Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,458 lượt

Bàn về 3 khía cạnh trong giáo trình dạy Tiếng Việt lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Quay lại câu chuyện của GS Hồ Ngọc Đại. Trên mạng xã hội đang nổi lên hai luồng ý kiến, một phía ủng hộ, một bên phản đối. Rất nhiều bài phản biện đã được đăng đàn, nhiều góp ý khen, chê mang tính học thuật cũng có mà chửi rủa miệt thị cũng nhiều. Vẫn như thường lệ, tôi giữ sự điềm tĩnh cần thiết nhất để tìm hiểu, đánh giá, nhìn nhận ưu khuyết một cách thận trọng. Bởi với tôi, khi ném một viên đá đi cũng cần có trách nhiệm và đó là cách hành xử văn minh.

 

Tôi đã nhẫn nại đọc qua khoảng hơn mười bài báo đề cập đến những vấn đề của Giáo trình công nghệ đã "sống" hơn 40 năm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nghiền ngẫm cả những điều ngoài giáo trình này, thậm chí tìm hiểu luôn về cuộc đời Ông cùng sự lựa chọn sự nghiệp giáo dục cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước thay vì làm Bộ trưởng.

Tôi tự hỏi thực sự trong cuộc "hỗn chiến" trên mạng xã hội đó, có bao nhiêu người có ý kiến nghiêm túc về khoa học? Bao nhiêu thành phần là vì lợi ích nhóm và bao nhiêu "anh hùng bàn phím" thuộc loại hiệu ứng đám đông?

Dĩ nhiên, con số thống kê đó rất mơ hồ, bởi sẽ chẳng có con số nào hiển thị. Và tôi cũng không rảnh rỗi để làm một cuộc khảo sát. 

Ở đây, tôi chỉ bàn về 3 khía cạnh, đó là: tính pháp luật, phương pháp và nội dung của giáo trình công nghệ này.

 

1. Về tính pháp luật:

Giáo trình đã tồn tại 40 năm rồi, nếu tốt sao không đưa vào áp dụng đại trà? Nếu không được sao không dẹp đi?

Lý do không được triển khai rộng rãi, đó là chuyện của mấy bộ ngành quản lý, tôi không biết. Nhưng nó không bị dẹp bỏ, chứng tỏ nó không có vấn đề sai hỏng.

Thử hỏi 40 năm biết bao nhiêu thế hệ, nếu có vài người chữ tác đánh thành chữ tộ hoặc người không ra người thì công an không những dẹp mà bỏ tù lâu rồi.

Vấn đề liên quan đến con người chứ đâu phải sản xuất phân bón giả mà bỏ xuống đất là lấp liếm được đâu?

Trong giáo dục, một chương trình nhiều giáo trình là bình thường.

 

2. Về phương pháp:

Phương pháp là của Giáo viên, phụ huynh không được can thiệp vào - Đúng. Phụ huynh chỉ cần biết kết quả giáo dục thôi; con mình biết 1+2=3 là được, đọc thông viết thạo là được. Nó đánh vần thế nào kệ nó, miễn sao nó nói đúng, tròn vành rõ chữ là được, sau này thành người lớn rồi có ai đánh vần nữa đâu?

Ở trường, cô dạy phép tính cộng bằng đếm ngón tay, bằng que tính, bằng những quả bóng… Phụ huynh có ý kiến là “Cô phải dạy con tôi làm phép tính cộng bằng các que tính, không được sử dụng những quả bóng vì nhà tôi không có những quả bóng nên tôi không thể dạy kèm nó được” _ Vớ vẩn (sau này biết cộng rồi thì có ai dùng que tính cộng đâu?).

Thiết nghĩ, mấy cái hình vuông, tròn, tam giác,... nó cũng chỉ là phương pháp. Giống như cái vòng tràng hạt của nhà tu hành. Sao không hỏi 10 hạt như nhau cả 10, vô tri vô giác sao các ông mỗi khi tụng kinh lại cứ phải ngồi lần nó? Xin thưa, nếu không có chuỗi tràng hạt thì nhà sư tâm không thể tĩnh để tụng kinh được, vì nó là vật để vin vào… còn mấy hạt tràng hạt đó chẳng là gì cả.

 

3. Về nội dung:

Giáo trình dạy tiếng Việt lớp 1 của Giáo sư vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, cách dùng từ còn mang nặng tính địa phương, ảnh minh họa chưa thực sự gắn liền với ví dụ đưa ra. Những khuyết điểm này, tôi nghĩ chẳng cần lặp lại vì các bài phản biện trên báo chí đã nêu rất rõ rồi. 

Theo tôi, khi soạn nội dung cho bài học, tác giả rất cần nghiên cứu kỹ văn hóa vùng miền, càng sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu với các em chừng nào tính hiệu quả càng cao chừng ấy. 

Tóm lại, một số nội dung trong giáo trình cần điều chỉnh một cách cẩn thận để cho phù hợp và hoàn hảo hơn, gần gũi với học sinh hơn nữa.

 

Nhân đây, tôi muốn trao đổi thêm đôi điều. Trước một vấn đề lớn như lĩnh vực giáo dục, hãy thận trọng, không vội phán xét ai hay điều gì cả; hoặc nếu có đưa ra ý kiến, nên góp ý trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt và trao đổi với tinh thần tương kính. Tôi nghĩ rằng, những lời miệt thị khi tranh luận dù từ phía nào, từ ai cũng đều rất dở, thậm chí nó làm xấu xí hình ảnh của bản thân người nói. "Cái tôi” nóng giận đến từ người có tri thức chưa bao giờ được cổ vũ, đồng tình, hơn hết xã hội rất cần những sự phản biện có tính logic, học thuật, thuyết phục, thấu hiểu và sẻ chia.

Điều đáng sợ nhất, có khi chưa đến từ phương pháp dạy và học, công nghệ này công nghệ nọ, mà đã đến từ khẩu nghiệp của mỗi người rồi.

Con trẻ đang nhìn vào cách hành xử của người lớn chúng ta mà học đó, thưa các quý Ngài!

Top