Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,034 lượt

Giáo dục con trẻ: Không chỉ trách nhiệm của nhà trường!

Nhân câu chuyện Giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh, đang gây bức xúc dư luận vì sự tha hóa đạo đức và là một "cú tát" vào truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, tôi xin kể ra đây một câu chuyện của gia đình tôi.

Năm ngoái, trong lúc tác nghiệp bên ngoài, tôi bất ngờ nhận được một cuộc gọi xin lỗi từ giáo viên chủ nhiệm của con trai. Cô giáo nói rằng “Vì trò L ở lớp hiếu động quá, nên em đã phạt cháu 3 roi, nhưng lỡ tay làm bầm tím chân cháu. Em xin lỗi chị”.

Là một phụ huynh, dĩ nhiên khi nghe con trai bị đánh đau như vậy, ai mà không xót xa. Nhưng, tôi đã bình tĩnh hỏi rõ nguyên nhân nào cháu bị phạt nặng như thế, rồi trấn an cô giáo “Tôi không trách giận gì cô cả, việc cô dạy cháu L bằng roi vọt cũng chẳng có gì sai. Tuy nhiên, nếu lần sau cháu có mắc lỗi, cô nên phân tích cho cháu hiểu hành vi sai phạm của cháu và nếu có dùng roi thì cô giáo chỉ nên đánh vào mông cháu, tránh gây tổn thương cháu ở những bộ phận khác, gây nguy hiểm cho cháu”. 

Sau khi nghe tôi trao đổi xong, cô giáo vui mừng ra mặt “Em cảm ơn Chị nhiều. Em sẽ rút kinh nghiệm”.

Buổi tối hôm đó, đi làm về, tôi gặng hỏi con trai “Hôm nay, ở lớp có gì vui không con?”. Cu cậu nói “Dạ vui”, nhưng nét mặt thì kém tươi và rất lo lắng. Tôi hỏi tiếp “Chân con bị đau nhiều không?”. Cu cậu tỏ ra bất ngờ “Sao mẹ biết con bị cô giáo đánh?”. Ôm con vào lòng, tôi bảo “Mẹ gắn camera trên lớp con, nên việc gì của con, mẹ đều biết hết. Chiều nay con nhảy lên bàn đùa giỡn với bạn là con sai. Cô giáo nhắc nhở con nhiều lần mà con không nghe. Bàn ghế là nơi để học tập, còn ngoài sân mới là nơi để các con vui chơi. Con có biết, tất cả mọi dụng cụ học tập của con đều có sự đóng góp kinh phí của mẹ không? Vậy nên con phải gìn giữ cẩn thận. Nếu con làm hư hỏng thứ gì, mẹ sẽ đóng tiền để đền bù thứ đó ”.

Từ lần đó, thỉnh thoảng tôi chủ động gọi hỏi thăm cô giáo về việc học tập, cũng như sinh hoạt của con trai. Điều làm tôi rất yên tâm, là con trai đã biết nghe lời cô giáo, ngày càng ngoan và học giỏi hơn.

Tôi nghĩ cách ứng xử của phụ huynh rất quan trọng, là tấm gương cho việc dạy dỗ, hình thành nhân cách của con em mình.

Tôi rất bức xúc trước hành động của phụ huynh ép cô giáo quỳ xin lỗi. Vì đó là hành vi xúc phạm nhân phẩm và làm nhục người khác. Tôi đề nghị pháp luật cần nghiêm trị anh bạn phụ huynh đảng viên này, để làm gương.

Tôi hiểu học sinh tiểu học chưa nhận thức hết việc quỳ là như thế nào nhưng đến khi lớn các em sẽ nhìn nhận lại, có thể “hận” thầy cô, cũng như định kiến xấu về nền giáo dục. Hậu quả trước mắt thấy rõ và những hệ lụy của nó có thể nhiều chục năm mới đến. Điều đó cũng không dễ dàng được xóa trong tâm hồn trẻ. Vì vậy, giáo viên cần cân nhắc và có phương pháp giáo dục phù hợp.

Tóm lại, giữa nhà trường và phụ huynh học sinh cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục con trẻ. Về phía nhà trường, nghiêm khắc trong giáo dục là cần thiết, thậm chí hình phạt cũng cần thiết, nhưng phải có giới hạn. Về phía phụ huynh, cần phải có thái độ đúng mực khi giải quyết sự việc, không thể dùng cái sai này để sửa cái sai khác, gây áp lực cho ngành giáo dục.

Qua sự việc này, cả nhà trường và phụ huynh cần rút kinh nghiệm. Đừng lặp lại hình ảnh phản cảm vừa xảy ra, để rồi làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Nên nhớ, con trẻ là tấm gương phản chiếu cha mẹ, thầy cô.

Top