Chàng trai sinh năm 1993 sống tại TP Huế, pháp danh Trí Tâm, luôn sẵn lòng làm thiện nguyện, giúp những cảnh đời bất hạnh bớt nhọc nhằn…
Có một chàng trai ngày ngày đi xin sữa cho trẻ sơ sinh; sáng sáng phát ổ bánh mì cho người nghèo khó; rong ruổi khắp nơi hỗ trợ áo quan, lo hậu sự cho người đã khuất… bằng đôi chân khập khiễng, vẫn cười tươi và nói: "Tôi còn may mắn hơn bao người".
Chàng trai khuyết tật với trái tim ấm áp đó có pháp danh là Trí Tâm (tên thật Nguyễn Phan Tiến Dũng, sinh năm 1993), đang sống tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Vượt lên nghịch cảnh
Trí Tâm sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đáng thương. Nhà có 2 chị em. Người chị không may mắc bệnh Down từ nhỏ. Cha nát rượu. Mẹ buồn rầu bỏ nhà đi, để lại 2 con thơ dại cho ông bà nội chăm sóc.
Năm lên 8 tuổi, Tâm được bác sĩ chẩn đoán có khối u ở chân phải khiến các mạch máu bị tắc nghẽn, các cơ chi teo dần. Gia đình đành buông xuôi theo số phận.
Tuổi thơ gắn liền với những mặc cảm tự ti, bè bạn xa lánh. Phần vì cô độc, phần vì sức khỏe yếu, tá túc ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, Tâm nuốt nước mắt rời bỏ ước mơ cắp sách đến trường khi đang học lớp 8. Ông bà nội thương xót cháu trai bị tật nguyền cũng chỉ biết cố gắng tìm mọi cách đưa con chữ đến với Tâm, truyền dạy lòng hiếu thảo và khơi dậy sự thiện lương thông qua các hoạt động của gia đình.
Năm Tâm vừa tròn đôi mươi, khối u phát triển ngày một lớn, bác sĩ chỉ định cưa chân phải để giữ lại mạng sống. Từ đó, chiếc chân giả bằng gỗ làm bạn cùng Trí Tâm trên mọi nẻo đường.
Trong một lần cùng nhóm bạn đến các xã vùng cao ở huyện A Lưới trao quà từ thiện, thấy cảnh những em nhỏ mưu sinh co ro trong cái lạnh cắt da cắt thịt giữa mùa đông khắc nghiệt, Trí Tâm nảy sinh ý nghĩ vận động người quen và các nhà hảo tâm quyên góp quần áo không dùng nữa trao tặng lại cho người nghèo.
Nói là làm. Về Huế, Tâm cần mẫn đi chở từng bao đồ cũ. Ai cho gì lấy nấy. Không màng bệnh tật, ốm đau, hằng đêm khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, chàng trai tranh thủ phân loại quần áo, đem đi giặt ủi cẩn thận để kịp hôm sau trưng bày gian hàng giúp người nghèo lựa chọn món đồ phù hợp nhu cầu của họ. Những tấm áo, chiếc quần thơm mùi nước xả vải được đông đảo công nhân, người làm thuê, khuyết tật, neo đơn, vô gia cư, trẻ lang thang đường phố… đón nhận đầy ấm áp.
Hồi tưởng về cái Tết năm đó, Trí Tâm xúc động: "Nhìn bà con cô bác cười tươi khi thử đồ, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc".
Ngã rẽ cuộc đời
Là một chàng trai nhanh nhẹn, thông minh, để có thể tự đi trên đôi chân mình, Trí Tâm được ông bà nội tạo điều kiện học nghề làm vàng mã.
Nhận thấy nghề này còn nhiều cơ hội, Tâm mạnh dạn kêu gọi sự giúp vốn từ người thân để mở cơ sở sản xuất riêng, đặt tên thương hiệu là Rin, cung ứng ra thị trường nhiều mẫu mã bắt mắt, có giá cạnh tranh cao.
Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, cơ sở Rin ngày càng có nhiều đơn đặt hàng. Không cần biết lời lỗ ra sao, cứ hàng xuất đi, Tâm đều trích ra chia sẻ với người khó khăn.
Hữu duyên với ai, anh giúp người đó - ít thì 50.000 đồng, nhiều thì 500.000 đồng đến 1 triệu đồng hoặc hơn, tùy vào từng hoàn cảnh.
Nói về chàng trai năng nổ, chịu khó, sư cô L.T - Viện Dưỡng lão chùa Tịnh Đức - nhận xét: "Cậu Tâm tốt tính, hiền lành, chu đáo với các cụ ở đây lắm. Thường xuyên lui tới làm công quả, nấu cơm và đưa các y - bác sĩ đến thăm khám bệnh cho các cụ như người nhà".
Trí Tâm đặc biệt quan tâm đến trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại các mái ấm. Không quan tâm những lời dị nghị, anh đi xin từng hộp sữa, bịch tã dành cho trẻ nhỏ. "Từ nhỏ, tôi đã thiếu tình thương của cha mẹ, nên thấy mấy đứa trẻ bất hạnh là thương lắm. Nếu được làm điều gì đó cho các con, tôi luôn sẵn sàng. Miễn sao các con có sữa uống là tôi an lòng!" - anh nói.
Chị T. - Trung tâm Bảo trợ xã hội Hoa Sen - cho biết: "Anh Tâm rất quan tâm, gần gũi với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ không nơi nương tựa... đang sống tại đây. Anh hết lòng yêu thương các cháu và các cháu cũng coi anh như người thân".
Thấy tôi ngạc nhiên khi người lạ lấy ổ bánh trong tủ bánh mì đặt trước cửa nhà ra ăn ngon lành mà không trả tiền, Tâm nói: "Ai cũng có lúc đói lòng, chỉ mong có được ổ bánh mì lót dạ". Thì ra đó là bữa ăn miễn phí dành tặng người nghèo mà Tâm cố gắng duy trì vào mỗi sáng.
Kết nối cộng đồng lo cho người ngặt nghèo
Người lành lo cho nhau còn khó vậy mà nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo đã được anh Tâm đứng ra vận động cộng đồng mua áo quan, hỗ trợ hậu sự khi họ ra đi.
Tâm cho biết xuất phát từ bản thân sinh ra kém may mắn nên càng thấu hiểu sự mất mát, bi thương của người khác. Đời người ai không mong "sống cái nhà, già cái mồ" nhưng mấy ai được trọn vẹn. Vì lẽ đó, dù chặng đường đi lại có xa xôi cách trở, chàng trai cũng quyết đến thắp hương cho người quá cố, hỗ trợ chi phí tổ chức tang lễ tươm tất cho họ.
Gần đây nhất là trường hợp anh Trần Văn Đông (ngụ thôn 5, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị đột quỵ và mất, để lại 2 con côi cút. Anh Đông là "gà trống nuôi con", vợ bỏ nhà đi trong mùa dịch COVID-19, nhà nghèo nhất xã.
Khi được Tâm thông tin về hoàn cảnh của anh Đông, tôi (tác giả) đề nghị cùng đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp trên trang Facebook Lọ Lem Đất Võ. Chỉ trong 2 ngày, số tiền thu về được hơn 32 triệu đồng. Vượt qua chặng đường dài hơn 60 cây số, Tâm lái xe ba bánh đến khu vực miền núi hẻo lánh để hỗ trợ tiền mua áo quan và giúp đỡ gia đình anh Đông chăm lo cho 2 cháu nhỏ.
Ông Phạm Văn Núy, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Long, cho biết: "Địa phương chúng tôi rất cảm kích tấm lòng của các nhà hảo tâm, đặc biệt là anh Tâm. Đi lại khó khăn như vậy mà anh vẫn đến chia sẻ cùng gia đình chú Đông, thật sự biết ơn anh nhiều".
"Họ cũng là con người như chúng ta. Đâu ai muốn ngày nhắm mắt xuôi tay phải lay lắt trong tấm chiếu. Mình lo được cho họ có áo quan chôn cất tử tế, coi họ như ruột thịt thì dưới suối vàng họ cũng được an ủi phần nào" - Tâm trải lòng.
Cứ thế, bao năm qua, chàng trai khuyết tật ấy đã sưởi ấm nhiều số phận hẩm hiu về bên kia thế giới.
Ước mơ về mái ấm cho trẻ mồ côi
Trên hành trình thiện nguyện, nhìn các cặp đôi khuyết tật có được mái ấm hạnh phúc, Tâm cũng mơ ước có một gia đình nhỏ như thế. "Tôi chưa từng biết thế nào là một gia đình hạnh phúc. Nhưng tôi cũng không ngừng hy vọng về một tổ ấm bên cạnh người vợ hiền và những đứa trẻ của riêng mình. Trước mắt, tôi sẽ dành quỹ thời gian của mình cho những việc làm tử tế" - Tâm nói.
Nguyện vọng của Tâm là xây dựng một mái ấm nuôi dạy trẻ mồ côi. Nhìn về căn nhà lụp xụp bị đưa vào diện quy hoạch giải tỏa, ánh mắt anh lóe lên tia hy vọng: "Nếu được nhà nước đền bù cho mảnh đất 60 m2 trong thời gian tới, tôi sẽ hiến tặng lại cho công tác từ thiện xã hội".
Những ngày cuối năm Quý Mão, Trí Tâm tất bật vận động quyên góp hỗ trợ quà Tết để kịp trao cho bà con nghèo phường Hương An, TP Huế. Anh nói nơi đây dù là phường nhưng bộ mặt đô thị còn đơn sơ, người dân khó khăn còn nhiều. Anh mong có thể đem lại một cái Tết ấm áp hơn cho họ.