Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,243 lượt

Nghĩ về Bão

Không mong thì bão vẫn đến dù lớn bé, mạnh yếu, vì thế mà nó trở nên bình thường như mọi hoạt động trong đời sống của loài người. Chỉ có điều, khi ngồi tĩnh tâm, tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta lại không hành động theo cái sự tất nhiên ấy?

 

Cứ có tin bão là rối như canh hẹ, công điện khẩn gửi tới tấp, làm như bão nó sợ tập đoàn sản xuất văn bản tối cao. Rồi thì hùng hục đắp đê trong bão gió, tống bao cát vào những chỗ xoáy nước không đáy. Không biết có ai tổng kết tác dụng của những vụ đắp đê trong mưa bão, hay là giống như chữa cháy, chỉ chữa đến khi cháy hết thì thôi.

 

Xưa kia, ở khu vực nhiều bão lũ như dải đất miền Trung, người ta làm nhà sàn, đó là cho nước chảy bên dưới. Và ngày lũ là ngày hội của dân chúng, lũ cũng cuốn đi sâu bệnh. Năm nào không có lũ thì dân buồn, vì đoán sang năm tất mất mùa, tay trắng.

 

Cũng như người Nhật tự hào sống ở nơi động đất quanh năm, nhưng họ đã hoạch định cuộc sống để chủ động đối phó với động đất. Hay như người Hà Lan có thủ đô thấp dưới mặt nước biển, nhưng họ không phải dầm xe trên những con đường ngập nước như ở Hà Nội và TP.HCM.

 

Ít nhất nên nghiêm túc hỏi họ rằng họ đã làm thế nào? Phải chăng sai lầm của nhà nước ta là đi lệch lại với đời sống truyền thống trước đây của tổ tiên mình, không hoạch định đời sống, quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch dân cư theo đặc điểm từng vùng/ miền, chẳng hạn một năm ít nhất có 10 cơn bão quét qua, để từ đó đưa ra những biện pháp thích ứng với thực tế từng địa phương (?)

 

Đơn cử như vùng đồng bằng sông Cửu Long ngàn đời nay sống với mùa nước nổi. Nước nổi là ngày hội của dân chúng, bây giờ chuyển dịch cơ cấu sản xuất, làm cho đời sống truyền thống lệch đi, khoanh đê như miền Bắc, vậy thì chỗ nào không khoanh sẽ lụt, mà lụt to hơn.

 

Còn nhớ, các cụ nhà Nguyễn ra sức đào kênh, đó là cách sống chung vui với lụt, giờ lãnh đạo không cần chung vui, mà chống lại nó, khoanh đê lên… rồi khi mất mùa thì đổ tội cho cái nọ cái kia. Như Israel có một thẻo đất, sao người ta làm lúa xuất khẩu. Vấn đề là người làm lúa để người sống, chứ không phải sống để làm ra lúa rồi mất hết kho tàng thiên nhiên quý báu chỉ trong tích tắc.

 

Dường như nhà nước ta, nhân dân ta nói riêng đang ngày càng đi vào bế tắc mà rõ nhất, gần nhất là đối phó với cơn bão số 1, rồi số 2, số 3 mới đây. Hầu hết mọi người đều bị động với “cái hiển nhiên” xảy đến của thiên nhiên, để rồi phải trả giá bằng mạng sống của chính mình chỉ sau mấy ngày đêm.

 

Lạ một nỗi, ở nơi dự báo có tác động lớn thì trên thực tế lại nhỏ, nơi có dự báo nhỏ thì thiệt hại vô cùng. Phải chăng việc dự báo của chúng ta đã lạc hậu? Đây là bài học xương máu, là nỗi ám ảnh có tính cảnh báo mà theo tôi, nhà nước ta cần xem xét, nhìn nhận lại thực lực của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn TW.

 

Đã đến lúc phải đánh giá lại những vùng tâm bão, để đưa ra những quyết sách, kế hoạch mang tính thực tiễn hiệu quả, tránh lặp lại trường hợp bão đến rồi mới chống trong khi sức người có hạn, chống sao nổi thiên nhiên kỳ vĩ.

Ký tên

Người buôn gió

Top