Trước khi đưa ra phán xét một vấn đề nào đó, thường thì tôi sẽ suy nghĩ và phân tích tình huống câu chuyện đặt trong một bối cảnh, ngữ cảnh cụ thể. Sau đó, mới luận việc đúng - sai, tình - lý.
Đơn cử câu chuyện phỏng vấn nhanh sau đây:
* Tình huống 1:
- Hỏi: Là người Tây Sơn, bạn thích món ăn nào? Kể tên 3 món?
- Trả lời (theo quán tính): cơm, bún, bánh mì (Câu trả lời không sai, nhưng chưa chắc là câu trả lời làm hài lòng người nghe).
* Tình huống 2:
- Hỏi: Ở Tây Sơn, món đặc sản nào bạn thích ăn nhất? Hãy kể tên 3 món đó?
- Trả lời: Bún dé, Bánh hỏi lòng heo, Bánh cuốn Tây Sơn (Người nghe gật đầu tán thành liền)
Rõ ràng câu hỏi ở tình huống thứ 2 truyền dẫn thông tin đến người được phỏng vấn một cách cụ thể và đúng trọng tâm. Thì câu trả lời cũng sẽ được đưa ra chính xác hơn, làm người nghe đồng tình hơn.
Tuy nhiên, nếu người được hỏi đứng trước 1 câu hỏi bao quát, mông lung, không rõ mục đích như tình huống đầu tiên mà thời gian chỉ có vài chục giây để trả lời, thì kể cả là một nhà ngôn ngữ cũng khó có câu trả lời chỉn chu và như ý được.
Đó là chưa kể áp lực tâm lý trước ống kính, dễ khiến người chưa từng trải nghiệm nhiều trong cuộc sống bị lúng túng, sinh rối trí, dẫn tới việc đưa ra đáp án có phần chủ quan.
Xưa nay, người ta luôn soi câu trả lời nhưng chưa từng phân tích nghiêm túc câu hỏi đặt ra trong ngữ cảnh, không gian, thời gian đó như thế nào.
Nếu được cho điểm, thì tôi sẽ chấm điểm cho người đặt câu hỏi trước. Rồi mới xét tới câu trả lời.
Nói vậy, để thấy vai trò của người đặt câu hỏi cực kỳ quan trọng trong một cuộc phỏng vấn nhanh.
Tôi không dám cười chê người khác, vì mình cũng thuộc loại kém cỏi, chữ nghĩa làng nhàng. Nên là tôi thường phản ứng chậm lại, suy ngẫm trước, bình tĩnh bật chế độ “Double Check” thông tin, phân tích từng vấn đề một. Từ đó mới cân nhắc đưa ra quan điểm, để tránh việc bản thân nhìn nhận thiếu khách quan và bị luồng thông tin tiêu cực cuốn cảm xúc đi xa hơn.
Tôi cũng mong các bạn trẻ, nếu đã chọn nghề báo để dấn bước, hãy không ngừng trau dồi kiến thức, các kỹ năng, cả hành vi ứng xử. Chúng ta phải tôn trọng cái nghề của mình thì người khác mới tôn trọng mình được.