng ươm như ong nhả mật đến cái giòn tan như khi ăn bánh đa nướng của con cua đồng vừa ráng dầu dậy lên thơm phức.
Cứ nghía qua một lượt các thành phần nguyên liệu nấu kèm với cua thôi đã hấp dẫn thèm thuồng lắm rồi. Tôi dọ hỏi bí quyết của món ăn để sau này còn có dịp ra chiêu “trổ tài” khao một bữa no nê với bạn bè. Nhưng chị vợ có nước da bánh mật xinh đẹp của cái làng “chó ăn đá gà ăn sỏi” ấy cứ tủm tỉm ra vẻ bí ẩn. Còn tôi dĩ nhiên là bị mê hoặc ngay từ giây phút đầu “ăn vụn” dưới bếp. Không háo hức muốn học lõm “nghề” sao được. Tôi nài nỉ mãi, thấy tội nghiệp, chị cũng xuôi lòng sổ toẹt hết ra.
Thay vì nấu nước dùng từ cá tôm như cách các bà nội trợ vẫn làm, chị khéo léo chế biến món lẩu cua để làm phong phú khẩu vị và cũng để giới thiệu nơi miền quê nghèo ấy vẫn còn những nguyên liệu dân dã tự đi hái được như bông điên điển, bông bí, bông so đũa, bông súng… và bắt cua về để nấu thành một món ngon như thế này.
Tôi đem tất cả những gì “tầm sư” được mang về Sài Gòn. Chưa kịp ra tay thì bất ngờ VTV1 "bắt cóc" ghi hình trên đài.
Dĩ nhiên, món lẩu cua đồng khi qua bàn tay mềm mại của tôi đã có sự thay đổi chút đỉnh, chứ không giữ nguyên vị bùn của miền sông nước nữa.
Dù vậy, tôi vẫn tự tin món lẩu mà tôi sắp trình bày ra đây có đủ những vị đời đặc trưng với những hỉ - nộ - ái - ố…
Để nấu một nồi lẩu cho 4 người ăn, chúng ta cần:
- 100gr gạch cua
- 300gr cua xay
- ½ kg cua đồng nguyên con
- 100gr tôm khô
- 1 con mực khô nướng
- 100gr me chua, sả bào và sả cây, hành tỏi bằm nhuyễn, nước mắm, muối, hạt nêm từ thịt.
- 2 lít nước suối tinh khiết
- 1kg bún tươi
- Các loại rau ăn kèm gồm: bông điên điển, bông bí, bông so đũa, rau nhút, bông súng, kèo nèo, cà chua, ngó sen muối chua.
- Bước 1: Đầu tiên chúng ta sẽ nấu nước lẩu. Nếu ở các vùng quê, ta có thể dùng nước giếng trong để nấu nước lẩu. Còn ở đây, tôi nấu bằng nước suối tinh khiết. Cho tôm khô mực xé nhỏ và đập dập 1 cây sả vào nồi nước nấu, chờ sôi hớt bọt đến khi nước thật trong. Sau đó lược lấy nước me cho vào nồi, thả cà chua thái miếng vào. Đun lửa liu riu. Nêm với 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê nước mắm, 3 muỗng cà phê hạt nêm từ thịt... để nước lẩu thơm ngọt hơn.
- Bước 2: Còn cua đồng nguyên con, chúng ta chọn loại cua nhỏ có thịt mềm ngọt. Phân nửa gỡ mai bỏ yếm, rửa sạch để ráo. Sau đó, xào cua với tỏi, hành tím, xả bằm, nêm với 1 muỗng hạt nêm từ thịt đến khi chín vàng đều là được. Xếp cua ra đĩa. Trang trí thêm vài nhánh hoa cho bắt mắt. Phân nửa còn lại đem lấy gạch cua để riêng ra, rồi tiếp tục dùng cối hoặc máy xay xay nhuyễn.
- Bước 3: Phần gạch cua cũng xào với dầu và hành tím, gia giảm thêm 1 muỗng hạt nêm từ thịt cho vàng thơm, rồi cho vào nồi nước lẩu để nồi nước có màu vàng ươm và cũng thơm ngon hơn. Riêng Cua xay, chúng ta sẽ lọc với khoảng ½ lít nước, đun sôi cho thịt cua chín vớt ra để ráo. Xếp cùng 2 thứ này, còn có bún tươi, dĩa rau các loại, chén nước mắm ớt cắt khoanh. Còn nồi nước lẩu, chúng ta muốn giữ nóng thì hoặc là cho lên bếp điện (nếu ở nhà) hoặc là cho lên bếp gas mi ni hay bếp cồn đun với lửa nhỏ (nếu đi dã ngoại).
Như vậy, chúng ta đã hoàn tất rồi đấy. Khi dùng, trước tiên, chúng ta cho các loại rau vào nồi lẩu để độ 2 phút cho rau vừa chín tới, gắp bún ra chén, xếp cua nguyên con hay xắn 1 miếng thịt cua cho vào chén. Chờ rau chín, múc cả rau và nước dùng vào chén bún. Vậy là đã thưởng thức được rồi.
Nếu muốn đậm đà hơn một chút thì chấm thêm với nước mắm ớt cắt khoanh.
Vậy là tôi đã hoàn thành xong món ăn dân dã LẨU CUA ĐỒNG.
Bạn có thấy vị giác của mình lúc này khan khác không?
Thường thì sau ba bữa tết khi chúng ta đã thực sự no xôi chán chè bởi những hương vị ngày xuân, giờ được thay đổi khẩu vị bằng món lẩu cua đồng lạ miệng này, chắc chắn vị giác của mỗi người sẽ được “làm mới" hoàn toàn đấy.
Nên nhớ vụ gặt của chúng ta trên những cánh đồng vàng ươm rơi vào khoảng tháng 3, đó là thời điểm mà người nông dân có thể thu hoạch cả một lực lượng hùng hậu nhà Cua, rao bán với giá cực rẻ tại khắp các khu chợ đầu mối của Tp.HCM.
Đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món ăn dân dã này từ chính đôi tay khéo léo của mình dành cho người thân, bạn nhé!
(Đã phát sóng trong chương trình SỨC SỐNG MỚI (VTV1, VTV4)